Hải đăng của Orca
Nói đến hải đăng có lẽ đa số các bạn nghĩ ngay đến truyện “The Snow Goose” hay “Con Chim Trốn Tuyết” của Paul Gallico hay “To The Lighthouse” của Virginia Woolf. Sợ bệnh dịch, đóng cửa nằm nhà, tôi đọc lại truyện Con Chim Trốn Tuyết. To The Lighthouse có sẵn trên kệ sách, đọc một vài trang, bây giờ lôi ra đọc lại, vẫn thấy không thể tập trung đọc cho đến hết. Rồi tôi ngủ quên.
Trong Con Chim Trốn Tuyết, nhân vật chính là Philip Rhayader, mua khu đất đầm lầy có ngọn hải đăng lúc anh 27 tuổi. Ba năm sau cô bé Fritha, 12 tuổi, ôm con chim bị thương đến để anh chữa trị. Có nghĩa là Philip 30, lớn hơn Fritha 18 tuổi. Một sự chênh lệch khá xa nhưng vài năm sau, cô bé gầy gò, nhếch nhác, trở nên một thiếu nữ mảnh mai xinh xắn thì một mối tình âm thầm nảy nở giữa hai người. Đọc lại thấy lúc trước mình không chú ý một chi tiết khá quan trọng. Anh Philip Rhayader là một trong những người lái thuyền nhỏ đi cứu quân đội Pháp bị dồn vào cửa tử, Dunkirk. Mối tình thơ mộng của hai tâm hồn cô độc chưa kịp bắt đầu đã chấm dứt vì chàng họa sĩ tàn tật mãi mãi không về. Fritha ngày ngày trở lại khu đầm lầy được Philip biến thành nơi nuôi dưỡng và bảo vệ chim để cho chim ăn, cho đến khi Đức dội bom phá hủy toàn khu trại.
Chuyện xưa rồi, nhiều người đọc rồi. Hôm nay tôi xin giới thiệu với bạn một câu chuyện liên quan đến hải đăng trong cuốn phim tôi mới xem trên Netflix. “The Lighthouse of the Orca” hay “Hải Đăng của loài cá Orca.” Orca là loại cá killer whale, hay cá nhà táng, một loại cá voi rất to, to nhất trong các loại cá voi, cùng giòng họ với dolphin. Trong phim này, loài cá nhà táng này ăn thịt hải cẩu nhất là loại hải cẩu còn bé. Đây là phim của Argentina dựa theo truyện (có thật) của Roberto Bubas.
Beto Bubas là người giữ ngọn hải đăng ở vùng biển Patagonia. Chịu cuộc sống đơn độc ở một nơi lạnh giá và nhiều gió cát, vì Beto đam mê theo dõi cuộc sống của loài cá orca, Beto chụp ảnh, vẽ, ghi chép lại mọi hành động của loại cá này. Anh phát triển tài nói chuyện với cá orca bằng tiếng kèn khẩu cầm (harmonica), và gọi cá đến chơi với anh bằng cách đập bàn tay, hay mái chèo lên mặt nước. Người ta bảo rằng loại cá Orca đã đi theo Beto từ vùng biển này sang vùng biển khác theo tiếng kèn của anh. Thậm chí người ta còn kể rằng chính loại cá này đã đẩy Beto vào bờ an toàn khi anh bị nạn trên biển. Sự yên tĩnh của Beto bị phá hủy vì Lola và đứa con trai bị bệnh autism đến ngôi nhà canh gác hải đăng của Beto xin anh giúp đỡ. Tristan, cậu bé bị autism, có một ngày nhìn thấy khúc phim (hay bức ảnh) Beto chơi đùa với orca, cậu bé như trút bỏ cái bệnh autism, dù chỉ trong giây phút. Lola nghĩ rằng nếu để Tristan có cơ hội nhìn thấy Beto sinh hoạt với loại cá voi này, may ra cậu bé có thể giảm bệnh.
Như bạn biết, hải đăng thường rất chật hẹp, chỉ vừa đủ chỗ ở đơn giản cho người gác hải đăng. Ban đầu Beto không cho nhưng có lẽ vì Lola và Tristan gợi Beto nhớ lại vợ và con của anh, nhất là Tristan cùng tuổi với đứa con của Beto nên sau đó anh đổi ý. Phim hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của khán giả ngay từ đầu. Hải đăng đẹp. Biển Patagonia trùng trùng gió lộng. Người ở nơi này phải là người mạnh mẽ dạn dày với sóng gió, không có chỗ tắm, không có nhà vệ sinh, nước rất khan hiếm, không phải là môi trường để phát triển một mối tình thơ mộng, lại càng không phải chỗ để nuôi một đứa bé mang chứng autism. Thế nhưng chuyện tình cũng xảy ra. Được nhìn thấy những con cá nhà táng rất thông minh diễn trò dưới biển cũng đáng bỏ thì giờ ra xem. Bạn sẽ bị lôi cuốn vì những tình huống lắt léo được dần dần khơi mở suốt chiều dài của phim. Số phận của cậu bé Tristan sẽ ra sao, dù tôi xem hết cuốn phim, tôi vẫn không hiểu rõ ý của đạo diễn; vì thế, bạn sẽ phải phỏng đoán, và tạo ra kết cuộc theo ý muốn của bạn.

Và có lẽ tôi nên nhắc thêm để bạn nhớ lại truyện “The Fog Horn” của Ray Bradbury. Những đêm sương mù dày đặc thủy thủ có thể không nhận ra ánh đèn của hải đăng vì ánh sáng của hải đăng màu trắng dễ chìm trong sương mù. “Tiếng còi trong sương mù” kể về một con quái vật ở biển nghe tiếng còi phát ra từ ngọn hải đăng đã tưởng là tiếng gọi tình yêu của đồng loại. Nó đã lần mò theo tiếng còi để đi tìm người yêu.
Ngày xưa, người giữ hải đăng đa số đều là đàn ông, chỉ có một trường hợp là phụ nữ. Hôm nào tôi siêng sẽ kể bạn nghe phim “To Keep The Light” về một người phụ nữ đã thay chồng giữ ngọn hải đăng sau khi ông chồng qua đời và nàng không muốn mất công việc này cũng như nơi ăn chốn ở.

cảm ơn bà Tám đã giới thiệu, hnay rảnh con sẽ coi phim orca.
LikeLiked by 1 person
Xem xong rồi cháu nói ý nghĩ của cháu về kết cuộc của phim nhé.
LikeLiked by 1 person
con nghĩ phim kết thúc như vậy là để tạo ra tương phản giữa quãng thời của tris trên đảo và sự ra đi của cậu bé. càng nuối tiếc khi thấy mẹ con tris phải ra đi, thì càng thấy được sự hạnh phúc và giải toả của cậu lúc trên đảo.
LikeLiked by 1 person
Cô cứ nghĩ là cậu bé chết đuối ở biển lúc chơi với con cá Orca.
LikeLiked by 1 person
cô nói con mới nhận ra, đúng là có khả năng đó…
LikeLiked by 1 person
Khi người mẹ cuống quýt muốn đi tìm con, thì Beto nói một câu cô không nhớ chi tiết nhưng đại khái là cứ để cho cậu bé theo số mệnh, được vui với Orca, không còn khổ đau. Ở cuối phim cậu bé lặn xuống nước theo Orca và mặt nước biển phẳng lặng không thấy cậu bé trồi lên. Có thể quan điểm của Beto là cậu bé sống theo quan niệm của người cha thì khổ sở suốt đời. Thà để cậu bé đi theo orca. Cô không biết chắc đạo diễn muốn nói gì, chỉ cố hiểu theo quan điểm của người xem phim. Nếu kết luận để cậu bé theo về với bố thì phim không nói lên quan điểm gì mới. Còn để cậu bé chết chìm thì chắc là người mẹ khó lòng ở yên với ông chồng. Đạo diễn muốn người xem phải tự kết luận vậy.
LikeLiked by 1 person
đúng là nếu nghĩ vậy thì khó hiểu thật. chắc con nghĩ đơn giản quá 😉
LikeLiked by 1 person
Có thêm một phim có hải đăng rất hay ám ảnh Mai mãi là “The Light between Oceans”.
Một cặp vợ chồng sống trong một hải đăng không con, một ngày có một người đàn ông và một bé gái trôi giạt vào bờ trong một cái ghe nhỏ, người đàn ông đã chết nhưng đứa bé còn sống. Hai vợ chồng chôn người đàn ông và giữ đứa bé nuôi mà không khai báo, và từ đó bi kịch bắt đầu khi người mẹ của đứa bé bắt đầu cuộc lùng kiếm con của mình. Phim đẹp cả cốt truyện, diễn xuất và cinematography.
LikeLiked by 1 person
Hà có xem phim này. Xem lâu nên quên chi tiết.
LikeLike