Trăng hồng

Hôm kia, 7 tháng 4, là mùa siêu trăng đầu tiên (có mặt trăng to nhất đẹp nhất) trong năm 2020. Người ta gọi đó là trăng hồng, dù họ giải thích dùng chữ hồng là vì vào mùa hoa đào nở, chứ thật ra trăng không hồng, tôi vẫn thấy mặt trăng như nhuốm màu hồng nhạt lúc trăng mới vừa lên.

Cả ngày tôi chuẩn bị để chụp ảnh super moon, đưa đến kết quả thật thảm hại. Cái chân máy cũ bị hư, lấy làm đồ chơi cho bọn mèo con hồi năm ngoái. Sau đó tôi có cái chân máy mới, lấy nó ra dùng thì nhận thấy chân máy này yếu quá, không đủ sức chịu cái Canon EOS Rebel T7i cộng thêm cái ống kính 75-300mm. Gắn cái máy vào chân máy, chân máy cứ run bần bật như không chịu nổi cái lạnh đầu xuân, theo tôi thì rất ấm áp gần 60 độ F.

Tôi xách cái máy xuống dưới đường, con đường dốc không tìm được chỗ phẳng, để đâu cái máy cũng chúi đầu xuống đất. Đến chừng tôi nhắm được trăng thì trăng chui vào trốn trong mây. Rồi thì ánh sáng trong sân từ các đèn bão của nhà hàng xóm tràn trề. Cái nhà cách nhà tôi hai ba căn, có chiếc xe đến đậu ngược chiều cứ chiếu đèn xe sáng hoắc vào chỗ tôi dựng máy. Ôi thôi, tức cảnh sinh tình tôi nghe trong lỗ tai những câu kêu ca sôi động ồn ào. “Ta đã thấy gì trong đêm nay. Đèn soi trăm ngọn đèn soi…” Trước kia tôi có lần chụp được ảnh mặt trăng lúc trời sắp sáng, thấy những đốm xám đậm trên mặt trăng khá rõ, bằng cái máy cũ Powershot IS15. Giờ có máy tốt hơn, ống kính chụp xa hơn, lại dùng chân máy thì chỉ được mấy đốm tròn méo mó vì máy bị rung.

Cái máy nặng trên chân máy yếu cứ làm tôi tưởng tượng đến một con nhện to lớn đứng trên ba cái chân mỏng như ba sợi tóc, chỉ chực bổ nhào đầu theo cơn gió. Hôm ấy, ban ngày nắng đẹp ấm áp. Stock market lên cả bảy phần trăm. Buổi tối có siêu trăng. Dân New York có chút hy vọng cơn đại dịch chậm bước lại vì số bệnh nhân qua đời bằng với số của ngày hôm trước (725 người ngày 6 tháng Tư và 731 người ngày 7 tháng Tư).

Hôm qua 8 tháng Tư, ở New York con số bệnh nhân qua đời cao nhất, 779 người. Thống đốc New York cho kéo cờ rũ, để tang cho thành phố. New Jersey bị nhiễm dịch sau New York khoảng một tuần, số người chết vẫn còn đang tăng lên. Nhân viên làm việc cho cơ quan giao thông công cộng, xe lửa và xe điện ngầm của New York chết 41 người. Nhân viên soát vé xe lửa của New Jersey có một người chết, người đầu tiên. Số người thất nghiệp tăng lên trong tuần là 6 triệu 6, tổng cộng trong 3 tuần con số lên đến 17 triệu. Ngày hôm nay 9 tháng Tư, 2020, có lẽ nước Mỹ không còn là quốc gia dẫn đầu về mặt y tế và phúc lợi xã hội, nhưng trớ trêu thay, đang là quốc gia dẫn đầu, có con số người bị nhiễm bệnh cao nhất (429,264) và số người chết cao nhất (14,820) thế giới. Riêng tiểu bang New York có số người bệnh là 149,401, số người chết là 6,268 cao nhất nước Mỹ. Tiểu bang New Jersey đứng hạng nhì, 47,437 người bệnh, và 1,504 người chết. Con số thật đáng kinh hoàng.

Thống đốc New Jersey ra lệnh đóng cửa các công viên, những chỗ vào rừng. Cũng hợp lý thôi vì người ta đổ xô đi rừng như đi lễ hội. Những công viên nhỏ của địa phương thì tùy địa phương xử lý. Hồ Watchung nhỏ, không có rào, nhưng nếu đi đông người có thể bị cảnh sát mời đi về. Còn đi một người có lẽ không sao. Mấy hôm rày tôi muốn xách máy đi ra hồ chụp ảnh và đi bộ, nhưng thôi, ở trong nhà cho nó yên. Sợ rủi mình có gì lại gây hại cho người khác.

Lần cuối tôi đi chợ cách hôm nay đã hai tuần. Rau tươi và trái cây trong nhà sắp hết. Viết ra đây để đánh dấu những chuyện xảy ra trong ngày giữa cơn đại dịch, chứ không phải để người thân họ hàng động lòng đi chợ giùm hay nấu thức ăn mang đến cho. Gạo, nước mắm, thịt cá, đồ khô còn nhiều. Trong tủ lạnh còn một cái bắp cải, mấy quả cà chua, hai củ cà rốt. Trong ngăn đông lạnh còn một gói đậu và cà rốt, một gói broccoli được cắt nhỏ. Trái cây tươi còn 5 quả táo và một quả dứa. Thức ăn đóng hộp còn ở dưới hầm nhưng tôi nhớ chỉ có dứa/thơm thôi. Sữa tươi còn độ ba hay bốn ngày, hết sữa tươi thì có sữa hộp. Có nghĩa là chúng tôi chưa cần phải đi chợ mua thức ăn tươi chừng một tuần nữa. Nếu chịu được sự thiếu thốn rau, trái, sữa thì có thể cầm cự cả tháng hay hơn, vì gạo còn gần hai bao (có một bao mới mở cách đây hai ngày) mỗi bao chừng 10 kg. Bún khô, mì gói còn nhiều.

Vẫn còn sung sướng chán, so với thời ở trong trại tị nạn. Bây giờ, đi chợ cũng có thể đi vào vùng nguy hiểm. Báo đăng, đã có ít nhất là năm siêu thị ở New Jersey có nhân viên bị nhiễm bệnh thôi thì chịu khó thiếu thức ăn tươi hơn là bị thần chết chiếu tướng. Thần chết như đang chờ ngoài ngõ, không có hình dáng người cưỡi ngựa màu nhợt nhạt như xanh lá cây, ai cũng bảo có hình dáng của cái vương miện nhưng mắt thường không thể nhìn thấy. Tự thời xưa đến giờ, thần chết núp trong cái áo choàng của chứng bệnh dịch, bao giờ cũng khôn ngoan hơn và đi trước nhân loại. Những cơn dịch đến vào lúc loài người không có thuốc chữa.

Hôm qua, ngày đặc biệt, 8 tháng Tư năm 2020, rất vui đối với tôi, vì nhờ facebook, blog, và trang mạng Gió O, tôi tìm lại được một người bạn học cũ, năm thứ nhất Văn Khoa Sài Gòn. Lần cuối chúng tôi gặp nhau có lẽ là năm 76 hay 77. Bạn tôi, có biệt danh Bà Chúa Chè, sống ở Nam Cali từ năm 2004 mà mãi bây giờ tôi mới biết. Nói chuyện với bạn, tôi như người tìm lại được một mảnh vỡ của mình. Những mảnh vỡ tan tác khắp nơi. Gọi là Bà Chúa Chè vì cùng tên chứ tuy nàng xinh đẹp nhưng rất hiền lành không (bị người đời gán cho tiếng) gây sóng gió nghiêng thành đổ nước như bà Tuyên Phi họ Đặng.

12 thoughts on “Trăng hồng”

    1. Cám ơn Mai. Viết để đánh dấu thôi chứ thật ra mọi người ở NJ vẫn có vẻ an toàn, không đến nỗi sợ hãi, so với thời mình sống trong chiến tranh.

      Like

  1. Hà thử đặt mua groceries ở Costco online. Chỉ 2 tiếng đồng hồ sau là có ở trước cửa nhà và chất lượng rất tốt.
    Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Mai vẫn thầm cám ơn và tin tưởng ở đất nước đã cưu mang mình bao năm nay.

    Liked by 1 person

    1. Cô bỏ học văn. Sang Mỹ học ngành kỹ sư. Đến bây giờ cô vẫn còn mừng thầm là nếu cô theo nghề văn chắc cô không đủ sống. Hằng ngày cô cứ loay hoay không nghĩ ra được cái gì để viết cho có chất lượng.

      Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s