Thành phố này có gì ngoài bệnh dịch

Tôi muốn thay thế “thành phố này” bằng tên địa phương bạn đang ở. Thí dụ như New York, New Jersey, hay Vũ Hán. Hồi khoảng thập niên 70 cho đến 90, nhiều người không biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ. Khi nói đến Việt Nam, người ta chỉ biết đó là một nước có chiến tranh và người Mỹ tham chiến. Mãi khi nạn dịch xảy ra ở Vũ Hán, tôi mới biết thành phố này có lầu Hoàng Hạc và những câu thơ tôi thuộc nằm lòng từ hồi còn ở Trung học. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Bạch vân thiên tải không du du.

Tôi sẽ rất tiếc nếu ngày sau người ta chỉ biết đến New York và New Jersey là hai thành phố đứng thứ nhất và thứ nhì về cơn đại dịch trên nước Mỹ và trên thế giới, cũng như Việt Nam chỉ có chiến tranh, và Vũ Hán bị dùng để đặt tên cho con siêu vi khuẩn giết người nhiều nhất thế kỷ.

New Jersey có gì? Có ngôi giáo đường Gothic lớn thứ năm trên thế giới. Bên cạnh ngôi giáo đường này có công viên Branch Brook với 5 ngàn cây hoa đào nở lặng lẽ rồi tàn lặng lẽ giữa mùa Phục sinh. Hằng năm, bắt đầu vào dịp lễ Phục sinh thánh đường mở cửa vào buổi trưa cho mọi người đến dự lễ và tham quan vào ngày thứ Tư trong tuần. Ngày còn đi làm thỉnh thoảng tôi lấy giờ ăn trưa đến đây ngồi nghe tiếng đàn organ.

4
Ảnh cũ. Công viên Branch Brook và giáo đường (basilica cathedral) chụp từ năm 2011 Newark, New Jersey. Năm nay thì bó chân chấm com rồi không đi đâu cả. Mà hôm nay 13 tháng Tư năm 2020 thì đang giông bão tơi bời.

New York có gì? Nhiều lắm, kể không hết. Central Park ai cũng biết rồi. Nhưng ngay cả bên trong Central Park có cả những điều nhỏ bé nhưng thú vị không phải ai cũng biết. Central Park có hơn chin ngàn băng ghế. Hơn một nửa số ghế này chỉ để ngồi, đọc sách báo ngắm cảnh trời trăng ăn cà phê uống bánh mì thay vì ăn bánh mì uống cà phê. Số còn lại khoảng hơn 4 ngàn băng ghế và mỗi chiếc băng này ẩn chứa một câu chuyện cá nhân.

Năm 1986, hội đồng bảo toàn Central Park thiết lập một chương trình gây quỹ để giữ gìn và sửa chữa số băng ghế đặt ngoài trời giữa bốn mùa mưa nắng. Họ kêu gọi mọi người, hễ ai đóng một số tiền nhất định thì sẽ có một cái ghế có gắn một tấm bảng kim loại nhỏ, bên trên khắc vài hàng chữ theo ý muốn của người góp tiền. Số tiền này thay đổi, tùy theo vị trí của băng ghế đặt ở nơi nhiều du khách, tùy theo giá trị cổ truyền hay lịch sử chính trị của băng ghế. Có những cái ghế đá xây từ thời mới thành lập công viên, tưởng niệm những quan chức có công với thành phố, để được gắn một tấm bảng kim loại nhỏ lên trên ghế có thể tốn hàng chục ngàn đồng (tiền Mỹ) mà vẫn không chắc được chấp nhận. Những băng ghế làm bằng gỗ và xi măng giá bảo trợ khoảng 5 ngàn một chiếc. Băng ghế ở nơi đông người qua lại giá bảo trợ có thể lên đến 10 ngàn. Nhưng 10 ngàn vẫn chưa phải là giá cao nhất. Loại băng ghế làm bằng tay theo kiểu nông trại xưa, để bảo tồn vẻ đẹp cổ xưa, người ta phải rào một khu vực công viên rộng lớn, công trình sửa chữa có thể tốn đến 500 ngàn.

Những tấm bảng nhỏ (chừng bốn hàng và dưới 30 chữ) gắn trên ghế kể lại nhiều câu chuyện của chủ nhân. Có khi người ta viết vài dòng tưởng niệm người thân. Nhiều người qua đời trong biến cố Chín Mười Một. Có khi người ta cũng tưởng niệm chó mèo. Nhiều khi nó kể lại một kỷ niệm trong gia đình, nếu không nói ra thì chỉ có vài người trong gia đình biết. Thí dụ như có một gia đình, ông bố là Quản đốc ngân hàng chuyên mua bán chứng khoán. Vợ ông có một băng ghế vinh danh ông với hàng chữ đại ý là “lời hay lỗ hay huề vốn, anh luôn luôn có em.” Ngày xưa khi các con còn nhỏ, mỗi ngày ông đi làm về mấy đứa con luôn luôn hỏi ông bố, nghề mua bán chứng khoán mà, bố ơi hôm nay bố lời hay lỗ, ông luôn trả lời huề vốn. Ở đời nhiều khi chỉ cần huề vốn cũng tốt lắm rồi. Những mẩu chuyện nho nhỏ ấm lòng, có thể khơi vài giọt nước mắt, hay đánh thức một nụ cười, còn nhiều tôi không thể kể hết. Ai siêng, thích, và có thì giờ có thể sưu tầm những mẩu chuyện này rồi viết thành sách.

Những cái băng ghế này từng là hứng khởi của nhà thơ Catherine Barnett trong bài thơ Central Park. “Tôi sẽ muốn mua một cái khi tôi chết,/ một trong những băng ghế vẫn chưa có chủ,/ chưa được gắn một cái bảng bằng thép không gỉ nhỏ.” Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng trang hoanghannom.com.

Tuy đã nhiều lần đến chơi Central Park, tôi không biết những mẩu chuyện khắc trên tấm bảng kim loại nhỏ, đính trên những cái băng ghế tưởng chừng không ai để ý này. Tôi biết đến chúng nhờ tình cờ xem phim “5 to 7” lúc không được đi ra đường trong cơn đại dịch. Khi thấy vừa ý, muốn viết một bài giới thiệu/điểm phim, cần xem lại thì Netflix đã rút phim ra khỏi chương trình. Giờ hễ muốn xem thì phải thuê hoặc mua ở amazon hay iTunes. Nhưng đến đây thì đã dài, mà hễ viết dài thì chẳng ai đọc.

Gì đi nữa, thì tôi cũng chỉ muốn nói với bạn rằng New York và New Jersey có nhiều thứ để thưởng thức, chứ không phải chỉ nổi tiếng vì bị nhiễm bệnh trầm trọng nhất trong cơn đại dịch.

Ảnh lấy từ báo New York Times.
Hoa đào tuần trước

6 thoughts on “Thành phố này có gì ngoài bệnh dịch”

  1. Không đâu Hà, người ta sẽ không nhớ đến New York và New Jersey là hai thành phố bị nhiểm bệnh dịch nhiều nhất đâu.
    Mai luôn nhớ đến New York với Ground Zero và những gì đã gợi lên sự can đảm bừng sống vươn ra khỏi những tan nát của ngày 9/11. Và New Jersey thì có Empty Sky đứng hiên ngang nhìn qua con sông Hudson về phía New York.
    Rồi có ngày không xa, cả hai thành phố sẽ vươn ra khỏi sự điêu linh này.

    Hà ơi: “Đêm qua sân trước một cành mai”

    Liked by 3 people

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s