Những bữa ăn trong trí nhớ

Tủ lạnh nhà tôi hôm nay 18 tháng Tư năm 2020

Chuyện ăn uống là chuyện quan trọng. Người mình có nhiều câu tục ngữ về bữa ăn. Hiện giờ tôi chỉ nhớ hai câu “Miếng giữa làng bằng sàng xó bếp” và “miếng ăn là miếng tồi tàn.” Trí nhớ tôi quay về thời thơ ấu, có bài học thuộc lòng. Và đúng nghĩa với chữ thuộc lòng, tôi thuộc mãi từ lúc học cho đến bây giờ, có lẽ ngót nghét cũng phải gần sáu mươi năm.

Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đứa đứa về dần
Xa xa con đã đến gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn
Cơm dưa muối khó khăn mới có
Của không ngon nhà khó cũng ngon
Khi vui câu chuyện thêm dòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà.

Chẳng mấy khi tủ lạnh nhà ở Hoa Kỳ trống trơn như thế này. Lần cuối cùng ông Tám đi chợ là ngày 20 tháng Ba năm 2020. Còn tôi lần cuối đi chợ là tuần trước nữa ngày 13 hay 14 gì đó. Tôi còn một quả táo. Hôm qua ông Tám nướng pizza. Tôi bào một trái táo, thái mỏng một miếng thơm/khóm, thái lát mỏng hai quả cà chua, trộn sà lách. Quả thơm là quà của cô em chồng. Sà lách hơi ngọt, nhưng thiếu rau tươi thì ăn chế biến vậy thôi. Mấy hôm trước tôi đã nấu hộp đậu cô ve (đậu que hay green bean), bắp hộp, và chick pea hộp chung với sườn làm canh súp. Dưới hầm nhà tôi còn đậu que, bắp, thơm, mỗi thứ vài chục hộp. Có nghĩa là một hai tuần nữa vẫn không đói, nhưng ăn mãi một thứ sẽ rất ngán. Phụ nữ làm bếp, thường rất e ngại phải lập lại món ăn, sợ chồng và nhất là con chê không ăn. Hầu hết gia đình nào cũng thế, trẻ con trong nhà chỉ ăn món mẹ nấu một lần, hôm sau là chê không đụng đến.

Thời của tôi thì khổ hơn nhiều nên dễ chấp nhận chuyện ăn lại thức ăn cũ. Hôm trước tôi có nói đâu đó, vẫn còn sướng hơn thời ở trong trại tị nạn. Bạn nào đã từng ở trong trại tị nạn, có còn nhớ được ăn gì không? Khi mới vừa đến đất liền của Mã Lai, tôi và những người đi cùng ghe được đưa vào một trại tị nạn, bây giờ tôi không còn nhớ tên trại cũng không nhớ nó ở đâu, có lẽ bên bờ biển nơi ngó ra ngoài khơi là đảo Bidong. Tôi nhớ hình như ở đó một tuần hay mười ngày. Ngày nào cũng buổi sáng hai lát bánh mì mềm, loại làm sandwich, không nướng, một quả trứng luộc và một hộp trà cúc. Không hiểu tại sao tôi không nhớ mình ăn trưa món gì, chỉ nhớ ăn sáng, ăn thì đủ no nhưng rất ngán nhất là bánh mì mềm nó chỉ chực nhũn ra trong ngón tay.

Ở trên đảo Bidong, chúng tôi được phát gạo, nước mắm, dầu ăn, đậu xanh, đường (ít thôi), cá hộp. Ngày này qua ngày khác, những người không có tiền để mua thêm thức ăn thì cơm chiên dầu với nước mắm. Thỉnh thoảng được phát cho vài trăm gram thịt gà là sang lắm. Đậu xanh thì chúng tôi làm thành giá ăn thay rau. Hoặc để dành đường lâu lâu nấu một nồi chè. Củi thì lấy trên núi. Có nhiều người ngay lúc còn ở đảo Bidong đã sợ mùi cá hộp vì ăn lâu ngày và ăn mãi một thứ.

Nói chuyện ăn, tôi bỗng dưng nhớ lại những bữa ăn trong quá khứ. Không phải vì thức ăn ngon mà vì hoàn cảnh mình được cho ăn.

Lúc ghe tôi đi còn chừng nửa một ngày rưỡi sẽ đến Mã Lai thì bị tàu hải tặc bắt được. Chúng nó rượt ghe tôi có lẽ cả tiếng đồng hồ mãi đến khi máy ghe bị hư vì chạy hết tốc lực mà còn bị vướng rong biển nên vỡ máy. Cái máy sơ cua yếu quá chạy không kịp. Bọn hải tặc lùa hết tất cả chúng tôi lên tàu đánh cá, rất to lớn, trang bị máy móc tinh vi. Sau khi cướp tiền vàng của người trên ghe bọn chúng cho chúng tôi ăn cơm nóng, gạo trắng tinh, nóng bốc khói. Tôi không nhớ tôi có ăn cơm này hay không, không nhớ mùi vị của cơm. Có thể là tôi không ăn vì ăn không nổi, tôi bị say sóng liên tiếp mấy ngày, ngồi không vững. Lúc mới lên tàu của bọn cướp trời đang buổi chiều. Sau khi cho ăn xong bọn chúng nhất quyết lùa tất cả số người trên ghe chúng tôi (79) cộng thêm số người Việt trên ghe của chúng (22) đã bị cướp trước đó, xuống chiếc ghe đã bị vỡ máy. Cái máy sơ cua cũng bị chúng phá nát luôn. Mục đích là để giông bão giết chúng tôi. Chúng tôi cầu khẩn van lạy nhưng chúng không động lòng. Tôi nghĩ lúc ấy mà bảo chúng tôi nếu bọn mày ở lại trên tàu chúng tao đưa vào đất liền sẽ bắt chúng mày làm nô lệ và gái điếm chắc cũng có người bằng lòng để tránh cái chết ngay trước mắt. Bữa ăn, coi như là bữa ăn ân huệ dành cho những người sắp lên đoạn đầu đài hay ra pháp trường xử tử. Bây giờ tôi không còn nhớ bữa ăn có ngon không, gạo có thơm không, nhưng vẫn nhớ khi rời tàu đánh cá trở lại ghe nhỏ bị hư, chân trời có màu đỏ lựng pha màu tím rịm lẫn chút màu cam và vàng những chỗ mây thưa còn lóe ánh mặt trời. Hoàng hôn trên biển đẹp vô cùng, nên thơ vô cùng, đến độ tôi biết bước xuống chiếc tàu vỡ máy là bước vào cõi chết, nhưng màu hoàng hôn trên biển vẫn làm tôi chua chát nhớ hai câu thơ của Thôi Hiệu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Hai câu này trích trong bài Hoàng Hạc Lâu, có nghĩa là: chiều xuống không biết quê nhà ở nơi đâu. Khói sóng trên sông khiến người ta buồn bã. Vẫn biết mình ở ngoài biển không phải sông, và lúc đó cũng không có khói sóng, nhưng đúng vào dịp buổi chiều. Vả lại tôi chỉ thuộc được có mấy câu thôi.

Bạn nghĩ có nên viết tiếp không?


38 thoughts on “Những bữa ăn trong trí nhớ”

  1. Nhìn chị Tám thuần hậu thư thái, ai nghĩ chị đã trải qua những chuyện thế này. Mới thấy nghị lực của con người phi thường, lòng nhân hậu cũng phi thường.

  2. Cô đi lúc đó cô đã lớn chưa cô Tám?
    Cách đây mấy năm con cũng được một người bạn lớn kể cho nghe chuyến đi tương tự cô, chỉ khác điểm dừng và điểm đến. Trải qua chuyến đi đó, có lẽ bản bây giờ chẳng sợ điều gì, con thấy bản dũng cảm quá!
    Cô đã nghĩ những gì lúc lênh đênh trên biển vậy cô?

    1. Cô đi năm 1980, lúc đó cô được hai mươi lăm tuổi. Nghĩ gì cô cũng không còn nhớ. Lâu quá rồi. Chỉ biết một phần, tư tưởng và tình cảm, của mình như tê dại, có lẽ do sợ.

      1. Dạ, con nghe kể cũng chẳng dám hình dung luôn cô, vì quá sợ.
        Lâu quá rồi ha cô ha, cô thật tuyệt, con rất vui được quen biết cô.

        1. Cô thích có bạn trẻ, cỡ tuổi cháu có thể dạy cho người già như cô nhiều thứ lắm. Có những thứ mình tưởng mình biết nhưng thật ra mình không biết. Có nhiều thứ biết nhưng quên. Tình yêu là thí dụ.

  3. Con rất muốn biết phần tiếp theo, con nghĩ nhiều người cũng vậy. Nhưng cô hỏi thế, có phải là phần nào không muốn nhớ lại, nhắc lại đoạn đó không cô?

  4. Con ủng hộ cô ơi. Con mới đoc được mấy bài cũ của cô, những bài về điểm sách, về viết văn. Ngỡ ngàng nhận ra mình follow cô muộn quá ạ.

  5. Chị Hải Hà,
    Nếu em đọc tiểu thuyết, thì lúc này cảm xúc sẽ dịu bớt. Nhưng đây là đời thật. Chị cứ viết tiếp, rồi những dòng chữ sẽ như những cơn mưa, những sông suối từ từ đẩy trôi những ký ức u ám. Tên chị là Hải Hà, làm người ta liên tưởng đến những gì mênh mông, khoáng đạt, không cầm giữ, tù hãm. Là dòng chảy… vừa giữ, cũng vừa buông…

    1. Nếu là người viết tiểu thuyết, đây là lúc phải biết viết như thế nào để giữ độc giả theo mình cho đến hết chương.

  6. Cám ơn Hạnh. Hạnh giải thích chữ hải hà làm tôi nghĩ đến má tôi. Hồi xưa có lần bà mắng tôi mày tên là hải hà, lấy từ câu hải hà chi lượng mà bụng dạ mày hẹp như con tép…

  7. Con tính làm một người đọc thầm lặng thôi, nhưng bài này thì xin phép bình luận cảm ơn cô vì đã luôn là người kể chuyện mỗi ngày cho mọi người. Con hay đọc bài cô vào ban đêm, khi khó ngủ, và tự nhiên thấy mình thật nhỏ bé làm sao.

    1. Cám ơn cháu. Cô hy vọng giúp cháu giải trí những đêm khó ngủ. Cô mà khó ngủ là lên mạng viết cái gì đó, để chơi.

  8. Thế này mà không viết nữa thì người đọc lùng bùng luôn đó BT à! BT nhắc bài thơ ở đầu bài viết làm HQ nhớ như in “ngày xưa còn bé” của mình. Cám ơn rất nhiều.

  9. Mỗi lần nghe chuyện biến cố của các cô chú cháu lại thấy mình nhỏ bé và vô dụng quá. Mà cô thích chơi với tụi trẻ ạ? cháu cũng hy vọng sau này ở tuổi của cô cháu vẫn đi hóng hớt nghe chuyện của bọn trẻ ạ, hihi.

  10. Xúc động lắm Hải Hà, mình không ngờ Hà còn trẻ quá lúc ra đi. Bây giờ, với số tuổi hiện tại, Hà vẫn còn trẻ lắm. Viết văn như Hà sẽ không bao giờ già🌹❤

    1. Ôi con cũng vẫn nghĩ cô cũng đi lúc tầm tuổi ấy ạ!
      Tuy con không hiểu được tình cảnh và quyết định ra đi của hai cô, nhưng hẳn là có những giờ khắc khó khăn cô nhỉ? Mong cô Thảo và cô Tám có thêm những bài viết để tụi con được đọc và chiêm nghiệm ạ!

  11. Cô viết nữa đi cô. Cháu rất thích đọc về những thứ này. Ở đây cháu cũng làm việc với người tị nạn, nhưng họ không chia sẻ nhiều về những điều thế này vì nó để lại sang chấn quá lớn. Đọc những thứ như thế này giúp cháu hiểu họ hơn, cũng là để giúp mọi người hiểu hơn về người tị nạn và chiến tranh ạ.

  12. Con chờ số tiếp theo của truyện dài kì ạ :D. Cô giữ gìn sức khỏe, dịnh bệnh đang gay go lắm ạ!

  13. Con đọc cả 2 bài viết của cô rồi. Rời bỏ quê hương cần nhiều thật nhiều dũng khí. Lên được ghe là may mắn. Gặp cướp biển có chút “nhân đạo” như của cô lại càng may mắn hơn. Rồi tới được trại tị nạn, rồi mưu sinh nơi xứ người,… nó là cả 1 câu chuyện dài cần có cả nghị lực, lòng dũng cảm, niềm tin vào tương lai và cả một chút may mắn nữa

  14. May mắn là chính. Ở đời, nhiều khi chỉ cần một chút may mắn là mình thay đổi cả vận mệnh của mình. Cái may mắn lớn nhất là cô có người chị có tiền cho cô đi vượt biên đó cháu. Cám ơn cháu đã đọc.

Leave a comment