Trở lại chiếc ghe cũ vỡ máy, bây giờ có 101 người. Anh tài công, hồi chiều bị bọn hải tặc chém, máu chảy lênh láng nằm trên nóc ghe bất động, chắc chết lâu rồi, không biết làm gì với cái xác của anh đây. Chắc là quấn lại thả xuống biển làm thủy táng, tôi nghĩ thế. Mùi máu khô tuy loãng trong gió biển nhưng vẫn đượm mùi tanh. Chúng tôi cựa quậy trong bóng tối dưới hầm ghe, chật chội không đủ chỗ nằm. Nước biển từ bên ngoài theo những chỗ trét chai chưa khô theo kẽ hở ngấm vào ướt lưng tôi. Tôi ngủ thiếp đi giữa cơn sợ hãi. Sáng hôm sau khi tôi thức dậy, cơn say sóng biến mất, tôi thấy mình khỏe hơn và bụng đói cồn cào.
Nước uống chứa trong hầm ở mũi ghe bị nước biển tràn vào, và khi máy thuyền bị vỡ có chút xăng, dầu nhớt, gì đó tràn vào trong nước uống. Xăng để chạy máy còn nhiều. Gạo còn nhiều nhưng bị thấm nước biển. Chúng tôi trôi lênh đênh trên biển không biết bao lâu. Tuy nhiên sau khi rời tàu hải tặc, tất cả mọi người trên ghe đều tỉnh táo hẳn lên.
Hai mươi hai người mới bị nhập vào chuyến ghe của chúng tôi là những người đánh cá chuyên nghiệp ở đảo Phú Quý. Vì là dân biển nên rất khỏe mạnh. Vẻ tự nhiên không sợ hãi bão táp của họ khiến mọi người cảm thấy được trấn an rất nhiều.
Buổi sáng hôm ấy có một đàn cá rất đông bơi chung quanh ghe của chúng tôi. Vài người Phú Quý, nghiêng người theo mép ghe, bằng tay không chộp được vài con cá nhỏ cỡ bàn tay. Họ mổ bụng những con cá này lấy ruột cá làm dây câu cá. Một người, rồi nhiều người, đám thanh niên thành phố cũng tham gia câu cá như một trò chơi. Số cá bắt được khá nhiều, ít nhất cũng phải hơn 101 con, đủ cho tất cả mọi người. Tôi được ăn một con cá, có lẽ cũng có người được hai hay ba con. Tôi không còn nhớ những ngày sau đó chúng tôi ăn uống như thế nào. Đại khái là trời mưa to một đôi lần, chúng tôi căng tấm nylon che thuyền hứng nước mưa, chứa trong mấy cái bao nylon để uống dần dần. Tất cả giày dép bằng cao su, quần áo cũ làm giẻ rách, phơi khô đem đốt làm củi nấu cơm. Thỉnh thoảng chúng tôi được chia cho một vắt cơm, hơi sượng sượng vì gạo còn sống, mặn mặn vị nước biển, hăng nồng mùi xăng dầu.
Chúng tôi trôi bềnh bồng, khi thủy triều đưa vào gần bờ thấy đảo đầy cây cối, khi thủy triều kéo ra xa bờ nhìn chung quanh chỉ thấy biển giáp trời. Chúng tôi nhỏ bé như đàn kiến bò trên cái hộp diêm. Với tuổi trẻ, không biết lo xa, vẫn còn thức ăn và nước uống nên tôi không sợ hãi lắm, ngoại trừ những khi gặp bão sóng lớn. Tôi nhớ mình có cảm giác bình thản khi nghĩ đến cái chết. Mừng là mình không để lại phía sau mình con thơ. Có mẹ già nhưng mẹ thì có chị lo rồi. Chỉ tự hỏi không biết cái chết sẽ là hình thức nào, chết vì đói, hay chết vì no nước biển.
Không nhớ bao lâu, có thể là ba ngày, có thể là năm ngày sau đó chúng tôi được tàu đánh cá của dân Mã Lai kéo vào bờ. Chúng tôi chưa hề bị đói khát cực độ. Ở trên ghe, không làm gì nên cũng không thấy đói nhiều. Thỉnh thoảng thấy đói một chút như có cái gì đó nhéo vào bao tử nhưng chập sau là quên đi. Điều may mắn là chuyến ghe 101 người không có ai bị chết. Anh tài công bị chém chảy máu nhiều, nhưng anh chỉ giả chết để bọn hải tặc đừng quay trở lại thanh toán anh.
Bữa cá luộc trên ghe không phải là bữa ăn vỏn vẹn tôi nhận từ những anh chàng đánh cá đảo Phú Quí. Khi lên đảo Bidong nhóm người này ở cạnh nhà với tôi. Vừa lên đảo là họ đã đi vòng quanh, làm quen với dân biển Mã Lai trên đảo, thuê thuyền dân Mã Lai để đi câu. Lệ phí thuê thuyền là một phần trong số cá, các anh đảo Phú Quý câu được.
Vì ở cạnh nhà nên các anh Phú Quý nhiều lần cho tôi cá. Họ nấu sẵn, bảo chị cứ lấy ăn đi, ăn hết tụi tui đi câu tiếp. Loại cá các anh đảo Phú Quý thường câu được là loại cá thân hình dài và hẹp trông giống như dây nịt, mũi cá rất dài và nhọn như lưỡi kiếm. Thân cá óng ánh màu xanh. Thịt cá màu trắng rất trong. Tôi đoán đây là loại cá kìm. Nhớ mang máng các anh đảo Phú Quý gọi là cá gươm, vì mũi của nó giống cây gươm. Cá câu được các anh rửa sạch cho vào nồi đổ ngập nước cho chút xíu muối luộc lên. Ăn cá không. Thay cơm. Tôi ăn cá mấy chục năm, cá kho, cá chiên, cá hấp, cá khô, cá chưng, nhưng vẫn nhớ món cá luộc nước muối. Ngon lắm. Nếu bạn ăn cơm chiên bằng dầu nêm mước mắm ngày này qua ngày khác thì sẽ thấy cá luộc muối ăn rất ngon. Nhớ suốt đời không chỉ vì mùi vị cá, mà còn tri ân tấm lòng hào phóng của những người dân đảo Phú Quý.
Trong suốt cuộc đời, tôi có nhiều bữa ăn ngon. Má tôi nhiều khi làm đám giỗ cũng mì xào, cà ri, vịt tiềm, nhưng quanh đi quẩn lại, như xuất hiện giữa thinh không, cái hình ảnh, tôi và má, ngồi chồm hổm dưới đất, chén cơm nguội và khô nướng. Khô sặc khi nướng lên, tươm dầu, thơm mùi cháy xém. Dưa leo thái mỏng, xoài sống băm theo chiều dài của quả xoài, bào mỏng, rưới chút nước tương xì dầu. Khi xoài và dưa leo vừa ngấm nước tương, ăn rất ngon. Chúng tôi ăn kiểu này thường xuyên. Trong những bữa ăn như thế này tôi tập ăn rau dấp cá lần đầu tiên. Tôi dập tắt cái mùi tanh tanh, vị chua chua, bằng cách kẹp lá dấp cá giữa xoài và dưa leo có chút xì dầu. Lúc ấy tôi vẫn chưa ăn được rau húng lủi vì nó hơi cay. Đến bây giờ tôi vẫn thích cho chút xì dầu vào dưa leo thái mỏng ăn với cơm.
Trong bài viết hôm qua, tôi có chép lại trong trí nhớ bài học thuộc lòng. Có lẽ hình ảnh những bữa ăn cơm nguội ngồi dưới đất quây quần bên đĩa dưa leo xoài băm với má tôi khiến tôi nhớ đến bài học thuộc lòng. “Các con về đủ quây quần bữa ăn. Cơm dưa muối khó khan mới có. Của không ngon nhà khó cũng ngon…” Có thể ngược lại, bài học thuộc lòng khiến tôi nhớ lại những bữa ăn cơm nghèo với má tôi.
Người mình có câu nói “miếng ăn là miếng tồi tàn” rồi lại nói “miếng giữa đàng bằng sàng xó bếp.” Tùy theo trường hợp xảy ra câu nào cũng đúng. Miếng ăn có thể gây nhục cho người ăn. Bạn chắc còn nhớ câu chuyện Hàn Tín luồn trôn giữa chợ với bát cơm Phiếu Mẫu thì biết cái bất hạnh của người cần miếng ăn.
Ăn uống là chuyện quan trọng. Trong lịch sử, văn học, phim ảnh, nghệ thuật có biết bao nhiêu câu chuyện về bữa ăn. Trong Babette’s Feast (Buổi đại tiệc của Babette) cô nàng Babette đã bỏ ra tất cả gia tài của nàng, 18 ngàn francs, để tổ chức một buổi tiệc thật sang trọng xứng đáng hàng vương giả, đãi mười hai vị bô lão trong một làng chài. Họ là những người đã cưu mang nàng khi nàng rời Paris đi tị nạn. Họ có cuộc sống khổ hạnh ăn chay tịnh của những người tu hành. Bữa đại tiệc đã ít nhiều thay đổi tinh thần của họ. Babette tị nạn ở làng chài khoảng 12 năm, nếu tôi nhớ không lầm, trong khi chồng và con nàng đã chết trong cuộc cách mạng ở Pháp. Một buổi tiệc bằng cả gia tài, thật là đắt giá, nhưng có lẽ không đắt bằng ly rượu của nữ hoàng Cleopatra. Tôi có cái tật lan man dài dòng. Để tôi ngừng ở đây, về sau sẽ kể tiếp chuyện ly rượu đắt giá nhất trong lịch sử.
Mình rất xúc động về cách kể chuyện vượt biên của Hà. Viết tiếp nhé, sáng mai ngủ dậy mình mở ra đọc nữa 🌹❤
LikeLiked by 2 people
Cám ơn DT, nhưng đến đây là hết rồi. Hà chỉ kể chuyện thức ăn, không muốn nhấn mạnh chuyện vượt biên.
LikeLiked by 1 person
Không sao, mình following blog của Bà Tám HH mà, cứ viết đi mình rất thích lắm đó.🌹❤
LikeLiked by 1 person
Cám ơn QT.
LikeLiked by 1 person
Mình đi ngủ đây, Bye Bye!
LikeLiked by 1 person
Câu chuyện rất hay, rất thật và rất có ý nghĨa. Giữa cái sống và cái chết ta phải chọn..Cảm ơn HH, mình rất thích đọc văn của bạn viết
LikeLiked by 1 person
Cám ơn bạn. Có người đọc mình rất vui.
LikeLike
Đúng là ăn uống quan trọng thật cô, đi làm người mình toàn quen gọi là đi kiếm ăn
LikeLiked by 1 person
Thế à?
LikeLike
Có lẽ là nói vui
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Hà bài viết rất xúc động. Đọc mà thương.
Hà có tin là lần đầu tiên Mai can đảm đọc một câu chuyện vượt biên. Mai chưa bao giờ dám đọc vì sợ lắm nhưng hôm nay đọc là vì của bạn mình viết.
Cho đến bây giờ đã sau mấy chục năm, một thời gian quá dài để nguôi ngoai, nhưng Mai vẫn từ chối không quay đầu lại để nhìn thẳng vào những ngày khốn khổ liều chết lênh đênh trên biển và những ngày vô định trong trại tị nạn đó của mình.
Chỉ có một chi tiết Mai giữ lại vì nó liên quan đến cha của Mai thôi. Lúc gần ngất đi trên ghe vì liên tục 4 ngày trên biển nôn mửa, hải tặc, không thức ăn nước uống, Mai thấy ba của Mai hiện ra trước mắt mình nhìn Mai hiền từ. Người cha mất mấy năm trước mà lần đầu tiên Mai mới thấy được. Tay ông cầm một ly nước đưa cho Mai, Mai nói ba ơi đợi con theo với. Nói xong là ngất đi. Có lẽ trong lúc khát quá nên bị hallucination (ảo giác), nhưng khi tỉnh dậy thì biết ơn là mình đã may mắn thấy được cha.
P.S. Nếu Hà ở gần, Mai sẽ gởi bún bò Huế qua cho Hà.
LikeLiked by 5 people
Không ngờ hai đứa mình có nhiều điểm trùng hợp về background. Thêm một lý do thúc đẩy bọn mình phải gặp nhau để trò chuyện. Cứ giữ kín chuyện vượt biên trong tim để ấp ủ nhà nghệ sĩ trong Mai. Định mệnh bắt Mai trải qua nhiều cuộc biến động trong lịch sử, như Tết Mậu Thân ở Huế chẳng hạn, thì sẽ có lúc Mai rút kinh nghiệm sống mà làm thành tác phẩm.
Hà không định kể chuyện vượt biên, chỉ kể những bữa ăn đáng nhớ trong đời thôi.
LikeLiked by 5 people
Nếu ở gần Hà qua gõ cửa xin bún bò Huế.
LikeLiked by 2 people
Cảm động quá cô ơi. Cuộc đời cô thật nhiều điều đáng nhớ, nhiều điều khó khăn nhưng những thứ khó nhất đã vượt qua rồi thì còn sợ gì nữa phải không cô? Mong những bài mới của cô ạ.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu. Sau chuyến vượt biên, cô đâm ra sợ chết. Nghĩ thầm, Thượng Đế cho cô sống lần thứ hai, cô không thể chết vô lý với những trò chơi mạo hiểm. Bây giờ thì nghĩ mình có thể chấp nhận cái chết rồi, chỉ mong đừng bệnh tật kéo dài hay đau đớn.
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn cô vì bài viết. Sức sống của con người quả là kì lạ phải không cô?
Câu chuyện vượt đại dương của cô tuy trong bài này là để gợi nhớ những bữa ăn nhưng nó thật sự xúc động với con. Con không xem nhiều phim về đề tài này, có lẽ một phần vì tâm lí con dễ bị ám ảnh lắm, những bộ phim khắc họa quá chân thật hay cảm xúc mạnh, nhiều khi con xem xong không thoát ra được, không chịu nổi.
Về những bữa cơm với gia đình, cô kể làm con nhớ nhà ghê. Nhà con cũng hay băm xoài vào chén mắm hay ăn dưa leo xì dầu. Con cũng nhớ vị cơm nắm sáng tinh mơ với hũ muối mè mẹ làm. Sau này ít ăn lại vì cũng đầy đủ hơn nhưng có lẽ cảm xúc làm những chén cơm nóng hổi với muối ngon lạ cô hen.
Chúc cô và chú bình an, sức khỏe ạ 🙂
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu. Đúng là sức sống của con người mãnh liệt, càng mãnh liệt hơn vào lúc gần chết, đối diện với cái chết. Không phải lúc nào muốn chết cũng được. Có những lúc muốn sống cũng không được. Bởi vậy sự sống là điều mà hầu hết quốc gia nào, tôn giáo nào, cũng tôn trọng, chỉ trừ những trường hợp cực đoan. Những người cứ nhất tâm đi tìm cái chết, cô thấy đó cũng là một hành động phi thường.
LikeLike
cô ơi, chuyện hay quá…
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu.
LikeLike
Bài thơ chị Tám chép ở phần trước làm em nhớ bài thơ em học thời tiểu học. Câu chữ chắc em không nhớ hoàn toàn chính xác. Lúc đọc phần đầu em đã định chép gởi bài thơ này. Nhưng câu chuyện của chị rẽ sang một hướng khác…Em mà gởi lúc đó thì làm hỏng không khí bài viết của chị. Cả hai bài thơ đều giản dị, dễ thương, đối với em, thiệt đẹp và ấm áp lắm.
Bữa nay chủ nhật thích ghê
Xế chiều Má dọn xôi chè một mâm
Các con Ba Má cùng ăn
Chè đường ngọt sớt trộn giầm với xôi
Xôi mềm nếp dẻo đậu bùi
Lẫn trong vị ngọt có mùi nhài thơm
Cha con tấm tắc khen ngon
Má cười nhìn thấy hết trơn mâm chè.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Hạnh. Bài thơ dễ thương thiệt.
LikeLike
Em gõ nhầm: Cha con tấm tắc KHEN ngon, chứ không phải THÊM ngon
LikeLiked by 1 person
Để mình sửa lại.
LikeLike
Cám ơn cô đã kể chuyện. Chuyện nhẹ nhàng mà con cứ thấy nghèn nghẹn trong lòng.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu đã đọc.
LikeLike