Một buổi chiều đi lạc

Sanmon chùa Chion-in, Kyoto, Nhật Bản

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao bạn đi du lịch? Bà Robin, hàng xóm của tôi, gần 70, chưa đi du lịch nước ngoài lần nào, chưa đi máy bay lần nào. Thậm chí bà chưa ra đến phi trường. Con của bà cứ rủ bà đi nhưng lần nào bà cũng từ chối. Không phải bà không có tiền. Nhà của bà là một trong những căn nhà to nhất và đẹp nhất xóm. Bà chỉ không thích đi, không bao giờ có nhu cầu hay ước muốn đi du lịch ở nước ngoài hay trong nước.

Một trong những lý do khiến tôi e ngại chuyện du lịch nhất là đi nước ngoài vì tôi sợ đi lạc. Người ta bảo, đi lạc cũng là một trải nghiệm của du lịch. Có một chiều, cách đây 6 tháng tôi đi lạc ở Nhật. Có bản đồ, thấy tên đường, nhưng đọc không ra. Cái cảm giác đi lạc thật là khó chịu.

Từ Heian Jingu ra chúng tôi đi theo hướng ngược lại. Ngược lại với con đường dẫn đến Heian Jingu. Đi mà không biết mình đi đâu. Chuyến đi Heian Jingu chấm dứt sớm hơn dự tính, nên còn buổi chiều không có trong lịch trình. Nói là đi lạc cũng không đúng hẳn, chỉ là đi không có dự tính và điểm đến. Bản đồ cho biết con đường này có rất nhiều chùa Phật giáo và Thiền giáo. Ở Nhật rất nhiều chùa, cứ nhắm mắt đi bừa cũng có một chỗ để xem. Heian Jingu là đền Shinto (Thần giáo), thờ các anh linh, kami, vì thế nên tôi nghĩ kiếm chùa Phật giáo hay Thiền giáo vào xem để thay đổi cũng tốt. Chúng tôi cứ thong thả đi, tránh các chùa đông người, đến khi thấy cổng vào của một ngôi chùa, có tên đàng hoàng nhưng tôi không biết đọc, ở cổng có hai cô gái mặc kimono nhưng nói tiếng Việt, tôi tò mò vào khuôn viên chùa. Qua cây cầu nhỏ vài chục mét là thấy các bậc thang lên cao. Lên cao mãi có một cái cổng đồ sộ, ảnh ở bên trên.

Đây là loại cổng Sanmon gồm có 12 cột khổng lồ. Gọi là cổng, nhưng nó như một cái nhà sàn có hai tầng lầu, du khách không được lên các tầng lầu này. Tôi đoán đó là nơi để thờ hay cất bảo vật. Mỗi cây cột, loại vạn niên tùng, có lẽ phải được nuôi ít nhất là một trăm năm chục năm. Sanmon rất quan trọng vì là bộ mặt tiếp đãi shogun cùng các quan chức. Chùa càng danh tiếng, cổng càng phải được xây cất một cách vĩ đại. Mỗi một ngôi chùa đều được xây cất kiên cố như một pháo đài để đề phòng chiến tranh với các giáo phái khác, hay để tránh trộm cướp.

Đi loanh quanh khuôn viên chùa thấy có một cái chuông khổng lồ. Wikipedia nói rằng cái chuông này lớn nhất Nhật Bản. Đúc năm 1633 và nặng 74 tấn. Để gióng chuông phát ra thành tiếng, người ta cần 17 người đẩy cái dùi chuông. Tôi biết chi tiết này sau khi tìm ra tên của ngôi chùa. Vào ảnh thấy cái chuông chỉ bình thường chứ khi vừa gặp thì chúng tôi cứ trầm trồ. “Thấy cái chùa vô danh vắng vẻ này sao lại có cái đại hồng chung như thế này?” “Chắc là phải to nhất Kyoto!” “Chẳng biết bao nhiêu đồng để có thể đúc thành cái chuông như thế này?” Thật ra Chion-in không phải là chùa vô danh. Đây là một trong những chùa cổ nhất Kyoto được xếp vào hạng “Di sản văn hóa quan trọng.” Chùa được xây cất từ năm 1234, sau đó bị nhiều lần bị cháy vì chiến tranh. Năm 1633 nhiều chùa bị thiêu hủy nhiều nơi*, nhưng shogun Tokugawa Iemitsu (1604 -1651) cho xây cất lại.

*Chùa rộng lớn quá, có tường rào như thành quách. Khuôn viên chùa như một làng (compound) có nhiều dinh thự to lớn, toàn bằng gỗ, nên có khi tòa nhà này cháy mà tòa nhà kia may quá không cháy. Có nhiều chùa bị cháy hết cả khuôn viên, không chỉ cháy một lần mà nhiều lần.

Bàn thờ Phật Di Đà. Chụp được tấm ảnh này tôi rất khoái chí. Không biết người ta có cấm chụp ảnh không và vì không có ai ở gần để ngăn cản nên tôi chụp đại. Đi chỗ nào cũng bị cấm chụp ảnh, có lẽ vì tôn kính tuyệt đối nên chụp ảnh cũng bị xem như bất kính.

Tất cả những bảng hiệu hoặc chỉ dẫn đều dùng chữ Nhật Bản hay Trung Quốc. Chùa rất rộng, ở tít trên núi cao, chúng tôi leo hết dãy bậc thang này đến dãy bậc thang khác. Một điểm làm tôi ngạc nhiên là ngôi chùa to, cổ kính như thế mà lại không có thu tiền lệ phí xem chùa. Có lẽ vì không có bảng chỉ dẫn tiếng Anh nên ít người ngoại quốc Tây phương đến xem. Ngay cả người Á châu cũng ít. Dù đã cuối tháng 10 trời rất ấm. Con đường ngoài cổng chùa xe buýt hai tầng chạy tấp nập, vậy mà chùa vắng khách mới thật là thú vị. Tôi đã phải chen chúc nhiều nơi nên gặp chùa vắng, dù không biết là mình đang xem cái gì, vẫn thấy dễ chịu.

Từ trên đồi cao đi xuống ra một cái cổng khác thấy có tượng của một vị tăng. Vì mù chữ nên không biết vị tăng này tên gì, có chức vụ gì, đã có công đức gì với chùa.

Từ trên chùa nhìn xuống thấy có một nhóm phụ nữ đang dàn cảnh chụp ảnh. Tất cả đều mặc kimono mang guốc gỗ và tất trắng.

Giờ đây, sáu tháng sau, ngồi xem lại ảnh cũ, tôi phát hiện có một tấm bảng nhỏ, dựng trước một ngôi nhà, miếu thờ hay gì đó có hàng chữ Chion-in. Kiểm lại với Wikipedia, nhìn thấy cổng chùa thì biết ngôi chùa mình đến xem đúng là chùa Chion-in.

Khi biết tên chùa rồi tôi quay lại tìm thêm chi tiết về chùa. Tượng vị tăng ở bên trên có thể là tượng của Honen (1133-1212) người thiết lập giáo phái Pure Land (Tây Phương Cực Lạc) Tịnh Độ Tông, thờ Phật A Di Đà.

Cổng sanmon được chạm trổ rất tinh vi. Nghe kể rằng cổng chùa này là do hai vợ chồng Gomi Kin’uemon dâng tặng. Họ tự tay khắc gỗ và xây cất cổng sanmon. Sau khi hoàn tất, cả hai người đều tự tử. Xác của hai người được quàng trong quan tài làm bằng gỗ và cất trong sanmon, có lẽ ở tầng trên. Tôi tự hỏi Gomi Kin’uemon là ai. Có lẽ đây là một nghệ nhân, nhà khắc gỗ lỗi lạc. Khi hoàn tất công việc, tại sao lại tự tử? Có lẽ để tác phẩm của họ là một món quà có một không hai dâng tặng cho shogun, cho giáo phái A Di Đà, cho chùa Chion-in. Với người Nhật, được tự chọn cho mình cái chết và cách chết là một vinh hạnh, bởi thế cho nên?

Lúc ấy hai cái sảnh đường của chùa bị rào lại để sửa chữa nên tôi không vào, bây giờ mới biết sảnh đường này cũng có sàn gỗ, khi bước lên sẽ phát ra tiếng động giống như tiếng hót của chim sơn ca tương tự sàn gỗ của lâu đài Nijo-yo. Lúc tôi đi vòng ra phía sau, có nơi để khách ngồi cầu kinh, gõ mõ, được trang trí với những đồ vật có vẻ quí giá và chạm trổ tinh vi.

Buổi chiều hôm ấy, tôi quên đi cảm giác khó chịu vì đi lạc không biết đường, không biết mình đang xem gì, chùa tên gì. Nhưng bây giờ ngồi nhớ lại, tìm ra được tên chùa thì thấy: Đúng, đi lạc cũng là một trải nghiệm thú vị.

Đường lên chùa như lên thiên đàng, cao vòi vọi
Mái và ngói của chùa
Chỗ ngồi tụng kinh gõ mõ
Những vật trang trí họ để khơi khơi như vậy mà không sợ bị ăn cắp. Cho dù bằng đồng hay thau nhưng nếu lâu đời vẫn có giá trị rất cao.

19 thoughts on “Một buổi chiều đi lạc”

  1. Rất thích ngôi chùa cổ này Hà ơi, hình Hà chụp thật đẹp.
    Nhờ Hà đi, mình biết được nhiều nơi trên thế giới, cảm ơn
    Hà rất nhiều 🌹❤.

    Like

    1. Vậy chứ mỗi lần đi lạc cô vẫn thấy có đôi chút bấn loạn. Cháu ở Nhật bao lâu? Có dự tính trở lại không? Cô dự tính đi Nhật vào tháng 11, nhưng có lẽ phải bỏ dự tính này vì tình hình dịch bệnh.

      Like

        1. Cô sợ cái nóng, vừa nóng vừa ẩm. Tuy vậy Nhật giáp biển nhiều nên khám phá vùng ven biển của Nhật chắc là thú vị. Người thân của cô nói đã đi Nhật một lần rồi còn tính đi lần thứ hai làm gì. Thật ra nếu có đi nước ngoài lần thứ ba cô vẫn muốn đi Nhật bởi vì còn nhiều thứ cô muốn tìm hiểu.

          Like

  2. Cô Tám đi nước ngoài được nhiều chưa ạ? Cháu cũng đang muốn đi châu Âu mà sợ dịch bệnh lúc ấy chưa hết. Nhiều bạn bè của cháu rất thích Nhật, cả bồ cháu nữa. Mà cô cứ nghĩ chuyện đi lạc là cơ hội để cô khám phá thêm ý, cháu hay nghĩ như vậy nên chưa bao giờ cháu lo lắng khi bị lạc, dù cháu có đi du lịch 1 mình.

    Liked by 1 person

    1. Cô chỉ mới đi Nhật chín ngày hồi cuối tháng 10 sang đầu tháng 11 năm ngoái. Năm nay dự định đi Nhật lần nữa vào tháng 11, dự định đi một tháng, thì bị trận dịch này. Cô cũng thèm đi một mình nhưng thấy mình không đủ gan dạ. Cháu đi một mình là giỏi. Cháu đi bao nhiêu quốc gia rồi? Thật ra cô đi Nhật 14 ngày, 9 ngày ở Kyoto, vài ngày đi đường, và vài ngày ở Tokyo. Mới đó mà đã lẩm cẩm, quên.

      Like

      1. Dạ những nước an toàn như Nhật thì cháu nghĩ đi 1 mình vẫn ổn ạ, chỉ vướng khoản giao tiếp thôi nhưng cô có thể dùng apps. Cháu đi được 5-6 nước thôi ạ, cháu muốn đi thêm mà vướng đợt dịch này. Nếu cô Tám thích phong cảnh nên thơ kiểu cổ cổ như phim chưởng Tàu thì cháu recommend cô đi TQ nha hihi, một trong những chuyến đi thành công bất ngờ của cháu đấy ạ.

        Liked by 1 person

  3. chuyến đi lạc của cô thật thú vị ạ. con cũng bị đi lạc một lần, ở trong nước, đi mấy cái lăng tẩm ở huế, đi lòng vòng hồi tối thui luôn. con sợ không đón được xe ôm hay xe kéo gì về, vì có mấy cái lăng xa tít, khỏi chợ. còn kì qua campuchia chơi, lăng bên đó cũng rộng vậy mà mấy bạn kéo tuktik rất nhẫn nại, đi theo tận nơi, không để lạc.

    Liked by 1 person

  4. Đọc bài viết của chị khiến em thèm đi Nhật nữa. Em cũng có nửa ngày đi lạc ở thành Osaka, hôm nọ có nhủ lòng sẽ viết lại để làm kỉ niệm, nhủ tới lui rồi thành rơi rụng hết đó chị.

    Liked by 1 person

    1. Nếu không viết bây giờ để lâu sẽ quên, rồi lười, rồi bận chuyện khác. Mong đọc chuyến đi lạc của Anh kim ở Osaka. Mình tính đi Nhật một tháng vào tháng 11 năm nay, bây giờ tình trạng như thế này nên cũng chưa biết có đi được hay không.

      Like

      1. Nhật đang cho nhân viên nghỉ việc thêm tháng 5, các công viên hoa tháng 5 đẹp rực rỡ mà không ai đi ngắm. Chắc năm 2020 này nên ở nhà thôi chị nhé. Vụ em đi lạc chán lắm chứ không thú vị như chân lạc của chị đâu ạ.

        Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s