Gà giò xào mướp non

Bữa trước viết về những bữa ăn trong trí nhớ rồi bắt quàng bắt xiên qua chuyện khác. Hôm nay đang đi bộ trong rừng bỗng dưng tôi nhớ đến một bữa ăn với má tôi. Món ăn là gà giò xào mướp non.

Năm đó có lẽ tôi đang học lớp 11. Má tôi dẫn tôi về quê. Má sinh ra ở miệt Cái Bè Cai Lậy Mỹ Tho. Bây giờ tôi tiếc là hồi nhỏ không hỏi về gốc gác của bà. Nhiều khi làm con, mình tưởng là mình biết quá khứ của cha mẹ, nhưng thật ra mình chẳng biết gì cả. Má tôi có kể loáng thoáng tuổi thơ cực khổ nghèo khó của bà, nhưng tôi nghe một cách hững hờ, từ lỗ tai này qua lỗ tai kia. Bây giờ không còn ai biết tuổi thơ của bà để kể lại cho tôi nghe nữa.

Thường thường tôi ít khi đi theo má tôi. Má tôi thích đi chùa, đi hành hương, chỗ này chỗ kia. Tôi bị say xe dữ lắm, lên xe là người lả ra như sắp chết. Bước xuống xe là thở đàng hoàng đi đứng tỉnh bơ. Lần này trước khi đi má tôi có kể một câu chuyện.

Má tôi có hai người chị bạn dì. Dì Ba Kim và dì Tư. Dì Ba Kim rất đẹp, bới tóc, da trắng trẻo, không có chồng. Dì Tư có nhiều con, nhà nghèo. Dì Tư giao một trong mấy người con của dì cho dì Ba Kim nuôi. Anh Tư được dì Ba Kim nuôi từ nhỏ. Anh có bệnh gì đó hồi nhỏ bị mổ và phải tiếp nhận máu.

Dì Ba Kim có vườn có rẫy. Dì cần tiền nên bán hai cây cóc trong vườn. Hồi đó tôi không hỏi nên không biết bán hai cây cóc có nghĩa là cho người đến đốn cả cây, hay chỉ bán trái cóc của chúng thôi. Không biết số tiền của hai cây cóc có nhiều lắm không, có đáng cho người ta giết người để cướp số tiền ấy không. Anh Tư, lười biếng ham chơi, hay ăn nhậu. Anh xin tiền dì Ba Kim khi nghe dì tính bán hai cây cóc nhưng dì không cho.

Buổi trưa dì Ba Kim bán hai cây cóc, thì đêm đó dì bị kẻ lạ đột nhập vào nhà. Nhà dì ở bên cồn (Cai Lậy). Muốn đến nhà dì phải đi bằng xuồng. Kẻ lạ đến nhà dì, chém dì trúng vào cổ, lục lấy tiền, và bỏ đi. Dì một tay vịn cổ bịt vết chém, một tay vịn cửa lần theo vách lần mò xuống xuồng, chèo xuồng ra chợ đến nhà thương, nhưng bị mất máu nhiều quá nên chết trước khi đến chợ. Người ta thấy xuồng dì trôi lênh đênh nên chèo xuồng ra kéo xuồng dì vào mới thấy dì chết trên xuồng và xuồng đẫm máu. Anh Tư lúc ấy không có ở nhà. Về sau người ta nghi anh Tư cướp tiền và giết dì Ba Kim. Người ta đồn rằng anh giết người dì đã nuôi anh như mẹ, vì trong người anh có máu chó khi còn nhỏ được tiếp máu.

Sự thật như thế nào, tôi không biết. Nếu anh bị nghi oan như thế thì cũng thật là đáng thương. Rất có thể những người quen biết với người mua hai cây cóc biết dì Ba Kim có tiền nên giết dì. Tuy nhiên, nghe má tôi kể như thế tôi sợ nên không muốn má tôi về quê thăm dì Tư một mình. Nghĩ cũng buồn cười, giả tỉ như anh Tư có thể giết dì Ba Kim, tôi có thể bảo vệ má tôi sao?

Lúc ấy má tôi đã là dân Sài Gòn. Có một thời bà làm những chuyến đò dọc chèo chống ghe từ Cái Bè Cai Lậy cập bến kênh Tàu Hủ bán trái cây đồ gốm miệt vườn và mua hàng chở về bán cho dân ở quê. Mỗi lần về thăm nhà như thế bà đều biếu cho các dì một ít tiền. Tôi thật không thể nào biết được “quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn” như thế nào.

Nhà dì Tư là một túp lều tranh xiêu vẹo. Khi má tôi và tôi bước vào nhà lũ con nít lối xóm vây quanh nhìn dân Sài Gòn. Dì Tư mừng thấy má tôi về bảo má tôi ở lại ăn cơm. Nhà chẳng có gì để đãi khách Sài Gòn. Dì chụp bắt một con gà giò, chưa kịp lớn, chỉ có mấy cái lông cánh, người nó xác xơ dẹp lép. Dì hái mấy trái mướp non, còn nhỏ xíu chừng hai ngón tay, loại mướp hương này khi lớn đúng độ nó dài cả thước và có đường kính cỡ bắp tay người lớn.

Chẳng biết có phải tại đường đi Sài Gòn Cai Lậy dài mà tôi say xe chẳng ăn uống gì được, lại phải đi đò sau đó lội bộ vào trong ruộng một quảng đường khá xa nên đói bụng, đĩa mướp xào thịt gà giò hôm ấy ngọt vô cùng. Mãi từ đó cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ được ăn miếng mướp nào ngọt như thế. Tôi chỉ nhớ vị ngọt của mướp chứ không nhớ thịt gà. Hình như tôi không tìm thấy miếng gà nào có thịt, chỉ toàn xương trong đĩa mướp xào hôm ấy. Bây giờ kể lại tôi bỗng nhớ truyện ngắn không nhớ tên tác giả. Truyện kể một gia đình nghèo có bạn đến chơi, ông chủ nhà giết con chó để nhậu với bạn, không kể gì vợ con đang ở phía sau nhà đã lâu nhà đói ăn không hề được miếng thịt nào. Không biết có phải của Vũ Trọng Phụng không. Không biết trong đám trẻ em họ hang có người nào thầm trách dân Sài Gòn đã ăn mất bữa ăn ngon của họ không.

Ảnh không liên hệ đến bài, cũng chẳng giống con gà giò. Mới chụp được lúc đi rừng hôm nay. Giống chim này nhanh nhẹn khó chụp lắm.

Cardinal

24 thoughts on “Gà giò xào mướp non”

  1. Chuyện hay quá cô ơi 😀 một chút ngậm ngùi, mà sự thật thì cũng không ai còn biết được nữa rồi. Anh đó (con phải gọi là chú) sau này có ai biết tin tức không gì?
    Cái khúc máu chó làm con vừa mắc cười vừa buồn buồn. Phận làm con nuôi, chắc cũng không sung sướng gì đâu.

    1. Không biết cháu. Má cô mất lâu rồi. Mà từ sau khi rời Cai Lậy cô cũng không để ý gì đến gia đình của dì Tư với anh Tư.

  2. Giọng văn của tác giả khách quan, không thương cảm nhưng làm người đọc xúc động.
    Cách viết giản dị lắm, kiểu giản dị này quả thật không dễ chút nào.

  3. Đọc chuyện cô Tám kể làm con nhớ những dòng văn Nguyễn Ngọc Tư ghê đó cô. Chuyện có sao cứ kể, dẫu buồn nát ruột vẫn mạch lạc chứ câu chữ không xiêu vẹo. Giọng văn không buồn, là chính câu chuyện nó thương tâm. Con chưa đi miền Tây, thấy thật thiếu sót. Sau về phải đi miền Tây ăn mướp xào cô ha.

  4. Cô ơi mướp hương xào chung với tỏi đập dập không thôi cũng ngon, ngọt lắm đó cô, xào nhưng mà mình cho thêm chút nước, mướp làm ngọt nước xào, lấy nước đó chan vô cơm nóng ăn cơm chiều ngày mưa lâm thâm rất là ngon!

    1. Ít bữa cô đi chợ mua mướp về xào ăn. Má cô hay xào chung với nấm và miến. Mướp nhất là mướp non, sao mà nó ngọt như cho đường vậy.

  5. Con cũng thích đọc những chuyện về miền quê sông nước như thế này. Con là dân thành phố, học hành đi làm bận rộn nên hiếm có thời gian đi về miền Tây chơi. Mà thật ra có về cũng không cảm đủ bằng những người đang hoặc từng sống ở đó. Mong cô viết thêm thiệt nhiều.

  6. Kể chuyện mướp non mượt mà quá chị Tám ơi – Càng thêm tuổi mình càng nhớ Má – nhớ Mẹ – nhớ những chuyện rất xưa!
    Sao lạ, cứ nhớ đến Mẹ – là nhớ những điều khổ ải – Mình chưa thấy bài viết nào về Mẹ về Má bắt đầu bằng: “Mẹ tôi là người đàn bà sung sướng!” . . .

Leave a comment