Nơi tôi ở màu xanh

New Jersey còn có tên là Garden State, có lẽ vì có nhiều rừng, nhiều công viên, nhiều vườn tược. Mỗi lần có dịp ngược bắc xuôi nam, tôi vẫn trầm trồ tiểu bang này vẫn còn nhiều rừng quá. Dọc theo những đường xa lộ có chiều dài suốt tiểu bang vẫn còn thấy rừng nối tiếp rừng dù rằng tiểu bang này mật độ dân số khá đông, nghe nói là mật độ dân số đông hơn New York. Liên tiếp năm sáu hôm nay, số người chết vì bệnh Covid-19 đã xuống dưới 200 người. Số người mới nhiễm bệnh hai hôm nay dưới một ngàn, dấu hiệu khả quan. Một tiểu bang bệnh nặng, thoi thóp thở nhưng vẫn đẹp ngây ngất như thế này.

Thành phố tôi ở có tên là Dòng suối xanh. Trời ấm. Có nắng. Số người đi rừng khá đông. Tuy đông nhưng không đến độ tràn lan hỗn loạn. Người ta vẫn tìm cách cho nhau khoảng cách cá nhân hơn 2 mét. Có người còn cảm ơn tôi đã đeo khẩu trang lúc đi rừng.

Rừng xanh quá. Tôi thật không có đủ chữ để diễn tả màu xanh của rừng. Xanh đậm nhạt khác nhau. Màu xanh của những cây tùng lâu năm và những cây thông non khác nhau. Màu xanh của những cây sồi mới ra lá non và hoa sồi, (hoa sồi có màu từ xanh nhạt, hồng nhạt cho đến đỏ sậm tùy theo loại sồi). Nhìn đâu cũng thấy một màu xanh ngan ngát, biêng biếc, xanh nõn, xanh rêu, xanh ngời nắng, ngay cả nắng cũng xanh.

Người ta bảo chụp ảnh phải có chủ đề, làm sao để người xem nhìn thấy chủ đề của tôi là màu xanh đậm nhạt của lá, với nắng rọi sau rừng cây? Và màu lá sẽ không còn đẹp nếu thiếu màu nâu của những gốc cây song song đủ cỡ?

Thỉnh thoảng tôi vẫn muốn có vài câu thơ để nói lên vẻ đẹp của rừng. Nơi tôi đi có con suối nước trong, có một hai cái thác nho nhỏ, có cái đập sau mỗi cơn mưa nước chảy thật mạnh, có núi tuy không cao lắm nhưng cũng đủ để tôi mỗi bước đi phải hít vào thật sâu để có đủ dưỡng khí mà bước thêm bước nữa và bước nữa, mãi cho đến hết đoạn đường, có lúc như dài vô tận. Cảnh đẹp với màu xanh như vậy mà tôi vẫn không có thể làm ra câu thơ nào. Có lẽ muốn làm thơ là phải có một nỗi buồn sâu thẳm nào đó để người ta có thể dùng màu rừng mà nói lên nỗi buồn của mình. Tôi thì ngược lại, mỗi bước đi chỉ thấy lòng mình nhẹ nhõm, nghĩ toàn chuyện bâng quơ.

Chỗ này gọi là Skytop picnic area. Thỉnh thoảng lúc chưa dịch bệnh có người ra nơi đây tổ chức sinh nhật, chụp ảnh đám cưới, có khi là những buổi họp của những người có đạo tổ chức nói diễn thuyết.
Con đường ven đồi thoai thoải đi xuống rẽ làm hai nhánh bị che khuất bởi cây xanh

Tôi nhớ một bài hát xưa, bài Sáng Rừng của Phạm Đình Chương “Rừng xanh lên bao sức sống, ú u ú u. Ngàn cây xôn xao đón hương nồng của vầng thái dương hồng bừng lên trời đông.” Thật khó mà tưởng tượng một nhạc sĩ với những câu hát vui tràn đầy sức sống này cũng là người viết bản nhạc khiến người nghe đau buốt tận tim. “Nghe tình đã chết trong tôi, cho lòng tiếc nuối nhớ thương suốt đời.”

Rừng mùa này có nhiều hoa. Thỉnh thoảng nhìn xa xa có cây dogwood nở hoa trắng xóa. Dưới chân tôi có hoa linh lan, tôi có chụp ảnh nhưng mờ không đẹp nên không đưa lên. Hoa rừng thường có màu trắng, màu vàng, màu tím, ít khi có màu đỏ. Tôi thường thấy màu hồng đậm rực rỡ của tử kính hương và loại đỗ quyên màu cam. Có một loại hoa dại màu tím nhưng cánh giống như cánh bướm. Tôi cũng nghĩ đến mấy câu mở đầu trong bài Nhạc Rừng Khuya của Lam Phương “nhạc đêm tàn hòa cùng ngàn cây trầm lắng. Nhạc reo buồn hoà cùng đường tơ rừng vắng. Sương trời khuya rơi khắp đó đây rừng ơi.” Nghe thì hay vậy nhưng tôi chưa hề biết bình minh hay trời khuya trong rừng. Tôi chỉ đi rừng vào lúc ban ngày giữa trưa. Lúc này rừng rất sáng vì cây chưa lên lá, mặt trời chiếu qua cây tạo thành bóng lốm đốm trên đường. Người ta gọi văn vẻ là hoa nắng, tôi chưa tìm được chữ nào đẹp hơn.

Có loại hoa tím này giống như hoa rau dừa
Hoa này giống từa tựa như hoa của cây cherry, mùi thơm
Không biết tên hoa này, hoa nở nhiều nơi
Có lẽ cùng một họ với honey suckle (kim ngân) nhưng là cây, chứ không phải dây leo. Thơm ngát.
Tử đằng, mọc chi chít trên ngọn cây cổ thụ có tán rộng. Tôi biết có hoa tử đằng mọc trên cây này sau khi nhìn thấy xác hoa rụng đầy mặt đất.
Tử kính hương ở ngay sau nhà
Witch hazel thấp thoáng từ xa, nổi bật trên nền nâu sẫm của vỏ cây
Bên nhau ở hồ Surrprise
Đang đi nghe tiếng mõ gõ liên hồi náo động cả rừng xanh, thì ra một tên chim gõ kiến bé xíu xìu xiu nhưng mổ mạnh và nhanh ghê lắm
Gà lôi đang múa bên nhà bà Robin
Môt đọt thông non, ông Tám giải cứu ra khỏi mấy bụi gai đang bóp nghẹt nó
Dogwood giữa rừng
Bụi cỏ dại mọc khuất trong bóng cây
Maple tree seeds
Cánh tay của alien thấy ở hồ Surprise

24 thoughts on “Nơi tôi ở màu xanh”

  1. Màu xanh đẹp quá chị. Pháp Hoan thích những khu rừng như thế này, pha tạp nhiều loại cây gỗ từ sồi, đoan, dẻ…cho đến vô số loài hoa cỏ khác. Ở BC Pháp Hoan ở đa số là rừng thông. Mà hoa đó tên là tử đinh hương mới đúng chứ chị nhỉ !?

    Liked by 1 person

  2. Tử kính hương nhìn giống hoa đào chị nhỉ. Rừng đẹp và em thích những lời bản nhạc chị đính kèm… công nhận trí nhớ của chị tốt thật ạ.

    Liked by 1 person

  3. Cảnh đẹp mà người viết còn tăng vẻ đẹp nhiều lần. Thích. Có 1 số ít người biết thưởng thức cảnh đẹp mùa Xuân nhưng khổ nổi chịu không được vì Cỏ, Lá và Phấn Hoa mùa Xuân. Họ bị dị ứng nặng!

    Liked by 2 people

  4. Chưa có nỗi buồn sâu thẳm nào nên… chắc không làm được thơ hay đâu ạ. Con cũng chưa học làm thơ bao giờ, ngắm bức tranh thiên nhiên cô tả đẹp quá nên muốn ghép vần tặng cô Tám, chúc cô vui nha.

    NƠI TÔI Ở MÀU XANH

    Dưới bầu trời trong xanh
    Là bát ngát rừng xanh
    Kìa hoa trắng, lá xanh
    Tử đằng tím, thông xanh
    Chú gõ kiến lanh chanh
    Đang mổ mạnh và nhanh
    Ánh nắng vàng lấp lánh
    Rọi xuyên lá cùng cành
    Con suối nước long lanh
    Không khí thật trong lành
    Đẹp tuyệt tựa bức tranh
    Về sớm cũng không đành
    Mời bạn đến đây nhanh
    Cùng Tám đi loanh quanh.

    Liked by 2 people

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s