Có hay không sự kỳ thị chủng tộc?

Hôm qua đạp xe dọc theo dòng kênh D&R, tôi gặp hai người chèo thuyền có nụ cười dễ mến. Tôi quýnh quáng nên sử dụng máy không nhanh chóng, suýt nữa mất tấm ảnh. May còn vớt vát được một chút xíu.

Nếu bạn ở một nơi nào đó ngoài nước Việt Nam sẽ có lúc bạn gặp câu hỏi, có hay không sự kỳ thị chủng tộc. Đó là một câu bạn tự hỏi. Và có khi người khác hỏi bạn.

Tôi chính thức nhận được câu hỏi, “Bà có cảm thấy bị kỳ thị chủng tộc không?” ở trong văn phòng giám đốc EEO, ủy ban chống kỳ thị chủng tộc. EEO là từ viết tắt của Equal Opportunity Employment. Công ty tôi làm việc (hồi mười tám tháng trước đây, trước khi tôi về hưu) có ban hành điều lệ, tất cả mọi người đều có cơ hội tìm việc làm như nhau. Đây là một hình thức ngăn cấm kỳ thị chủng tộc. Rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi thấy, hễ nơi nào có thông cáo, điều lệ, hay bảng tin tức cấm điều này chuyện nọ, thì tôi ngầm hiểu rằng, việc đó đã xảy ra, và có thể xảy ra nhiều lần. Thí dụ như cấm câu cá, tắm sông, hay cấm trượt băng trên mặt hồ vì sợ chết đuối thì biết nơi đây đã từng có người bị chết đuối.

Trước đó, có một kỹ sư trong nhóm của tôi, đã kiện cáo với EEO, là ông bị kỳ thị chủng tộc. Ông G. là người gốc Trung Đông, da không hoàn toàn trắng, lớn lên ở Mỹ, có bằng Tiến sĩ, chức vụ Project Manager. Ông không mấy dễ mến. Tự tin quá nên giống như kiêu ngạo. Mỗi khi trong công ty có những chức vụ cao như cỡ General Manager hay Vice President ông đều nộp đơn ứng cử. Thông thường, người ta chỉ nộp đơn ứng cử (hay nói đơn giản là xin tăng chức) cho những chức vụ cao hơn chức vụ hiện tại chừng một hay hai cấp. Project Manager của ban kỹ sư công chánh không phải là một chức vụ cao. Trên PM có Director, Chief Engineer, đến Deputy General Manager. Tuy vậy, từ PM mà đòi lên Chief Engineer đối với người như tôi thì khó khăn lắm; giống như Thiếu úy mà đòi lên Đại tướng là chuyện có thể xảy ra, nhưng ít khi thành công. Không thành công vì nhiều lý do phức tạp chứ không hẳn vì kinh nghiệm, hay học vấn. G. kiện lên EEO bảo rằng ông bị kỳ thị chủng tộc. Ông G. lại có một điểm bất lợi, vệ sinh thân thể không được chu đáo nên đôi khi ông bốc mùi hôi nặng nề. Khi có người than phiền ông lại nộp đơn kiện là ông bị kỳ thị chủng tộc.

Tôi là phụ nữ, người da màu, có lẽ vì thế khi điều tra về kỳ thị chủng tộc trong nội bộ, tôi được mời lên để phỏng vấn. Trưởng ban EEO lúc ấy là một luật sư người da trắng. Bà bị bệnh béo phì. Có lẽ, bà đã từng bị kỳ thị, vì là phụ nữ và béo phì.

Tôi trả lời là tôi không cảm thấy tôi bị kỳ thị vì màu da. Nếu có thì tôi không biết, hoặc không thể chứng minh. Điều đó không có nghĩa là việc ấy không hoàn toàn xảy ra. Sự kỳ thị màu da ở trong công ty làm việc chỉ đáng kể nếu sự kỳ thị này ảnh hưởng đến công việc, lương bổng, hay chức vụ. Người ta không có thì giờ và tiền bạc để chứng minh hay kiểm soát ở những khía cạnh khác.

Stephanie người Đài Loan làm chung công ty với tôi nhưng ở ban khác. Stephanie thích chuyển email khôi hài cho một nhóm bạn, trong đó có tôi, một Stephanie khác người da trắng gốc Spanish, hai ba người Á châu, và có cả một cô nàng da màu bạn thân của nàng. Đa số email kiểu này tôi làm biếng đọc nên thường khi xóa trước khi đọc. Rồi một hôm, tôi nhận được lệnh đi học chống kỳ thị chủng tộc từ văn phòng EEO. Tôi phản đối vì mất thì giờ của tôi, và tôi đã học môn này mấy lần rồi. Tôi hỏi vì sao tôi phải đi học, thì mới vỡ lẽ ra, có người da màu cho rằng một trong những email khôi hài của Stephanie mang tính kỳ thị chủng tộc, chế nhạo người gốc Phi châu mũi tẹt, môi dày, bàn chân to, tóc quắn. Tên tôi có trong danh sách người được email của Stephanie. Tôi phản đối bảo rằng tôi không đọc email đó, thậm chí tôi không biết nó nói gì, tôi không thể hoàn toàn ngăn cấm được những gì người ta gửi cho tôi. Một cô nàng người Đài Loan khác làm ngơ không đi học lớp kỳ thị chủng tộc này. Nhưng tôi bản tính ngoan, không muốn có vẻ ương ngạnh chống đối, nên đi học.

Người da màu ở Mỹ rất sắc sảo trong việc tự bảo vệ và bảo vệ lẫn nhau trong vấn đề kỳ thị chủng tộc. Họ có tổ chức pháp lý và tài chánh ủng hộ khi họ cần phải tranh đấu.

Bạn có kỳ thị người khác màu da với bạn không? Bạn có bị kỳ thị vì khác màu da với người ta không? Kỳ thị màu da coi vậy, dễ nói nhưng khó chứng minh. Chỉ có người từng bị kỳ thị chủng tộc mới biết mình bị kỳ thị chủng tộc.

Tập ghép ảnh photomerge. Ảnh chụp hôm qua lúc đến cây cột đánh dấu số 2, có nghĩa là còn hai dặm sẽ hết đường mòn dọc theo bờ kênh D&R canal (East Coast)

Ảnh chẳng liên quan gì đến kỳ thị chủng tộc. Đăng chơi cho vui mắt thôi.

15 thoughts on “Có hay không sự kỳ thị chủng tộc?”

  1. Thỉnh thoảng cháu ra ngoài đường cũng hay bị gọi với theo “china china” hoặc “nihao”. Hồi đầu cũng bực nhưng rồi cũng kệ. Nhưng mới hôm trước bọn cháu đi xe đạp ra ngân hàng có việc, rồi dừng lại trước cửa kính của một hãng môi giới nhà đất xem giá nhà thế nào. Có một bà già chắc phải tầm 65-70 tuổi rồi ạ, tóc bạc trắng, lưng còng, người gầy gò, tay thì chống gậy rồi mà gặp hai bọn cháu, bà ý cầm gậy xua xua xong quát “đi đi, bọn chuột bẩn thỉu này. Đi đi, đồ corona virus, đồ Trung Quốc ăn trộm bẩn thỉu.” Ôi nhìn bà ý tức tối như vậy, vài giây đầu cháu cũng bực nhưng sau lại thấy thương. Vì từng ấy tuổi rồi, già thế rồi mà vẫn sân si, vẫn có nhiều đau khổ quá 😦

    Liked by 4 people

  2. Cũng giống bạn Kimi, cháu cũng từng bị gọi “china china” hay “xing xang xong”. Nhiều người (chủ yếu là teenager) còn kéo mắt ra làm mắt xếch để châm chọc mình. Lúc đầu thấy bực nhưng cũng kệ. Có cãi nhau thì cũng vô ích. Cháu nhớ có lần đi tàu điện, đang nói chuyện với bạn người Việt. Thì 1 bà từ đâu đến nói “bọn m đang ở Đức, phải nói tiếng Đức. Ko nói được thì đi về chỗ của m đi”. Cháu phản bác lại “Tôi nói được nhưng không thích nói. Nếu bà không thích nghe thì mời đi chỗ khác”. Thế là bà ấy lầm bầm chửi rồi bỏ đi 🙂 Racism diễn ra hàng ngày, chỉ có điều là we didn’t talk about that.

    Liked by 2 people

      1. Cô không biết tiếng Hoa. Đoán chữ “xếnh sáng” nói theo tiếng Việt, là nhái giọng hay nói trại từ chữ “tiên sinh.” Theo cô hiểu “tiên sinh” là tiếng để chỉ người đàn ông, kính trọng. Trong truyện cô thường gặp chữ “thưa tiên sinh” cô nghĩ cũng giống như thưa ông. (Một số) người Tây phương, một phần là không quen, một phần vì ngu dốt, nhiều khi nghĩ là nói đùa một cách thân thiện, nhưng không đúng chỗ, đúng cách, đúng người, nên đâm ra quá trớn, thô lỗ.

        Liked by 1 person

  3. Cháu thấy cuộc sống của cháu ở đây khá dễ dàng, chủ yếu thì chỉ bị gọi là Trung Quốc thôi. Tuy nhiên cũng có một hôm cháu quên mang thẻ sinh viên, phải nhờ bảo vệ quét thẻ mới được vào trường. Cháu nhờ mà bác ấy không chịu mở, cứ bắt cháu phải nói “Chào buổi sáng” bằng tiếng Trung thì mới cho cháu vào, dù cháu đã nói cháu là người Việt. Xong bác còn lấy tay làm mắt xếch ám chỉ là mắt cháu nhỏ nghĩa là người TQ rồi. Cháu mệt quá nên nói “Chào buổi sáng” bằng tiếng Trung luôn, xong lúc bác mở cửa cháu mới nói là cháu là người Việt, cháu nói tiếng Việt. Bác ấy lúc đó mới thấy ngại. Cháu lúc đó chỉ thấy mệt với buồn cười. Cháu nghĩ chắc bác ấy cũng không có ý bắt nạt gì, vì bình thường lúc cháu chào hỏi bác thì bác cũng chào lại vui vẻ.

    Cháu có nhiều bạn từ các nước châu Phi với Syria. Cháu làm tình nguyện nên cũng nghe đủ thứ chuyện phân biệt chủng tộc ở Thổ. Nhưng mà đối với các bạn Syria thì cháu thấy giống như trộn lẫn giữa xenophobia và racism, nhưng đó cũng chỉ là phỏng đoán của cháu thôi.

    Like

  4. hôm trước, con và một đám bạn đi hồ bơi trong khách sạn. vào hồ bơi thì thấy toàn da trắng, tự nhiên cả nhóm tụt hứng, bảo nhau toàn tây, chán, thôi đi ăn không bơi nữa. vào quán rồi mới chưng hửng nhận ra, hình như hành động vừa rồi là phân biệt chủng tộc.

    Liked by 1 person

    1. Cô nghĩ trong trường hợp của cháu, không phải cháu phân biệt chủng tộc. Có lẽ cháu ngại lẻ loi giữa đám người da trắng, không biết sẽ trò chuyện như thế nào, hoặc là ngại họ sẽ kỳ thị mình, nói những lời mình nghe mích lòng rồi bực mình. Ngay cả không phải người da trắng, mà một nhóm toàn người Trung quốc hay Hàn quốc cũng khiến cô ngần ngại không muốn nhập bọn, vì khác biệt văn hóa hơn là vì kỳ thị.

      Liked by 2 people

  5. Lúc còn ở MN thì ông chồng nhà em bị một big case kì thị đó chị. Cái vụ việc này nó hoá to là vì anh manager (người da trắng) cứ lấn áp những nhân viên da màu (đa phần là những người da đen như ông O nhà em). Anh này kinh nghiệm thì ít và vào làm sau nhưng trong hai ba năm được lên chức Assistant VP trong khi đó các đồng nghiệp da màu thì đầy kinh nghiệm và có nhiều thâm niên làm việc lại bị từ chối promotion. Lần lược anh ta vô tình hay cũng cố ý ép những người da màu nghỉ việc hay từ chức vì không cho lên lương mà cũng không tạo cơ hội cho nhân viên lên chức. Nói chung là đến khi ông O nhà em lên tiếng thì mọi chuyện mới bùng ra. Thì ra mấy người kia đã complain với HR mà không ai làm gì cả. Với lại anh này là người bà con với một ông executive VP rất powerful trong chổ đó. Thế là ông O khiếu nại vì anh này đã làm khó mình mà còn viết báo cáo sai sự thật cố tình làm bẩn uy tín của mình. Vụ việc kéo dài mấy tháng, có đem ra giải hoà mà anh kia không chịu xin lỗi mà còn lấy thế ra đe doạ ông O nhà em. Thế nên ông O chán ngẩm chổ làm đó và tụi em quyết định dọn đi qua SF.
    Kì thị ở bên ngoài không nguy hiểm bằng sự kì thị systematic/ínstitutional racism. Khi người Việt mình nghĩ đến kì thị thì chỉ đa phần là bên ngoài nhưng systematic racism đối với người da màu (nhất là những người da đen) thì rất sâu đậm.
    Hồi em học grad school thì một bà giáo sư chuyên về systematic racism nói như vầy. Người da trắng như là một thanh niên trai tráng, có sức có đủ thời gian rèn luyện và được dạy dỗ. Còn người da đen, đặc biệt là những người hậu duệ của thời nô lệ, thì như một đứa bé mới chập chững biết đi (toddler) vì làm sao mà ra chạy marathon được với một anh teenager. Do dó, những tệ nạn xã hội có khi cũng vì anh teenager có sức có quyền hơn nên làm mọi thứ để em bé tôddler không thể học đi vững vàng được. Có học về lịch sử nô lệ hơn hai trăm năm qua mới biết người da đen bị đàn áp theo hệ thống chứ không đơn thuần là vì màu da bên ngoài không đâu ạ.

    Không biết em viết ra bằng tiếng Việt nó lưu loát không nữa. Em thấy người Việt mình hay chỉ trích người da đen làm biếng ăn bám nhưng những tệ nạn trong cộng đồng của họ là cũng từ những luật lệ hay policies ngày xưa để làm họ không có sức cầu tiếng trong xã hội đó thôi. Cho nên cái này mới gọi là systematic/institutional racism.

    Liked by 2 people

    1. Cám ơn Trang đã chia sẻ một kinh nghiệm quí báu. Chỗ chị làm cũng có nhiều trường hợp tương tự. Thường thường, chỉ có những vụ vì kỳ thị chủng tộc mà nhân viên không được lên cấp hay lên lương thì người ta mới chú ý, chứ chuyện trêu ghẹo thì xảy ra nhiều, người ta thường bỏ qua. Và khi nhân viên bị kỳ thị xảy ra nhiều lần, trở thành một pattern thì người ta mới xử. Ít người thưa kiện về việc mình bị kỳ thị mà thành công. Một phần vì mất thì giờ, rất tốn kém. Một phần vì công ăn việc làm, mình có thể bị trù ếm đến mất việc. Nhiều khi cách dễ nhất nhanh nhất để được lên lương, lên chức là kiếm việc làm ở chỗ khác, và tránh xa mấy người chủ/cấp trên có khuynh hướng kỳ thị. Nhiều khi mình biết nó kỳ thị mình khó chứng minh. Thường thường, khi một nhân viên da màu được tăng lương, lên cấp, nhân viên đó phải siêng năng, có tài, có kinh nghiệm, vượt trội gấp mấy lần những người da trắng có thể làm công việc đó với mức lương đó. Và cũng may mắn nữa, khi gặp người không kỳ thị.

      Like

  6. Chỗ cháu thì có vẻ ai kỳ thị người khác sẽ bị kỳ thị ngược lại hay sao ấy. Có ai không thích người nước ngoài cũng chẳng dám lộ ra, nhưng nhiều khả năng là mọi người đều thân thiện và tốt bụng cả, trong cộng đồng nhỏ của cháu.

    Lại không liên quan nhưng cháu thấy ghép ảnh thì bây giờ hình như phần mềm làm hết rồi mà, có khi chẳng phải chỉnh gì nữa. Cô tập ghép là như thế nào ạ?

    Liked by 1 person

  7. Cô dùng photoshop element 18. Trước đó cô chụp mấy tấm ảnh liên tiếp nhau chỉ mở khẩu độ Av 11 chứ không dùng mấy cái program có sẵn trong máy. Khi về nhà cô mở photomerge 4 hay 5 tấm ảnh liên tiếp nhau. Sau khi mấy cái ảnh được nối lại, cô crop ảnh. Máy Canon đời cũ có program để chụp panorama từng tấm riêng sau đó nối lại. Cái máy Canon Rebel T7i EOS 800 D đang dùng cô chưa thử mấy cái feature đó. Chỉ mới dùng Av, Tv, và manual. Mấy tấm ảnh cô thử manual chẳng có tấm nào coi được cả.

    Liked by 2 people

  8. con cũng tính nói bức ảnh đẹp. coi thấy chuyện kì thị khó mà nói ra được như cô viết. có cảm giác họ nói sau lưng mình thì nhiều :))

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s