Hạnh là bạn đọc, mới sau này thôi. Hạnh gửi một bài thơ (có tựa đề “Nỗi Buồn Tôi”) tôi đăng hôm trước rồi link vào facebook. Nhà thơ Lưu Xông Pha khen bài thơ hay, nhiều cảm xúc, và là thơ trí tuệ. Cũng nên nói thêm đôi chút, ông LXP, được biết đến với rất nhiều bài thơ đăng trên các báo, tạp chí văn thơ từ trước với tên Hoài Diễm Từ. Tôi nghĩ được một người đọc thơ, làm thơ lâu năm khen ngợi là điều đáng mừng.
Tuần này Hạnh gửi truyện ngắn Bóng Chim Đêm. Dặn tôi hễ thấy truyện hay thì đăng. Tôi nhìn thấy tâm trạng của tôi, từ trước đến giờ vẫn vậy. Tôi viết không dễ, viết rồi không biết truyện mình viết đọc được không; vì thế muốn gửi các báo nhưng ngại bị chối từ. Hạnh có thể mở một blog, mở một facebook, rồi tự đăng bài nhưng cô chọn gửi bài cho tôi. Cũng như tôi, tự viết tự đăng bài thì lại không biết bài mình viết có đọc được không, chưa dám nói là có hay hay không.
Bóng Chim Đêm, kéo tôi vào truyện ngay từ những dòng đầu tiên và giữ tôi đến chữ cuối cùng. Tôi muốn biết điều gì xảy ra cho các nhân vật trong truyện. Giọng văn mềm mại, giản dị. Truyện có không khí vừa hiện thực vừa siêu thực. Không khí của Murakami.
Mời bạn đọc. Các bạn nếu thấy vừa ý, nhớ để lại một vài lời khuyến khích. Cám ơn các bạn.
Bóng Chim Đêm
Tác giả: Hữu Hạnh
Khoảng hai, ba tháng trước vì phải lo cho một dự án, tôi thường xuyên ngủ muộn. Tầm bốn, năm giờ sáng tiếng kèn ai oán đưa tang ngang ngõ nhà tôi làm tôi tỉnh giấc khi mới vừa chợp mắt. Ai đó đã đi qua cuộc đời này. Rồi họ sẽ về đâu, người chết và người sống? Thật nặng nề khi bắt đầu ngày mới giữa những thanh âm buồn thảm…
Chiều chiều rảnh rỗi tôi thường đạp xe quanh các hẻm nhỏ gần nhà như một cách tập thể dục. Nửa tháng trước, lúc trời chạng vạng, bỗng một người đàn bà độ tuổi sáu mươi chặn xe tôi lại hỏi. Nè cô, kia có phải là dơi không? Tình cờ, ngõ hẻm lúc đó rất vắng. Nét mặt bà dại dại, màu da xanh tái, tay bà lạnh ngắt, làm tôi rợn cả người. Tôi không trả lời, vội vã hất tay bà ra. Tôi dấn chân rất mạnh trên bàn đạp để mau chóng thoát khỏi bà. Lúc ấy, theo phản xạ tự nhiên, tôi ngước nhìn trời thì thấy một cái gì đó, giống như là bóng chim, màu đen, xẹt ngang qua. Tôi vòng qua hẻm khác nhưng trong đầu không thôi ám ảnh.
Một hôm nọ đang bị cảm, sau khi uống vài viên thuốc, dù thấy hơi váng vất nhưng tôi vẫn dẫn xe đạp ra khỏi nhà. Tôi muốn vận động một chút cho máu huyết lưu thông dễ dàng. Mải nghĩ, tôi quên, và đã quẹo vô con hẻm có người đàn bà kỳ lạ. Khi nhận ra thì đúng ngay lúc đó bánh xe tôi cán phải cục đá to, xe đạp chao nghiêng. Khi khỏe khoắn thì trong tình huống này tôi vẫn có thể giữ thăng bằng. Nhưng lúc ấy tôi hơi mệt nên đã té ngã. Thình lình, một bàn tay ướt lạnh bấu lấy tay tôi cứng ngắc, nhanh chóng lôi ngay tôi vào cổng. Tôi còn đang ngơ ngác thì thấy chiếc xe đạp cũng đã được đẩy vô cùng với tôi.
Trái với vẻ thâm u khi nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà nằm sau cánh cổng được thắp đèn sáng sủa, bày trí trang nhã, cửa kính, rải rác mấy chậu hoa kiểng. Có mùi bánh bông lan nướng thơm phức, thơm như không khí của một gia đình đầm ấm. Nhưng mà tôi đang rất sợ. Tôi dùng hết sức lực đập lên cánh cổng.Trơ trơ. Không một tiếng vang. Nó được làm bằng kim loại đặc biệt nhìn rất vững chãi. Bên ngoài chắc là không thể nghe thấy gì.
Tôi nhũn nhặn hết mức.
Bác ơi, sao lại đưa cháu vào đây? Mau mở khóa cổng để cháu về, cháu còn phải nấu cơm.
Người đàn bà không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn tôi. Bà đưa tay vuốt tóc tôi. Tôi rụt người lại.
Cô bắt dùm tôi một con dơi được không. Rồi cô về nhà kịp mà.
Tôi dõi mắt tìm lối thoát. Đạp xe có thể làm rớt điện thoại nên tôi đã không mang theo. Phía trên cổng là bụi cây bông giấy. Không kẽ hở để trèo ra. Tôi chưa bao giờ, và cũng không biết cách dùng vũ lực để chống trả ai. Tôi tìm cách đánh lừa, dẫn dụ người đàn bà này để có thể thoát ra ngoài. Tôi lo lắng không biết bà ta có giấu dao hay một loại hung khí nào đó trong cái áo gió khoác hờ trên người không.
Nhà bác có cái vợt bắt bướm loại to không? Bác mở cổng để cháu ra ngoài bắt dơi cho. Dễ thôi.
Có, ở góc vườn kia kìa.
Cây vợt bám bụi dày, dính đầy mạng nhện, có cả xác côn trùng trên đó, cán bằng tre đã nứt gãy.
Vợt hư rồi. Cháu sẽ chở bác đi mua ngay bây giờ. Bác mở cổng mau lên, kẻo tối quá người ta dẹp hàng thì làm sao mua được.
Bà ta dịu dàng nói.
Mời cô vào hẳn trong nhà. Cô chờ chút. Tôi lấy bánh trong lò ra cho cô dùng thử đã nhé. Ngon lắm.
Tôi năn nỉ.
Đi mua vợt trước rồi mình ăn sau cũng được mà bác. Kẻo không kịp. Dơi sẽ bay mất hết.
Bà nắm tay tôi dẫn đi. Tôi giằng tay lại, cố trụ vững, không muốn bị lôi vào sâu hơn. Bà khựng lại giữa chừng, giọng rè rè như sắp khóc.
Sao ai cũng sợ tôi? Tôi có làm hại ai bao giờ. Tôi chỉ nhờ bắt một con dơi thôi mà.
Tôi vừa sợ vừa tò mò.
Để làm gì hả bác?
Từ từ tôi sẽ nói cho cô biết.
Ngoài bác ra, nhà không còn ai sao?
Cô nói gì lạ vậy? Bộ cô không thấy hai người một đứng một ngồi bên cạnh cây đàn piano?
Tôi đang đứng ngay bậc thềm. Đúng là có một cây đàn piano màu ngà cũ kỹ ở góc phòng khách. Nhưng tôi không nhìn thấy ai cả. Tôi sởn gai ốc, tay chân bủn rủn. Hình như tôi đã lọt vô một ngôi nhà ma. Người đàn bà này có lẽ bị điên. Hay bà ta cũng là ma. Làm sao để thoát ra đây? Tôi cố hết sức giữ cho giọng không bị run.
Bác nói mời cháu bánh. Bánh đâu bác?
Ờ phải. Cô chờ chút.
Bà bước nhanh vào bếp.
Tôi mau chóng vòng ra sau ngôi biệt thự tìm lối thoát. May quá, có cổng sau, nhưng, phía trên là kẽm gai. Cánh cổng và ổ khóa đều hoen rỉ, trơ màu sắt.
Bác cho cháu gọi nhờ điện thoại để báo người nhà biết là cháu về trễ.
Thật ra tôi đang sống một mình ở phòng trọ.
Bà nói vọng lên từ bếp.
Báo làm gì. Chẳng ai chờ cô đâu. Nhìn mắt cô tôi biết, chẳng ai chờ cô đâu. Mà tôi không có điện thoại. Đúng ra là cũng có nhưng bị cắt rồi. Tại không ai trả phí.
Bà cầm hai đĩa bánh nhỏ, và đưa tôi một đĩa sau khi để lại một đĩa to trên mặt đàn piano.
Nè, mời cô ăn thử, ngon lắm đó, vì cái gì cũng mới. Bột mới, trứng tươi, nho khô vẫn còn hạn dùng.
Tôi phân vân không biết làm sao để khỏi phải nhai nuốt. Làm cách nào để chắc rằng bánh không có chất độc?
Có bao giờ bạn tưởng tượng ra cảnh ngồi ăn với một người kỳ lạ trong hoàn cảnh bất thường như vầy chưa?
Cô sống có vui không?
Không vui nhưng cũng không buồn. Cháu làm việc bù đầu bù cổ, chẳng còn thời gian để ý tâm trạng của mình nữa. Nhưng nói chung là ổn. Mình ra ngoài đi dạo hóng mát chút đi bác. Trong này nóng quá.
Bà đứng lên mở công tắc quạt.
Cô thấy mát chưa nào?
Cháu thích gió trời tự nhiên hơn.
Mình như vầy là mát lắm rồi đó cô. Người nằm trong mộ tối còn không có cửa số nữa mà.
Cứ nói chuyện kiểu này một hồi thì tôi điên mất. Tôi thấy tiếc là đã không đọc tài liệu về cách đối diện với người tâm thần trong tình huống bất khả kháng. Tôi cứ hay đọc linh tinh những điều không thực sự thực tế. Nhưng ai mà ngờ có lúc mình bị rơi vào hoàn cảnh này cơ chứ?
Sao cô không ăn bánh đi?
Tôi bỗng thấy mình nói dối trơn tuột.
Hồi trưa cháu mới ăn chè, giờ vẫn còn no. Lát cháu đem bánh về nhà ăn tráng miệng sau bữa tối.
Ờ, vậy cũng được.
Tôi mừng quá vì bà không ép tôi ăn nữa.
Dơi có thể chuyển tin nhắn đến người ở bên kia thế giới, giống như bồ câu đưa thư. Cô biết không?
Dạ biết.
Làm sao cô biết?
Thì bác vừa nói đó thôi.
Bà bật cười thành tiếng. Nụ cười làm sáng khuôn mặt, khôi phục nét tỉnh táo của một người lành mạnh. Mãi đến bây giờ tôi mới tận mắt nhìn thấy nụ cười có năng lực kỳ diệu đến vậy.
Bà lấy ra một mảnh giấy nhỏ trong ngăn kéo.
Tôi muốn nhờ dơi chuyển cái này đến chồng và con gái.
Mảnh giấy kẻ ô vuông cắt ra từ vở ghi chép của học sinh. Nét chữ khó đọc, nhỏ xíu quắn quíu, tương phản với dáng người cao lớn của bà.
“Mình quyết định không buồn nữa. Rồi sẽ đoàn tụ thôi. Không cần lo lắng gì cả.”
Bà vừa dứt lời thì tôi như nghe thấy vài nốt piano vang lên khe khẽ. Tôi rùng mình lắc lắc đầu, nghĩ mình đang bị ảo giác. Có lẽ tôi đã bị nhiễm trường khí u uất ma mị của ngôi nhà.
Tôi viết ngắn gọn vậy thôi để dơi không phải chở nặng, để mau đến được nơi cần đến. Cô giúp tôi được mà, phải không? Bà nói, mắt vẫn chưa rời bức thư, giọng tin cậy, như đang tâm sự với một người bạn thân, rất thân. Rồi bỗng nhiên nét tỉnh táo trên gương mặt bà vụt biến mất rất nhanh như sợi khói mỏng bị cơn gió lớn thổi bạt đi.
Bà đột ngột đứng phắt dậy, giúi bức thư vào tay tôi cùng với sợi dây nylon đen dài khoảng một mét.
Cô tự bắt dơi và gởi thư này giùm tôi. Cô nhớ buộc thư vào chân dơi cho kỹ kẻo rớt dọc đường. Khỏi cần chở tôi theo làm chi cho mệt. Mà cũng chưa chắc cô chở tôi nổi. Xong rồi nhớ quay lại báo tôi biết.Cô biết không, tôi chờ mãi chờ mãi mới gặp được người như cô, chịu nói chuyện mà lại còn giúp đỡ tôi. Sao cô tốt với tôi quá vậy?
Sao cô tốt với tôi quá vậy? Bà lẩm bẩm câu này hai ba bốn, một trăm lần.
Chiếc cổng kim loại cuối cùng đã được mở ra.
Ngoài kia là màu hoàng hôn ảm đạm. Sắc mây tím loang lổ những hình thù to lớn kỳ dị, với đường viền màu ánh sáng trắng đang lan ra khắp cả bầu trời.
Mất mát người thân gây ra tổn thương không dễ phục hồi, hoặc bất khả phục hồi. Nhưng, nụ cười mong manh kia chính là tia hy vọng. Duyên số đã đưa tôi đến gặp bà. Tôi nhất định sẽ tìm ra cách nào đó đem bà trở lại với đời sống này. Rồi bà sẽ đoàn tụ giữa cộng đồng những người đang sống. Dù trần gian này có lạnh lẽo đến đâu thì tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức đem bà quay trở về.
Lúc đó, thực sự, tôi đã nghĩ như vậy và thực tình tôi muốn làm như vậy. Nhưng, lòng trắc ẩn chỉ lướt qua tôi chứ không đậu lại , ngày qua ngày dần dần phôi pha. Tôi quên. Tôi đã quên. Tôi cố tình quên. Như quên đi cảnh huống buồn thảm trong một bộ phim.
Từ dạo ấy tôi tránh hẳn con đường ngang qua khu nhà của bà.
Hữu Hạnh
Saigon, tháng 8, 2018
Cám ơn Hà đã giới thiệu cây bút này, câu truyện rất Anne Rice và hấp dẫn. Mai có biết một độc giả của blog của Mai cũng cùng tên Hạnh rất dễ thương, nhẹ nhàng và sâu sắc, không biết có phải là săme person không Hà nhỉ.
Tống Mai
LikeLiked by 3 people
Chắc là cùng một người. Hữu Hạnh trong e-mail có mentioned đọc bài Tống Mai, đọc cả những bài cũ.
LikeLiked by 2 people
Dạ độc giả tên Hạnh bên blog chị Tống Mai là Hữu Hạnh, người viết truyện này đó ạ. Em cảm ơn 2 chị. Xin lỗi em trả lời trễ vì bị cúp điện.
LikeLike
câu chuyện hấp dẫn lắm ạ!
mất người thân yêu gây ra nỗi đau đớn tột cùng cho bà ấy, thân xác bà còn (hay không còn) đây nhưng linh hồn bà hẳn đã chết từ lâu 😦 đọc vừa sợ vừa thương bà ấy
á, con ngờ tác giả là người chị thương quý của con. mà nào giờ kêu biệt danh riết quên tên thật của chỉ =))) hãy tha thứ cho em 🙏
LikeLiked by 2 people
Cám ơn Sóc. Tác giả bài này có lẽ là một nhà văn nào đó ở VN mà cô không biết. Cô thật là thiếu sót.
LikeLiked by 1 person
Không không cô ơi, con mới thiếu sót. Lần trước lúc cô đăng bài thơ con thấy tên tác giả mà không để ý, lần này con ngờ ngợ, con mới xem lại bài thơ nữa thì con đoán là chị ấy – một chị bạn con quen. Cũng có thể con đoán lộn ạ. (/^▽^)/
LikeLiked by 1 person
Sóc ơi Sóc là ai , mình tên đầy đủ là Lưu Hữu Hạnh.
LikeLiked by 1 person
Xin lỗi Hữu Hạnh đáng yêu, sóc lộn to, nhận vơ rồi. 😅😅😅
sóc là bạn đọc của cô Tám thôi ạ, rất vui được đọc thơ, đọc truyện Hữu Hạnh viết.
LikeLike
Câu chuyện được cháu đọc lúc 11h đêm 😀 dưới sự tưởng tượng của cháu, thì cháu hiểu được tâm trạng kèm nỗi sợ của cô gái trong hoàn cảnh đó. Nội dung hấp dẫn cô ạ. Cháu đã đọc lại lượt 2. Cháu cảm thấy thương bà ấy, người mất gia đình, sống một mình với một nửa linh hồn còn lại. Người già cần có người thân bên cạnh, ít ra cũng nên có người bầu bạn và hàn huyên.
LikeLiked by 2 people
Cám ơn cháu.
LikeLike
mới gửi vào kindle, truyện dài dài phải đọc kindle mới sướng mắt cô ơi, để xem…
LikeLiked by 1 person
đọc thấy hơi sợ cô, từ đầu đến cuối tưởng chuyện ma quái, nhưng đoạn cuối đưa người đọc trở về thực tại. con thì thấy đặc biệt, nhưng không thấy màu murakami như cô thấy.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu. Cô muốn đọc thêm ý nghĩ của cháu về màu Murakami.
LikeLiked by 1 person
dạ có 1 điều khác giữa huyền bí của truyện này và của murakami là huyền bí murakami không làm nhân vật chính sợ, và độc giả cũng không thấy sợ.
ví dụ truyện ngắn “thành phố mèo” của ông, nhân vật chính bị lạc trong thành phố mèo, kỳ dị, không lối về, nhưng ng đọc không thấy anh ta sợ.
tương tự như truyện “samsa đang yêu” cũng vậy. thức dậy ở một nơi lạ lẫm, gặp 1 ng phụ nữ lạ lẫm, nhưng cũng k thấy anh ta sợ.
truyện dài của ông thì rất nhiều ví dụ. trong 1q84, kafka, săn cừu… nhân vật gặp nhiêu huyền bí, kỳ quái, nhưng họ bình tĩnh, và dường như không bao giờ sợ sệt. và độc giả (ít nhất là con) cũng không bị sợ.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu.
LikeLiked by 1 person
Truyện này chỉ có 6 trang thôi. Đâu đã dài. Thời bây giờ ít người thích đọc truyện, ngay cả truyện ngắn. Người thích đọc truyện, đủ kiên nhẫn để đọc truyện dài, nhất là đàn ông khá hiếm. Cám ơn cháu đã đọc.
LikeLike
Em khóc chị ơi! Một cảm giác lành lạnh khi đọc về người đàn bà da xanh tái nhợt nhạt, về ngôi nhà được bài trí đẹp gọn gàng, về cây đàn piano với một người tàng hình đang ngồi chơi, về mẫu giấy tin nhắn nhờ gửi chồng con,….., lành lạnh cảm giác hơi “sợ” nhưng em lại khóc. Em tò mò đọc chậm từng câu, như đang cố nhìn vào được cuộc sống của một người “trong mộ”. Có một lý do mà em biết rõ, bởi đó là lý do thực, rất thực với riêng em chị à. Em chắc mình sẽ còn nhớ rất lâu và rất lâu nữa, cái cảm giác ngày em đưa Ba em đến ngôi nhà cuối cùng. Cái cảm giác xé lòng, máu đông lạnh ngắt khi nhìn chiếc áo quan được từ từ đưa dần xuống thấp. Cái cảm giác chơi vơi loáng thoáng nghe người nào đó đang nói với Má “con đã đặt 4 viên gạch ở 4 góc để áo quan không chạm đất lạnh”…. Lúc đó em rất sợ hãi và em có vẻ không nhận thức được đang có rất nhiều người xung quanh. Em sợ hãi vì em có thể hít thở được khí lạnh đang phảng phất trong không khí, em sợ hãi nghĩ rằng Ba em từ giờ phút này phải một mình trong đất lạnh, sợ Ba sẽ bị lạnh, bị ướt, sợ Ba sẽ sợ hãi trong bốn bức tường lạnh khi bóng tối ập tới,…. Một cảm giác bị cắt đứt thật sự với một điều gì đó, không chỉ là mất mát, mà ở trên đỉnh ngút ngàn của mất mát….. Một cảm giác tận cùng bất lực của đôi tay cố níu kéo mà chỉ nắm được hư không… Đó là lúc em thực sự thấy được hư vô, thấy được vô thường, cát bụi của một đời người…. Em không cần phải nhắm mắt, cứ mở to mắt em vẫn thấy rõ khuôn mặt trắng xanh nhưng đẹp như Phật đang nằm ngủ của Ba em, cảm rõ cái lạnh buốt giá khi em chạm bàn tay vào khuôn mặt Ba…. Mất mát trong đời người ai rồi cũng trải qua dẫu ít dẫu nhiều, nhưng có những mất mát có thể làm ngưng lại cuộc sống của một người vẫn còn dương trần. Điều đau đớn của một con người sống trong những mất mát, nhất là mất đi những người yêu thương nhất, là cuộc sống xung quanh rồi vẫn tiếp diễn như chẳng có gì xảy ra, đau đớn ở lại có chăng chỉ với một người là mình mà thôi. Người đã đi rồi liệu có thực sự được rũ bỏ, thoát khỏi những đau đớn, buồn khó của cuộc đời không, hay vẫn đang sống trong một thế giới khác u uất đơn giá, cũng có thể vẫn biết nhớ người thân yêu nơi dương gian, cũng có thể cô độc hơn vì không còn nhớ được mình là ai và mình đã từng có những người thân yêu…. Em nhìn thấy phảng phất của mình trong người đàn bà đó. Và em nhìn thấy cái bạc của đời trong “cái lòng trắc ẩn chỉ lướt qua chứ không đậu lại”…. Điều đẹp duy nhất còn sót lại chính là còn có người dám nói thật rằng “tôi quên, tôi cố tình quên, như quên một cảnh buồn thảm trong một bộ phim, và từ ngày đó tôi tránh hẳn đi qua con đường hẻm nhà bà”, phần nhiều người ta luôn ảo tưởng và khoe khoang ảo tưởng rằng mình là người tốt, mình biết thấu hiểu và cảm thông, thương người, giúp người, mà thực chất là mình đang sống rất bạc….
LikeLiked by 3 people
Cám ơn em. Cám ơn đã chia sẻ một kỷ niệm.
LikeLiked by 1 person
Thu Hà NV thân mến, mình xúc động khi đọc thư của Thu Hà. Mình cũng đã trải qua chuyện giống như Hà, nên rất hiểu những chia sẻ của Hà. Cảm ơn bạn.
LikeLiked by 2 people
Hữu Hạnh thân mến, mình cũng xúc động khi đọc được những dòng gửi đáp ngắn này của bạn. Cám ơn bạn nhé.
LikeLiked by 1 person
Nice blog
LikeLiked by 1 person
Thank you.
LikeLike
Em cũng đã đọc hết câu chuyện… Đọc cứ thấy hồi hộp như đọc truyện ma (vừa sợ vừa muốn đọc tiếp). Cái kết lơ lửng khiến mình suy nghĩ xem những gì xảy ra sau đó…
LikeLiked by 1 person
Cám ơn em đã đọc.
LikeLike
Cảm ơn tất cả các bạn đã đọc và đã viết những dòng ưu ái, những chia sẻ…
LikeLiked by 1 person
Câu chuyện giống như chuyện thật nên Thảo không thấy sợ mà thấy xúc động. Nếu tác giả trở lại thăm bà già thì câu chuyện hay thêm chút nữa và đúng hơn. Mình hơi bất ngờ khi đọc đến câu: “Từ dạo ấy tôi tránh hẳn con đường ngang qua khu nhà của bà”. Thảo mong được làm quen với tác giả!
Mến,
DTQT.
LikeLiked by 1 person
Chị Thảo thân mến,
Em xin phép được kể lại hoàn cảnh em viết truyện Bóng Chim Đêm. Phần đầu là có thật. Một chiều muộn em đạp xe trong xóm và gặp người phụ nữ trung niên chỉ tay lên trời và nói “Phải dơi không?” Bà không hỏi trực tiếp ai cả. Nhưng tóc bà lòa xòa, nét mặt dài dại nên em sợ quá, chạy vội đi.
Một lần khác em ngồi chờ lên máy bay ở phi trường Changi Singapore thì thấy một phụ nữ da trắng tầm 60 tuổi. Nét mặt, dáng vẻ bà rất buồn bã, cô đơn. Bà ngồi nhìn đám con nít chạy tới chạy lui. Em rất muốn lại gần, bắt chuyện, hỏi vài câu bâng quơ để bà khuây khỏa một chút, để bà cảm thấy có người bên cạnh. Nhưng, em ngại, không biết văn hóa, phong tục tập quán người ta như thế nào, nên em đã im lặng, không làm gì hết, chỉ lặng lẽ quan sát. Về sau nghĩ lại em có chút ray rứt, và đã hư cấu nên câu chuyện…Từ 2 nhân vật có thật em viết thành 1 nhân vật.
Em hân hạnh được làm quen với chị.
Em cảm ơn chị đã đọc và comment.
LikeLiked by 2 people
Cảm ơn Hạnh đã kể xuất xứ câu chuyện “Bóng Chim Đêm”, và đã nhận lời làm quen với DT. Mong được đọc nhiều bài của Hạnh.
Thân mến,
DT.
LikeLiked by 1 person