Sau những ngày ngắm những hình vẽ đơn giản của winlinh tôi nghĩ tôi nên học vẽ. Dĩ nhiên các bức tranh của Miomie thì rất đẹp, rất công phu nhưng khó quá. Tôi chỉ muốn học vẽ những đường nét đơn giản nhất. Để làm gì? Để chơi vậy thôi. Bạn nào chưa biết Miomie thì đến xem tranh ảnh của Miomie nhé. https://miomie.wordpress.com/
Sẵn đây xin giới thiệu, các bạn nào chưa quen với winlinh thì đây là link đến blog của nàng. Tôi gọi là cô bé, nhưng các bạn thì tùy theo tuổi tác mà xưng hô nhé. https://winlinhs.blog/
Hồi nhỏ tôi thích vẽ. Năm học lớp 3, trường làng, tôi có cái bảng con con, vẽ bằng phấn. Tôi thích vẽ khuôn mặt một bé gái, đơn giản như một chữ C hơi nghiêng, mái tóc ngắn phủ trán, hai bím tóc là những hình số 8 gắn liền với nhau, hai con mắt như hai cái hình thoi. Lớn một chút, Trung học lớp 8 hay 9 gì đó, giờ học vẽ, tô màu mấy cái hình tam giác chen với hình tròn mà tôi tô màu lem luốc, không thể cầm cái cọ màu hay bút chì màu cho gọn gàng. Thế là tự nhận ra mình không có khiếu vẽ. Bây giờ về già, biết rằng, vẽ tranh để bán, để làm họa sĩ, để được treo trong viện bảo tàng, để minh họa sách thì khó nhưng vẽ để chơi thì cứ vẽ thôi.
Vẽ người, vẽ thú vật thì khó. Vẽ cây có lẽ đơn giản hơn. Tôi muốn vẽ cây. Cây có nhiều hình dáng đẹp, nhất là cây khô ở sa mạc và cây mùa đông đã trụi hết lá. Đơn giản không có nghĩa là dễ nhưng nếu có người hướng dẫn, nét bắt đầu, nét kế tiếp thì chắc vẽ được. Tôi mượn ở thư viện vài quyển sách dạy vẽ cây. Gặp được quyển “Drawing a tree” của Bruno Munari. Cách vẽ cây của ông rất đơn giản. Bắt đầu như một chữ Y, thân cây có hai nhánh. Cứ chữ Y này tiếp nối với chữ Y kia dần dần biến thành cái cây. Sau đó cái cây bị gió thổi trở nên nằm nghiêng. Có cây thân thì dài, ngọn thì ngắn. Có cây thân thì ngắn, ngọn thì dài mềm như tóc, như ngọn phi lau.
Vẽ thân cây rồi vẽ lá, đơn sơ thôi chỉ những vòng tròn, tô màu xanh. Cũng thành ra cái cây. Và tôi muốn học vẽ đá. Rồi sau đó vẽ hoa và vẽ mèo.



Không biết đọc hay like bài viết này có ai là hoạ sĩ ngoài chị Miomie không. Cơ mà đứng trên quan điểm của con thì hoạ sĩ không phải là vẽ đẹp xuất sắc, mà hoạ sĩ là người truyền tải xuất sắc ý tưởng và cảm xúc của mình bằng hội hoạ. Dĩ nhiên vẫn cần năng khiếu, cơ mà còn nhiều hơn là năng khiếu là sự đam mê và mong muốn ấy chứ ạ!
Cô Tám thử bắt đầu với vẽ mèo xem sao :p
LikeLiked by 3 people
Vẽ mèo khó lắm cháu. Để lâu lâu đã 🙂
LikeLiked by 1 person
Làm gì đến mức truyền cảm xúc qua hình vẽ cháu ơi. Cô chỉ mới tập nguệch ngoạc vài ba nét thôi.
LikeLiked by 1 person
😀 con nói chuyện tương lai ấy mà
LikeLiked by 1 person
Em thiệt là ngưỡng mộ tinh thần ham học hỏi của chị Tám, dù như chị nói, học chỉ để chơi thôi. Chị nhớ đăng hình chị vẽ nhe.
LikeLiked by 1 person
Tinh thần học hỏi gì đâu. Toàn là chơi không à. Còn lâu lắm mới dám khoe hình vẽ 🙂
LikeLike
Cô là người cháu luôn muốn học hỏi, nhất là sự trẻ trung trong tâm hồn và tinh thần ham học ạ!
LikeLiked by 3 people
Cô nào có học gì đâu, chỉ toàn chơi không. Chăm chỉ chơi lang bang từ viết đến chụp ảnh đến vẽ. Nghĩ thôi chứ chưa thật sự vẽ. Toàn ngắm tranh của winlinh vẽ thôi.
LikeLike
Chụp hình mà có cảm tưởng không hài lòng với tấm ảnh của mình vừa ghi lại, thì chị Tám đừng hủy bỏ nó. Một vài ngày sau thì hãy xem lại, cái ý tưởng ban đầu (chưa hài lòng) nó sẽ có cái nhìn khác hơn. Kể cả những tấm ảnh không đủ chi tiết (mờ, lem, tối quá hay sáng quá) tất cả chị hãy dùng cho thể loại ảnh trừu tượng cũng có nhiều cái hay. Chỉ cần cắt xén một vài góc độ hoặc thay đổi chiều của ảnh là thành một ý tưởng mới, cái nhìn khác của nhiếp ảnh nghệ thuật. Chúc chị và anh Tám luôn vui khỏe
LikeLiked by 2 people
Cám ơn NMK. Lời khuyên có lý. Nhưng mà ảnh hư nhiều quá, để nó đầy computer.
LikeLiked by 1 person