Lan man chuyện đọc

Tôi đọc lung tung, xem phim lung tung, cuối cùng thấy mình chẳng học được điều gì có thể đem khoe với bạn, như khoe một tấm ảnh. Tôi đọc và xem phim với chủ đề hải đăng, đom đóm, quạt tay, ghế đá công viên. Tôi thu nhặt nhiều chi tiết thú vị có thể viết thành một blog thật là dài, hay chỉ một vài đoạn rất ngắn. Nhưng viết như thế để làm gì? Tôi không trả lời được câu hỏi này một cách thỏa mãn nên để đó không viết. Nói đúng hơn là chưa viết. Tôi muốn đẩy mình ra khỏi chu vi tự hài lòng, bởi vì trong thâm tâm tôi vẫn muốn viết truyện hư cấu (fiction). Lại tự hỏi mình viết truyện hư cấu để làm gì?

Tôi thấy mình đọc, nhưng hoàn toàn ngược hẳn với phương pháp tu thiền. Không chú tâm vào chuyện đọc, làm gì chỉ làm một chuyện, hoàn toàn hòa nhập vào thế giới đọc của mình. Tôi như con khỉ chuyền cành, thấy cái gì cũng ngắm nghía, chọn lựa, nếm thử, và vứt đi.

Chúng ta là những người khác nhau về sở thích và sự chọn lựa. Tôi nghĩ nếu một đám người cùng đi chụp ảnh, thế nào cũng có người hướng ống kính vào những vật thể khác với mọi người. Và trong những lúc tư tưởng như con khỉ đi lung tung tôi đọc một số sách nói về art. Chữ art ở đây nói về mỹ thuật, vẽ tranh ảnh. Nhưng tôi làm gì đọc gì về nghệ thuật vẫn hướng tới, hoặc liên tưởng về chuyện viết văn.

Gần đây tôi đọc quyển “Making Art a Practice” của Cat Bennett. Tác giả có thêm một câu phụ theo tựa đề: “30 ways to paint a pipe {how to be the artist you are}” cũng làm tôi chú ý. Tôi tìm thấy trong cuốn sách này nhiều câu khuyến khích tinh thần người muốn theo đuổi nghệ thuật rất hay. Tôi lại tìm thấy một vài điều cho mình suy nghĩ.

Theo quyển sách, năm 1928 họa sĩ René Magritte vẽ một cái ống điếu. Ông đặt tựa đề “đây không phải là cái ống điếu.” Điều này làm tôi khựng lại một chút, vì đúng nó là cái ống điếu nhưng ông lại bảo không phải là cái ống điếu. Thật ra dụng ý của ông là, đây không phải là cái ống điếu, mà là tranh vẽ cái ống điếu. Nó là bức tranh vẽ một vật thể. Không phải đó là cái vật thể.

Vì thế, khi chúng ta đọc một cuốn sách (tiểu thuyết), về một câu chuyện có những nhân vật, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta đang đọc tiểu thuyết. Đó là nhân vật của hư cấu, có thể nó có đôi nét của tác giả, kinh nghiệm của tác giả, nhưng nó không là tác giả. Khi chúng ta đọc về một nhân vật xấu, xem phim về một nhân vật không đạo đức, cũng hãy nhớ rằng đó là nhân vật của tiểu thuyết, của hư cấu. Chúng ta phê bình nhân vật, nhưng hãy nhớ nhân vật không là tác giả.

Người làm nghệ thuật sáng tạo, dù vẽ hay viết, đều cần sự tự do. Liệu chúng ta có tìm được tự do để sáng tạo, hoàn toàn tự do, khi chúng ta bị ràng buộc trong những khái niệm có sẵn. Chúng ta tự trói buộc mình trong những tư tưởng, khuynh hướng sáng tạo, nhiều khi không tự nhận biết. Có bao giờ bạn nghĩ nếu bạn viết câu này, tạo ra một nhân vật như thế này, làm một câu thơ như thế này, sẽ bị người đời chê trách mắng mỏ ra sao, đòi kiện ra tòa, đòi ly dị, thậm chí đòi giết? Và từ đó bạn tự kiểm duyệt ý tưởng của mình, viết cái khác, viết cách khác cho cuộc sống mình được dễ dàng? Có người bảo rằng viết để tự do, nhưng trước hết người làm nghệ thuật cần sự tự do để bày tỏ ý nghĩ, từ đó mới may ra có một tác phẩm được xem là nghệ thuật.

Nếu bạn không có gì để tặng cho một người làm nghệ thuật, hãy cho họ được quyền tự do trong ý nghĩ.

“The aim of art is to represent not the outward appearance of things, but their inward significance.” – Aristotle

Mục đích của nghệ thuật không phải là phô diễn vẻ ngoài mà là điều quan trọng ở bên trong (tâm hồn).

“Your problem is you are too busy holding on to your unworthiness.” – Ram Dass

Vấn đề là bạn cứ ôm khư khư những điều bạn cho là tầm thường và rẻ rúng của chính bạn.

“Go and make interesting mistakes, make amazing mistakes, make glorious and fantastic mistakes. Break rules. Leave the world more interesting for your being here. Make. Good. Art.” – Neil Gaiman

Hãy đi và phạm những lỗi lầm thú vị, phạm những lỗi lầm kỳ diệu, phạm những lỗi lầm vinh quang và tuyệt vời. Hãy vi phạm những nguyên tắc được đặt ra. Để khi rời khỏi cuộc đời này sự hiện diện của bạn sẽ làm cho nó thêm phần thú vị. Hãy Làm. Nghệ Thuật. Thật Giỏi.

Tôi thật ra muốn bỏ chữ thật giỏi. Bởi vì phải giỏi, phải hay, phải tốt thì mới đạt được nghĩa của chữ nghệ thuật. Đấy, lại giam mình vào tư tưởng giáo điều về cái hay cái giỏi cái tốt mới là nghệ thuật.

Ảnh chẳng liên hệ vì với nghệ thuật. Tối qua, quỳnh nở một đóa thơm ngát. Mấy hôm trước ông Tám phát hiện có một đóa quỳnh đã tàn, chẳng biết nở từ bao giờ và tàn chẳng ai hay. Như một người nghệ sĩ vô danh. Lặng lẽ tỏa hương.

12 thoughts on “Lan man chuyện đọc”

  1. Cô làm cháu nhớ đến những tác giả nổi tiếng bị fan doạ giết vì… các nhân vật không theo ý muốn của họ. Hồi nhỏ, mỗi lần cháu bảo ghét nhân vật nào xấu tính, ích kỷ hay độc ác thì mẹ cháu đều bảo: “Nhưng đấy là minh chứng cho việc họ được xây dựng thành công, đúng không?”.

  2. Cô lúc ấy đang nghĩ về Orhan Pamuk bị hăm dọa bỏ tù. Nghĩ đến một nhà văn VN viết gì đó về sex mà người ta chửi bới đòi giết. Nghĩ về ông Lưu Hiểu Ba chết trong tù. Nhiều người nữa. Mẹ cháu nói cũng giống mẹ của cô. Đi xem tuồng thấy nhân vật ác bị người xem chửi rủa đòi đánh giết, bà cũng nói hễ đóng tuồng vai ác mà thật ác thì mới hay. 🙂 Và bị đòi giết chứng tỏ là đóng hay lắm.

  3. Những bài về đọc và viết của chị luôn có ích, và thú vị đối với em. Cảm ơn chị Tám nhe.

  4. : ) cháu đã luôn viết về mối tình dường như sai của mình mà không mảy may nghĩ là nó sai hay thấy sợ ai đó đọc được sẽ nghĩ gì hay đánh giá gì về mình. 😀 nếu ngòi bút thôi thúc nhức nhối bức thiết giục người viết phải viết ra, dù là hư cấu hay phi hư cấu, thì nó luôn đẹp cô Tám nhỉ

    1. Vượt qua cái ngưỡng cửa, sợ sai, sợ bị đánh giá là coi như đi được nửa đường trong việc viết nên tác phẩm. Mong Huyền viết cho tròn vẹn được những gì nung nấu trong tư tưởng.

  5. Đọc bài này của cô làm cháu nhớ tới Dostoevsky, ông ta là một người hướng thiện một cách tuyệt đối nhất cháu từng đọc; nhưng trời phú cho ông một ngòi bút của quỷ dữ, khi ông tả những thứ thuộc về tội ác hay hơn hẳn so với những cái gọi là hướng thiện. Và một thời gian thật dài, người ta dễ hiểu nhầm ông chơi bài duy ác; dù chỉ cần đọc kỹ càng, sẽ hiểu những nhân vật ác mới là thứ ông phê phán nhiều nhất.

    Và tiện thì đá sang chút René Magritte, bức vẽ cái tấu của ông là bức iconic nhất, và cũng là biểu tượng lẫn mục tiêu theo đuổi trong cuộc đời nghệ thuật của René nói riêng và trường phái Siêu Thực nói chung. Trước đó nghệ thuật hội họa thiên hướng mô tả lại thực tại, tái hiện lại hiện thực chân thực nhất một cách có thể. Nhưng René Magritte đã chỉ ra rằng, thứ chúng ta nói tới, nhắc tới, khi nhìn một bức tranh nói riêng, chỉ là hình ảnh mô phỏng lại của thực tại, chứ không phải thực tại. Đừng tin vào một bức tranh. Đúng hơn là đừng tin một bức tranh sẽ cho ta cảm giác về thực tại. Bức tranh, hay nghệ thuật là cửa ngõ vào một phần nào đó của con người.

    Hoặc có lẽ René Magritte chỉ đơn thuần muốn chơi khăm người ta mà thôi.

    Và bỗng dưng nhớ một manga gần đây cháu đọc, bộ đó thì thuộc loại vưa đen tối vừa bạo lực, chẳng phải gu của cháu nhưng mà vẫn đọc vì một lí do rất ấm ớ. Nhân vật phản diện của bộ đó là một kẻ đáng tởm, theo kiểu không ai có thể chấp nhận được chuyện anh ta đã làm, phản bội đồng đội, cưỡng hiếp vợ của bạn mình ngay trước mặt người bạn đó, nhưng anh ta lại là nhân vật được xây dựng xuất sắc nhất cả bộ truyện. Không phải kiểu nhân vật phản diện có lý tưởng gì tử tế, cũng không phải cái kiểu ác thuần túy ngay từ đầu, nhưng cách bánh xe vận mệnh đẩy anh ta đi tới con đường lựa chọn “hiến tế” mọi thứ, kể cả nhân tính lẫn lương tri của chính mình để lột xác thành chúa quỷ/thần linh thì thực sự xuất sắc. Đó là nhân vật mà hầu hết mọi người đều ghét, mọi người đều chỉ muốn thụi cho một cú vào mồm, nhưng cũng là nhân vật mà toàn bộ những người đọc truyện đều phải… ngồi xuống phân tích và bình luận về cách anh ta lựa chọn, về con đường anh ta bắt buộc phải đi. Là một kẻ đáng ghét khiến người ta phải suy ngẫm, hiểu thấu nhưng cảm thông thì không. Với cháu đó là một nhân vật phản diện rất thành công =))))

  6. Tình cờ quá cô Tám ơi. Hôm trước cháu cũng viết về chuyện đọc (nhưng chưa chia sẻ trên blog), mặc dù không sâu như bài này của cô. Btw cái ví dụ về ống điếu làm cháu nhớ tới phần về tư duy tuyến tính/logical thinking trong lớp tiếng Anh cháu học cách đây mấy năm hihi.

Leave a comment