Hết hạn

Xin giới thiệu với các bạn, truyện ngắn “Hết Hạn” của Hữu Hạnh. Đây là lần thứ hai Hữu Hạnh gửi bài đến blog Chuyện Bâng Quơ. Viết hay như vầy mà không chịu gửi đi các trang mạng danh tiếng khác, lại đi gửi Chuyện Bâng Quơ, một blog không có mấy người đọc.

HẾT HẠN

“Bụp”. Chương ịn một miếng giấy ghi nhớ lên lưng bạn và quẩy balô ra khỏi cửa. Miếng giấy vuông vuông nhỏ nhỏ màu vàng dân văn phòng thường hay dùng. Đang ngồi gõ lóc cóc trên máy tính, Văn đưa tay ra sau lưng gỡ miếng giấy ra. Nét chữ  mềm mại nắn nót ngay ngắn, gợi cảm giác thuộc về một người rất nghiêm túc, với nội dung hơi sốc: “Hết Hạn”.

Văn la toáng lên.

Ê, cái thằng này. Cái gì hết hạn hả mậy?

Lần nào cũng vậy, trước khi đi lang thang đâu đó, Chương thường dán lên lưng Văn một miếng giấy ghi một câu gì đó, huýt sáo rồi bước đi mà không giải thích gì. Hai lần trước là chữ Suối và chữ Yên. Lần gần đây nhất là chữ Hoang (hay Hoảng?) vì chữ bị lem mực, không rõ nét . Vân vân và vân vân. Văn cũng không nhớ hết.

Buổi chiều muộn. Nắng vẫn còn vương vấn trên đỉnh ngọn cây. Màu nắng xa vắng, hắt hiu, giống như trong những bức tranh phong cảnh vắng bóng người của Levitan. Cầm chiếc vé trên tay, Chương đang đứng trên sân ga Saigon nhìn mông lung. Kẻ tiễn, người đi, lao xao nháo nhác với rất nhiều hành lý nặng trĩu. Cuối cùng anh không lên toa nào cả. Chương quay về nhà trọ.

Ủa. Ngộ à nhe. Chàng sinh viên lâu năm không đi nữa hả? Văn ngạc nhiên.

Hết hạn rồi.

Cái gì hết hạn? Vé mày mua hết hạn. Mì gói trong thùng hết hạn, đồ hộp hết hạn. Ha ha hay mày sắp hết hạn? À, ý mày nói là mày quá đát rồi chứ gì? Expired rồi chứ gì? Thiệt là khéo lo. Ngày mai tao giới thiệu cho mày một nàng. Chịu chưa?

Mày thử nghĩ coi, tao nói cái gì hết hạn?

Sao tao biết được?

Mọi thứ. Mọi thứ rồi sẽ hết hạn. Mày sợ không?

Tưởng mày nói cái gì mới. Vậy mà cũng ra vẻ nghiêm trọng.

Tao yêu cô giáo. Cô dạy môn Văn Chương Mỹ. Cổ tên là Thơ.

Rồi sao nữa? Cổ có yêu mày không?

Tao không chắc. Nhưng cổ nói sẽ nhận lời đi chơi với tao nếu tao in được truyện do tao viết. Nhưng mà mày biết rồi đó. Hai năm rồi, truyện của tao vẫn lận đận. Không nhà xuất bản nào chịu in. Nên tình của tao cũng thành tình lận đận.

Cổ muốn chia tay?

Đâu đã nắm tay mà mày nói là chia tay. Cổ ân hạn cho tao thêm một tháng nữa thôi.

Ê, mày. Tao nghi cô giáo mày là Châu Long tái sinh, lo cho Lưu Bình (Chương) là mày, rồi sẽ biến mất cho coi. Ha ha…Người ta yêu đương nhìn thấy phơi phới hớn ha hớn hở, còn cái mặt mày sao mà rầu rĩ bí xị. Tao thấy tội nghiệp mày thiệt. Cuộc đời này phong phú đa dạng màu sắc lắm. Không yêu được người này thì mình tìm người khác. Có gì đâu mà buồn dữ vậy.

Ờ phải rồi. Mày nói nghe hay lắm.

Một buổi trưa mặt trời đứng bóng, Chương chặn đầu xe cô giáo Thơ.

Thơ đi cà phê với tôi được không?

Thơ nói, mặt cúi xuống, không nhìn Chương.

Gọi tôi là cô.

Không. Đây đâu phải phải là lớp học. Ra ngoài này rồi, tôi đâu còn là học trò. Tôi thi rớt lên rớt xuống nhiều lần. Tôi đâu có nhỏ hơn Thơ.

Chương nói là đi Tây Bắc. Sao giờ còn ở đây.

Tôi không muốn đi nữa vì cũng sắp ra trường. Tôi sợ không còn nhiều thời gian gặp mặt Thơ.

Tôi nghĩ tôi đã nói rõ rồi. Chương về lo viết đi cho đến khi nào in được sách.

Tôi không hiểu. Tôi thật không hiểu, chẳng lẽ Thơ thích những cái danh tiếng ít nhiều cũng phù phù phiếm phiếm hão hão huyền huyền. Tôi biết chắc Thơ không thuộc dạng người như vậy. Nhưng tại sao Thơ cứ muốn tôi viết?

Đó chỉ là lời khuyên. Tôi nghĩ viết lách sẽ có ích cho Chương. Tôi không muốn, hay kỳ vọng gì hết.

Ích gì? Tôi thì thấy phải suy nghĩ nát óc. Cả con người tôi đôi khi muốn nổ tung.

Khi nói chuyện với thầy cô giáo tôi nghĩ không nên dùng từ ngữ mạnh bạo quá. Nhưng mà, Chương tránh ra để tôi về.

Mỗi khi nghĩ đến Thơ, bao tử Chương co thắt không ngừng, trái tim như chạy lên chạy xuống. Lung tung. Bấn loạn. Chương sợ mất cái mà Chương còn chưa có. Giống như có cái gì đó cứ thường xuyên cào cấu trong lòng Chương. Chương lo quay lo quắt, sợ một ngày có người mang cô giáo đi. Chương không đành lòng nhìn cánh hoa thuần khiết sẽ theo về vườn nhà người khác. Chương âm thầm “theo dõi”nhưng hình như cô giáo Thơ không hẹn hò với ai cả.

Thi cử xong xuôi, kết quả chưa có, một bữa nọ theo lời “xúi giục”  của Văn, Chương quyết định gõ cửa nhà cô giáo. Hôm đó xe Chương bị hư nhưng tự nhiên thấy sốt ruột nên Chương phải đón xe buýt để ra quận Thủ Đức. Nhìn qua khe cổng, Chương thấy trong sân nhà Thơ người ta đang đi tới đi lui bày bàn ăn. May mắn là không có mấy cái tráp to to tròn tròn màu đỏ. Chắc là sinh nhật hay lễ giỗ ai đó, Chương đoán vậy. Thôi kệ, dù sao mình cũng đã lỡ đến đây. Một lần cho tất cả.  Chương hồi hộp đưa tay nhấn chuông. Chương thấy chân tay mình lạnh ngắt.

Một bóng áo lam bước về phía cổng. Là Thơ. Thơ không hề tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Chương. Chính Chương lại ngạc nhiên vì thấy Thơ không ngạc nhiên. Cái con người này sao lúc nào phong thái cũng điềm nhiên khoan thai đến lạ. Chương yêu cô giáo, yêu khổ yêu sở cũng vì điều này.

Chương vào đi. Có việc gì vậy?

Họ ngồi xuống bên cạnh chiếc hồ nhỏ, nước chảy róc rách, êm êm.

Tiệc gì vậy Thơ? Mà hình như là tiệc chay?

Phải. Là tiệc chay. Sắp tới tôi sẽ vào chùa nên hôm nay gia đình và bạn bè họp mặt.

Chương bàng hoàng.

Thơ đi tu? Đột ngột vậy sao?

Sao gọi là đột ngột. Tôi đã hết thời gian làm cô giáo. Bây giờ tôi sắp chuyển sang nếp sống khác. Cũng bình thường thôi mà.

Còn lời hẹn với tôi?

Chương còn viết không?

Còn.

Chương viết đều không?

Cũng tùy. Thơ dạy văn, Thơ cũng biết rõ mà. Việc sáng tác phần nào còn do thiên phú. Không phải muốn là được. Mà tại sao, tại sao tôi cần phải viết?

Chương không để ý sao? Lúc xây dựng nhân vật, Chương bắt buộc phải đặt mình vào vị thế người khác để suy nghĩ, để đắn đo cân nhắc. Điều này sẽ giúp Chương hiểu người khác thấu đáo hơn, giúp Chương nhẫn nại hơn. Sẽ có ích dù cho sau này Chương làm nghề gì đi nữa.

Mắt Chương long lanh.

Không nói chuyện này nữa. Thơ bỏ tôi đi thật sao?

Tôi đã không cầm lên nên cũng không buông bỏ.

Thơ nói đi, bây giờ tôi phải làm sao? Thơ tu ở chùa nào, ở đâu? Xứ nào? Nam, Trung, Bắc?

Đã có lúc Thơ muốn đặt tay trên vai Chương để an ủi như an ủi một người học trò trong cơn phiền muộn. Giống như Thơ thường nắm chặt tay bạn trong tay mình ấm áp lúc bạn đưa tang người thân. Nhưng Thơ sợ Chương sẽ ôm chầm lấy mình. Sẽ bỏng rát cho cả hai.

Thơ yên lặng một lúc khá lâu rồi mới cất lời nhỏ nhẹ.

Có lẽ Chương sẽ không quên được tôi ngay. Nhưng nỗi buồn của Chương rồi sẽ có lúc tan loãng và chấm dứt. Có khi chỉ cần sáu tháng hay một năm. Cũng có thể lâu hoặc mau hơn một chút. Nhưng chắc chắn rồi Chương sẽ quên. Chương nhìn thấy ngư ông ngồi câu cá chỗ hòn non bộ đằng kia không? Lúc nhỏ nhìn Ba tôi đắp pho tượng nhỏ xíu này, tôi hỏi tại sao Ba không thả bầy cá lội tung tăng để cho ông lão câu. Ba tôi nói ông lão cầm cần cho vui nhưng không cần bắt cá. Vì hòn non bộ nào cũng vậy, tượng ngư ông nào cũng vậy, cũng xuất hiện với chiếc cần câu. Nhìn cá lội tới lội lui thì cũng vui mắt, dễ chịu, thư giãn lắm, nhưng nhà mình không đem cá về để tù hãm…

Chương lầm lũi bước ra đường lớn.

Trời sầm sầm như sắp đổ mưa. Gió đẫm hơi nước, thổi lá khô và bụi đường bay tứ tán. Gió cuốn tung luôn chiếc nón lưỡi trai Chương đang đội. Người Chương giống như trôi tuột hết sức lực. Chương vất vả đuổi theo, lom khom mấy lần mới nhặt lại được.

Ngồi trên xe buýt Chương mở kỷ vật Thơ trao tặng. Chiếc túi vải màu nâu, bên trong là chiếc hộp nhỏ xinh.

 Một chiếc lá bồ đề nằm yên ả, trong veo.

Hữu Hạnh

Saigon, tháng 9, 2017

Bông bụp

26 thoughts on “Hết hạn”

  1. Em không biết gì về kỹ thuật hội họa. Chỉ ngắm tranh theo cảm tính. Hình bông bụp này đương xuân. Nét nhẹ nhàng, dịu dàng, đằm thắm. Em đặc biệt thích chiếc lá trong góc với những đường gân li ti, tựa như một người lớn tuổi. Cánh hoa màu hồng phơn phớt tím thì như một người trẻ tuổi. Lá và hoa là đôi bạn vong niên.

    1. “nhưng nhà mình không đem cá về để tù hãm…” làm chị chú ý.
      Câu truyện làm chị nhớ đến “Thế rồi một buổi chiều” của Nhất Linh, nhưng đoạn kết thì trái ngược và happy ending hơn : )

      Hạnh viết hay lắm, như một nhà văn đã tên tuổi. Chị nghĩ những truyện ngắn này có thể được in thành sách.
      Cám ơn Hà đã đăng.

      1. Từ nhỏ đọc những truyện tình mơ màng sương khói em đã ao ước lớn lên mình sẽ cố gắng viết truyện tình lãng đãng bay bay…Có người chịu ghé mắt đọc, dù ít hay nhiều, đối với em, đã là một niềm vui rồi.
        Em cảm ơn chị Mai nhe.

    2. Cám ơn Hạnh đã nhận xét về bức ảnh. Cám ơn đã trò chuyện cùng với các bạn đọc. Tất cả những người đã trò chuyện với Hạnh trên blog này đều là những người viết rất hay, và giàu kinh nghiệm. Mình luôn cảm phục những người bạn viết này.

  2. Đọc truyện ngắn này làm cháu nhớ quyển Hồn bướm mơ tiên đọc hồi nhỏ. Đó là một câu chuyện tình dưới bóng Từ bi. Cái lý do đi vào cửa Phật có lẽ là lời từ chối đau lòng nhất. Kiểu như có những người không đến được với nhau thì ở cùng một thế giới với đối phương đã mãn nguyện rồi. Đằng này ngay cả điều đó cũng khó. Rốt cuộc là không cách nào chạm tới được.

    1. Mình cũng cùng ý kiến với Lập Đông về Hồn Bướm Mơ Tiên. Cảm ơn bạn đã đọc và viết về sự liên tưởng…

    2. Cám ơn Lập Đông. Cô rất thích cách viết của cháu. Bài cháu mới đăng viết chững chạc như nhà văn giàu kinh nghiệm vậy.

  3. Cháu đã đọc hết câu chuyện và thích nhiều ý tứ gửi gắm trong đó cô ạ! Truyện sương khói khiến cháu nhớ đến thời của Khái Hưng, Thạch Lam.

    1. Cô đọc Hồn Bướm Mơ Tiên năm lớp 8, bây giờ không còn nhớ gì ngoài chuyện cô gái đi tu. Thậm chí không nhớ người nào tên Lan người nào tên Ngọc.

  4. Phải nói Hạnh viết chuyện ngắn này hay nhưng buồn, và hình như cô giáo Thơ cũng có chuyện gì buồn đó nên mới đi tu. Chị đọc hai lần vì Em viết văn hay, nên gặp lại câu này: “Giống như Thơ thường nắm chặt tay bạn trong tay mình ấm áp lúc bạn đưa tang người thân. Nhưng Thơ sợ Chương sẽ ôm chầm lấy mình. Sẽ bỏng rát cho cả hai”.

    1. Cảm ơn những lời chân tình của chị Quế Trân, người bạn vong niên em mới được làm quen, nơi xa xôi. Em chúc chị luôn vui khỏe, nhé.

  5. con thắc mắc, Chương muốn tình yêu ở Thơ, còn Thơ muốn gì ở Chương khi cô đặt thời gian ra? con thấy cô Thơ khó hiểu, có lẽ điều ẩn giấu trong lòng cô làm truyện thu hút hơn, khiến bạn đọc suy nghĩ nhiều hơn.
    hình ảnh minh họa đẹp và hợp với truyện ạ, mờ ảo, mơ hồ.

    1. Thơ muốn tìm kế hoãn binh. Để đến phút cuối người kia biết là Thơ đi tu, không phải nói lời từ chối, khó nói ngay lúc ấy 🙂 Cô đoán vậy. Người ở vị trí có thể từ chối tình yêu của người khác, đó là người có đầy quyền lực.

      1. Một phần Thơ muốn hoãn binh, một phần là cõi lòng bí ẩn. Là vậy đó Sóc. Cảm ơn Sóc đã đặt câu hỏi. Cảm ơn chị Tám nhé.

        1. Sau khi đọc chuyện của chị, em suy nghĩ lung tung. Chị Hạnh đừng giận em nói năng quàng xiên nhé.
          Với nhân vật Chương: có phải tình yêu làm cho anh khổ một khi anh bắt đầu có tư tưởng chiếm hữu? Tại sao trong tình yêu không thể đổi tình cầm sắt thành ra cầm kỳ?
          Với nhân vật Thơ: có thể nào vì Thơ là người cầu toàn nên Thơ muốn tìm cho mình một hạnh phúc đích thực và bất diệt thay cho những hạnh phúc mong manh hàng ngày

          1. Tú Nghi thân mến,
            Viết nhật ký là viết cho chính mình, còn viết truyện là hướng ra ngoài, mong có người đọc. Tú Nghi (TN) đọc, đặt câu hỏi thì có lẽ TN không chỉ đọc chơi chơi, điều này là một hạnh phúc đối với người viết. Sao lại giận được? Thắc mắc của TN sao lại gọi là quàng xiên? Hì hì, mình trả lời 2 câu hỏi của TN bằng 2 câu hỏi của mình, như vậy TN chịu không?
            Người yiết tạo ra nhân vật với chủ ý A. Người đọc có thể có ý nghĩ A, B, C, D,…đối với nhân vật cũng là bình thường.
            Lẽ ra mình không nên giải thích về nhân vật mình viết. Vì điều này vô tình sẽ giới hạn, đóng khung suy nghĩ của bạn. Như mọi người thường hay nói, người đọc và người viết đồng sáng tạo trên tác phẩm (tất nhiên, với điều kiện là người đọc đọc kỹ, nghiền ngẫm).

            Dông dài xong rồi, bây giờ mình sẽ nói về Chương. Chương buồn, khổ vì mối tình vô vọng, bế tắc. Thứ nhất, cánh hoa đẹp, thuần khiết không cách nào chạm đến được. Rốt cuộc, thậm chí cơ hội đứng xa xa nhìn ngắm cũng không còn nữa. Cầm sắt đổi ra cầm kỳ? (Nếu tình yêu nào cũng dễ dàng chuyển sang tình bạn thì các tiểu thuyết gia sẽ thất nghiệp hết đó TN. Minh nói giỡn chút thôi.) Cả hai đều còn trẻ, với xung năng của tuổi trẻ, và với hoàn cảnh sống đặc biệt, một bên thiền môn, một bên thế tục, điều này dường như bất khả. Ngoài ra, tư tưởng chiếm hữu ở đây TN muốn nói là gì? Là muốn có được nàng, để đưa nàng về dinh? Thì là trở lại câu trả lời ở trên rồi: Không chạm được đến cánh hoa thuần khiết.

            Hết Hạn, thật ra là cách nói khác của hai chữ Vô Thường. Nhân đây mình cũng muốn lưu ý bạn một chút, tựa đề của một tác phẩm, cụ thể ở đây là một truyện ngắn, rất quan trọng.
            Thơ nhìn thấy những mong manh của cuộc đời (= Vô Thường) nên đã chọn cửa thiền.
            Cầu Toàn, Hạnh Phúc, Đích Thực, Bất Diệt. Mình không nghĩ Thơ buộc chặt bản thân vào những điều này.
            Cảm ơn Tú Nghi đã đặt câu hỏi.
            Chào bạn nhé.

  6. Đọc tới đoạn này khiến em suy tư: “Lúc xây dựng nhân vật, Chương bắt buộc phải đặt mình vào vị thế người khác để suy nghĩ, để đắn đo cân nhắc. Điều này sẽ giúp Chương hiểu người khác thấu đáo hơn, giúp Chương nhẫn nại hơn. Sẽ có ích dù cho sau này Chương làm nghề gì đi nữa.”

    Theo cái đoạn trích trên cộng với tên gọi của các nhân vật, em lại hướng suy nghĩ của mình về cái nghiệp văn chương, cái duyên viết lách hơn á chị Bà Tám. Truyện ngắn Hết hạn rất bảng lảng hư hư thật thật, nhưng cái tựa đề dễ làm người đọc bỏ qua… (chỉ là ý riêng của em)

    Đọc truyện ngắn này em chợt nhớ đến một trích đoạn trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng: Hai ý tưởng “tôn giáo” và “ái tình” hình như đang công kích nhau trong tâm trí.

    1. Anh Kim thân mến,
      Như mình đã nói ở trên với Tú Nghi, người đọc tiếp nhận nhân vật từ góc nhìn cá nhân, có thể trùng hoặc không trùng với ý đồ của người viết.

      Các tác giả đặt tên nhân vật đôi khi có dụng ý, đôi khi là ngẫu nhiên, tình cờ. Trong Hết Hạn thì mình có dụng ý. Tại sao Chương không tên Văn? Vì nếu tên Văn đi với tên Thơ thì quả là suôn sẻ, đẹp đôi rồi. Như vậy, ngay từ tên gọi, đã có cái gì đó lệch pha, trục trặc.
      Anh Kim (AK) để ý đến chi tiết viết lách thì đã phần nào trùng với ý đồ của người viết.

      “Theo cái đoạn trích trên cộng với tên gọi của các nhân vật, em lại hướng suy nghĩ của mình về cái nghiệp văn chương, cái duyên viết lách hơn.” AK nghĩ như vậy cũng có cái lý của AK.
      Cảm ơn nhận xét của AK.
      Chào bạn nhé.

Leave a comment