
Chim cốc hay cormorant có nhiều loại. Khó mà phân loại và gọi tên nó cho đúng nếu chỉ xem ảnh. Theo National Geographic Field Guide, dọc theo vùng Đông Bắc và Atlantic Hoa Kỳ như New Jersey cho đến North Carolina thì có loại Great Cormorant, mỏ khoằm, màu nâu, dài khoảng 91cm và ngang khoảng 160 cm.
Dọc theo bờ kênh Delaware và Raritan Canal tôi thường gặp mấy con chim cốc này. Nó đậu trên một gốc cây, hay tảng đá, và dang rộng đôi cánh như bức ảnh sau này.

Chim cốc, có người bảo rằng nó là loài lông vũ không thấm nước, có người lại bảo rằng lông nó có thể ướt ở bên ngoài nhưng nó bảo vệ không cho thấm ướt vào bên trong. Có lẽ vì thế, tôi thường gặp chim cốc dang đôi cánh rất lâu để phơi. Có lần tôi thấy nó cất cánh nhưng không bay thẳng lên mà chỉ sà sà, lết lết trên mặt nước. Tưởng là cánh nó bị đau bay không được, nhưng lâu ngày tôi vỡ lẽ ra là nó đang săn mồi, nên không bay vút lên.

Mỏ nó khoằm và nhọn nên trông khá dữ, ban đầu tôi nghĩ nó đang mắng, nhưng biết đâu chừng nó đang tán tỉnh con chim kia.

Ở Nhật, tôi gặp nhiều chim cốc dọc theo bờ sông gần công viên Uji. Hôm kia hôm kìa đọc quyển sách nói về họa sĩ Hokusai, người vẽ ngọn sóng thần cao hơn núi Fujisan, thấy bức tranh bên trên. Ngạc nhiên khi thấy loại hoa súng yellow pond lily, còn gọi là cow lily, ở phía dưới chân cột. Hoa này người Nhật gọi là kohone, hay yellow candock. Ảnh chụp bằng phone từ quyển Hokusai Beyond The Great Wave do Timothy Clark biên soạn. Máy scan cũ của tôi bị hư nên không scan được nữa. Máy mới thì không biết dùng 🙂

Ở ngay trong công viên Uji có mấy căn nhà nuôi giữ chim cốc để đi săn. Tôi đoán, đây chỉ là một cách quyến rũ du khách. Ban đêm, người ta mang chim cốc lên thuyền, chèo dọc theo kênh hay bờ sông. Trên thuyền bây giờ có đèn lồng, đèn bão, nhưng ngày xưa người ta đốt lửa để chiếu sáng trên thuyền, và có lẽ vì thế mà có câu thơ “giang phong ngư hỏa đối sầu miên.”

Gần chỗ hai căn nhà nuôi giữ chim cốc là bãi đậu thuyền đưa đón du khách dọc theo bờ kênh thông ra sông Uji. Phía sau, xa xa là cầu Uji. Bờ bên trái tấm ảnh là nơi có quán trà và nhiều nhà hàng rất đẹp. Bên trong, không xa mấy là chùa Byodoin và Ujigami Shrine. Có lẽ vào một đêm lễ lộc nào đó, du khách đi thuyền xem chim cốc đi săn trong ánh sáng của lửa đốt trên thuyền, nghe vẳng tiếng chuông chùa và không khỏi nghĩ đến câu thơ “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.”
Hình cormorant Hà chụp đẹp lắm.
Nghe đến tên cormorant là Mai nhớ đến truyền thống bắt cá cổ xưa của China khi ngư phủ huấn luyện cormorant để bắt cá và đưa cá trở lại thuyền giùm họ.
Họ dùng một sợi dây cột chặt cổ chim lại, thả cho nó bay trên sông để bắt cá. Nhưng khi cổ chim bị cột, tuy nó bắt được cá lớn đem về nhưng không nuốt vào bụng được. Ngư ông sẽ thu hồi những con cá lớn này và thưởng cho chim vài con cá nhỏ. Rất tội cho cormorant bị bóc lộc lao động nhưng cũng tội cho người như phủ phải dùng thủ thuật nhẩn tâm đó để sinh nhai.
Cách đây 14 năm, có một bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Joel Santos chụp cảnh câu cá cách này đẹp tắt thở: Ban đêm, một thuyền đánh cá, một ngư ông, một ngọn đèn bão heo hắt, một con chim cormorant để bắt cá trên sông Li ở Guangxi.
LikeLiked by 2 people
Cám ơn Mai. Mình có xem một đoạn phim ngắn về cách săn cá này. Trên mạng vẫn còn ảnh của ông Santos, những chiếc xuồng hay bè cùng với mấy con chim cốc. Sau khi săn thì chim cốc cũng được cho ăn. Ừ, cỡ chúng mình bây giờ thì còn lạ gì chuyện loài người bóc lột lao động, chẳng những với loài vật mà với cả con người.
LikeLiked by 2 people
Chim cốc đứng một mình trên gốc cây giữa dòng sông chị Hà chụp (hình số 1) nhìn thảnh thơi, an nhiên.
Tranh Hokusai vẽ chim cốc cũng đứng mình nhưng với hoa cỏ chung quanh sao em lại thấy vẻ cô liêu, hoang lạnh.
LikeLiked by 2 people
Hạnh có cái nhạy cảm của người viết văn.
LikeLike
Cháu thích ngắm con chim cốc trong tấm ảnh của cô chụp hơn trong tranh của người họa sỹ Nhật Bản. Ảnh chụp nhìn bình yên hơn cô ạ! Và như cô nói, việc đoán con chim đang mắng mỏ hay đang thể hiện tình yêu thì chúng ta không thể nào biết đích xác được cô nhỉ!
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu. Cháu và Hạnh có ý nghĩ giống nhau. Đọc comment của hai người xong cô mới để ý. Chim cốc nhìn cái mỏ quặm của nó thấy hơi dữ, mà con chim cốc ông Hokusai cố ý vẽ nó có vẻ dữ tợn hơn.
LikeLiked by 1 person
Cháu viết thiếu chữ, cháu thích ngắm con chim cốc trong ảnh của cô hơn…
LikeLiked by 1 person
Hải Hà chụp hình đẹp lắm. Quế thích hình Thuyền Chở Du Khách, Đẹp, thấy những hình ở xa cũng thật rõ nét. Hình chụp rất sắc sảo, tận ở cuối chân trời xa tít mà cũng thấy rõ, tuyệt🌹😁❤️
LikeLiked by 1 person
Cám ơn thật nhiều.
LikeLiked by 1 person
Hà ơi, nhìn tấm hình mà Quế có cảm giác như mình đang đứng ở chổ tầng cấp lên xuống chỗ thuyền, thấy rõ từng viên đá sắp xếp chỗ bến đậu.🌹❤️
LikeLiked by 1 person
Cám ơn QTDT.
LikeLiked by 1 person