Sắc đỏ rũa màu xanh

Một loại cây hoang trong rừng mọc thành bụi, chưa tìm ra tên. Cây có gai rất nhiều, dài và nhọn. Có hoa nhỏ li ti giống như hoa hồng đăng màu trắng ngà hay vàng nhạt. Trái rất nhỏ, nhỏ hơn một trái nho khô. Trái chín vào mùa thu và còn dính trên cây đến suốt mùa đông. Khi tuyết rơi nhiều, trái màu đỏ in trên nền tuyết trắng rất đẹp.

Mấy hôm trước tôi đăng tấm ảnh này trên Face Book. Vì màu đỏ đi kèm với màu xanh lá cây thật bắt mắt, khiến tôi nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu. Nhớ mang máng không chắc giữa từ sắc đỏ với màu xanh là chữ gì. Tôi mở quyển thơ Xuân Diệu thấy câu thơ “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.” Không hiểu chữ rũa, xem thử trên mạng thấy có người dùng chữ giũa.

Sau đó có một vài người để lại bình luận. Vì những bình luận này khá dài, nhiều công, sưu tầm, đọc, suy luận, nên tôi lưu lại nơi này, để đọc lại. Và để bạn đọc có dịp bàn thảo.

Đây là bình luận của FB Long Đp.

Xin phép chị Haiha Nguyen được dài dòng một chút:

“ĐI TÌM LỜI GIẢI THÍCH CHO CHỮ “RŨA” TRONG THƠ XUÂN DIỆU.

1. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học,G.s Hoàng Phê chủ biên, nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa 2012 không ghi nhận từ “rũa”.

2. Trích đoạn “Phân tích khổ bốn trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu”, chương trình học văn bậc phổ thông trung học Việt Nam: “Một chữ “rũa” thần tình, độc đáo tả chiếc lá thu. Trên cái nền xanh của lá, mỗi ngày đêm thu qua lại xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ, màu hồng, cứ loang dần, lấn dần, tiệm tiến, cho đến buổi thu phân, thu mạt, cả vườn thu đã vàng rực, đỏ rực. Và ta mới hay “Thu đến cây nào chẳng lạ lùng…” (Nguyễn Trãi). Hình ảnh “sắc đỏ rũa màu xanh” gợi tả một nét thu, một sắc thu, cho thấy cách nhìn, cách tả, cách cảm xúc của Xuân Diệu rất nhạy cảm và tinh tế. Mới hôm nào đó, sắc thu chỉ mới như “áo mơ phai dệt lá vàng”, mà nay đã thay đổi ‘Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”. Chữ “rũa” nhuần nhuỵ và biểu cảm hơn chữ “rủa” mà có một,số người hay nói đến”.

3. Trong bài bình thơ khác ở trang www.gioivan.net, có người giải thích: Điều muốn nói và đáng nói hơn chính là chữ “rũa”. Có người đã hiểu đây là chữ “rữa”. Không phải! Xuân Diệu đâu có diễn tả sự phân huỷ của xác lá. Điều thi nhân muốn diễn tả tinh vi và thanh nhã hơn nhiều: sự phôi pha trên màu lá. Cũng nói về sự chuyển mùa bằng việc chuyển màu trên thảo mộc cỏ cây, Nguyễn Du từng có câu: “Người lên ngựa kẻ chia bào Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. Cùng thời với Xuân Diệu, Nguyễn Bính cũng viết: “Ngày qua ngày lại qua ngày Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Sau này, Tố Hữu cũng có những câu tinh tế: “Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình”.

4. Nguồn: Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003: “Về văn bản, cho đến nay, sách giáo khoa Văn 11 (năm 2002) còn in là “rủa”, điều này cho thấy soạn giả chưa cập nhật về thông tin. Ở đây, chúng tôi theo bản in trong tập Thơ thơ, NXB Đời nay, 1938 và bản in trong Tuyển tập Xuân Diệu (tập 1), NXB Văn học, 1983. Đây là những văn bản sinh thời tự tay Xuân Diệu chăm sóc sửa chữa. Về “lai lịch” của chữ, nhiều người vẫn coi lúc đầu Xuân Diệu viết là “rủa” bởi muốn học theo cách dùng chữ trong thơ Pháp, diễn tả sự xung đột gay gắt của sắc màu. Nhưng về sau, tự nhận thấy chữ “rủa” như thế vừa quá Tây, vừa không được nhã lắm theo mỹ cảm truyền thống, nên thi sĩ đã sửa lại thành “rũa”. Nó vẫn diễn tả được xung đột, vận động, mà lại giàu thi vị hơn. Nếu quả như thế, thì có thể xem từ “rủa” đến “rũa” là một minh chứng rất thuyết phục cho quá trình Việt hoá trong nghệ thuật tu từ của nhà thi sĩ vẫn được xem là “rất Tây” này. Tuy nhiên, gần đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh lại cho biết trong một lần trò chuyện với Xuân Diệu, thi sĩ đã “rất tức” mà nói rằng: chưa bao giờ ông viết là “rủa” cả!”.(Hết trích) Như vậy có nhiều người bình thơ Xuân Diệu, kể cả trong sách giáo khoa cũng đều “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” lãng đãng mà không đưa ra lời giải thích rõ ràng cho nghi vấn chữ “rũa”, ngoại trừ ông Chu Văn Sơn (đoạn trích 4.) có thể chấp nhận được, tôi nghĩ vậy.

Đã có một lần trước đây trao đổi suy nghĩ với chị về “Có chuyện độc quyền chữ nghĩa hay không” trong sự kiện nhà văn nữ Đỗ Xuân [sic] Diệu kiện nhà sản xuất New Arena vì dùng từ “Bóng đè” đặt tên cho phim trùng với tên một tác phẩm văn học của mình; hoặc chuyện 2 ông thi sỹ kiện nhau ra tòa vì tranh chấp bản quyền phát kiến hai chữ “phồn sinh”! Như vậy, trong trường hợp này có thể nói “rũa” là “chữ độc quyền” của Xuân Diệu được không? Vì trên mạng tìm kiếm không tìm đâu ra ở đâu, người thứ 2 nào dùng chữ này!”*

Đây là bình luận của ông Tám, FB Lại Gia Định.

“Chữ rũa có định nghĩa trong ít nhất quyển (1) trang 1363 và quyển (2) trang 1540. Chữ rũa thông thường được dùng dạng kép, như rũa nát, mục rũa. Tùy cách phát âm, chữ rũa cũng có thể viết rữa. Câu thơ “trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh” của nhà thơ Xuân Diệu có thể hiểu vào mùa thu sắc đỏ của lá làm nhạt nhòa các lá còn màu xanh. Xuân Diệu chỉ cần dùng một chữ, gọn ghẽ và cường điệu.

(1) Từ Điển Tiếng Viết, Ban Biên Soạn Chuyên Từ Điển: New Era, nxb Từ Điển Bách Khoa, 2013.

(2) Từ Điển Từ và Ngữ Việt-Nam, Nguyễn Lân, nxb TP HCM, 2000.”

*Ghi chú của Bà Tám. Có một chữ có lẽ Long Đp viết nhầm. Nếu liên quan đến tác phẩm Bóng Đè thì phải là Đỗ Hoàng Diệu chữ không phải là Đỗ Xuân Diệu.

Đây là bình luận trao đổi giữa FB Đặng Phú Phong và Tàng Thu Các

Dang Phu Phong

Câu thơ này, chữ rũa hay giũa , theo thiển ý chẳng có chi là “tài tình” cả. Chữ rũa chỉ là một từ có vẻ như rất địa phương, âm nó không tròn, thanh của nó vỡ không mềm và không hề thanh lịch. Nghĩa của nó thì có lẽ chỉ ông Xuân Diệu hiểu. (Tôi dân Bình Định nhưng khác quận với ông) Tôi có phone hỏi một vài người cùng thôn Gò Bồi – quê của Xuân Diệu, nhưng họ cũng không hiểu nghiã chữ “rũa” dù họ cũng đã trên 70 tuổi. Xuất xứ chữ “rũa” mơ hồ như vậy chúng ta không hiểu , đoán và gán nghĩa cho nó. Hơn nữa với nhiệm vụ là động từ trong câu, diễn tả sự tranh chấp chỗ hiển lộng giữa màu xanh và đỏ thì nó cũng không phải là chữ đắc địa. Thi sĩ Xuân diệu là một nhà thơ lớn, thơ của ông nhiều bài xứng danh tuyệt tác nhưng không phải tất cả thơ ông đều đáng xưng tụng như thế.

Tang Thu Cac
Dang Phu Phong 
dạ theo thiển ý, chữ “rũa” được dùng trong câu “Trong rừng [sic] sắc đỏ rũa màu xanh” vừa lạ vừa ngộ ngộ. Nếu không nói đến âm sắc của nó khi đọc lên nghe “không hề thanh lịch” thì chữ “rũa” trong câu thơ trên làm cho ta liên tưởng đến câu thơ “Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu” trong Hồng Lâu Mộng. Cả hai chữ “rũa” và “rốn” nếu đứng riêng ra thì quá tầm thường, có khi thô kệch nữa, nhưng rõ ràng được sử dụng vào câu thơ thì đầy đủ tượng thanh và tượng hình một cách thanh bai đáng nể.
Dạ chỉ có ý kiến như vậy, không dám qua mặt nhà thơ 😊

Dang Phu Phong
Đã “rũa” lại” rốn”. Lưu đắc khô hà thính vũ thanh. là câu cuối của bài thơ tứ tuyệt tựa là: Túc Lạc thị đình ký hoài Thôi Ung, Thôi Cổn (Ở đình họ Lạc nhớ Thôi Ung Thôi Cổn) tác giả Lý Thương Ẩn. Hồng Lâu Mộng dịch :” sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu” Tôi không biết tiếng Hán nên không biết Tào Tuyết Cần viết như thế nào về câu thơ của ông Lý. Còn câu dịch trong bản tiếng Việt thì lại có chữ ” rốn” và tôi cũng không hiểu chữ rốn trong câu thơ này để diễn tả, ám chỉ, gợi liên tưởng điều chi ( và, cứ theo cách diễn đạt của Tang Thu Cac fhif tôi nghĩ rằng cô cũng không hiểu). Nếu hiểu chữ ”rốn” theo nghĩa đen là cái rốn hay chỗ quan trọng nhất thì nó không có nghĩa gì cho/ trong câu thơ cả. Trong thơ mà không hiểu hết nghĩa của chữ, câu mà cứ nhắm mắt khen hay là điều không hay chút nào. Nó khác với nhạc. Kiểu như nhạc TCS, đã mấy ai hiểu hết ca từ của ông ta nhiều khi nó như những câu thần chú nhưng chúng ta có thể khen hay vì ta chỉ nghe diễn tấu của âm thanh, nhạc tính; kể cả việc ta có thể tạo ra ý tưởng , triết lý không có trong lời nhạc. Cũng được. Nhưng, thơ không thể như vậy! Tôi e rằng cứ khen hay một câu thơ , một bài thơ thì sẽ tạo ra cảnh bầy đàn, văn chương sẽ càng ngày càng xuống dốc chăng? Những ý kiến của tôi nếu nghe không thuận tai thì xin TTC bỏ qua nhé.


Đoạn này là của tôi, Bà Tám, xin tạm thời chấm dứt phần bàn luận chung quanh chữ “rũa” của Xuân Diệu. Trong trường hợp chữ “rũa” này, tôi xin được làm người dựa cột đứng nghe. Cám ơn quí vị đã cất công và thời gian để góp ý. Tôi được học hỏi thêm một chữ thú vị. Lập lại ý của một nhà văn nổi tiếng, nhưng bây giờ tôi không nhớ chắc chắn tên, là khi nhà thơ viết ra một câu thơ, thì lúc ấy chỉ có nhà thơ và trời hiểu. Sau khi viết ra rồi, thì có lẽ chỉ có trời hiểu thôi. Tôi đoán vì nhà thơ cũng quên mất là ông có ý gì.

Đăng thêm, ngày 18 tháng Chín năm 2020

FB Dũng Nobita:

Chữ “rũa” của Xuân Diệu còn tốn giấy mực nhiều. Nhưng hiểu “rũa” là “rữa” (trong rữa nát) e không đúng. Vì trong một bài thơ khác XD đã [biết] dùng chữ “rữa” đúng với cách hiểu của đại chúng:” Cho em hút những chút hồn đã rữa/ Cho em chuyền hơi độc rất tê ngon.”

FB Phạm Ngọc Hiệp

Chữ “rũa” trong câu “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh” nếu viết đúng như thế kể ra khá bí hiểm. Tôi thử tra nhanh thấy ít nhất trong 4 quyển từ điển có chữ “rũa”. Hai quyển Từ điển tiếng Việt của Văn Tân chủ biên (1967), và Hoàng Phê chủ biên (1994), và quyển Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức (Sài Gòn 1970), đều ghi “rũa” có nghĩa là “rữa”. Xem ra nghĩa này không liên quan tới câu thơ trên. Riêng có Từ điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập (Sài Gòn 1951), thì “rũa” ngoài nghĩa là “rữa ra”, còn có nghĩa là “tách rời ra”, xem ra nghĩa này có thể dùng được, phải chăng ý nhà thơ muốn nói trong vườn hai màu đỏ và xanh tách rời nhau ra, sắc đỏ ở đây có thể là sắc của hoa hay trái chín, màu xanh ở đây là màu của lá?

Như tấm hình cô Tám đưa lên.

Tôi ghi lại cả hai câu thơ trong bài Đây mùa thu tới sẽ dễ hiểu hơn:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Như vậy ta có thể thấy nhà thơ Xuân Diệu đã tả lại cảnh trong vườn khi mùa thu đến, có loài hoa đã lìa cành, sắc đỏ của hoa đã tách rời khỏi màu xanh của cành lá.

FB LanThu:

Lan Thu

Em người Bình Định, không có nhiều kiến thức văn học để dẫn chứng, phân tích cụ thể như các anh chị. Nhưng em hình dung được cảnh mùa thu qua chữ “rũa” trong thơ XD, và em đã nghĩ nó rất tài tình. Rũa là khẩu ngữ và cũng có thể là phương ngữ của quê em, nhưng có lẽ rất ít được dùng đến nên không nhiều người hiểu. Riêng em được nghe một lần từ ngoại, khi bà còn sống. Đó là lần em vô ý ngâm chung chiếc áo bị phai màu ra các quần áo khác. Bà nói ” Màu rũa ra hết rồi!”. Rũa của ngoại chỉ sự lem màu từ vật này sang vật khác. Vậy nên, em hiểu XD đang diễn tả sắc đỏ của mùa thu đang loang dần trên những chiếc lá xanh. Rất tuyệt!

12 thoughts on “Sắc đỏ rũa màu xanh”

      1. dạ con coi được, sóc ta chắc thẹn thùng chi đây. 😂
        cái đuôi nó giống như dính tuyết lất phất vào mùa đông, làm con bật cười vì con nhớ lại mùa đông con cũng hay đánh mascara cho lông mi thành kiểu như dính bụi tuyết, mà con đặt là kiểu “tuyết rơi”. 🤣🤣🤣

        Liked by 1 person

          1. cô ơi con có chuyện muốn kể, không liên quan tới bài này ạ. chiều nay con đi dạo chỗ bán hoa bán cây, thấy cái cây có để hình hoa mà cô đặt là hoa tơ lụa ấy, con mới ghi lại tên để về tìm thử tên tiếng việt của nó. con tìm ra được nó là cây hợp hoan đó cô. nào giờ biết cái tên hợp hoan, biết bông biết lá trông ra sao mà không biết nó chính là hợp hoan.

            Liked by 2 people

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s