Hôm qua nói, đi câu cá là một trong những phương tiện giải trí trong mùa hè, khá an toàn trong thời dịch bệnh Covid-19. Mùa hè khép lại nhưng người ta vẫn có thể đi câu tiếp tục trong mùa thu. Cụ Nguyễn Khuyến đã chẳng kể chuyện câu cá trong bài Thu Điếu đó sao. Vậy là tôi viết tiếp chuyện câu cá hôm qua tại vì hôm nay đã bắt đầu mùa thu.
“Khi đi câu, bạn sẽ gặp bạn câu suốt chiều dài dòng sông — mấy người bán vé sổ xố mà bạn mua vé đã bao nhiêu năm, mấy ông cảnh sát bạn đã tặng cá để đáp lễ vì họ là những người từng giúp đỡ bạn, mấy ông thợ câu tính tình ba trợn lười biếng đứng chen vai với bạn ở chỗ đánh cược, phía trước mấy bức tường ném banh jai-alai, và nhiều người bạn khác chạy xe ngang hải cảng cùng với con đại lộ chạy dọc theo bờ biển, họ vẫy tay chào bạn rồi bạn cũng vẫy tay đáp lễ, nhìn từ xa bạn chẳng biết họ là ai, chứ họ thì có thể nhận dạng chiếc tàu Pilar và bạn đang đứng trên boong tàu rõ rệt – cái cần câu với cái mồi câu cá có gắn lông chim, lúc nào cũng đang câu cá.”[1]
Jai-alai là một loại banh (bóng), nếu bạn gõ từ này vào Wikipedia sẽ thấy, người ta chụp và ném banh vào bức tường (fronton) cho banh dội ra rồi hứng banh, tương tự như racquet ball vậy. Thay vì dùng racket (cái vợt lưới, cần vợt ngắn) trên tay họ có gắn một cái vợt gần giống như một cái rổ cong như cái lưỡi liềm. Jai-alai được chơi ở Philippine và nhiều nơi ở Hoa Kỳ nhưng không phổ biến như baseball hay football. Có lẽ loại banh này phổ biến ở Cuba, nơi Hemingway sống nhiều năm. Khi người ta hỏi Hemingway tại sao lại sang Cuba để sống, ông viết một bài rất dài về The Great Blue River, về chiếc tàu câu cá Pilar, tóm gọn lại là về đam mê câu cá (bên cạnh mối đam mê đấu bò rừng) của ông.

The Great Blue River, trường giang xanh biếc, Hemingway miêu tả như sau: “[…] Con sông rộng lớn và sâu thẳm này có màu xanh biếc, sâu từ ba phần tư cho đến một dặm, rộng từ 60 cho đến 80 dặm. Từ cửa nông trại của bạn đến con sông này bạn chỉ mất chừng 30 phút, cắt ngang những thôn làng rất xinh đẹp, khi dòng sông này biết điều thì đây là nơi câu cá ngon lành nhất mà tôi (Hemingway) biết. Khi dòng Gulf Stream chảy mạnh mẽ, con sông này có màu xanh đậm và nhiều chỗ nước xoáy dọc hai bên bờ […]” p. 682 (Hemingway, 1974)
Một dặm (mile) bằng 1.609 km. Ba phần tư của một dặm là 1.2km. Sáu mươi dặm tương đương 96km. Tám mươi dặm tương đương với 128km.
Pilar là tên chiếc tàu của Hemingway. Chiếc tàu này khá lớn. Chiều dài khoảng 12 mét. Trang bị máy móc đầy đủ. Có thể chứa 1200 lít xăng dầu, 600 lít nước, và khi tàu đầy cá có thể chứa 5,200 kg nước đá.
Nhưng mà tôi lại nói chuyện sang đàng. Đi câu cá dọc theo bờ kênh, bờ hồ như tôi viết và đăng vài tấm ảnh hôm qua là câu cá cỡ nhỏ. Câu cá cỡ Hemingway là cỡ đi câu ngoài biển. Hemingway viết truyện “Ngư Ông và Biển Cả” (The Old Man and The Sea) lấy bối cảnh là Cuba và Gulf Stream cũng chính là Dòng Trường Giang Xanh Biếc (The Great Blue River) này đây.
Những người đi câu chuyên nghiệp hơn thì họ dùng phương pháp fly fishing. Fly fishing là câu cá bằng loại mồi đặc biệt. Người ta có thể câu cá bằng giun trùn, thịt heo, ruột cá, v.v… (Trong chuyến vượt biên của tôi, những ngày lênh đênh trên biển, người đi chung tàu đã dùng ruột cá để nhử những con cá bơi theo chiếc tàu vỡ máy và chụp cá bằng tay) Những người đi câu dày kinh nghiệm họ biết loại cá nào, ở vùng nước nào, thích ăn loại mồi gì. Mồi cá ở những con suối sâu có khi là côn trùng sinh sản trong nước hay trên mặt nước. Ở những vùng biển như Gulf Stream mồi của Hemingway là những con mực. Để hấp dẫn những loại cá được yêu chuộng như trout, salmon, bass, và malin (loại cá Hemingway câu) và để đáp ứng nhu cầu của ngư phủ, ngư ông, người ta chế tạo ra các loại mồi nhân tạo, màu sắc rực rỡ, giống như mồi thật. Có lần tôi thấy một con vịt con nằm như chết bên đường, sát vào mép cỏ trông đáng thương quá. Trong khi tôi xót xa, nhìn kỹ lại thì đó là một con vịt con giả, màu lông, và màu da chân vịt giống y như thật. Trên con vịt có lưỡi câu nhọn hoắc và mấu chốt, kèm theo còn có túm lông vũ lua tua có lẽ để nổi trên mặt nước như cái phao. Đây là một cái fly, mồi câu nhân tạo nhưng tôi không dám chắc cùng loại mồi câu của những người fly fishing.

Fly fishing là một phương pháp câu cá đòi hỏi người câu phải tập luyện cách ném lưỡi câu dây câu, cách kéo cá về, v.v… . Người fly fishing dùng một loại dây câu đặc biệt nặng hơn dây câu bằng nhựa bình thường để người câu có thể ném sợi dây câu ra đến giữa dòng, nơi có cá lớn. Nhưng phương pháp câu này phức tạp lắm, tôi sẽ không dấn thân vào chuyện này đâu nhé. Chẳng qua, tôi thấy người ta đi câu, có người câu rồi thả cá trở lại, tôi bỗng đâm ra tò mò và có vài câu tự hỏi. Người đi câu để được gì nếu không cần bắt cá? Ngày xưa ông Lã Vọng đi câu mà không gắn lưỡi câu. Ngày ngày ông ra bờ sông chờ thời, cho đến khi gặp vua mời ông ra làm cố vấn. Ở Hoa Kỳ người ta có một số luật lệ, nguyên tắc dành cho người đi câu. Thí dụ như người đi câu phải đóng tiền mua giấy phép. Chỉ được câu ở những chỗ nhất định. Có những tháng cá sinh con, người đi câu không được khuấy động chỗ sinh nở của cá, nên không được phép câu. Chỉ được câu những con cá đúng kích thước, nếu cá còn nhỏ quá thì phải thả lại nước để nó có thể sống và sinh trưởng thêm. Và người đi câu chỉ được mang về đúng số lượng người ta cho phép. Ngoài ra người đi câu cũng phải cẩn thận, tránh những chỗ người ta có pha thuốc sát trùng để trừ muỗi mòng và các loại cây cỏ tăng trưởng quá nhanh quá mạnh có thể làm ô nhiễm nước hay che kín mặt nước làm thiếu dưỡng khí cho cá.
[1] “The Great Blue River”. Truyện ngắn trích trong The Enduring Hemingway – An Anthology of a Lifetime in Literature”. p. 683 Charles Scribners, Jr. biên soạn, New York, 1974.
không đi câu mà cũng biết chuyện của dân câu cá, cảm ơn bà Tám 😉
LikeLiked by 1 person
Cám ơn norah đã đọc.
LikeLike