Ngư ông về viễn phố

Bạn hỏi tôi “Chị có bao giờ đi câu?”  Ngày xưa, có một lần.

Lúc ấy má tôi mới dọn về Tân Qui Đông (có người nói là Tân Quí Đông nhưng trong trí nhớ của tôi cô bé 9 tuổi thì nó là chữ Qui).  Thuở ấy, TQĐ là một vùng ruộng hoang sơ, nhưng bây giờ gần với Phú Mỹ Hưng, nơi của người giàu có ở.  Chúng tôi là những người ở khu Vĩnh Hội bị cháy nhà nên trôi dạt về đây.  Gia đình nhà trước mặt là một gia đình cảnh sát, nhà nghèo, con đông.  Trong đám con ấy có thằng Đông (ở nhà nó gọi là thằng Cu) trạc tuổi tôi, dạy tôi câu cá. 

Ruộng lúa, người ta đào đất, xúc đất lên làm nền nhà, chỗ đất bị đào trũng xuống biến thành ao.  Nền nhà càng cao thì ao càng sâu.  Mưa xuống nước ngập ruộng, cá theo nước tràn vào trong ao.  Chúng tôi câu cá bằng con trùn, cứ đào đất lên là có trùn cả nắm.  Tôi chẳng hề dám mó tay vào đám trùn ngo ngoe gớm ghiếc.  Thằng Đông móc trùn vào lưỡi câu, có khi không có lưỡi câu nó dùng nhợ câu cột thắt ngang lưng con trùn.  Dặn tôi hễ thấy phao chìm là giật mạnh lên cho con cá văng lên bờ.  Có vài lần hụt cá rớt xuống nước trở lại.  Số cá bị giật lên bờ cũng khá khá.  Đây là loại cá chốt nhỏ bằng ngón tay, ngạnh rất bén nhọn, không cẩn thận bị ngạnh cá đâm vào ngón tay rất đau nhức.  Tôi chỉ được câu giúp, bởi vì cần câu và mồi câu là của thằng Đông, nên thành quả thu được thuộc về chủ nhân.  Đông mang về nhà cho má nó kho tiêu.  Tôi câu cho đến lúc tôi giật lên thì đầu sợi dây treo lủng lẳng một con rắn đen khoang trắng.  Tôi hét lên một tiếng thất thanh, ném cái cần câu xuống ao, rồi ù té chạy về nhà.  Từ đó chưa hề câu cá lại lần nào, có vẻ như chỉ một lần câu gặp rắn thôi là tởn tới già.

Bạn khác nói, câu cá là cách giết thời gian nhanh nhất.  Tôi lại nghĩ nếu câu cá mà có cá cắn câu thì không thấy lâu, chứ ngồi đó mà “tựa gối ôm cần lâu chẳng được, cá đâu đớp động dưới chân bèo” như cụ Nguyễn Khuyến tả thì thời gian dài chán chết.  Người đi câu thường thường phải là người có nhiều kiên nhẫn.  Những ngày đi dọc bờ kênh bờ hồ tôi thấy người đi câu đa số là đàn ông.  Cứ chục người đi câu là đàn ông mới có một hay hai phụ nữ.  Và đa số những người phụ nữ này đi chung với đàn ông.  Cách đây chừng một tuần tôi gặp một người phụ nữ cao lớn như đàn ông, đi câu một mình.  Bà đi xe đạp, để xe nằm trên bờ kênh rồi quăng câu.  Tôi dám chắc đây là người đi câu thiếu kiên nhẫn.  Chỉ độ năm mười phút, tôi đi chưa mấy xa đã thấy bà chạy xe đạp cùng chiều về hướng tôi đi.  Sau đó tôi lại gặp bà để xe đạp nằm kềnh trên bờ kênh thả câu.  Rồi lại lên xe đạp chạy đi chỗ khác để câu.  Vài ba lần như thế, và bà chẳng câu được con cá nào.  Ông Tám nói có lẽ bà đi câu để được có cái thú vị ném dây câu.

Biết là không phải cứ đi câu là câu được cá.  Trong lúc ngồi chờ cá cắn câu, người đi câu nghĩ gì?  Suy nghĩ thì có lẽ nhiều thứ để suy nghĩ.  Chuyện công danh.  Chuyện tình duyên.  Ý tôi muốn hỏi là những ý nghĩ lớn, như triết lý, cuộc đời sự sống và cái chết, hạnh phúc, tự do, và nhiều thứ khác.  Mình chẳng quen ai là người đi câu để hỏi, thôi thì tôi thử lục tìm trong sách vở xem có nhà văn nào viết về chuyện câu cá hay không?

Thử tìm sách vở về câu cá, tôi vô cùng ngạc nhiên. Năm 1653 đã có sách viết về câu cá.  Quyển “The Complete Angler” do Izaak Walton biên soạn.  Và trước cả quyển này bốn chục năm, 1613, có quyển “The Secret of Angling” của John Denny.  Nghĩ cũng phải thôi, đâu có gì mà ngạc nhiên.  Tổ tiên loài người có lẽ đã săn cá, ăn cá (sống) trước khi có lửa nữa.

Đi câu, như Hemingway nói, là dịp để gặp bạn bè.  Đi câu, nhất là đi cả gia đình, là dịp để kết nối tình thân.  Mấy chục năm về sau, người ta vẫn có thể kể lại những kỷ niệm cả nhà đi câu với nhau.  Đi câu cũng là dịp để các ông câu ngồi suy nghĩ, nhớ lại những lần đi câu trước.

Norman Maclean, tác giả của quyển sách được làm thành phim “A River Runs Through It”, kể lại những chuyến đi câu của ông với người bố và người em trai tên Paul.  Ông bố là mục sư. Norman Maclean là nhà văn và là giáo sư dạy môn văn chương.  Paul, Brad Pitt đóng vai này trong phim, là người có cá tính rất mạnh.  Cả ba người đều là những người câu cá có bản lĩnh và giải thưởng, họ có thể hiểu được cách suy nghĩ của loài cá vì thế hễ khi họ đi câu là được rất nhiều cá.  Tôi không có cơ hội để hỏi những người câu cá, khi họ “tựa gối ôm cần lâu chẳng được”, thì họ suy nghĩ những gì, vì chẳng có quen ai là người đi câu cá, nhưng Norman Mclean đã cho tôi nhìn thấy một khoảnh khắc của ông trong một buổi đi câu với bố và em của ông.  

“Trong khi tôi đứng trong vùng nước yên lặng và có bóng mát, tôi nhìn thấy một điều nhưng không chú ý lắm, đó là không có trứng của con bọ đá nào đang nở cả, đáng lẽ tôi nên suy nghĩ về điều này cặn kẽ hơn, nhưng tôi lại đâm ra suy nghĩ về cá tính.  Có vẻ đây là chuyện bình thường, nếu chúng ta nghĩ về cá tính khi chúng ta đang thắng thế, đặc biệt là về cá tính của người thua kém mình.  Tôi đã suy nghĩ về em trai tôi, khi gặp khó khăn, em tôi thường tự tìm trong chính bản thân của em để tìm đường thoát.  Em đã chẳng bao giờ mượn những cái mồi câu của tôi.  Tôi nghĩ về điều này một cách sâu rộng hơn trước khi tôi trở về với thực tại và mấy con bọ đá màu vàng.  Tôi bắt đầu với ý nghĩ, mặc dù em là em tôi, nhưng đôi khi em thuộc loại bướng bỉnh như đầu em có sạn vậy.  Tôi nối tiếp ý nghĩ này xa hơn nữa, đến chỗ những người Hy lạp thời cổ đại đã tin rằng, hoàn toàn không muốn nhận sự giúp đỡ của người khác, có thể đưa đến chỗ bị giết.  Bỗng nhiên tôi nhận ra rằng em tôi hầu như luôn luôn là kẻ thắng cuộc và rất thường xuyên (em thắng) bởi vì em không mượn mồi câu của tôi.  Từ đó tôi cho rằng, bất cứ lời nào chúng ta thốt ra về cá tính của người câu cá, vào bất cứ một ngày nào đó, thì lời ấy tùy thuộc vào sự phản ứng của loài cá của chính ngày hôm ấy.  Vì suy nghĩ đến phản ứng của loài cá, tôi quay trở về với thực tại và tự bảo mình, “tôi còn một hố cá chưa câu.”[1]

Trước đó Norman Maclean câu được nhiều cá, nhưng Paul không câu được con cá nào.  Norman ngỏ ý cho Paul mượn mồi câu của ông, nhưng Paul từ chối.  Paul trở lại những cái hố cá mà trước đó Paul đã câu, mà không dính con cá nào, vì Paul quan sát cách những con bọ đá đẻ trứng và cách trứng nở, và buổi đi câu hôm ấy Paul câu được 20 con cá, và con cá cuối cùng là con cá to nhất trong buổi đi câu.  Trong ba cha con, Paul là người hiểu biết nhiều nhất, có thẩm quyền nhất trong gia đình để bàn về chuyện câu cá. Paul cũng là người giữ mục câu cá cho tờ báo anh làm việc. Paul vóc người cao lớn, tự tin đến kiêu ngạo, bản tính ương ngạnh hay chứng tỏ là mình hơn người do đó tạo ra nhiều kẻ thù.  Về sau, thích uống rượu và đánh bạc, thiếu nợ đánh bạc đìa ra, có lẽ đó là một trong những nguyên nhân Paul bị người ta đánh đến chết.  Khi chết, bàn tay của Paul bị đập đến nát vụn. Ông bố hỏi: “Tay nào?” Norman trả lời: “Tay phải!” Tay để câu cá, để viết, và để đánh bạc. Có lẽ người ta cũng ghen tài với Paul khi giết anh. Brad Pitt đóng vai này rất đạt dù anh chàng vẫn còn mặt búng ra sữa. Cũng như vai trong phim “The Legend of The Falls” Brad Pitt vào nhân vật người hùng, alpha male, đáng yêu đến độ đáng ghét.

Phép lịch sự của người đi câu là không câu gần chỗ người đến trước, chọn được chỗ như ý để đóng chốt.  Nhà văn Somerset Maugham kể lại trong truyện ngắn “The Hole” một án mạng xảy ra chỉ vì người ta giành nhau chỗ để câu. 

Trên một dòng suối, có chỗ cạn chỗ sâu.  Đứng nhìn dòng suối người ta có thể biết những chỗ sâu này nhờ màu nước có thể xanh đậm hơn, và nước có vẻ như chảy chậm hơn.  Ở những chỗ sâu này thường có nhiều cá trú ẩn.  “The Hole” có nghĩa là hố cá.  Hố cá có khi to như một cái ao, tùy theo dòng suối rộng cỡ nào. 

Ông Leopold Renard, thợ đóng nệm ghế, dẫn bà vợ đi câu.  Vì ông đến trễ nên cái hố cá chỗ ông câu đã ba năm, quen thuộc đến độ ông nghĩ là chỗ của riêng ông, bị người khác chiếm mất.  Cái hố cá này rất tốt, sâu chừng ba mét, gần bờ, có bóng mát, nhiều cá, có thể nói là thiên đàng của người đi câu.  Người chiếm cái hố cá là vợ chồng ông Flameche.  Vợ của ông Renard là một người đàn bà nhỏ thó và xấu xí, ông Maugham miêu tả giống như là con khỉ con.  Vợ của ông Flameche là người đàn bà cao lớn và to béo.  Bị mất chỗ câu ngon lành nên ông Renard tức giận.  Ông chọn chỗ câu gần đó với hy vọng là đến trưa vợ chồng ông Flameche sẽ bỏ chỗ đi về mệt vì trời nóng.  Vì chỗ câu gần nên vợ chồng ông Flameche tức giận.  Khi ông Renard nén giận, không để ý đến lời xỉa xói nhiếc móc của bà vợ là ông để cho kẻ kia cướp cá của ông, thì bà Renard và bà Flameche đâm ra cãi nhau.  Bà to béo đánh bà vợ của ông nên ông vội vàng chạy đến cứu vợ.  Ông Flameche cũng định ra bênh vợ, ông này thì lại nhỏ thó ốm yếu hơn bà vợ của ông, chặn đường ông Renard.  Đang lúc nóng vội, ông Renard vừa đấm vừa thoi ông Flameche vài ba cái khiến ông ta ngã nhào xuống nước.  Giữa sự chọn lựa cứu kẻ cướp hố cá của mình và cứu vợ của mình đang bị đánh, ông Renard chọn cứu vợ.  Lòng ông còn rủa thầm, mặc xác mi, cho đáng đời.  Sau khi ông kéo được hai bà đang túm đầu cố xé xác nhau ra, quay trở lại chỗ hố cá thì những người câu chung quanh đã vớt ông Renard lên.  Tuy vậy, xui xẻo làm sao, ông ta đã chết. Ra tòa, người ta bắt đền tội, ông Renard phân bua kể lại câu chuyện và có những người chung quanh làm chứng, trong đó có bà vợ của ông Flameche, xác nhận ông kể đúng sự thật.  Nhờ thế mà ông thoát tội giết người.

Có lẽ với người đi câu, buồn nhất là câu không được cá.  Tuy nhiên, buồn hơn cả câu không được cá, là câu được nhiều cá mà bị mất hết số cá mình câu được.  Có một cậu bé chừng mười hay mười hai tuổi, đi câu với bố.  Gần cuối ngày ông bố tin tưởng giao cho cậu bé khoảng chục con cá. Chính cậu cũng câu được hai ba con cá khá to.  Cậu gồm chung cá của bố và của cậu, xỏ thành xâu đeo vào thắt lưng. Tiếp tục câu cá, cậu câu dính một con cá rất to, nhưng nó kéo dây câu mạnh quá, rồi trong lúc giật dây, chẳng hiểu làm sao tuột dây đứt móc, cậu đánh mất cả xâu cá.  Cậu bé ấy tên là Jimmy Carter.  Vâng, chính là vị Cựu Tổng Thống của nước Hoa Kỳ và chính ông đã viết kể lại câu chuyện này trong truyện ngắn “Fishing With My Daddy.”

Đến đây thì hết muốn kể truyện nhưng chẳng biết kết thúc làm sao. Chợt nghĩ đến câu thơ của bà huyện Thanh Quan, “gác mái ngư ông về viễn phố.” Câu thơ này khiến tôi nghĩ đến người thành phố thời nay muốn nghỉ ngơi thì đi câu cá. Còn ngư ông muốn nghỉ ngơi thì cất cần câu đi về nhà. Tôi mượn vai trò ngư ông, chấm dứt chuyện câu cá, đi về viễn phố đây.


[1] Norman Maclean, “A River Runs Through It”.  Trích trong tuyển tập truyện ngắn “The Best Fishing Stories Ever Told” do Nick Lyons biên soạn.  Skyhorse. 2010. New York.  p. 365

15 thoughts on “Ngư ông về viễn phố”

  1. câu cá có cần cá cắn câu?
    cầm cái câu, câu con cá, cá cắn câu, có cơm/canh cá.

    hihi ngồi bịa mà líu lưỡi luôn rồi. =)))))

  2. con mê somerset lắm, nhưng mà chưa đọc the hole lần nào. nhờ cô mà biết thêm truyện của ông 😉

    1. Công nhận là ông viết truyện ngắn đại tài. “The Hole” đọc vừa buồn cười, vừa thấy sự nhạo báng xã hội của ông Maugham.

  3. Người ta đi câu cá. Mai thì chỉ muốn đi săn hình người câu khi mặt trời lặn. Buổi chiều mặt trời lặn hay ra sông tìm người đang câu để chụp silhouette của họ in trên nền trời đỏ. Cảnh đó đẹp tuyệt vời.

    Cám ơn Hà bài viết rất công phu và rất hay. Dù biết người đi câu chỉ muốn cá và cá, nhưng Mai muốn nghĩ rằng đó là cách ngồi thiền hữu hiệu nhất.

    1. Hà ít khi được chụp ảnh trong hoàng hôn hay bình minh nên thầm tiếc. Hà toàn chụp ảnh lúc nắng chói chang vì chỉ lúc đó mới đi bộ 🙂 Để xem trong tương lai có làm được chuyện chụp ảnh lúc golden hour hay blue hour không. Hà cũng nghĩ đi câu là lúc có thì giờ đọc sách, suy nghĩ, suy nghĩ về Thiền cũng là Thiền, nhưng không muốn ngồi lâu sợ muỗi cắn, hay muỗi chích.

  4. Đọc blog Chuyện Bâng Quơ em thích nhiều thứ, nhưng em đặc biệt thích những đoạn văn, những hồi ức với bối cảnh Sài Gòn xưa của chị.

  5. con toàn đọc nhầm truyện người ta đi câu nhưng khi cá cắn câu lại thả cá ra câu tiếp, thực ra là người ta câu người đọc chứ không phải câu cá hihi.

    1. Vậy à. Cô chỉ mới lần đầu tiên đọc truyện người ta đi câu cá. Ngạc nhiên. Người Mỹ họ viết rất hay. Có những truyện mình không ngờ nó hay như vậy.

  6. Em thích nghe chị kể chuyện hồi xưa quá. Chuyện hồi xưa chắc gần gũi với thiên nhiên và gần gũi với những điều mình quen thuộc hơn nên nghe cái cảm liền. Đọc mà nghe được cả âm thanh “á” của người câu được con rắn nữa, rồi nghe tiếng mình cười khanh khách như hồi trẻ con… Mà đọc truyện kể về ông Leopold Renard nghe thấy hay chị, nghe giống như chuyện có thiệt vậy, chắc bởi được viết không quá kịch tính ha chị.

    1. Ủa, lấy bài đăng lên website thì cũng phải để tên tác giả chứ. Chơi kiểu gì kỳ cục vậy? Tác giả của bài này là Nguyễn thị Hải Hà.

Leave a comment