Chụp ảnh hạc

Không biết nó là cò hay hạc. Đứng một chân, còn chân kia rút lên gần trên ngực. Nó rỉa lông rỉa cánh rất lâu, trên đầu mỏ vẫn còn đốm lông trắng. Rất gần chỗ nó đứng có một con chim, nửa chim nửa vịt, đang nằm rút cổ vào trong cánh ngủ. Nó cứ nhìn con chim như dò hỏi, hay tò mò. Vậy mà không cắn mổ hay hò hét đuổi đi. Nắng lóa, chụp ảnh con cò hay hạc trắng này rất khó. Bao nhiêu lần tôi chỉ chụp được một quả banh trắng méo mó.

Tôi vẫn hay gọi nó là hạc xám. Tiếng Anh thì nó là great blue heron, để phân biệt với một loại heron khác cũng màu lam, xanh và xám hòa với nhau, nhỏ hơn. Tiếng Việt, nó là con diệc xanh. Tôi không rõ con vạc là do đọc trại của chữ hạc hay là một loại chim khác. Người ta nói hạc là con crane, hay còn gọi là sếu. Tuy nhiên có một dạo tò mò tôi tìm chữ vạc, trong như cánh vạc bay, trong tự điển thấy vạc là con heron. Thôi thì đừng bắt bẻ tôi chuyện vạc, hay hạc, hay diệc, hay sếu. Tôi cũng không chắc loại great blue heron có ở VN hay không.

Tôi gặp con hạc xám này khi nó đậu trên cao, bên kia dòng kênh. Mới nhìn thấy phần lông trước ngực dài lua tua đó tôi không biết là cái gì, tưởng dây leo hay rễ cây. Nó đậu một hồi, tôi rón rén đến gần thì nó vụt bay.

Con này đậu ở ao bèo rất rộng. Cách chỗ tôi bắt đầu đi bộ gần 13 dặm. Cách Kingston Lock chừng hai dặm. Tôi chụp ảnh nó lúc nó bay, nhưng dở quá nên ảnh bị trắng lóe và con hạc trong ảnh nhỏ xíu.

Con hạc này đậu ở ao bèo, cái ao nhỏ xíu, đầy kín bèo, không biết làm sao mà thấy được cá để bắt ăn. Tôi rình nó một hồi lâu mà nó không chịu bay. Tôi bỏ chỗ rình, trở về chỗ dựng xe đạp để đạp xe đi tiếp tục. Thấy máy sắp hết pin, tôi thay pin. Đang thay pin sắp xong, thì ông Tám vỗ tay làm nó nghe tiếng động, nó bay vụt đi. Tôi chụp ảnh hụt, vừa tiếc vừa tức. Mới thấy mấy người chụp ảnh chuyên nghiệp có khi phải rình lâu lắm mới được một tấm ảnh của một con vật hoang dã, phải nằm sương gối tuyết. Còn tôi chỉ rình sơ sơ muỗi cắn đã bỏ đi.

Con này thì là nhờ ông Tám mới chụp được. Ông để tôi nhắm máy, sẵn sàng, ông vỗ tay xua nó, khi nó vừa bay lên, thì tôi chụp được tấm này. Lúc trước tôi rình mà nó không bay thì tôi bỏ đi, bây giờ thì biết là nếu nó không bay thì mình có thể hù cho nó sợ nó bay.

Tội nghiệp mấy con hạc. Khổ vì không được yên ổn với bà Tám.

13 thoughts on “Chụp ảnh hạc”

  1. “Nắng lóa, chụp ảnh con cò hay hạc trắng này rất khó. Bao nhiêu lần tôi chỉ chụp được một quả banh trắng méo mó.”

    Mai bàn vào technique một chút nhé khi cảnh có nhiều contrast cả sáng lẫn tối:
    Hà thử dùng spot metering đo sáng ở vùng xám để dung hòa cả sáng lẫn tối thì sẽ có được màu trắng không bị washed out, và dùng exposure compensation to the left chừng -1 trong trường hợp này để phần sáng khỏi bị blowed out.

    Con heron thứ ba dáng trông tội ghê.

    1. Tấm bên trên có dùng exposure compensation. Hà cũng có dùng bracket metering nhưng có khi ISO tự động tăng lên nên nó bị lóa. Khi trừ sáng bằng exposure compensation, màu ảnh không linh động. Hà sử dụng máy chưa được thuần nên còn loay hoay hoài.

      1. Hà đừng để ISO tự động và lúc nào ISO cũng phải thấp nhất khi có đầy đủ ánh sáng. Hà dùng “Manual mode” để có thể khống chế cả ba yếu tố exposure triangle: aperture, speed và ISO theo ý của mình muốn.
        Mai nghĩ trong trường hợp chụp ngoài trời có dư ánh sáng thì có thể dùng “Aperture mode” để khống chế depth of field và ISO, và cứ để cho speed tự động thì tốt hơn.

        Happy shooting nghe Hà.

      1. Hai lần trong ngày hôm qua Hà thấy hai con hạc bay chung với nhau nên cũng không đến nỗi cô độc. Đa số, chúng bay, đi, kiếm ăn một mình. Khoảng đường Hà đi bộ không dài lắm chỉ chừng 5 miles, vậy mà gặp Hạc bốn hay năm lần. Có vẻ như mỗi con hạc chọn một khúc sông để làm địa bàn đi săn cá. Chắc chắn là không chỉ có một hay hai con, tuy vậy khó biết là chỉ một con có thể săn nhiều nơi hay là mỗi nơi một con khác nhau. Bao giờ hết dịch bệnh lên đây đi một vòng có nhiều thứ cho Mai ghi lại.

Leave a comment