
“Autumn is a second spring when every leaf is a flower.”– Albert Camus “Mùa thu là mùa xuân thứ nhì khi mỗi chiếc lá là một đóa hoa.”
Lá có màu xanh quanh năm nhờ diệp lục tố (chlorophyll) chất nuôi dưỡng lá. Vì chất diệp lục tố có nhiều nên che khuất các chất khác trong lá. Bên cạnh chlorophyll còn có nhiều chất khác như carotenoids và anthocyanins. Vào mùa thu, ít ánh sáng mặt trời và nhiệt độ thấp, cây sản xuất diệp lục tố chậm lại và ít hơn, do đó màu xanh lá cây phai đi và các màu sắc khác xuất hiện.
Beta-carotene thuộc nhóm carotenoids, che khuất màu xanh trời và xanh lá cây, nó phản chiếu các tia sáng màu vàng và màu đỏ của mặt trời khiến cho lá có màu cam (orange). Khác với carotenoids, anthocyanins gia tăng sản xuất rất mạnh vào mùa thu. Chất này bảo vệ lá làm cho lá sống lâu hơn và làm cho lá có màu đỏ rất đẹp.
Flavonols là một chất trong dòng họ flavonoid protein. Chất này có màu vàng như lòng trứng và luôn luôn có mặt trong lá; tuy vậy, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy màu này khi chất diệp lục tố trong lá bị giảm đi.
Ba đoạn văn trên đây tôi tóm tắt từ https://smokymountains.com/fall-foliage-map/
Đây là trang mạng hằng năm theo dõi sự chuyển biến của màu lá thu trên toàn nước Mỹ để cung cấp tin tức cho người đi thưởng ngoạn sắc màu của thu. Tuy vậy tôi vẫn còn thắc mắc vì sao mùa thu có cây lá trở nên màu vàng, và có cây lá trở nên màu đỏ. Cùng là cây phong (maple) nhưng có hai loại, màu đỏ và màu vàng.

Nói đến màu của phong ta không khỏi nghĩ đến hai câu thơ trong Kiều của Nguyễn Du.
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Chỉ hai câu thơ mà người đọc nhìn thấy cả sự chia ly ở vùng quan ải, trong màu sắc xanh, đỏ, vàng, và nâu của mùa thu.
Màu đỏ xuất hiện khá nhiều trong thơ Việt, cả mùa hạ lẫn mùa thu. Mùa hạ thì có hoa đỏ như hoa gạo, hoa phượng.
Ngày còn ở Trung học, tôi nhớ có câu thơ.
Tháng Ba hoa gạo như màu máu,
Nhàu nát như người lính tử thương.
Bây giờ thì không biết là mình nhớ có chính xác từng câu từng chữ không, và tác giả là ai. Những năm 1972, chiến tranh tàn phá Việt Nam, hai câu thơ gây ấn tượng mạnh trong lòng tôi, cái màu đỏ chói chang vừa thu hút mắt nhìn vừa gây sợ hãi. Dọc hai bên bờ con suối dẫn vào chùa Hương, từ trên núi chùa Thầy nhìn xuống, các cây hoa gạo nở điểm tô quang cảnh trong vùng. Nhưng lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa gạo, đóa hoa tàn héo, ở Hoa Lư, trong sân lăng mộ của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.

Màu đỏ xuất hiện trong thơ Việt khá nhiều. Về mùa thu, trước thời “trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh – Xuân Diệu” đã có Gió Thu của Tản Đà:

Trận gió thu phong rụng lá hồng,
Lá bay tường bắc lá sang đông.
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không.
Tôi có cuốn thơ mỏng của Tản Đà, nhưng trong cuốn thơ này lại không có bài Gió Thu. Tôi chép lại bài thơ qua trí nhớ. Tôi có vài tập thơ của vài tác giả, nhưng lại không có quyển thơ nào của Lưu Trọng Lư. Tôi nhớ hai câu thơ tuy không phải vào mùa thu nhưng cái màu đỏ làm tôi suy nghĩ vẩn vơ:
“Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội.
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.”
(Nắng Mới – Lưu Trọng Lư)
Ông Lưu Trọng Lư là người Quảng Bình, đi học ở Huế; do đó, ngoài nội ở đây có lẽ là bên ngoài thành ở Huế, nhưng tại sao người mẹ ở miền quê đi phơi quần áo, hay sắn khoai lại mặc áo màu đỏ. Sao không là màu nâu hay màu đen? Có lẽ ở Việt Nam, miền quê thời ấy chất nhuộm màu đỏ dễ tìm và dễ dùng chăng?
Ngày xưa ở Việt Nam, người ta dùng chất gì để làm thuốc nhuộm. Những người dân tộc thiểu số nhuộm gai nhuộm sợi để dệt vải, có khi tôi thấy bàn tay của họ màu xanh sậm indigo, có lẽ là chất nhuộm trong cây lá thiên nhiên nhưng còn màu đỏ thì sao?
Nguyễn thị Hải Hà viết xong ngày 2 tháng Mười năm 2020.
PS. Sau khi đăng bài, bạn đọc ở FB có post bài thơ về hoa gạo mà tôi nhớ sai. Chép lại lên đây để đính chính với bạn đọc.
Anh đã từng đi khắp bốn phương.
Tháng ba anh có thấy trên đường
Những bông gạo đỏ tươi màu máu
Nhàu nát như người lính tử thương.
Nguyễn Bính
Chào chị Hải Hà. Rất thông cảm tâm trạng của Chị khi thấy bài viết của mình được (hay bị?) trích đăng mà không ghi rõ xuất xứ. Một phần có lẽ cũng vì Chị không ký tên mình dưới mỗi bài viết, vì Chị nghĩ rằng bài nào trong blog của Chị cũng tất nhiên là do Chị viết. Tuy nhiên, khi người khác trích đăng lại, có thể họ không để ý đến chuyện đó mà chỉ copy nguyên bài viết của Chị mà không có tên Chị ở đầu hay cuối bài.
Cám ơn Chị đã cho đọc lại câu nói rất dễ thương về mùa thu của Albert Camus. Người nghệ sĩ nhìn cái gì cũng thấy có những điều mà nhiều khác không thấy :=)
Quý mến,
trần c. trí
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Trí đã góp lời. Thôi đừng nói chuyện này nữa nhé. Tôi có cảm tưởng người ta hay quy lỗi cho nạn nhân. Tôi viết chuyện bâng quơ tầm phào nghĩ không đáng gì mà phải đóng dấu ký tên. Bò thả rong ngoài đồng đến khi mất bò kêu lên thì bị bảo là tại không lo làm chuồng.
LikeLike
Tối qua em đi ngủ với sắc màu đỏ, cam của mấy chiếc lá trong ảnh chụp của chị, và với những dòng thơ. Thấy mình thật thiếu sót nếu làm lơ mùa thu.
Em ở Sài Gòn, chỉ thấy lá vàng khô khốc, giòn rụm nếu bị giẫm chân lên. Lá không đa sắc như những nơi khác.
Cảm ơn tác giả.
LikeLiked by 1 person
Sài Gòn nóng và có ánh sáng mặt trời nhiều giờ trong ngày và hầu như suốt năm nên các màu khác trong lá cây không hiện ra được nhiều. Mấy loại cây có lá màu cam và đỏ như cây phong chỉ có thể phát triển ở chỗ lạnh. Nếu Hạnh có cơ hội đi ra Bắc hay lên vùng cao nguyên như Đà Lạt thì có thể tìm được mùa thu trong lá cây.
LikeLike
từ momiji chỉ lá thu đổi màu trong tiếng nhật á cô, ngày xưa thì là 黄葉 Hoàng Diệp aka lá vàng, theo thời gian ngày nay là 紅葉 Hồng Diệp aka lá đỏ.
chắc hồi xưa lá vàng nhiều hơn. 😅
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu. Cô biết thêm được chữ momiji.
LikeLiked by 1 person