
Mùa thu, thường làm tôi nghĩ đến hoa cúc, vì câu thơ “thu ẩm hoàng hoa tửu.” Hoa cúc lại là một biểu tượng cao quý ở nước Nhật, và thường được nhắc đến trong thơ haiku. Tuy vậy, bên cạnh hoa cúc, thơ Đường, và haiku mùa thu cũng là thời điểm để đọc truyện kinh dị. Tại sao? Có lẽ vì cuối tháng Mười, coi như giữa mùa thu, lại là lễ Halloween, khắp nơi trên nước Mỹ người ta trang trí trong sân nhà những hình tượng quỷ ma, xương người, bia mộ trông rất đáng sợ. Truyền hình liên tục chiếu phim rùng rợn. Thư viện cũng đặt vài cái bàn trưng bày một số truyện và phim ảnh kinh dị nổi tiếng.
Hầu hết người thích đọc truyện kinh dị đều biết Edgar Allan Poe; ít nhất là với “The Black Cat” (Mèo Đen), “The Cask of Amontillado” (Thùng Rượu Amontillado), hay “The Tell-Tale Heart” (Câu Chuyện Trái Tim). Ít người biết đến Shirley Jackson, một nhà văn nữ, người mà Stephen King, nhà văn nổi tiếng về truyện kinh dị, đã ca tụng là nhà văn tiên phong chuyên về đề tài nhà ma. Người đọc nếu biết đến Shirley Jackson, là qua “The Lottery” (Bắt Thăm) một truyện ngắn thật xuất sắc, xuất hiện hầu như trong mọi tuyển tập truyện ngắn hay nhất trong vòng 50 năm hay 100 năm trên nước Mỹ.
Sở dĩ tôi chọn hai nhà văn này hôm nay là vì họ đều là người ở vùng Đông Bắc Mỹ. Bà Jackson sống ở New York và Vermont. Ông Poe sống ở Maryland.
Netflix hiện đang chiếu hai tác phẩm của Shirley Jackson được chuyển thành phim. “The Haunting of Hill House” (Ngôi Nhà Ma Trên Đồi – 1959) và “We Have Always Live in a Castle” (Chúng Tôi Luôn Ở Trong Lâu Đài – 1962). “The Haunting of Hill House” cuốn phim đúng nghĩa về một ngôi nhà ma ám. Truyện ngắn “The Lottery” và truyện “We Have Always Live in a Castle” hoàn toàn không có bóng ma nào tuy vậy không kém phần kinh dị. Cái đáng sợ trong hai tác phẩm này không phải là ma mà là con người. Thật ra, đôi khi, loài người còn đáng sợ hơn là ma quỷ.
“The Lottery” hay Bắt Thăm nói về một ngôi làng bình yên. Vào một ngày buổi sáng đầu mùa hè người ta tổ chức bắt thăm. Tất cả mọi người, già trẻ lớn bé nam nữ gì cũng phải bắt thăm. Ai vắng mặt thì phải chọn người nhà thay thế. Bill Hutchinson bắt được cái thăm có đánh dấu, điều đó có nghĩa là gia đình ông bị chọn. Bessie, vợ của Bill phản đối là ban tổ chức đã giục Bill nhanh quá nên ông không chuẩn bị tinh thần kịp do đó phải làm lại cuộc bắt thăm. Và lần sau thì người bắt trúng thăm là Bessie. Người bắt trúng thăm bị ném đá cho đến chết.
Truyện “The Lottery” xuất bản lần đầu tiên trên tạp chí “The New Yorker” năm 1948. Tác phẩm này khiến Shirley Jackson nổi tiếng ngay lập tức. Và cũng vì tác phẩm này bà bị gửi thư mắng nhiếc và hăm dọa dữ dội. Cả hai tác phẩm, Bắt Thăm và Chúng Tôi Luôn Ở Trong Lâu Đài cho người đọc cái nhìn về nỗi sợ hãi của những người khi sống phải lạc loài trong một cộng đồng xa lạ với họ hay không chấp nhận họ.
“We Have Always Live in a Castle” (Chúng Tôi Luôn Ở Trong Lâu Đài) được kể bằng giọng của Mary Katherine Blackwood, cô gái 18 tuổi. Chữ Mary và Kat, viết tắt của Katherine được ghép lại là Merricat. Chữ này có thể ngầm hiểu là một con mèo vui vẻ. Merricat có nuôi một con mèo cô rất yêu mến tên là Jonas. Merricat sống chung với chị Constance 28 tuổi , và chú Julian trong lâu đài của dòng họ Blackwood. Đây là lâu đài đồ sộ nhất, đẹp nhất trong vùng.
Sáu năm trước, tai họa đổ xuống gia đình Blackwood. Bố mẹ và em trai của Merricat, và Dorothy, vợ của chú Julian bị đầu độc chết. Chất độc được cho vào trong đường, và đường được rắc lên bánh dâu tằm. Chú Julian có ăn bánh và chất độc tuy không giết được ông nhưng đủ làm ông bị liệt chân, phải ngồi xe lăn. Constance theo thói quen không ăn đường nên không ngộ độc. Merricat đêm hôm đó bị phạt phải ở trong phòng và không được ăn bữa tối. Constance vì không bị ngộ độc nên bị bắt. Sau đó nàng được tha bổng vì vô tội. Merricat trong thời gian cha mẹ chết, chú ở nhà thương, chị ở tù, đã phải ở trong trại mồ côi. Sau khi Constance được tha, Merricat về ở với chị. Cô rất nhút nhát, lẩn tránh loài người. Cả ba người Constance, Merricat, và chú Julian sống với nhau rất hòa thuận. Constance nấu ăn, trồng rau, làm vườn không hề bước chân ra đến cổng, chỉ mon men đến góc vườn. Chú Julian viết sách, cố gắng kể lại câu truyện tai họa đổ xuống gia đình Blackwood. Merricat là người duy nhất ra khỏi nhà đi chợ mua thức ăn. Gia đình Blackwood rất giàu nên cả ba người ăn uống rất đầy đủ. Đi chợ, gặp người trong phố là một việc cực chẳng đã với Merricat vì mỗi lần ra phố là cô bị cả trẻ con lẫn người lớn trêu ghẹo khích bác. Sau tai họa, dân địa phương tẩy chay gia đình Backwood, có lẽ vì trong số người sống sót có một kẻ sát nhân, mà sát nhân thì đáng sợ và đáng khinh ghét, nhưng cũng có lẽ vì họ giàu. Quá giàu.
Sáu năm sau khi tai họa xảy ra, Charles, người anh con bác của hai chị em Constance và Merricat, viện cớ đến thăm và ở lại. Lợi dụng sự hiền lành nhút nhát của hai chị em, và sự bất lực của chú Julian, Charles muốn gồm thâu tài sản và vì sự phản đối của Merricat, hắn muốn lung lạc Constance tìm cách đuổi Merricat ra khỏi nhà. Merricat đổ nước lên giường của Charles đem cả cành cây và lá rụng đổ vào phòng của Charles để đuổi hắn đi. Constance bắt Merricat phải dọn giường cho Charles. Tức giận vì phải dọn phòng, Merricat đổ cái ống điếu vẫn còn cháy âm ỉ và giỏ rác và lửa bốc cháy trong tòa lâu đài.
Dân làng đến chữa lửa, nhưng vì lòng thù hằn ganh ghét lâu năm nên đã ném đá vỡ cửa kính và đập phá tòa lâu đài. Hầu hết bàn ghế và bát đĩa, cái gì có thể hư vỡ đều bị đập phá. Đêm đó chú Julian cũng qua đời. Hai chị em Constance và Merricat dùng giấy cứng (cardboard) đóng đinh che các cửa sổ vỡ và từ đó hoàn toàn trốn tránh loài người. Charles trở lại nhưng hai chị em núp sau cánh cửa, nhất định không lên tiếng.
Ở cuối truyện, tác giả cho biết ai là thủ phạm vụ đầu độc, nhưng không khai thác lý do. Nghĩ cũng đáng sợ khi biết trong số người sống chung với nhau có một người là kẻ sát nhân. Và càng đáng sợ hơn khi người trong làng đối xử rất độc ác với hai cô gái nhút nhát khiến họ có cuộc sống lưu đày ngay ở con phố họ sinh ra và lớn lên.
Đọc đến cuối truyện, người tôi cứ run lên từng hồi và ứa nước mắt vì tội nghiệp cho hai cô gái trẻ.
Như đã nói, đôi khi loài người đáng sợ hơn ma quỷ.
Cách đây mấy tháng cháu xem phim Shirley lấy cảm hứng về nữ nhà văn này, trong đó thời gian phim là sau khi bà nổi tiếng với The Lottery. Trước đó cháu hoàn toàn không biết gì về Shirley lẫn truyện ngắn này. Bồ cháu bảo rằng The Lottery rất nổi tiếng, cháu nên tìm đọc. Thế là cháu cũng tìm đọc thử và đúng như cô nói, nổi da gà vì sự đáng sợ của con người.
Theo như bài viết này của cô Tám thì có vẻ như những tác phẩm của Shirley vẫn có những giá trị rất đương thời ạ. Xã hội thời nay cơ bản là vẫn như vậy, người giàu sẽ bị ganh ghét, và ai sống khác biệt thì sẽ bị đám đông ném đá.
LikeLiked by 1 person
Hình như người ta không mấy coi trọng truyện kinh dị nên tên tuổi bà Shirley Jackson không được giới học giả nhắc nhở ca tụng lắm. Hầu hết, học sinh trung học và sinh viên năm thứ nhất đều biết đến The Lottery, tuy vậy chỉ mới gần đây người ta mới làm phim, The Haunting (1999), dựa vào sách của bà. Coi như chỉ mới 20 năm sau này.
LikeLiked by 1 person
Cả hai truyện đều có nội dung đau thương. Tác giả có phân tích tâm lý nhân vật nhiều và kỹ không chị? Truyện này có trên mạng không chị?
LikeLiked by 1 person
Văn của bà Jackson đặc biệt rất trong sáng và đơn giản. Nhân vật chính của bà, khi đọc mình không thấy sợ, trái lại họ rất bình thường, hiền lành. Tuy vậy, nếu mình đặt họ ra xa một chút để nhìn ngắm, thì thấy họ rất khác biệt, có vẻ như bị bệnh tâm lý, một loại điên nhưng hiền. Thường thì người ta hay sợ những gì xa lạ, khác biệt, với cộng đồng. Bà không tỉ mỉ phân tích tâm lý nhân vật, nhưng người đọc thấy sự suy nghĩ của nhân vật. Chị không biết có ai dịch “The Lottery” chưa, vì nó thuộc loại “kinh điển” có nghĩa là người ta nghe tên, nghe nhắc đến nhưng không đọc, và tưởng như mình đã biết nó quá rồi. Thêm vào đó nó bị xem là truyện kinh dị nên ít được giới chữ nghĩa cây đa cây đề xem trọng. “We have always live in a castle” có lẽ chưa. So với người đọc, nhất là trên mạng, truyện ngắn nếu có độ dài hơn 5 hay 7 trang cũng ít người đọc. Chị lười dịch. Chị có quá nhiều trò chơi để vui, sách để cả đống trên bàn mượn về ở thư viện chưa đọc đến nên dù thấy có vài đoạn trong We have always live in a castle khá thú vị chị cũng đành lòng bỏ qua. Em thử đề nghị với các nhà xuất bản ở VN dịch quyển này xem sao. The Lottery có thể có bản tiếng Anh trên mạng, em thử search xem.
LikeLike
Em cảm ơn chị nhé.
LikeLike
con xem 2 bộ trong the hunting houses – season đầu là the hill season kế là bily house. phần đầu coi sợ lắm cô, phải có một giải thích các con ma trong phim
LikeLiked by 1 person
Mấy cái show mà kéo dài thành series nó thêm thắt tán hươu tán vượn, xem lâu lắm. Cô không dính vô bọn này. Phim The Haunting (1963) cô không xem, chỉ xem phim (1999) làm lại có Katherine Zeta Zones, Liam Neeson, Owen Wilson khá sợ. Cô có xem một hai phần của series The Haunting of Bly Manor nhưng vì đã xem phim rồi nên làm biếng, vì nó dài quá cứ tiếp nối hoài. Rồi cháu sẽ thấy, ngay cả phim này, người cũng đáng sợ hơn ma quỷ.
LikeLiked by 1 person