Tôi là màu đỏ

Orhan Pamuk, trước khi là nhà văn ông là họa sĩ, vì thế chẳng lạ gì khi đa số tác phẩm của ông đều có tựa đề liên quan đến màu sắc. Trắng như Tuyết (Snow) và Lâu Đài Trắng (The White Castle). Đen như Quyển Sách Đen (The Black Book). Đỏ như Tên Tôi Là Màu Đỏ (My Name Is Red). Tập tiểu luận của ông có tựa đề là Những Màu Sắc Khác (The Other Colors). Được giải Nobel văn chương năm 2006. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Pamuk là “My Name Is Red.” Toàn quyển sách này ông chỉ có một chương nói về màu đỏ và tiêu đề của chương này được dùng làm tựa đề của quyển sách. Tương tự như Yasunari Kawabata chuyên lồng vào tác phẩm văn hóa Nhật Bản, Pamuk viết về lịch sử và văn hóa của Turkey. Cả hai đều được giải Nobel.

Erdağ M. Göknar dịch từ tiếng Turkey sang tiếng Anh.

Trái mọc hoang không biết tên

Tôi Là Màu Đỏ – Orhan Pamuk

Nguyễn thị Hải Hà dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Tôi xuất hiện trong Ghazni[1] khi nhà thơ Firdusi[2] tác giả của Book of Kings[3] viết dòng cuối cùng của một bài tứ tuyệt có vần điệu đẹp nhất, hơn hẳn nhà thơ của hoàng gia Shah Mahmud, người đã chế nhạo Firdusi chẳng ra cái thớ gì mà chỉ là anh nông dân quèn.  Tôi cũng có mặt ở trên cái túi da chứa quyển Book of Kings của Rüstem khi ông lặn lội khắp nơi để tìm con ngựa đi lạc của ông; tôi biến thành máu phun ra khi ông chém con quái vật đứt đôi bằng cây kiếm thần; và tôi cũng có mặt bên trong nếp gấp của tấm chăn phủ giường, trên tấm chăn này ông đã yêu đương say đắm với nàng công chúa xinh đẹp, con của vị vương, người đã đón nhận ông như thượng khách.  Thật sự và sự thật.  Tôi đã từng và vẫn đang xuất hiện khắp mọi nơi.  Tôi xuất hiện lúc Tur phản bội và chém đầu người anh tên Iraj; lúc đoàn quân lừng danh, xuất hiện bất ngờ và kỳ bí như trong giấc mơ, chiến đấu trên những thửa ruộng bậc thang, và trong dòng máu tươi thắm của Alexander chảy ra từ lỗ mũi vì bị say nắng. Vâng, Shah Behram Gür, suốt cả tuần, mỗi đêm ngủ với một người đàn bà, người nào cũng nhan sắc tuyệt trần, dưới căn lều có mái vòm mang nhiều màu sắc của một vùng đất xa xôi, lắng nghe câu chuyện các người đẹp này kể lại, và tôi cũng có mặt trên bộ y phục của nàng trinh nữ đẹp tuyệt trần, người vị vương này đến gặp vào ngày thứ Ba, và đã đem lòng say mê ngay lần đầu tiên khi nhìn thấy tấm ảnh của nàng, tôi đã xuất hiện từ trên vương miện cho đến cái áo bào của Hürev người đã phải lòng khi nhìn tấm ảnh của Shirin.  Người ta cũng từng nhìn thấy tôi trên lá cờ hiệu của các đoàn quân đang vây hãm thành trì, trên tấm khăn trải bàn được dùng trong những buổi đại yến, trên áo dài thùng thình của các vị đại sứ lom khom hôn lên đôi bàn chân của các vị sultans, trên bất cứ chỗ nào của thanh gươm đã được miêu tả trong những câu chuyện cổ tích mà trẻ con yêu mến.  Vâng, những chàng họa viên đẹp trai, có đôi mắt hình hạt hạnh nhân, đã dùng các cây cọ mỏng manh, phết tôi lên trên những trang giấy dày sản xuất ở Hindustan và Bukhara; Tôi trang hoàng những tấm thảm Ushak, điểm tô những bức tường, mấy cái mào gà chọi, quả lựu, các loại trái cây của những vùng đất thần tiên, bên trong mồm của Satan, những nét viền quanh khung của bức tranh, trên mũi thêu ẻo lả vòng quanh tấm vải dựng lều, những đóa hoa nhỏ li ti mắt thường không thể nhìn thấy, tất cả chỉ để thỏa mãn đôi mắt tinh tế của các họa sĩ, trên áo của các phụ nữ nhan sắc tuyệt trần với những cái cổ thiên nga thò đầu qua các khung cửa sổ ngắm nhìn đường phố, trên những đôi mắt làm bằng trái anh đào chua của mấy con chim tượng tạc bằng đường, những đôi vớ (tất) của các người chăn súc vật, những buổi hừng đông của truyện cổ tích và trên thi thể hay vết thương của hằng vạn, không, hằng mười vạn tình nhân, chiến sĩ, và vua chúa.  Tôi thích tham gia những trận giao tranh nơi mà máu túa ra như những đóa hoa anh túc đang hồi đua nở; xuất hiện trên những chiếc áo khoác của các nhà thơ danh tiếng đang thưởng thức âm nhạc ở các vùng quê ngoại thành, du ngoạn cùng với những chàng trai xinh đẹp và các thi sĩ đang thưởng thức rượu bồ đào.  Tôi thích minh họa những đôi cánh của thiên thần, đôi môi của các nàng trinh nữ, vết thương của các tử thi, và các thủ cấp vẫn còn vương lấm tấm máu đào.

Tôi nghe câu hỏi trên môi bạn:  Cảm nghĩ của tôi như thế nào khi tôi là một loại màu?

Màu là cái vuốt ve của mắt nhìn, âm nhạc của người điếc, một từ ngữ xuất hiện từ bóng tối.  Bởi vì tôi lắng nghe từ tiếng thầm thì của những linh hồn – như những tiếng rì rào của gió – từ quyển sách này đến quyển sách khác, từ đồ vật này đến đồ vật khác, xin cho phép tôi được nói rằng cái vuốt ve của tôi cũng giống như cái vuốt ve của thiên thần.  Một phần của tôi, cái phần nghiêm chỉnh, kêu gọi ánh nhìn của bạn, trong khi phần còn lại, cái phần thích vui đùa trêu chọc, bay bổng lên không trung qua cái liếc nhìn của bạn.

Tôi thật là may mắn được làm màu đỏ!  Tôi dữ dội.  Tôi mạnh mẽ.  Tôi biết loài người chú ý đến tôi và tôi không thể kháng cự sự chú ý này.

Tôi không tự trốn tránh: đối với tôi, những vấn đề tế nhị sẽ không được thành công bằng bản chất yếu đuối hay ngấm ngầm, mà trái lại, bằng sự quyết đoán và ý chí.  Vì thế tôi luôn luôn tìm cách lôi kéo sự chú ý đến bản thân tôi.  Tôi không sợ hãi các màu sắc khác, bóng tối, đám đông hay sự cô đơn.  Thật là sung sướng vô cùng khi được bao trùm một diện tích, một chiều rộng đang đợi chờ tôi và bản chất chiến thắng của tôi!  Bất cứ chỗ nào tôi lan tỏa ra, tôi nhìn thấy những đôi mắt sáng ngời, đam mê tăng trưởng, những đôi chân mày nhướng lên và nhịp tim đập nhanh hơn.  Thấy chưa, sung sướng biết bao nhiêu được hưởng thụ cuộc sống.  Thấy chưa, sung sướng biết bao nhiêu được nhìn thấy vạn vật.  Thấy chưa:  Sống có nghĩa là nhìn thấy.  Tôi có mặt ở khắp nơi.  Cuộc sống bắt đầu từ nơi tôi và quay trở về với tôi.  Hãy tin vào những điều tôi kể cho bạn biết.

Hãy yên lặng và lắng nghe cái cách mà tôi trở thành cái màu đỏ tuyệt diệu này.  Một họa sĩ bậc thầy chuyên minh họa tranh ảnh nhỏ, một chuyên viên về sơn màu, đã dùng cối và chày, cố hết sức giã cho nhuyễn nhừ mớ xác khô của loài bọ hung màu đỏ sống trong vùng nóng nhất của Hindustan.  Ông ấy muốn thu thập 5 drachmas[4] bột màu đỏ, 1 drachma soapwort[5], và ½ drachma của lotor[6].  Ông ấy nấu soapwort chung với ba kí lô nước lã cho sôi lên.  Sau đó ông cho lotor vào ấm nước ấy và nấu tiếp, trong khoản thời gian người ta nhâm nhi thưởng thức một cốc cà phê hảo hạng.  Trong lúc ông ấy thưởng thức ly cà phê, tôi trở nên mất kiên nhẫn như một đứa trẻ đòi ra đời.  Ly cà phê làm trí óc của ông trở nên sáng suốt và mắt của ông cũng tinh tường như mắt của jinn[7].  Ông rải chất bột màu đỏ vào trong ấm nước và cẩn thận khuấy dung dịch này bằng một chiếc que rất mỏng và rất sạch được dùng riêng cho công việc này.  Tôi đã sẵn sàng để trở nên màu đỏ, nhưng vấn đề là độ đậm đặc của tôi rất quan trọng.  Không nên để chất lỏng này sôi mãi cho đến cạn.  Ông ấy nhúng đầu của chiếc que vào trong dung dịch và đặt nó lên trên đầu móng của ngón tay cái (tất cả móng của các ngón tay khác đều không được chấp nhận).  Ôi, thật là vạn hạnh được là màu đỏ!  Tôi khéo léo sơn móng tay cái không để nó chảy lan xuống mép ngón tay mà phí phạm.  Tóm lại, độ đậm đặc của tôi đã vừa đủ, nhưng tôi vẫn còn chứa nhiều bụi cặn thừa.  Ông nhấc cái ấm ra khỏi bếp lò rồi lọc tôi bằng tấm vải người ta dùng để lọc phó mát, khiến tôi trở nên trong sạch hơn.  Sau đó ông lại nấu tôi cho sôi đến sủi bọt hai lần nữa.  Sau khi ông cho thêm vào một nhúm bột alum[8] ông để cho tôi nguội dần.

Vài ngày trôi qua, và tôi nằm yên lặng trong chảo.  Dự đoán là mình sẽ được dùng vào các tranh vẽ, được dàn trải khắp nơi và trên đủ mọi thứ, lại phải ngồi im một chỗ như vầy làm tâm hồn tôi tan nát.  Chính trong thời gian yên lặng này tôi đã suy nghĩ về ý nghĩa của sự mang danh màu đỏ.

Có lần, ở một thành phố của Ba Tư, tôi được phết lên cọ của một người học nghề, để vẽ lên bức tranh thêu của tấm thảm che phủ yên ngựa, do một vị thầy chuyên minh họa tranh nhỏ đã bị mù, thực hiện bức tranh bằng trí nhớ của ông ấy, và tôi nghe lóm từ cuộc tranh luận của hai vị thầy hội họa bị mù này:

“Chúng ta dâng hiến cả cuộc đời, đam mê và trung thành làm họa sĩ, rồi vì phải dùng mắt quá độ, dần dần trở nên mù lòa, chúng ta biết được màu đỏ ra làm sao và nhớ được màu sắc cũng như cảm giác của mỗi màu sắc gây nên,” họa sĩ chuyên vẽ ngựa bằng trí nhớ nói, “nhưng nếu chúng ta bị mù từ khi mới sinh ra thì làm sao chúng ta có thể hiểu được cái màu đỏ mà anh chàng họa viên đẹp trai kia đang dùng?”

“Một câu hỏi quá hay,” người kia nói.  “Nhưng ông đừng quên là chúng ta không thể dùng trí óc để hiểu về màu sắc mà chỉ có thể dùng cảm giác để cảm nhận thôi.”

“Ông thầy thân mến ơi, làm sao giải thích về màu đỏ cho một người chưa hề biết màu đỏ là gì?”

“Nếu chúng ta lấy đầu ngón tay chạm vào nó, nó cho ta cảm giác như sờ một chất gì đó nửa giống sắt và nửa giống đồng.  Nếu đặt nó lên lòng bàn tay, ta sẽ có cảm giác cháy bỏng.  Nếu nếm nó, ta sẽ có cảm giác đầy đặn no đủ, như ăn thịt muối.  Nếu đặt nó lên môi, nó sẽ cho cảm giác đầy mồm.  Nếu chúng ta ngửi, nó sẽ có mùi của loài ngựa.  Nếu như nó là đóa hoa, thì nó sẽ có mùi của hoa cúc trắng chứ không phải mùi hoa hồng.”

Một trăm mười năm về trước, nghệ thuật Venice (Venetian artistry)[9] chưa phải là mối đe dọa khiến những nhà lãnh đạo phải quan tâm, và những bậc thầy nghệ thuật lừng danh tin tưởng vào tài nghệ của họ cũng cuồng nhiệt như tin tưởng vào đấng thiêng liêng Allah; vì vậy, họ xem phương pháp sử dụng nghệ thuật Venice, dùng đủ loại sắc đậm nhạt của màu đỏ để vẽ từng vết thương gây ra bởi đao kiếm là một sự bất kính và tục tằn không đáng để ném cho một tiếng cười chế nhạo báng.  Chỉ những nhà minh họa kém tài và không cả quyết mới dùng nhiều sắc đậm nhạt của màu đỏ để miêu tả một cái áo thụng màu đỏ, họ bảo thế – bóng tối không phải là điều để biện bãi.  Thêm vào đó, chúng ta chỉ tin tưởng vào màu đỏ.

“Thế thì màu đỏ có ý nghĩa gì?”  Vị họa sĩ mù chuyên vẽ ngựa qua trí nhớ hỏi lần nữa.

“Ý nghĩa của một màu đó là nó đã xuất hiện trước chúng ta và chúng ta nhìn thấy nó,”  người kia trả lời.  “Không thể giải thích màu đỏ là gì cho những người không thể nhìn thấy.”

“Để phủ nhận sự hiện diện của Chúa, nạn nhân của Satan lập luận rằng Chúa vô hình đối với chúng ta,” họa sĩ bị mù đã vẽ ngựa nói.

“Tuy thế, Ngài hiện ra cho những người có thể nhìn thấy,” vị thầy mù kia nói.  “Chính vì lý do này kinh Koran nói rằng, người mù và người sáng mắt không bình đẳng với nhau.”

Chàng họa viên đẹp trai mạnh dạn phết tôi lên tấm thảm trải yên ngựa.  Tôi có cảm giác đầy đủ, mạnh mẽ, và sinh động, nổi bật lên cùng với các màu đen trắng của một bức tranh vẽ thật toàn mỹ: khi mà cây cọ lông mèo phết tôi lên trang giấy trống đang mời gọi, tôi cảm thấy nhột nhạt một cách sung sướng.  Rồi khi tôi mang màu sắc lên trang giấy, tôi có cảm giác như tôi đang ra lệnh cho cả thế giới rằng “Hãy xuất hiện!”  Vâng, đối với những người không có khả năng nhìn thấy họ sẽ chối bỏ điều này, nhưng sự thật là tôi hiện diện ở khắp mọi nơi.

Dịch lâu rồi nhưng hôm nay mới cho lên mạng

Người dịch Nguyễn thị Hải Hà.

November 9, 2020

Ghi chú:


[1] Tôi không biết tác giả đang nói về điển tích nào.  Tôi đoán, có lẽ tác giả viện dẫn đến một tác phẩm lịch sử có liên quan đến Mahmud of Ghazni, lãnh tụ độc lập của Turkey, cai trị vào những năm 999-1030.

[2] Một cách viết, hay phiên âm khác, tên của Ferdowsi, nhà thơ Persian, tác giả của “Shanameh hay Book of Kings”, một trong những nhà thơ có tác phẩm là bài thơ dài nhất thế giới.  Ông là nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử văn chương của Persian, và trên thế giới.

[3] Shanameh hay Book of Kings là quyển trường sử thi của Ferdowsi, viết về những vị vua và anh hùng lập quốc của Persian.  Ferdowsi bắt đầu sáng tác Shanameh từ năm 977 và hoàn tất năm 1010.  Ngoài việc ca tụng anh hùng và chép lại lịch sử, quyển thơ này bao gồm cả niềm tin tôn giáo, giáo dục đạo đức, tình yêu nhân loại, tổ quốc và gia đình.

[4] Đơn vị tiền bạc của người Hy-lạp được sử dụng từ thời cổ cho đến năm 2001 thì thay thế bằng đồng Euro. 

[5] Tên một loại hoa nhỏ, năm cánh, màu hồng nhạt, còn có tên là saponaria

[6] Người dịch không biết chắc là gì.  Có thể đây là một loại thú có liên quan đến con raccoon.  Trong bài này, người dịch đoán có thể là hạt trong phân của con lotor như hạt cà phê trong phân của chồn hương.

[7] Jinn là một vị thần như genie vậy.

[8] Một loại khoáng chất (muối nhôm và potassium) không mùi vị được dùng để làm thuốc hoặc dùng trong chất thuốc nhuộm.

[9] Venetian artistry nói về hội họa ở Venice vào thế kỷ 15 và 16 có màu chủ đạo ấm và không gian có chiều sâu.  Đây là môn nghệ thuật được giới giàu có và quyền quí ưa chuộng.

8 thoughts on “Tôi là màu đỏ”

  1. Cháu thích quyển này của Orhan Pamuk dù chỉ mới đọc được nửa cuốn sách. Orhan Pamuk có sự am hiểu văn hóa đáng ngưỡng mộ, và ông mang văn hóa, đức tin, tín ngưỡng vào mạch tiểu thuyết rất tự nhiên.

    Cháu mạn phép đoán ở ghi chú thứ nhất, Ghazni là thủ phủ của triều đại Ba Tư Ghaznavids (nay thuộc Afghanistan). Ghazni là tâm điểm trong văn học Ba Tư trong thời kỳ này, và còn là quê hương của lãnh tụ Mahmud of Ghazni. Còn về Lãnh tụ Mahmud of Ghazni thì ông là vua Ba Tư , thuộc nhóm người Turkic (một nhóm dân tộc – ngôn ngữ có nguồn gốc từ Trung Á và Siberia). Người Thổ (Turk) ở CH Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) cũng thuộc nhóm Turkic này, nhưng người Turkic không nhất thiết có liên quan đến Turkey ạ. Cháu xin phép được chia sẻ với cô.

    Liked by 1 person

      1. Hai màu mà từ xưa Mai dùng nhiều nhất trắng và đen mà không hiểu vì sao mình lại thích hai màu đó. Sau này càng thích hơn khi hiểu cái nhị nguyên: có đen mới có trắng, có hoàng hôn mới có bình minh, có đông mới có xuân, ngày phải chịu ơn đêm… : )

        Hà dịch “My Name is Red” hay lắm. Mai đọc nửa chừng cuốn sách nhưng không đọc tiếp, khi nào Mai sẽ give it another try.

        Liked by 1 person

        1. Mặc dù nhiếp ảnh gia và các nhà phê bình đều ca ngợi ảnh nghệ thuật trắng đen, Hà vẫn thích xem ảnh màu, phim màu hơn. 🙂 Hà cũng thích hai màu trắng đen, nhất là khi chọn quần áo.

          Liked by 1 person

Leave a Reply to Bà Tám Cancel reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s