
Khi lá thu rụng hết rồi thì mùa thu còn lại gì? Âm thanh và mùi hương.
Từ Công Phụng, trong bài hát Vẫn Một Cõi Đời Hiu Quạnh đã nói “Nằm im hơi nghe mùa thu rất nhẹ. Gọi hồn tôi vào những nhung nhớ những mùa xưa tàn phai” đã ngầm bảo với người nghe rằng mùa thu có tiếng nói, có âm thanh.
Nói đến âm thanh, chắc là bạn nghĩ ngay đến “Tiếng Thu.” (Lưu Trọng Lư)
Em nghe chăng mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Rồi đến
Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương. (Mùa Thu Cho Em – Ngô Thụy Miên)
Hay là bạn nghĩ đến một thứ âm thanh khác, mơ hồ hơn, tiếng lá rơi dội lại, từ bài thơ của Bùi Giáng.
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
Với tôi, tiếng lá rơi hay tiếng bước chân của nai đã trở nên bình thường, nhắc mãi nó thành ra cliché. Âm thanh của mùa thu phong phú hơn nhiều.
Đầu tiên là tiếng gió. Gió đầu thu báo hiệu chuyển mùa thường rất nhẹ. Lao xao trên đầu ngọn cây, thứ gió làm những cây có lá hình trái tim, hay giống như đồng tiền treo lủng lẳng trên cành, lung lay. Không đủ để rung cành. Có lẽ đây là loại gió trong câu hát “gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chày thức đủ năm canh.” Gió cuối thu mạnh hơn, đủ để nghe tiếng vi vu và các cành cây hay thân cây cọ vào nhau tạo thành tiếng rít kẽo kẹt.
Và sau đó là tiếng chim. Đặc biệt là tiếng chim khi cả đàn làm một chuyến di trú về miền ấm áp. Có khi tiếng chim vỗ cánh nghe như tiếng gió bão bay sầm sập ngang qua bầu trời. Đôi khi nghe trong rừng rậm tiếng ríu rít của một đàn chim rất lớn hằng ngàn hay hằng chục ngàn con nhưng không nhìn thấy chim, họa hoằn lắm là một vài sợi chỉ đen bay vun vút từ bóng cành lá này sang bóng cành lá khác. Một âm thanh rất lạ tôi không diễn tả được. Nó như là âm thanh của một xã hội, trong đó có cả yêu thương giận hờn, bất đồng ý kiến chính trị, hay ngày mai sẽ đi đâu, ăn gì, uống nước ở đâu, còn bao lâu sẽ đến nơi, bao nhiêu chim sẽ chết dọc đường, bao nhiêu chim sẽ lạc đàn, hay tìm cách bỏ đàn, ở lại những nơi chúng chọn làm quê hương. Nghe quen, bạn sẽ phân biệt được tiếng ngỗng Canada. Tiếng hạc. Tiếng vịt mallard đầu xanh. Và còn nhiều loại chim khác khó phân biệt hơn vì không nghe thường xuyên. Tiếng chim có lẽ thường gây những nỗi niềm trong lòng người.
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi.
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê.
Tôi không biết tiếng bìm bịp ra sao, gieo sầu vào lòng người đến mức nào, nhưng ngay cả tiếng kêu của mấy con hạc xám, “ark ark,” có lần làm tôi thất vọng vì so với tiếng hạc trong câu thơ của Nguyễn Du, rơi trên đoạn sông vắng nghe cũng gợi chút sầu tư khi tôi nghĩ đến tâm sự của dòng sông, hạc xám bay về Nam và khúc sông này sẽ trở nên trống vắng.
Khi cây rụng gần hết lá, tôi chợt nhận ra sau nhà mình có rất nhiều chim. Những con chim rất bé, nhỏ hơn cả chim sẻ, chỉ độ ngón tay cái của tôi. Chúng bay vụt lên vụt xuống như những ninja mai phục trên cây, lao mình xuống chộp bắt kẻ thù nào đó, con sâu, cái kiến, hay những loại trái rừng nho nhỏ chín đỏ trên cành đầy gai nhọn như bức ảnh phía trên. Ngay cả đứng trong nhà, sau lần cửa kính tôi vẫn nghe được tiếng ríu rít của đàn chim bé nhỏ này.

Trên một nhánh cây sồi rất cao, chẳng biết từ bao giờ, đã thấy có một cái tổ chim. Hồi mùa hè, ông Tám thuê người cắt bớt nhánh cây, chưa thấy tổ chim này. Từ dưới nhìn lên người ta dễ lầm tưởng đó là lá khô rơi vướng lại, nhưng rất khó để lá khô có thể vướng một cách tình cờ như thế. Có thể đó không phải là tổ của những con chim nhỏ bé bay vun vút kia, mà là tổ của robin, loại chim có ức màu nâu, và trứng màu xanh như trứng sáo, nhưng chúng đã bay lên thám thính ngó nghiêng, trò chuyện liên hồi. Rất có thể có kẻ nào đó sẽ mượn nhà người khác, sinh nở xong rồi mang nhau đi.

Nhưng mà, tiếng thu rồi cũng sẽ không còn. Mùa đông về sẽ mang theo một hình ảnh khác, và âm thanh khác.


Nhân đây xin mời bạn nghe bài hát Mùa Thu Cho Em – Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
Những con chim nhỏ bằng 2 ngón tay út đó là chim sẻ đó Hà.
Có hàng trăm con bay ríu rít trên cây cỏ trước vườn nhà Mai, nhỏ đến chỉ bằng những chấm phá. Năm nay cuối thu càng có nhiều con hiện ra tìm thức ăn để dự trử trong cơ thể trước khi mùa lạnh đến. Chúng sung sướng tự do trong khoảng không gian rộng khi không có sự hiện diện chiếm hữu của con người.
LikeLiked by 2 people
Nhìn chim có vẻ vui mắt Mai nhỉ?
LikeLiked by 1 person
hôm chủ nhật con cũng mới gặp một chú robin nhảy nhót trên cái cột cổng nhà người ta nè cô, nhờ cô mà biết tên chú ta.
con cảm thấy thật gần cô, vì đôi khi cô post lên những hình con vừa gặp được mới hôm qua hôm kia, bụi hoa dại, bụi dâm bụt, cành lá phong, cành lá đổi màu tim tím…
LikeLiked by 2 people
Hai nước xa xôi cách nhau cả một đại dương mà sao cảnh trí chim chóc cũng giống nhau. Thiên nhiên kỳ diệu thật.
LikeLiked by 1 person
dạ. 😊
LikeLiked by 1 person
Đàn chim sà xuống uống nước trên một đoạn đường rừng.
Em nào cũng tròn trĩnh, mập mạp, nhìn thấy thương, giống đồ chơi của em ngày thơ bé.
LikeLiked by 1 person
Đồ chơi của Hạnh là chim thật hay chim bằng bông gòn?
LikeLike
Em nhớ mang máng chắc là bằng nhựa. Em còn nhỏ nên cũng không biết rõ.
Cảm ơn chị đã chia sẻ bài viết với những đoạn tả gió và tiếng chim…… thật đẹp, thật súc tích.
LikeLiked by 1 person
Mùa thu ở Nhật có một hoạt động đặc biệt lắm. Đó là phơi hồng cô ạ. Cột dây vào trái hồng rồi thả treo tòng teng như cái rèm, một dây khoảng 3,4 quả. Năm nay con cũng tập phơi hồng. Nhờ vậy mà biết là chẳng hề đơn giản tí nào. Đầu tiên là phải mua loại hồng còn cuống (chuyên dùng cho phơi hồng) chứ hồng siêu thị là người ta cắt cuống hết rồi. Rồi gọt vỏ canh gió, nắng để phơi. Vùng nào mà gió ẩm, độ ẩm cao là phơi không đc do sẽ bị mốc,… Rồi từng loại hồng ở từng vùng nó có độ ngọt khác nhau thế nào…bla bla.
Con phơi đc 10 quả, đã ăn thử một quả, khác hồng tươi lắm luôn. Vị cứ giống quả vú sữa, vỏ bên ngoài thì dẻo quẹo, bên trong tươm mật cũng dẻo….
Cô đã ăn thử hồng khô chưa ạ? Cô phải thử nhen…
LikeLiked by 1 person
Nghe cháu kể làm cô mơ ước. Có vẻ giản dị nhưng hầu như khó thực hiện. Ngay cả chuyện mua hồng cho có cuống. Cô ít khi thấy cây hồng ở vùng cô ở, chỉ một lần độc nhất thấy một cây hồng mọc hoang, trái nhỏ xíu như trái táo hoang crabapple. Cô chờ cháu viết thêm, chụp ảnh, kể chuyện để cô được hưởng ké, cho đỡ thèm những ngày không thể đi đâu cả.
LikeLike
À cô chỉ có ăn hồng được ép và sấy khô của người Trung quốc bán. Hồng khô gói trong bọc nylon trái rất to. Cô rất thích mùi trái cây phơi khô như trái hồng, trái date. Thơm lắm.
LikeLike
Lá vàng rơi đối với cháu đã trở thành hình ảnh khá là cliche về mùa thu rồi. Còn gió thì có vẻ như mọi người ít nói hơn, mà rõ ràng gió mùa thu rất dịu dàng nhưng cũng nồng nàn passionate ạ. Mà mọi người hay bảo mùa thu buồn, cháu thì vui phơi phới vì thời tiết đẹp quá thể sao lại buồn được. Cháu tiếc là mình sinh sống ở thành phố, không có chim chóc nên việc nghe chim kêu và hót là thứ cháu chưa từng trải qua. Cũng hơi tiếc ạ.
LikeLiked by 1 person
Cô thấy mùa nào cũng vui cả. Mỗi mùa có cái vui riêng. Cô cũng nghĩ như cháu, có lẽ từ ban đầu một số nhà thơ nhạc sĩ viết thơ buồn nhạc buồn làm mình tưởng thế, chứ thật ra mùa thu rất đẹp. Tuy vậy, những ngày mưa lê thê không có nắng cô lại cảm thấy mệt mỏi rũ rượi, chỉ muốn ngủ, một thứ cảm giác giống như là buồn một nỗi buồn không tên vậy.
LikeLike
Cảm ơn Hải Hà đã post bài hát thật hay làm Quế nhớ nhà quá!
LikeLiked by 1 person
Cám ơn QT đã nghe. Nhớ nhà ở đâu vậy QT? Có còn ai ở đó để có thể lâu lâu về thăm được không?
LikeLiked by 1 person
Nhớ Hội An, hồi còn trẻ hay hát bài này lắm, Còn các cháu con của các Anh. Quế chắc không về VN được nữa rồi, W 88 tuổi, cần sự có mặt của Quế.
LikeLiked by 1 person
Hội An giờ khác xưa nhiều lắm.
LikeLiked by 1 person
Quế biết vì các Cháu cũng còn liên lạc.
LikeLiked by 1 person