Chuyện tầm phào ở Mỹ

Hừng đông
Trăng cuối thu

Ảnh trên: Hừng đông ở New Jersey. Ảnh chụp mấy ngày trước, bữa nay thì quang cảnh cũng y như vậy. Tôi không thêm màu sắc gì cả. Nếu thêm chút màu biến nó hơi ngã sang màu tím thì hấp dẫn hơn vì khiến người ta nghĩ đến chân trời tím.

Ảnh dưới: Cũng như ảnh trên, tôi đứng ngay cửa trước dựa lưng vào cửa, cùi chỏ dựa trên vách, buổi sáng chụp bình minh, buổi chiều sắp tối chụp mặt trăng. Biết là ảnh sẽ không được rõ nét đến sắc sảo như ý (sharp as a tack) nhưng tôi không quen dùng chạc ba chân nên chấp nhận khiếm khuyết của mình. Tôi vẫn thích chụp ảnh mặt trăng xem nó như một thách đố mình chưa đạt được. Chụp ảnh mặt trăng lúc còn ánh sáng dễ hơn lúc trời hoàn toàn tối. Tôi thích mặt trăng hơi có màu vàng điều đó có nghĩa là độ ISO và exposure (tiếng Việt exposure là gì?) vừa phải.

Từ hôm 24/11/2020 người ta khám phá trong sa mạc ở Utah có một cái trụ ba cạnh, cao khoảng 12 feet, (cỡ chiều cao hai người đàn ông Mỹ, người này đứng chồng lên vai người kia) bằng kim loại, được dựng trong một chỗ trũng rất kín đáo chung quanh toàn đá. Sau khi báo đăng tin, ngay lập tức có người phát hiện tọa độ của trụ đá, và gần như ngay lập tức có người đến chụp ảnh với trụ kim loại này. Dựng một trụ kim loại trên nền đá không phải là chuyện dễ dàng. Khách bàng quan không tránh khỏi liên tưởng đến loại tiểu thuyết có người của vũ trụ. Không ai biết chắc là trụ kim loại này được cắm từ bao giờ. Có người so sánh ảnh không trung ở tọa độ này năm 2015 thì chưa thấy có nó. Vào khoảng tháng 10 năm 2016 thì nó xuất hiện qua ảnh chụp. (Tôi chưa kiểm lại ngày tháng chỉ viết qua trí nhớ để đó sẽ tính sau.)

Người ta bảo rằng cái trụ này giống trụ của John McCracken, một điêu khắc gia có tiếng, nhưng ông McCracken đã qua đời từ năm 2011. Hôm qua, 11/28/2020, báo New York Times đăng tin, cũng bí hiểm như lúc xuất hiện, cái trụ bỗng nhiên biến mất. Nhân viên quản lý sa mạc bảo rằng họ không nhổ cái trụ này đi. Đa số công viên, rừng, thiên nhiên, cấp tiểu bang hay quốc gia đều có những nguyên tắc, hay chỉ kêu gọi sự tự giác của người đến chơi, thăm, ngắm cảnh, đi bộ, và thám hiểm. Rằng đừng để lại gì ngoài dấu chân. Đừng lấy đi gì, ngoài những tấm ảnh. Đừng giết cái gì ngoại trừ thời gian. Vậy mà. . . !

Trong thời bệnh tật, nước Mỹ đau yếu vì Covid-19 người ta đổ xô ra chỗ rừng núi sa mạc. Ở đâu cũng có dấu vết tàn phá. Rác Covid-19 mỗi ngày càng nhiều. Đi đâu tôi cũng thấy khẩu trang đánh rơi vương vãi.

10 thoughts on “Chuyện tầm phào ở Mỹ”

  1. màu cam dịu làm nổi bật mấy cái cây quá ha cô. có thể họa lại tấm ảnh đó làm hình vẽ tường, rất đẹp.

    1. Tin có người ngoài trái đất không? Có chứ. Tin hơn là có ma. Chỉ không biết là hình dáng có giống người hay không. Và họ có ngôn ngữ mà mình có thể hiểu được hay không. Nếu họ hình dáng giống như loài người, thì có lẽ không sợ, coi như mình gặp người ngoại quốc, không hiểu ngôn ngữ vậy thôi. Nếu họ dữ tợn ăn thịt người thì chạy trốn. Còn Hạnh thì sao?

  2. Em nghĩ người ngoài trái đất không có hình dạng giống mình. Dù sao họ cũng là kẻ lạ. Nếu họ không hung dữ chắc là em chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, rồi đem về nhà tiếp tục tưởng tượng và biết đâu em sẽ hư cấu nên một câu chuyện….

Leave a reply to Bà Tám Cancel reply