Thời đại dịch người ta kéo nhau vào rừng đông hơn. Mùa hè và mùa thu người ta đi xe đạp và câu cá. Năm nay, số bán xe đạp, ca nô, cần câu tăng vùn vụt. Mùa đông người ta làm gì? Tránh xa chỗ tụ họp có không khí tù đọng như rạp hát, quán ăn. Vào rừng, mùa đông lạnh, trời tuyết, làm gì để giải trí? Đi săn!

Đi săn có nhiều hạng nhưng phổ biến nhất là săn nai. Số nai tăng trưởng rất nhanh. Nhiều tiểu bang như New Jersey và New York, nai băng qua các đường xe chạy gây tai nạn chết người, vào các khu dân cư ăn trụi lủi vườn hoa và rau, bọ chét nai gây ra bệnh Lyme nguy hiểm cho loài người. Để giảm bớt số nai, người ta cho phép đi săn.
Tùy vùng, có khi người ta cho săn hằng ngày. Ở Watchung Reservation, từ đầu tháng 10 cho đến cuối tháng 12 người ta cho phép săn 2 ngày trong tuần. Thứ Ba và Thứ Năm. Mùa thu chỉ được dùng cung tên. Mùa đông từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng Hai hay tháng Ba, người đi săn được phép dùng súng. Người ta nghĩ rằng giảm số nai bằng cách bắn là một phương pháp nhân đạo và ít tốn kém hơn là triệt sản nai. Ít tốn kém hơn, nhưng tôi không nghĩ là nhân đạo hơn.
Thời còn đi làm cho hãng xe lửa, một vài người làm việc chung thường rủ nhau đi săn. Họ săn gà lôi. Tôi nghe, không nói gì, chỉ tự nhủ tại sao lại bắn giết những con chim đẹp đẽ hiền lành như thế. Không nói gì bởi vì mình cũng ra chợ mua gà lôi về ăn, thì làm sao trách người ta chứ. Với họ, săn gà lôi không chỉ để có thịt ăn, mà đó là thú vui, trò giải trí.
Săn nai còn được xem là môn thể thao. Và là một thị trường cung cấp và tiêu thụ rất lớn. Người đi săn cần dùng súng. Khi đã có súng rồi thì cần súng tốt hơn, chính xác hơn, nhẹ hơn. Súng thì đắt tiền. Người đi săn cũng cần phải có giấy phép và phải tuân theo những điều luật khá gắt gao. Nếu vi phạm thì sẽ bị phạt một số tiền khá lớn, thậm chí có thể ở tù.
Người ta có nhiều lý do để săn nai. Có thịt để ăn, thịt rừng lành mạnh không bị nuôi bằng hóa chất hay thuốc trụ sinh. (Nhưng ở thời điểm này có lẽ nên đề phòng chuyện những mầm bệnh từ thú rừng lây sang người, phải không?) Nai trông vậy nhưng khá to chỉ nhỏ hơn bò. Một con nai trưởng thành nặng 150 lbs (gần 70kg) là chuyện thường.
Da nai cũng được yêu chuộng. Có một thời người Mỹ dùng da nai làm găng tay cho lính Mỹ đi đánh trận ở Hàn quốc. Có một thời da nai được dùng làm áo khoác, không biết bây giờ còn thịnh hành không. Có người săn nai sau đó nhồi xác (taxidermy) để chưng. Đầu nai có sừng được trưng bày trong phòng khách của các thợ săn để phô trương tài nghệ và kinh nghiệm.
Lột da nai không phải là chuyện dễ. Trong phim Winter’s Bone, cuốn phim đưa Jennifer Lawrence đến với khán giả điện ảnh, có một đoạn cô diễn viên dạy đứa em trai cách lột da sóc, và con nai được nhà hàng xóm lột da treo lủng lẳng bên cạnh nhà. Nai sau khi bị bắn cần phải được “dressing” (xẻ thịt) càng sớm càng tốt. Và nhất là phải treo nai đầu quay xuống đất. Vì chuyện lột da xẻ thịt không phải dễ dàng và cần có dụng cụ, người ta tính tiền làm nai theo sức nặng của nai. Con số tôi tìm thấy trên báo New York Times năm 2018 giá 1 đồng US cho mỗi pound (lb.) Một pound tương đương 0.455 kg. Tiền xẻ thịt lột da một con nai trung bình từ 150 đến 200 đồng US là bình thường. Như đã nói, săn bắn nói chung là một thị trường khá to lớn. Ngoài chuyện mua súng và xin giấy phép, người đi săn xa cần có chỗ trú ngụ như hotels hay các camps, thêm vào những dịch vụ khác như chuyên chở ăn uống, vân vân. Trong quyển Outdoors, xuất bản năm 1990 (cách đây 30 năm), Nelson Bryant, chuyên giữ mục đi săn thể thao ngoài trời của báo New York Times cho biết, năm 1989 Pennsylvania có 1.4 triệu người đi săn, và họ đóng góp vào kinh tế hơn 100 triệu đô la cho mùa đi săn năm ấy.
Đi săn không phải dễ dàng và an toàn đâu nhé. Bắn một con nai xong, nó to như một con bò con, kéo nó ra khỏi rừng, cho lên xe chở về thật không dễ dàng. Có khi người ta phải xẻ thịt tại chỗ. Có hai cha con, trong lúc xẻ thịt nai, bị bắn chết vì người khác tưởng lầm là nai. Chuyện đi săn chết người vì bị ngộ sát hầu như mùa săn nào cũng có.
Nhiều khi chết người không phải vì đi săn mà vì có sẵn súng trong tay. Hằng năm ở Mỹ có biết bao nhiêu vụ cố sát và ngộ sát. Biết bao nhiêu đoàn thể bày tỏ nguyện vọng ngăn cấm mua bán súng, giảm bớt chuyện mua bán súng, hay đặt ra những luật lệ làm cho khó khăn hơn việc súng rơi vào tay những kẻ ác. Tuy nhiên những đòi hỏi hay yêu cầu này chẳng đưa đến kết quả tốt. Bởi vì như bạn thấy, đi săn tuy có vẻ chỉ là môn giải trí đẫm máu, nhưng nó lại là một cách duy trì sự sống của nhiều gia đình, duy trì sự phồn thịnh kinh tế của cả nước.
Súng, cấm và cho phép có súng, là một đề tài tranh cãi thường xuyên, nhất là vào mùa bầu cử. Hầu như không mấy người ra tranh cử dám nói thẳng là ủng hộ hay cấm đoán việc có súng. Cứ theo con số năm 1990 của Nelson Bryant, 1.4 triệu người ở Pennsylvania đi săn. Còn 49 tiểu bang nữa thì số người nhân lên là bao nhiêu? Cuộc bầu cử năm 2020 sự chênh lệch giữa số phiếu của hai ứng cử viên chỉ có vài triệu thôi. Ai dám tuyên bố tôi chống đi săn chống có súng để mất vài triệu phiếu?
Chỗ tôi ở có nhiều nai. Tôi thường tự hỏi mình nai chết ở đâu? Nai có nghĩa địa riêng của nó như các loại thú thông minh như voi, hay cá nhà táng không? Người ta nói nai tìm vào chỗ vắng, rừng sâu hay núi cao để chết. Tôi thỉnh thoảng thấy nai chết dọc theo đường xe chạy. Có một lần thấy nai chết ở đường mòn trong Watchung Reservation. Có lẽ bị bắn, bỏ chạy cho đến kiệt sức rồi chết. Xác của nó được thú hoang tiêu thụ ngay tức khắc. Có vẻ như, bắn nai không là giải pháp nhân đạo để làm giảm số nai.
Nguyễn thị Hải Hà. 5 December, 2020.


nai đang 😋 nhìn ngộ ghê.
nai
dáo dác
chạy loanh quanh
kẻ đương săn thú
bình thản nhả đạn
nằm thoi thóp
im lìm
bye.
LikeLiked by 1 person
Hi hi! Bà Tám ơi, bài thơ của Sóc mình sẽ cho vô mục lục My Haïku của mình🙂
LikeLiked by 2 people
Cám ơn em ghé chơi. Mùa này em và chị M. có cơ hội gặp nhau không? Xa xôi quá và tình hình dịch bệnh này không biết đến bao giờ mới thôi.
LikeLike
Lịnh cấm vận vẫn còn giữa hai nước nên dù hai chị em có nhớ nhau cũng không thể gặp nhau được Bà Tám ạ. Rất buồn nhưng ráng chịu đựng thôi. Chúc an lành và sức khỏe cho Bà Tám dễ thương 🙂🍎
LikeLiked by 1 person
Cám ơn em. Em với chị M của em cũng vậy nha. Hai người thật là super dễ thương mà chắc muốn thương cũng không dễ đâu. 🙂
LikeLike
Cám ơn Sóc. Bài thơ ngộ nghĩnh. Hình dáng của nó giống như một cái pyramid nằm nghiêng.
LikeLiked by 1 person
Trần gian này đã quá chật chội; các em còn rủ nhau đến mà chi???!!!
“Em hồn nhiên
rồi em sẽ bình minh?”
LikeLiked by 1 person
Chị nghĩ nai cũng như mình, đâu có thể quyết định chuyện đến và đi trong đời. Loài người lấn đất sống của nai và các thú rừng khác nhiều quá cho nên chúng phải va chạm với người.
LikeLike
hồi con ở brackettville bên texas họ cũng cho săn nai, có cái nhà để trong rừng, nguyên cả khu vực nai nhiều đến nỗi mỗi chiều chạy club cart là có thể nhìn thấy đàn nai mấy chục con đi ra chơi. cả khu khoảng hơn 3 ngàn người chỉ có 1 người được cấp phép xả thịt còn được săn khoảng chục người. có lần người ta năn nỉ tụi con mua thịt nai ép chân không bỏ đông do nhiều quá ko còn chỗ chứa nữa, giá rẻ hơn thịt bò mà mềm và ngon, bữa đó con làm nai xào lăn. chẹp, 6-7 năm sau còn nhớ
LikeLiked by 1 person
Texas nổi tiếng có nhiều nai đuôi trắng nhất nước Mỹ. Kế đến là Pennsylvania. Lối nhỏ coi vậy mà ở nhiều nơi rồi ha. Cô có thử thịt nai một lần. Do không biết cách xào nấu, và tính e ngại các món thịt lạ, nên cô không thấy ngon.
LikeLiked by 1 person
về cơ bản nấu nó giống nấu thịt bò đó cô, xắt mỏng, cái phần xào lăn là ngon ở gia vị hihi. con học món này hồi ở việt nam. con ở texas , bellevue washington, trước khi ở vegas. chỗ nhà má chồng con bên pennsylvania có gấu đó cô, nó vô lục thùng rác nhà má con ăn
LikeLiked by 1 person
Dọn đi hoài chắc tụi trẻ get upset. Chúc may mắn với chỗ mới nha.
LikeLiked by 1 person
dạ con cám ơn cô. bữa cô hỏi quyển sách tựa tiếng anh là “ the way of white clouds “ của ông Lama Anagarika Govinda. mấy cuốn khác về tây tạng của ổng cũng hay đó cô, con thấy ổng đề cập đến
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Lối Nhỏ. Cô thấy thư viện gần nhà có 1 cuốn về Tây Tạng của ông này nhưng không có quyển mây trắng.
LikeLiked by 1 person
Em cũng nghe nhiều bạn bè ở Mỹ nói nai phá vườn dữ lắm. Nhưng dẫu vậy, cá nhân em không nghĩ mình đồng tình với việc giết hại động vật hoang dã, thú vật rừng, nhất là dùng súng bắn chúng. Trừ nạn sâu bọ, ốc sên nhiều năm trước ở một só nước, em cảm thấy mình đồng ý với giải pháp diệt chúng. Còn động vật lớn, thú rừng mà bắn chúng chết thì em đồng tình với ý của chị là không hề nhân đạo. Cũng nhiều năm trước em có đọc một bài phóng sự về nạn nuôi nhốt gấu để hút mật sống. Em rùng mình sợ hãi, thương vô cùng những con gấu đó. Đọc về con gấu mẹ cũng hú lên đau đớn, cố tìm cách phá chuồng của nó để thoát ra khi người ta bắt con nó ra khỏi chuồng, đem đi hút mật ở chuồng bên kia, mà em nghe tim mình đau nhói. Tới giờ em vẫn ước mình có một quyền lực nào đó để giải thoát những con gấu xấu số này, mà em nghĩ rằng nạn này giờ vẫn tồn tại đâu đó ở Trung Quốc, có khi ở vùng núi rừng Bắc VN nữa… Có thời gian em còn ác cảm kinh khủng với những ai bảo điều trị cái gì bằng mật gấu Em ghét những kẻ tra tấn và giết hại thú lắm.
LikeLiked by 1 person
Đồng cảm với em.
LikeLike