Dưới đây là mấy tấm ảnh chụp ngày 11 tháng 12, 2020.



Chúng tôi đi không sớm lắm. Ra khỏi nhà lúc 9 giờ sáng. Lái xe đến chỗ đậu xe. Bắt đầu đi bộ khoảng chừng 9:30. Con đường dọc theo D&R Canal vào lúc này đã lác đác có người đi. Hai hôm trước (9/12) trời có tuyết. Ngày hôm sau không nắng. Đến ngày tôi đi bộ (11/12) ở những chỗ ánh mặt trời chưa rọi đến cây cỏ vẫn còn bị đông giá vì ban đêm lạnh dưới không độ C. Rất tiếc ảnh không được như ý nhưng nếu ảnh nào cũng toại nguyện thì chắc người ta sẽ không còn hứng thú để chụp ảnh nữa. Thật tình, mỗi lần chụp một tấm ảnh không như ý tôi vẫn cảm thấy hơi buồn, hơi thất vọng vì những thiếu sót của mình. Rồi lại tự nhủ, không sao, mình có quyền được thất bại và làm lại.
Hôm qua, mèo Xám đến tìm thức ăn vài lần. Có thức ăn mềm và các hạt cứng cho mèo để sẵn nhưng Xám không ăn. Xám nhảy lên bàn, ngồi bên cạnh cái nồi, uống nước một hồi lâu, chừng như ngon lắm. Tôi rót chút sữa mang ra. Xám liếm láp một chút rồi nằm trên sàn gỗ nhìn vào cửa nhà tôi. Có lẽ Xám mong chờ Nora chứ không phải muốn vào nhà hay đòi tôi cho ăn. Tôi mới luộc gà, định làm gà xé phay và nước gà dùng để nấu súp đậu, sẵn đó tôi thái nhỏ một ít thịt, múc cho thêm muỗng nước gà, mang cho nó. Nó cũng ăn thêm một ít thịt và uống hết nước gà. Con mắt trái của Xám có thể mở ra thêm một chút nhưng vẫn không nhìn thấy tròng mắt, như thể tròng mắt bị lặn vào bên trong. Con mắt phải vẫn còn dính nước ghèn nhữ lèm nhèm nhưng vẫn còn nhìn thấy đường đi. Xám đi từ dưới đường đi lên rồi vòng ra sau nhà tôi. Có vẻ như Xám dần dần hồi phục. Người Xám gầy rạc, bộ lông xơ xác, có một vài chỗ như bị rụng. Chân phải phía sau đi hơi khựng khựng. Thì vẫn còn đau yếu nhưng thấy Xám đi được ăn được tôi cũng mừng. Hôm nào Xám không đến tôi cũng để ý trông, tự hỏi không biết nó có qua được đêm ấy không. Có một hôm tôi trông mãi, trước khi tắt đèn đi ngủ, nhìn ra cửa sau tôi thấy có một con mèo con màu đen, khá bụ bẫm đến ăn thức ăn để dành cho Xám. Nghe tiếng động nó bỏ chạy rất nhanh. Tôi cũng có ý thầm mong nó trở lại. Mèo con nhìn thật là đáng yêu. Bởi vậy nên có nhiều người nuôi mèo con, đến chừng mèo lớn, già, sinh tật đòi hỏi mè nheo khó tính, họ chán nên tống mèo ra đường. Thành phố New York, Queens và Bronx người ta ước tính có cỡ 500 ngàn con mèo bị bỏ hoang. Nghĩ cũng tội nghiệp mấy con mèo hoang. Thời buổi này, người ta lo chống bệnh Covid còn không kham thì nói gì mèo chó không có chủ.
Viết tiếp. Sáng nay, lúc gần 7 giờ, 13 tháng 12, 2020, mèo Xám đến ăn sớm. Nó ngồi sát cửa, tôi hé cửa nhìn xuống, nó ngước mặt lên, thấy hai con mắt đã mở được khoảng 80 phần trăm. Vậy là nó thoát chết rồi, tôi hy vọng như vậy, nên mừng.
Tiếng chân gõ guốc người xa vắng người
Em có nghe rồn rã bước ai vất vả bóng ai chập chờn?
Hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng.
(Cung Trầm Tưởng)
LikeLiked by 2 people
Cám ơn Mai cho đoạn thơ. Đây là thơ hay có phổ nhạc vậy Mai?
LikeLiked by 1 person
Đó là bài thơ “Tương Phản” của Cung Trầm Tưởng mà Phạm Duy có phổ nhạc thành bài “Bên Ni Bên Nớ”. Một bài thơ và bài nhạc Mai rất thương thời còn đi học.
Em có nghe mơ hồ
Bước ai thao thức
Gõ nhịp hẹn hò
In dài ngõ cụt
Bóng ai giang hồ
Bên nớ bên ni đêm lạnh cả
Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng
LikeLiked by 3 people
Thật là tuyệt. Cám ơn Mai.
LikeLiked by 2 people
Tìm thấy nhạc phẩm Bên Ni Bên Nớ của Phạm Duy.
LikeLike
Thường thường bao lâu thì chị Tám đi rừng một lần? Rừng thu hút chị ở những điểm gì? Và chị không thích điều gì về rừng? Có bao giờ chị mang tâm trạng “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”?
LikeLiked by 1 person
Chị đi rừng thường xuyên lắm. Cách một hoặc hai ngày. Nếu mưa hay bận gì đó thì có thể lâu hơn. Một tuần hay hai tuần. Đi để vận động cơ thể, chị dễ lên cân lắm, càng già càng béo ra. Bước vào rừng là người dễ chịu hẳn. Mùa hè, rừng có bóng mát đỡ nóng hơn đường phố. Vào rừng ít gặp người hay xe cộ, ngay cả khi có điều gì bực bội đi rừng cũng quên đi, có lẽ nhờ vận động nên không nghĩ ngợi nhiều. Rừng có cây, có gió, có chim muông. Mùa thu có lá màu đẹp. Mùa đông có cây khô đủ thứ hình dáng cũng đẹp. Nếu có tuyết có băng có nhiều thứ lạ mắt để ngắm. Mùa xuân cây rừng nở hoa khắp nơi, có khi thơm ngát, mùi hương quyện theo từng bước chân. Nếu có điều chị không thích là nhiều khi nhiều muỗi nhất là mùa hè, phải mang theo cái quạt để quạt muỗi liên tục. Có nhiều nơi trũng xuống đọng nước thành bùn đi khá dơ, lầy lội. Lá mục rữa có mùi hôi. Không, chị không bao giờ mong làm cây thông. Cây thông cũng bị người đốn, cũng bị gió bão thổi trốc gốc. Rừng cũng đâu sống muôn đời. Thấy các tiểu bang khác như California chẳng hạn, cháy biết bao nhiêu rừng cây rồi. Chị thấy bất kỳ loài giống nào cũng có điểm lợi và bất lợi. Có thể nói con người, yếu ớt, đau khổ, bệnh tật, chết chóc, coi vậy chứ khắc phục nhiều thứ, biến cuộc sống của loài người thành cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều thứ khác, loài khác.
LikeLiked by 5 people
Đọc reply của Hà Quế nghe xúc động.
LikeLiked by 1 person
Em đọc phần trả lời của chị mấy lần. Thấy lòng thêm bình an, và vui. Tự dưng em nhớ lại câu, ” Dù sao đi nữa tôi vẫn yêu tha thiết trần gian điên dại này.” Em không nhớ ai là tác giả.
LikeLiked by 1 person
Một người mê rừng cây và núi đồi như cháu thật sung sướng khi đọc bài cô viết và xem mấy tấm hình cô chụp ạ ❤️
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn cháu.
LikeLike
Chị ghé nhà em đã lâu nhưng nay mới có dịp ghé nhà chị. Đọc được chữ “Đi rừng” nên ngồi xuống gõ mấy dòng cho người cùng sở thích 😀 Em ở Cali vì chịu lạnh không tốt, nhìn cái lá bên NJ viền những hạt mùa đông cũng thấy xốn xang. Bên ni cũng đẹp lắm chị ạ! Chúc anh chị sức khỏe, và con mèo Xám được thương kia cũng mau khỏe!
LikeLiked by 1 person
Cám ơn em ghé thăm. California nhất là vùng ven biển khí hậu rất lý tưởng.
LikeLike