Decameron

Gần đây người ta nhắc nhiều đến The Decameron, tên một tác phẩm gắn liền với văn chương thời dịch bệnh. Người đọc thời bây giờ nghe nhiều đến Dịch Hạch (La Peste hay The Plague) của Albert Camus, Love in the Time of Cholera của Gabríel Garcia Márquez, The Painted Veil của W. Somerset Maugham, và The Seven Seal phim do Ingmar Bergman đạo diễn. Decameron có lẽ ít được người bây giờ đọc hơn vì nó khá xưa nhưng nó đã từng nổi tiếng đủ để người ta mượn cốt truyện để tạo ra những tác phẩm khác, trong đó có Shakespeare với “All’s Well That Ends Well.”

Decameron, thấy trên mạng có người dùng phương pháp chiết tự từ tiếng Ý để giải thích, có nghĩa là mười ngày. Đây là một tập truyện ngắn của nhà văn Giovanni Boccacio (16 June 1313 – 21 December 1375). Boccacio cùng với Dante Alighieri và Francesco Petrach được mệnh danh là ba vương miện của văn chương Ý.

Đúng nghĩa với chữ Mười Ngày, Decameron bao gồm 100 truyện ngắn, được kể lại trong vòng mười ngày, mỗi ngày mười truyện. Có lẽ truyện được viết trong thời kỳ đại dịch The Plague hay The Black Death bùng phát ở châu Âu, cao điểm nhất trong những năm 1347 đến 1351, giết chết khoảng 75 cho đến 300 triệu người. Tập truyện có lẽ được bắt đầu vào 1348 hoàn tất vào năm 1353.

Theo Decameron vào thời ấy, người Ý bị lây nhiễm tràn lan, người bệnh chết nhiều quá. Thậm chí khi đem người chết đi chôn, một cái áo của người chết rơi trên đường, lũ heo bị đói quá đến xé cái áo ra ăn, cũng lăn quay ra chết. Người săn sóc bệnh nhân bị xa lánh. Người chết bị bỏ rơi. Xã hội hỗn loạn, đói khát, giặc cướp khắp nơi. Mười người, trong đó có bảy nữ, ba nam đang tạm trốn trong một nhà thờ, rủ nhau trốn về miền quê lúc ấy bệnh dịch chưa lan đến. Tôi không nhớ chắc, mới đọc đó mà đã quên, là cả ba người nam hay chỉ có hai người là người yêu của các cô trong nhóm. Vì sự sống còn của cả nhóm họ đồng ý với nhau sẽ không có những hành vi yêu đương lãng mạn với nhau. Tất cả sẽ đối xử với nhau như người thân trong nhà. Mười người này ở tuổi không còn quá trẻ, người trẻ nhất trong nhóm khoảng 25 hay 27, có lẽ tác giả muốn nói rằng họ ở cái tuổi có thể kềm giữ dục tính. Bạn nên nhớ là thời ấy người ta kết hôn rất trẻ, và tuổi thọ ngắn hơn bây giờ.

Họ tìm được một ngôi nhà to, đẹp, có đầy đủ thức ăn nước uống. Họ để dành riêng một ngày để làm công việc nhà và cầu nguyện. Họ phân chia công việc. Thời gian còn lại họ kể chuyện cho nhau nghe. Đây là những câu chuyện bất kỳ, có khi là chuyện của chính người kể, có khi là chuyện của người khác họ nghe và nhớ lại. Tôi thấy những câu chuyện của các cô gái đọc dễ chịu hơn. Tùy theo tính tình người kể, có nhiều khi câu chuyện giống như chuyện tiếu lâm rất tục tĩu. Có những câu chuyện tình dang dở, có chuyện tình kết thúc đẹp, chuyện dâm dật của các nhà tu, chuyện ngoại tình của các bà vợ, các ông chồng, ngay cả vua và vương tôn công tử. Có một vài chuyện tôi chú ý nhưng bây giờ thì tôi ngừng ở đây để đi chợ. Mai mốt kể tiếp về cuốn sách.

Ảnh chẳng liên hệ gì đến bài viết. Đăng cho bạn cảm thấy lạnh, cho vui.

Ảnh sáu con sandhill cranes trên cánh đồng bắp đã gặt.

3 thoughts on “Decameron”

  1. Chị Tám có thể kể sơ qua về kệ sách ở nhà của chị không? Em đoán chắc là đồ sộ lắm. Chị sắp xếp ngẫu hứng hay theo chuyên mục, tác giả…?
    Chị nói đi chợ tức là đi siêu thị hay chợ kiểu truyền thống?
    Em chúc chị và gia đình mùa Giáng Sinh và Năm Mới an lành, từng ngày, từng ngày một…chị nhé.

    1. Cám ơn Hạnh. Hạnh có mừng lễ Giáng sinh không? Một ngày của Hạnh thì như thế nào? Một ngày lễ, hội, thì Hạnh làm gì? Đi đâu? Bạn bè là ai?

      Ở đây, chị đi chợ thường là siêu thị. Thời Covid chị ít đi chợ. Mỗi lần đi chợ là đi ba chỗ. Trước nhất ghé thư viện, trả sách cũ, nhận sách mới. Sau đó đi siêu thị của Mỹ mua thức ăn cho mèo đủ để nuôi mèo nhà mèo hoang một hay hai tuần và một số đồ dùng trong nhà. Trên đường về ghé một chợ nhỏ chỉ bán thức ăn và các loại gia vị cho người Á châu ở đây cũng có bán thịt cá v. v… . Vì trời lạnh và địa thế, nên ít có loại chợ nhỏ trong xóm như ở Sài Gòn. Ở những nơi ấm áp như Texas, California, có nhiều người Việt nên cũng có những chợ lộ thiên như ở VN nhưng đa số chỉ bán rau cải, chứ thịt cá thì không được phép bán, có lẽ do vệ sinh. Ở thành phố Philadelphia của tiểu bang Pennsylvania có khu chợ Ý (lâu rồi chị không đi vì ở xa) mùa đông vẫn bán ngoài trời, người ta đốt lửa trong mấy cái thùng phuy để giữ ấm. Để dễ tưởng tượng nó cũng giống như chợ Tân Định, ai bán phía trong có cửa hàng đàng hoàng, bên ngoài thì bán rau cải, nhiều món linh tinh.

      Đi chợ có nhiều cái thú vị, chị thích đi chợ ở VN. Chịu khó thu thập có lẽ cũng viết được một bài tản mạn thú vị.

      Tủ sách chị không nhiều lắm, nhưng nhiều khi cần đọc quyển gì đó biết là mình có, nhưng chị vẫn phải mượn của thư viện vì tìm không ra. Chị không mấy thứ tự, tật xấu, một phần vì lười biếng, một phần vì trí óc chị như con khỉ nhảy lung tung, chị đọc từ chủ đề này sang chủ đề khác, vì tò mò nhưng mau chán nên lấy ra cất vào không đúng chỗ 🙂

      Hạnh mở blog đi để viết về cuộc sống hằng ngày của mình. Chị thích đọc những câu chuyện hằng ngày, có vẻ như bình thường nhưng đôi khi có nhiều điều thú vị, như cái khiểu midnight dinner chẳng hạn.

Leave a comment