Trong 6 phim, tôi ít chú ý đến “Big Eyes” nhất, dù đạo diễn là Tim Burton, và nữ diễn viên chính là Amy Adams. Tôi chú ý đến Amy Adams từ phim Arrival dựa vào truyện ngắn “Story of your Life” của Ted Chiang.
Big Eyes nói về một người nữ họa sĩ tên Margaret Ulbrich, ly dị chồng và có một đứa con. Đến San Francisco, nàng mở một gian hàng vẽ chân dung ở lề đường để kiếm sống. Margaret quen với một người, bán tranh vẽ đường phố của Paris, bên cạnh gian hàng của nàng, tên là Walter Keane. Cô đơn, nghèo, bị chồng cũ kiện ra tòa đòi bắt đứa con với lý do nàng không có điều kiện để nuôi con, đang lúc túng ngặt nàng nhận lời kết hôn với Walter. Tự xưng là họa sĩ, nhưng Walter không biết vẽ. Tranh Walter bán là tranh của một họa sĩ khác tên S-cenic. Hắn đã mua toàn bộ tranh S-cenic về, và vẽ tên hắn chồng lên trên tên cũ. Margaret có tài vẽ, đặc điểm của nàng là tất cả những nhân vật trong tranh đều có đôi mắt rất to, to hơn khuôn khổ bình thường cân xứng với khuôn mặt. Walter xui giục vợ ký tên Keane là họ của hắn. Và từ đó hắn mạo danh Margaret, chiếm hữu tài sản trí tuệ của nàng. Tranh của Margaret không được giới hội họa khen ngợi, nhưng có nét độc đáo ở đôi mắt của nhân vật. Keane có tài kinh doanh, biết cách gây chú ý, nhờ truyền thông quảng cáo, nên bán được tranh và những tấm poster in hình tranh của Margaret. Hai người trở nên giàu có nhưng Margaret đau khổ vì thấy mình bị tước đoạt tên tuổi. Càng ngày Walter càng trở nên độc đoán, hung dữ, và dùng đủ mưu kế để dấu nhẹm tài năng của vợ. Khi Walter đe dọa sẽ thủ tiêu nàng nếu nàng công khai nhận nàng là tác giả của những bức tranh mang tên Keane, Margaret dẫn con bỏ trốn sang Hawai sống và bắt đầu vẽ tranh dùng chính tên của nàng. Sau đó nàng kiện Walter tội phỉ báng và mạo danh. Trước tòa Walter cứ nhất định là tranh của hắn vẽ, hắn còn trộm sách vẽ nháp của nàng để chứng minh là chính hắn vẽ. Để phân minh ai là tác giả của những họa phẩm, tòa bắt hai người vẽ tại chỗ.
Sức mạnh của Margaret, người xem dễ nhận ra là ở chỗ dám làm lại cuộc đời, mang con bỏ trốn hai lần, dùng chính tài năng của mình để kiếm sống và nuôi con. Sau đó nàng đòi lại quyền sở hữu tài năng của mình. Phim lấy bối cảnh xã hội thập niên 1950, đàn bà thường ở nhà nuôi con, vì vậy cuộc sống và tài chính đều phải tùy thuộc vào chồng.
“The Room” dựa vào quyển tiểu thuyết của Emma Donoghue, tôi nghe danh đã lâu nhưng không dám đọc. Cũng ngập ngừng rất lâu mới xem phim, và nó là phim cuối cùng tôi xem trong loạt 6 cuốn phim nói về sức mạnh người phụ nữ. Joy Newsom bị bắt cóc năm 17 tuổi. Nàng bị giam trong một cái nhà chứa đồ dùng (shed) đến bảy năm, bị kẻ bắt cóc nàng hiếp dâm, và có một đứa con trai với hắn. Đứa bé được 5 tuổi, tên Jack. Hai mẹ con gọi kẻ bắt cóc nàng là Old Nick, không gian nhỏ bé chật hẹp của hai mẹ con là The Room, căn phòng. Câu chuyện được kể qua giọng kể của Jack. Joy rất yêu con, luôn luôn tìm cách để hai mẹ con có thể trốn khỏi tay Old Nick. Joy giả vờ Jack bị ốm cần phải đi bệnh viện nhưng không kịp nên Jack chết. Nàng quấn Jack trong tấm thảm để Old Nick mang đi chôn. Trước đó nàng luyện tập Jack cách tự tháo mình ra khỏi tấm thảm, học câu nói kêu cứu, và khi xe vừa ngừng trước bảng stop sign thì nhảy xuống xe và kêu lên để cầu cứu. Trốn thoát không dễ dàng, nhưng nhờ Jack cả hai mẹ con được giải thoát. Sau đó là thời gian cả hai mẹ con phải học cách thích ứng với xã hội sau bảy năm bị giam cầm trong cái nhà kho nhỏ bé. Joy cảm thấy bất mãn là mình bị mất tự do và tuổi trẻ, trong khi bạn bè và người thân họ vẫn sống như Joy không từng có mặt trong cuộc đời. Thậm chí Joy còn trách mẹ của nàng đã dạy nàng, “phải tử tế” (be nice). Joy cho rằng vì lời dạy của mẹ, khiến nàng nghe lời Old Nick rằng con chó của hắn bị bệnh cần nàng giúp vì thế bị bắt cóc. Giữ cho tinh thần mình tỉnh táo, nuôi dạy con trong hoàn cảnh bị giam cầm, bị hiếp, và luôn hy vọng sẽ vượt thoát, dĩ nhiên Joy là người có sức mạnh tinh thần đáng khâm phục.
Ngoại trừ, Erica Bain, trong phim “The Brave One”, tất cả 5 người phụ nữ đều làm mẹ. Erica Bain, nếu có con sẽ không thể liều lĩnh trừ gian diệt ác như thế. Cả 5 người phụ nữ trong phim đều yêu con, đều muốn đời sống của con được tốt đẹp. “Changeling”, “Still Alice”, “Big Eyes” và “The Room” dựa vào chuyện có thật. Hình như Juno cũng thế. Đặc biệt ba người phụ nữ Christine Collins (bị mất và đi tìm con), Margaret Ulbrich (không muốn bị mất con), và Joy Newsom (nuôi con và yêu con trong hoàn cảnh bất hạnh, ngay cả khi đứa con là do kẻ đã hãm hiếp nàng) đều vì con mà tìm ra sức mạnh để tồn tại và vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt. Ở Juno (tìm người có thể thương yêu và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp cho đứa con), tôi nhận ra sự can đảm của một cô bé dám chịu đựng lỗi lầm của cô. Thật không dễ dàng gì làm một cô bé mang thai, đi học, giữa sự soi mói dè bĩu của đám bạn bè cùng tuổi cũng như sự phán đoán đạo đức của các bậc người lớn bề trên.
Ở tuổi này, tôi xem “Still Alice” nhìn thấy sự hao mòn trí óc của Alice mà lo sợ cho chính bản thân tôi. Tôi vẫn tự hỏi mình, với những người có nhan sắc, thậm chí được xem là đẹp nhất trên màn ảnh, trên sân khấu, hoa hậu quốc gia hay thế giới, họ cảm thấy thế nào, đau khổ đến mức nào, khi bị mất nhan sắc? Một vận động viên đoạt huy chương vàng trên thế giới họ đau khổ như thế nào nếu có một ngày họ không thể cử động được? Alice, là một phụ nữ trí thức, có lẽ cũng xinh đẹp, nhưng bà tự hào với trí thức của bà. Mất trí nhớ là mất luôn trí thức, dần dần trở nên một người không hồn, một đau khổ vô cùng to lớn, có lẽ còn hơn mất nhan sắc. Trên đà xuống dốc, Alice than thở, chẳng thà bà bị bệnh cancer, tốt hơn bệnh Azheimer, vì người ta thương xót người bệnh cancer hơn, đeo nơ hồng để chúc lành cho người bệnh. Còn Azheimer nhiều khi gây tức bực khó chịu giống như bệnh giả vờ.
Các bạn nghĩ sao?
Từ Không đến Có, rồi lại trở về Không…Buồn bã, đau khổ…nhưng biết làm sao được, ngoài Chấp Nhận?
LikeLiked by 2 people
Bị ung thư thường dễ chết nên người ta tiếc thương và cái nơ hồng được mang dán khắp nơi dễ đập vào mắt dễ nhắc nhở về căn bệnh đau đớn kinh khủng trước khi chết – bị bệnh mất trí nhớ thường sống rất lâu vì không còn giận buồn thương ghét lúc nào cũng như em bé phải sống dựa vào người khác – mình đã chứng kiến nhiều bệnh nhân mất trí nhớ sống đến khi người chăm sóc không thể nào chăm sóc tốt cho họ nữa – họ mới tàn lụi mà ra đi cũng đã gần hết cuộc đời 80 đến 90 tuổi! Có lẽ vì thế mà ít ai để ý đến căn bệnh này chăng – mình có đọc đâu đó Nhật Bản đã – đang nghiên cứu việc dùng tế bào gốc để ngăn chận việc tế bào não bị hủy hoại – gây nên chứng bệnh kinh khiếp này – người bị bệnh nhìn không bị lão hóa nhanh nên còn đẹp cho đến ngày ra đi đó chị Tám!
Mình không dám xem phim kể cảnh khổ của phụ nữ nữa, trước đây thì đọc xem cho bằng được để so sánh xem phụ nữ Việt Nam khổ đến mức độ nào – nay câu trả lời là cái khổ của muôn loài hầu như giống nhau ngang bằng nhau – kết quả của những nỗi thống khổ ấy sẽ thế nào lệ thuộc vào tình yêu thương trong trái tim người mang nỗi khổ ấy – có yêu đủ để sống tiếp hay không? Yêu người tạo dựng nên mình – Yêu con – yêu đời! Bây giờ mình xem phim thế giới động vật chao ơi những con vật giống cái khi có con nhỏ chịu khổ nhiều hơn con người lắm lắm luôn Tám ơi!
Vậy câu triết lý nhà Phật: “Sống để khổ rồi chết” đúng cho vạn vật muôn loài.
Cám ơn chị Tám nghen, đào sâu vào khoảng “nhân gian muốn hiểu” để có người lười biếng bỗng hớn hở trả lời nè – cuối năm 2020 rồi nhanh quá chị Tám ơi – mong anh chị và các cháu mạnh khỏe an lành để chúng mình san sẻ những suy nghĩ bâng quơ cùng nhau trong nhừng ngày thênh thang “hưu nai” trước mặt.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Như Hoa về lời chúc và cái comment đầy suy nghĩ. Chúc Như Hoa và cả gia đình một Happy New Year.
LikeLike