Tuyết

Đường tuyết

Đây không phải là tấm ảnh cũ mà bạn đã nhìn thấy trên blog này, hay trên FB. Đoạn đường cũ vẫn nằm đó tôi đi cả năm nay nhưng lớp tuyết thì rất mới. Ảnh chụp ngày 6 tháng Hai, năm 2021. Ngày hôm trước, hay trước nữa, tuyết rơi chừng 18 hay 20 inches (20 in. tương đương với 5 tấc). Hôm 6 tây, tôi với ông Tám đi bộ trên con đường tuyết này. Dự định đi và về 7.2 miles nhưng chỉ đi được gần 2 miles tôi đổi ý muốn về (cộng đường về là gần 4 miles), bởi vì tuyết dày quá, lún ngập chân khó đi. Tôi bước lên những bước chân người ta đã đi trước đó. Có người mang snow shoes đi để lại những vết vừa dài vừa rộng, tuyết nén xuống khá cứng, có lẽ người ấy phải cao lớn và to béo, tôi bước lên những vết chân ấy nên dễ đi hơn. Thầm nhớ vài câu trong một bài hát có lẽ cũng xưa lắm. “Đặt chân lên dấu chân người đã khuất. Trồng cây hoa lên dấu chân của người.” Dĩ nhiên đã khuất ở đây không hiểu theo nghĩa đã qua đời, mà chỉ là đã đi qua. Và chẳng ai có thể trồng hoa lên những dấu chân trên tuyết.

Đi độ gần 2 miles (tương đương 3 km) thì hết dấu của snow shoes. Có lẽ người ấy đi đến đó thì chán nên quay về. Và tôi thấy hết dấu chân để mình có thể nương theo thì đâm ra chán. Thật ra dù đã dẫm lên dấu chân cũ, đường rất khó đi. Tôi loạng choạng, xiêu vẹo, dò dẫm từng bước, rất chậm và mau mỏi. Cứ mỗi lần bước chân bị lún là chân bị vặn lại, chênh vênh. Tôi không ngã, nhưng có một người đàn ông da trắng cao lớn đang chạy (jogging) ngang, ngay trước mặt tôi ông ta ngã đánh uỵch có vẻ khá nặng. Nhờ trẻ và khỏe, ông đứng lên chạy tiếp, có vẻ hơi ngượng ngùng nhưng tôi đã kịp quay mặt đi giả vờ không để ý. Chuẩn bị quay về, tôi chụp tấm ảnh vẫn có dấu chân người nhưng không thấy rõ có lẽ tuyết rơi lấp bớt đi. Tôi định đặt tựa đề cho tấm ảnh. “Đường Trắng” nhưng chợt nhớ ra nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có bài hát với câu “Ngày xưa Huế có con đường trắng, ơi, những con đường trắng”, con đường trắng ấy trước là đường học sinh đi học, năm 68 biến thành con đường khăn tang. Để tránh từ ngữ của nhạc sĩ TTT, tôi đặt tựa đề cho tấm ảnh tôi chụp là “Đường Tuyết.” Cũng trên đoạn đường này, có một con nai con nằm chết, chẳng hiểu vì lạnh hay vì đói, hay cả hai. Thấy thương tâm.

Hôm qua tuyết lại rơi chừng 6 hay 7 inches (độ tấc rưỡi). Không có cơn tuyết nào giống cơn tuyết nào. Tuyết hôm 6 tây, khô và xốp, rơi như bụi bay. Sau cơn tuyết có gió mạnh nên tuyết không đóng trên cành. Tuyết hôm 8 tây dày và nặng, mỗi cánh tuyết to như miếng bông gòn nhưng nặng hơn. Trời không gió nên tuyết đóng đầy trên cây. Sau đó trời lạnh dưới độ đông nước đá nên tuyết vẫn còn bám trên cây khá nhiều trông giống như những đóa hoa. Tuyết rơi, đường ít xe chạy, mọi tiếng động đều bị tuyết làm giảm bớt, vạn vật trở nên im lìm. Người ta dễ cảm thấy yên tĩnh hòa hợp với thiên nhiên. Cái tiếng động thân thiết nhất trong nhà là tiếng lò nấu nước nóng để sưởi.

Nắng sớm

Tôi chụp cả trăm tấm ảnh tuyết, chẳng có tấm nào đẹp, nhưng dù không đẹp thì cũng là công của mình chụp. Ảnh chẳng có gì, một cành cây bị tuyết bám, sau cơn tuyết rơi nắng lên. Tuyết, màu trắng tinh khôi, sáng lóa mắt. Ngay cả khi không có nắng vẫn lóa mắt, có nắng lại càng chói chang nhức mắt hơn. Ngay cả khi ở trong nhà, tôi có lúc phải đeo kính đen, nhất là lúc rửa chén đứng quay mặt ra cửa sổ hướng về cánh rừng sau nhà.

Tuyết thì trắng, dĩ nhiên rồi, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gặp từ ngữ tuyết đen hay black snow. Tìm tòi trên mạng không thấy gì, vài quyển sách có tựa đề black snow, truyện tranh, tiểu thuyết đen, loại án mạng, hình sự, tội ác, nhưng không giải thích nhiều. Chắp nối chỗ này một chút chỗ kia một chút, thì tuyết đen có thể dùng để chỉ tro (ash). Có nhiều loại cây hay lá khô sau khi cháy, tàn tro có màu trắng lẫn với màu đen. Tuyết đen cũng có thể ám chỉ một loại ma túy nào đó, bạch phiến chẳng hạn. Trong quyển Xứ Tuyết (Snow Country) của Yasunari Kawabata, ở đoạn mở đầu có nói thoáng qua về tuyết màu đen. Ở vùng núi, phía Bắc nước Nhật có khi tuyết rơi dày đến 15 feet (tương đương với 3 mét). Ngày xưa (vào thập niên bốn hay năm mươi của thế kỷ 20) nơi người ta dùng củi để đốt lò sưởi. Khói bay ra, xuyên qua mái tranh đóng tuyết dày, ám lại biến thành tuyết màu đen. Và với riêng tôi, tuyết rơi, nhất là ở thành phố, đất bẩn bám vào tuyết biến tuyết thành màu đen.

Tuyết không chỉ có màu trắng, nó còn có màu xanh nhạt, màu xanh giữa xanh lơ (pale blue) và xanh lục (pale green). Tôi tưởng chỉ tuyết ở vùng Bắc cực hay Nam cực nơi có khối băng khổng lồ và những lục địa dài hằng dặm, dặm này tiếp nối dặm kia, toàn tuyết thì tuyết mới có màu xanh. Thật ra khi dọn tuyết, và lúc đi bộ trên đường tuyết, tùy theo hướng ánh sáng, ở những vạt tuyết được xúc đổ thành đống cao như vách tường, hay trong những bước chân đã lún sâu của người đi trước, tôi thấy tuyết có màu xanh.

Dọn tuyết cũng như đi bộ tôi học được một bài học từ những điều nhỏ bé, nhưng vẫn làm tôi ngạc nhiên khi nhận ra cái quan trọng của những điều nhỏ bé và những việc làm nhỏ bé. Tôi nhận ra nếu tôi chỉ đi từng bước, bước chân này đặt trước bước chân kia, tôi có thể đi rất nhiều dặm đường. Mỗi lần đi bộ có thể đi đến 10 miles tương tương với 16 km. Mỗi lần xúc tuyết (nhìn ông Tám xúc tuyết bằng tay) cứ mỗi nhát xắn xuống tuyết như dùng nĩa xắn vào miếng bánh, vài giờ đồng hồ sau, cũng dọn sạch con đường phủ tuyết dày để lái xe đi chợ. Cứ thủng thẳng mà đi, thủng thẳng mà làm, kiến tha lâu đầy tổ.

Cũng ngạc nhiên là những vị thần chủ mạng của tuyết đa số là phụ nữ. Cổ tích Andersen có Snow Queen (Nữ hoàng tuyết). Truyền thuyết Nhật Bản có Yuki-onna (Bà Chúa Tuyết). Hy lạp cổ có Demeter. Còn nhiều nhưng tôi chỉ nhắc vài tên quen thuộc. Demeter tôi đã viết trước đây, vị thần của mùa màng thu hoạch, và chuyện cổ tích về trái lựu. Vì con gái của Demeter bị Diêm Vương bắt làm vợ, phải ở diêm cung 6 tháng, về trần 6 tháng, nỗi buồn mất con của Demeter khiến thế gian phải chịu 6 tháng từ mùa thu đến hết mùa đông. Mời bạn đọc thêm bài Trái Cấm.

Snow Queen thì hầu như ai cũng biết qua. Nữ hoàng Tuyết là một phụ nữ rất đẹp mặc toàn trắng đi cỗ xe băng. Nữ hoàng Tuyết đến với Kai ban đầu là một mảnh tuyết nhỏ (snow flake) đọng bên cạnh chậu hoa bên cửa sổ. Các tinh thể tuyết được bà của Kai gọi là snow bees (bầy ong tuyết). Bầy ong tuyết đã nuôi dưỡng nữ hoàng tuyết. Cậu bé Kai bị mảnh gương băng rơi vào trong mắt rồi chạy luồn vào trong tim khiến cậu trở nên độc ác. Kai bị nữ hoàng tuyết bắt đi đem giam vào lâu đài băng, hôn cậu bé hai lần. Lần đầu để cậu bé không còn biết lạnh. Lần thứ nhì để cậu bé quên đường về, quên cả cô bạn bé thơ Gerda. Nếu được nữ hoàng Tuyết hôn lần thứ ba là cậu sẽ vĩnh viễn thuộc về thế giới giá băng. Gerda đi tìm Kai dù mọi người đều nói rằng Kai đã chết. Lòng yêu thương đầy thơ ngây, và những giọt nước mắt của Gerda làm tan chảy hết mọi giá băng của lòng người cuối cùng mang Kai về với cõi người.

Yuki-onna, bà Chúa Tuyết, của Nhật Bản xuất hiện khá nhiều, nếu bạn thường xem phim hay đọc truyện của Nhật. Hình như ở một phim nào đó, có lẽ là Kwaidan, hay trong truyện của Hearns, hình ảnh về bà chúa Tuyết khá ghê rợn. Hai người tiều phu, một già một trẻ lỡ đường gặp cơn bão tuyết cùng trú ngụ ở một túp lều hoang. Nửa đêm có một phụ nữ mở cửa vào lều, đến chỗ ông tiều phu già, hớp hồn ông ta. Sang đến anh tiều phu trẻ, người phụ nữ, da trắng bệch đến gần như xanh, nói rằng vì ngươi còn trẻ khá đẹp trai nên ta tha cho. Nhưng nhà ngươi không được tiết lộ với bất cứ ai về tông tích của ta, nếu không ta sẽ giết nhà ngươi. Nói xong nàng biến đi. Anh tiều phu trẻ đến xem người tiều phu già, thì thấy ông đã chết.

Nhiều năm sau, chàng tiều phu ở với mẹ già, người trong làng xui chàng lập gia đình nhưng chàng nghèo quá không ai lấy. Ngày kia có cô gái trẻ lỡ đường, mệt, chàng đưa về nhà cho uống nước. Cô gái dễ thương, cảm mến tình cảm của chàng tiều phu và bà mẹ, nàng tình nguyện ở lại làm vợ chàng. Cuộc hôn nhân đầm ấm tốt đẹp hai người có một con trai. Ngày kia nhìn vợ đang kết giày, chàng bảo trông nàng giống bà chúa tuyết, chàng đã gặp một đêm khuya ở lều hoang trong rừng. Người vợ lập tức biến thành bà chúa tuyết và bảo rằng, “ta đã dặn ngươi không được nói đến tông tích của ta. Nay người phạm lỗi, nhưng vì có con với nhau nên ta tha chết.” Xong rồi nàng biến thành cơn gió bay ra cửa trong bão tuyết. Để chàng tiều phu một mình nuôi con.

Viết đến đây thì tôi có việc phải đi. Như thường lệ, bài tôi viết không có kết cục.

27 thoughts on “Tuyết”

  1. Cám ơn Hà bài viết về tuyết rất súc tích.
    Đến đoạn về “con đường trắng” ở Huế làm ngậm ngùi.

    Ngày xưa Huế có con đường trắng
    Ơi con đường trắng
    Áo trắng đơn sơ,
    Áo trắng ngây thơ,
    Áo trắng như mơ,
    Áo trắng học trò

    Nàng Tôn Nữ tóc nghiêng vành nón,
    Ơi nghiêng vành nón,
    Tiếng guốc khua vang,
    Ánh mắt mênh mang,
    Ríu rít như chim,
    Khắng khít tìm đàn

    Các em đi vàng thu, lá thu bay
    Đường lên trường Đồng Khánh gió heo may
    Tôi đứng chờ bên dòng Hương xanh ngát,
    Nghe lòng mình xao xuyến, ngất ngây say …

    Hò … ơ … ờ … ơ … ơ … í … í … i … à … ơi
    Ngày nay Huế có nhiều con đường trắng
    Áo qua Đông Ba,
    Áo về Thượng Tứ,
    Áo lên Bến Ngự,
    Áo ngược Phú Cam …

    Hò ơi, ơi Đầu xanh mà ai quấn khăn tang
    Mùa xuân chừ héo hắt
    Hò ơi Mùa xuân mà héo hắt,
    dấu hờn chưa nguôi …Hò ơi ơi …

    Ngày nay Huế có nhiều con đường trắng
    Ơi con đường trắng,
    Áo chế thương đau,
    nước mắt tuôn mau,
    Áo trắng ngây ngây,
    Áo trắng lạnh người

    1. lúc viết đoạn con đường trắng chắc cô Hải Hà cũng đang nghĩ đến cô Tống Mai, vì con đọc con cũng nghĩ đến Huế thương của cô.

    1. Cám ơn cháu đã đọc. Thật là thú vị về chuyện đời. Có nhiều thứ tưởng như là cũ lắm, xưa lắm, những chuyện mình ngại nói ra con cháu sẽ gắt, biết rồi khổ lắm nói mãi, thế mà vẫn có người cho là chuyện mới. Đó là điểm cô thích ở các bạn trẻ trên mạng, những người nhìn cuộc đời bằng đôi mắt sáng tinh, thấy cuộc đời vẫn còn mới lạ.

  2. Trước bài post của cô, cháu đọc một bài review về tiểu thuyết của một giảng viên ngữ văn, và thật thú vị là bài của cô Tám có chất tiếng Việt nhiều hơn post review kia. Cháu đọc dễ dàng, trơn tuột, không hề gặp vật cản nào :D. Thật hay là bao nhiêu năm ở nước ngoài mà chất tiếng Việt của cô vẫn rất dồi dào ạ.

    1. Cám ơn cháu. Nghe khen thật mát lòng. Cô vẫn hay bị chê viết văn sượng sượng như văn dịch. Viết review sách nhiều khi bị ảnh hưởng văn của những bài review khác, nhớ cái ý hay muốn lập lại, nhưng cách suy nghĩ và diễn tả của người Tây/Mỹ khác với người mình. Hễ nó ảnh hưởng mà mình không chú ý là viết văn như dịch vậy. Cô bây giờ đọc tiếng Việt hàn lâm là bị sượng ngay vì không hiểu chữ Hán Việt ấy có nghĩa là gì. Không hiểu cũng không dám kêu sợ bị kêu là dốt tiếng Việt.

      1. Dạ có lẽ cháu hiểu khúc mắc của cô Tám. Vì trong lớp học tiếng Anh nhiều năm trước, thầy cháu vốn nghiên cứu về Ngôn ngữ ứng dụng cũng nhắc đến cách diễn đạt của người nói tiếng Anh và tiếng Việt. Cô Tám ở nước ngoài nhiều năm nhưng cháu hiếm khi thấy đoạn nào gọi là “dịch” cả, nên cháu nghĩ đây là một nỗ lực lớn ạ. Chứ cháu đây, ở với bạn trai Mỹ 1 năm thôi mà đã mấy lần vất vả lắc óc để tìm lại câu từ tiếng Việt. Cháu lại ko thích lạm dụng nhiều từ Hán Việt quá, nếu ko thực sự cần thiết. Gần đây ở VN có xu hướng dùng nhiều từ Hán Việt, từ cổ trong văn viết khiến người đọc cứ như bị nấc cụt vì ko hiểu gì. Đối với cháu thì đây là sự thất vại chứ ko có gì ghê gớm cả.

          1. Dạ cháu cám ơn cô, cô chúc làm cháu ngại quá vì cháu lười viết lắm ạ huhu. Cháu cũng chúc cô chú khoẻ mạnh để ngày ngày đi bộ, chăm các bạn mèo, tận hưởng cuộc sống ạ :D. Cho cháu gửi lời hỏi thăm chú Tám với ạ, vì cháu cũng là người Bắc, tự nhận vơ là có chút liên quan với chú ạ, hihi.

  3. năm ngoái con xem một chương trình trên TV có câu hỏi: tại sao những ngày tuyết rơi ta lại thấy yên ắng hơn bình thường?
    ngta giải thích là những dao động của âm thanh (tiếng động) trong không khí trước khi đến tai người thì hầu như bị tuyết hấp thu hết, nên cảm thấy tĩnh lặng.
    con chịu lạnh dở nhưng vẫn thích nghịch tuyết.

    1. Đúng là tuyết hấp thu mọi âm thanh, khiến người ta cảm thấy tĩnh mịch hơn. Sức chịu lạnh của con người cũng thay đổi theo thời gian và kinh nghiệm đó cháu. Chơi với tuyết, nếu vui và có bạn cùng chơi thì mau ấm người nhờ vận chuyển. Cháu nên mặc nhiều lớp từ mỏng đến dày, để khi nóng thì có thể cởi bớt ra. Gì thì cũng do quen thôi.

      1. Thật ra là cả hai. Hồi đi làm, Hà chờ xe lửa, xe lửa chạy trờ tới, thường khi tiếng động của bánh xe trên đường sắt, tiếng máy xe lửa rất ồn ào. Nhưng hễ có tuyết thì tiếng động giảm hẳn đi. Âm thanh phát đi bằng làn sóng (wave) nên tuyết cản những làn sóng ấy.

  4. Bài viết giàu sức sống, đọc thú vị. Gần Tết hơi bận rộn chút nên em đọc vội. Chắc chắn em sẽ đọc lại vài lần. Chị viết về tuyết, về mùa đông, nhưng em đọc không thấy lạnh lẽo. Ngộ heng.

  5. Thấy Hà còn rất khỏe Thảo vui,
    Đi chơi đường tuyết thật kỳ khôi,
    Khiến Thảo đọc say mê không dứt,
    Từ tuyết này bay qua tuyết khác.

    Chuyện nào cũng nối kết với nhau,
    Đọc hết không dừng một chút nào,
    Bà Chúa Tuyết, Yuki-Onna,
    Giết ông già, chạy theo ông trẻ.

    Thấy đẹp trai nên lấy làm chồng,
    Đến khi có được một con trai,
    Chỉ một câu nói giữa hai người,
    Có ai nghe đâu mà bỏ chạy.

    Bỏ con là người Ác, đừng tiếc,
    Một mình nuôi con cũng ổn rồi,
    Biết đâu mai kia gặp một Người,
    Người thật thà mới ở dài lâu.

    DTQT. 10/02/2021.

Leave a comment