
Hồi còn nhỏ, ở Việt Nam, nhà tôi có nuôi gà vịt. Tôi thường thấy gà vịt ngủ chỉ đứng một chân. Bây giờ ở Hoa Kỳ, những lần đi bộ tôi gặp chim hạc (great blue heron và sandhill crane) và ngỗng cũng ngủ đứng một chân. Ảnh này chụp hôm 24 tháng 2 năm 2021, mặt đất đóng đầy tuyết, mỗi bước lún đến cả hai tấc. Liên tiếp hai ba hôm nay, trời ấm hơn độ đông nước đá, có nắng suốt ngày, nên tuyết tan. Hôm nay mưa, nhiệt độ ngoài trời chừng 2 độ C. và có thể lên đến 10 độ C. Tuyết ở sân trước nhà tôi tan gần hết, để lộ mặt đất. Bởi vậy tôi hy vọng là đã hết mùa tuyết năm 2021. Hy vọng này có thể nói là quá sớm, bởi vì chưa hết tháng Hai. Qua đến tháng Ba có thể có tuyết nhưng sẽ không đóng lâu trên mặt đất. Cứ hy vọng như thế cho đỡ buồn, cái buồn của người sống trên xứ tuyết.
Nhắc đến chữ xứ tuyết, tôi lại nhớ đến quyển truyện của ông Yasunari Kawabata. Tôi đọc một số truyện của ông trong đó có ba truyện ông viết có bối cảnh là tuyết. Truyện dài nhất là “Xứ Tuyết” (Snow Country) được dịch giả Edward Seidensticker, người dịch nhiều tác phẩm của Kawabata, khen là tác phẩm hay nhất. Truyện không dài lắm, có thể xem là novella. Còn hai truyện kia là truyện ngắn. “First Snow on Fuji” (Tuyết đầu mùa trên Phú Sĩ Sơn) in trong tuyển tập truyện ngắn cùng tựa đề do Michael Emmerich dịch và “Snow” (Tuyết) trong tuyển tập “Palm-of-the-Hand” (Lòng Bàn Tay) có hai dịch giả Lane Dunlop và J. Martin Holman. Riêng truyện ngắn “Snow” là do Lane Dunlop dịch.
“Tuyết đầu mùa trên Phú Sĩ Sơn” hầu như chẳng chú trọng gì đến tuyết. Truyện nói về hai người đã từng yêu nhau. Utako có thai với Jiro, nhưng đứa con bị cha mẹ Utako bắt phải đem cho và phải đoạn tuyệt với Jiro. Utako lập gia đình, có hai con, vừa mới ly dị thì tình cờ gặp lại Jiro ở trạm xe lửa. Hai người đi chung chuyến xe lửa đến Hakone, nơi có suối nước nóng. Jiro cho biết đứa con của hai người bị đem cho, về sau chết. Trên chuyến xe lửa Jiro chú ý đến tuyết vừa mới rơi đợt đầu tiên trên núi Phú Sĩ nhưng Utako không để ý vì mãi nghĩ đến chuyện xưa của hai người. Cho đến khi chia tay, nàng mới để ý là lớp tuyết cũng chẳng có gì đáng chú ý. Tôi định dùng chữ núi Fuji nhưng vì hồi xưa ở VN, người ta dùng chữ Phú Sĩ Sơn nghe cũng hay hay nên bây giờ lập lại từ này để… hoài cổ.
Tuyết trong truyện ngắn “Snow” chỉ là tuyết trong tưởng tượng. Hằng năm ông Noda Sankichi thuê một căn phòng trong một khách sạn cao nhiều tầng ở Tokyo. Ông gọi khách sạn này là Dream Hotel (Khách sạn Mơ). Và căn phòng ông thuê trong khách sạn ông đặt tên là Snow Room (Phòng Tuyết). Liên tiếp từ buổi chiều ngày đầu năm cho đến buổi sáng ngày thứ ba ông ở trong phòng tuyết để suy nghĩ và tưởng tượng về tuyết. Ông khép rèm, nhắm mắt, và khi ông “tịnh” đủ lâu thì tuyết sẽ xuất hiện trên tường, những đóa hoa tuyết to như hoa mẫu đơn, và bố ông sẽ xuất hiện, đặt ông lên vai vì ông sẽ biến trở lại thành một đứa bé bốn năm tuổi để ngắm tuyết. Rồi sau đó, tuyết sẽ xuất hiện trên những cánh chim, và ông nghe từ trên lưng chim tiếng vọng của những người tình trong quá khứ.
Xứ Tuyết là câu chuyện giữa Shimamura và nàng geisha Komako ở vùng suối nước nóng onsen Yuzawa. Shimamura là một người giàu có, do thừa hưởng gia tài. Tôi không biết chắc số tuổi nhưng đoán ông khoảng năm mươi. Komako còn trẻ, 19 tuổi, nhưng bị Shimamura cho là già trước tuổi. Với son phấn ông đoán Komako chừng 22 tuổi. Geisha, ai cũng bảo không làm điếm, không đi khách. Tuy vậy, geisha ở vùng núi cao, nhiều tuyết, có người cũng thỉnh thoảng vén rào. Không thể nói mối quan hệ giữa hai nhân vật là tình yêu. Shimamura thích Komako vì cô nàng trẻ, rất sạch sẽ, (viết đến đây thì tôi lại nhớ đến họa sĩ Andrew Wyeth, đã nghĩ về cô người mẫu khỏa thân Helga, rất sạch sẽ), hiểu biết về kịch kabuki, và vui chuyện. Komako thì đang cần một nhà giàu bảo trợ nàng nên quyết tâm chinh phục Shimamura. Có lẽ trong quá trình chinh phục này nàng đâm ra yêu ông nhà giàu, hay chỉ tưởng tượng là mình yêu.
Ở Shimamura, người đọc dễ nhận thấy ông không nhầm lẫn tình yêu. Với ông quan hệ với nàng nghệ nhân chỉ là giải trí và khoái lạc. Ông có vợ. Trên chuyến xe lửa đến vùng xứ tuyết ông gặp một phụ nữ trẻ có đôi mắt đẹp và giọng nói hay. Giọng nói hay, du dương đến độ ông cảm nhận được sự cô đơn trong giọng nói. Cô gái ấy tên là Yuko. Nàng đưa một người đàn ông, còn trẻ nhưng yếu đuối bệnh tật về xứ tuyết. Người đàn ông ấy là Yukio có mối quan hệ khá phức tạp với cả Yuko và Komako. Đôi mắt và giọng nói của Yuko đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ của Shimamura với Komako.
Yukio và Komako là bạn thời niên thiếu. Người ta đồn là hai người đã đính hôn nhưng Komako bảo là mẹ của Yukio có bàn đến chuyện đính hôn cho hai người nhưng không tiến hành. Mẹ của Yukio đã dạy nhạc cho Komako để nàng trở thành geisha, nên khi bà giáo dạy nhạc đau yếu, Komako về ở chung với cô giáo, làm việc để trả nợ cho anh con trai mắc nợ vì đau yếu. Yukio, quan hệ với Yuko không rõ ràng, có vẻ như là tình nhân với nhau, hay là vợ chồng không chính thức. Khi Yuko đưa Yukio về xứ tuyết Yuzawa (để chết) thì tình trạng khó xử xảy ra. Shimamura ngấm ngầm yêu thích Yuko càng làm tổn thương Komako.
Tuyết trong quyển này thì nhiều lắm, dày lắm. Chiều dày của tuyết có thể từ 7ft đến 15ft. Hoa tuyết thì to như hoa mẫu đơn. Người đọc dễ yêu thích truyện của Kawabata, vì ông khéo léo mang văn hóa mỹ thuật của Nhật vào tác phẩm. Trong Thousand Cranes (Ngàn Cánh Hạc) ông nói về trà đạo và gốm sứ. Trong Beauty and Sadness (Cái Đẹp và Nỗi Buồn) ông nói về vườn thiền. Trong Snow Country (Xứ Tuyết) ông nói về cuộc đời geisha ở vùng núi non tỉnh lẻ. Đặc biệt trong Xứ Tuyết ông nói về một loại vải người ta bện, dệt, phơi và nhuộm trong tuyết. Chijimi.
Hầu hết trong các tác phẩm của Kawabata mà tôi đã đọc qua, nhân vật nam không hề yêu say mê. Họ nếu có yêu thì chỉ yêu một cách hờ hững, tỉnh táo. Các nhân vật nữ chính của ông đều quằn quại với tình yêu của họ, thậm chí đi đến chỗ tự tử. Trong Xứ Tuyết cũng vậy, tôi thương hại cho nàng Komako dù rất có thể cô nàng cũng chẳng yêu thương gì ông Shimamura. Chỉ là một sự chinh phục, một cuộc gây dựng business không thành công.

Truyện Xứ tuyết cháu cũng thấy khá rầm rộ ở VN. Đợt rồi cháu đọc cuốn truyện ngắn của Tanizaki Junichiro mà không ưng ý lắm, phải bỏ dở một số truyện. Tại vì những cuốn về của các tác giả Nhật mà cháu đọc thì cháu thấy có điểm chung là họ hơi cực đoan và thường bị ám ảnh với cái đẹp bề ngoài đối với cháu nó hơi … thiếu cân bằng. Hồi trẻ thì ngỡ cứ hết mình, cứ cực đoan là tốt, nhưng mấy năm gần đây cháu thích sự cân bằng hơn.
LikeLiked by 1 person
Thư viện địa phương của cô có rất ít truyện của Tanizaki Junichiro, cô chỉ đọc một truyện ngắn, xem một phim dựa vào truyện của tác giả này. Cám ơn cháu, cô không để ý lắm chuyện thiếu cân bằng này nên sẽ suy nghĩ thêm. Có lẽ khi viết truyện người ta cố ý cực đoan để hấp dẫn người đọc.
LikeLiked by 1 person
Hồi nhỏ em có đọc một số truyện cổ Nhật Bản. Sau này có đọc vài truyện ngắn. Kawabata hình như em chưa đọc dù có nghe tên. Em có cùng nhận xét với ThuyHoa là qua những gì em đọc (em không nói là tất cả) em có cảm nhận có lẽ các nhân vật hơi cực đoan. Khí quyển truyện thường u ám. Họ hay bị ám ảnh bởi sự cô đơn, cái chết, tự sát. Có vẻ không thiết tha cuộc sống. Mà cuộc sống thì muôn màu, phong phú, thú vị. Khi buồn, ở xứ tuyết lạnh, đọc truyện buồn, bi quan khiến người đọc dễ bị tê, dại.
Em thích những bức tranh của hoạ sĩ Nhật Bản chị đăng trên blog.
Em thích 2 câu thơ cổ này của Nhật.
Dù tan vỡ đi tan vỡ lại
Ánh trăng trong nước còn lại mãi.
LikeLiked by 2 people
Xin lỗi, em gõ nhầm.
Dù tan vỡ đi tan vỡ lại
Vầng trăng trong nước còn lại mãi.
( vầng trăng, chứ không phải ánh trăng)
LikeLiked by 2 people
Cám ơn Hạnh. Bài thơ rất hay. Đúng hơi thơ haiku của Nhật. Cả ánh trăng hay vầng trăng trong nước đều ảo diệu.
LikeLike
Có một số tác giả Nhật rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ, có lẽ bị bệnh trầm cảm, u uất, có khuynh hướng tự tử. Thí dụ như Yukio Mishima, Ryunosuke Akutagawa, và ngay cả chính Kawabata. Đây là ba tác giả Nhật chiếm chỗ rất lớn trên văn đàn Hoa Kỳ. Còn một tác giả nữa, Kenzaburo Oe được giải văn chương Nobel nhưng chị chưa đọc trọn quyển sách nào của ông nên không biết nhân vật của ông có cực đoan không. Người ta có thể bàn luận về chủ đề này rất nhiều, rất lâu, và càng đọc càng thấy buồn hơn. Vấn đề tự tử chị không hiểu biết nhiều nên không dám đụng đến. Có lẽ mình đọc sách truyện của nhà văn nổi tiếng, nhưng họ có bệnh u uất trầm cảm, văn của họ khiến mình có cảm tưởng nhà văn Nhật đều như vậy chăng? Một điểm nổi bật về văn hóa cổ của người Nhật, ảnh hưởng từ thời samurai, là họ xem tự tử là cái chết cao thượng, bảo toàn danh dự, can đảm. Chị thì nghĩ đến cũng thấy rùng mình rồi. Vả chăng, nhân vật cực đoan dễ khiến người đọc chú ý chăng?
LikeLiked by 1 person
Thiên tài thường mang u uất trong tâm hồn họ. Mai nghĩ vậy. Văn của họ xuất chúng vì cái u uất đó. Cái mà người ta gọi là bất bình thường, Mai gọi là gift of life : )
LikeLiked by 1 person
Hà đồng ý với Mai.
LikeLike
Ảnh Hồ Băng thanh tịnh, yên bình. Là tên hồ, hay hồ bị đóng băng nên chị đặt tên như vậy?
LikeLiked by 1 person
Mặt hồ đóng băng chị đặt tên như vậy. Đây là một cái hồ, đúng ra là cái ao nhỏ xíu trong hằng trăm hằng ngàn cái ao vô danh ở địa phương.
LikeLike