Chuyện mấy con ngỗng Canada

Cãi nhau trên mái nhà

Tên của loài ngỗng này là Canada, nhưng chúng nhận New Jersey làm quê hương chẳng biết từ thuở nào. Khi chúng nó bay trên cao thấy mảnh mai với cái cổ dài duyên dáng, nhưng nhìn gần thì con nào con nấy to ghê lắm. Cỡ 20 lbs là ít nhất (22 lbs là 10kg). Một con mèo già béo ú ụ như nàng Nora của tôi thì chỉ chừng 13 lbs thôi.

Lần nào đi bộ tôi cũng thấy nhiều đàn ngỗng bay ngang. Có khi đàn này nối tiếp đàn kia, mỗi đàn cả trăm, hay vài trăm con. Trên dòng kênh Delaware and Raritan ngỗng có khi tụ thành đàn năm bảy con, có khi chỉ một đôi. Trên dòng sông Millstone, ngỗng đậu đầy, hằng ngàn con. Thường thì chúng im lặng, nhưng khi chúng ồn ào thì cũng rất ồn ào. Ảnh hai con chim bên trên, chẳng biết chúng đang cãi nhau hay chỉ là những lời tình tự của mùa Xuân. Mùa này tỏ tình, cỡ tháng Tư hay tháng 5 đã thấy các bé ngỗng con được bố mẹ dẫn đi lang thang ở những đoạn đường trail vắng người.

Vươn vai

Ở một đoạn đường trail, từ hướng South Boundbrook Park đi về hướng Landings, ở chỗ kè đá nơi tôi chụp ảnh hoa xuyên tuyết (hay hoa điểm tuyết, còn gọi là Snowdrop) tôi thường thấy một đôi ngỗng. Tôi không dám chắc nhưng hình như loại ngỗng này thường ở với nhau suốt đời. Con ngỗng trong ảnh đang tắm táp chơi đùa vui vẻ lắm. Điểm làm tôi chú ý là cái bầu diều của nó, khi đang lặn ngụp dưới nước có vẻ to lắm, như một cái bong bóng nho nhỏ. Tuy vậy khi nó ưỡn người quạt đôi cánh thì cái bầu diều (ở cuối cuống cổ dài và bắt đầu cái ức) xẹp lại nhỏ đi, không còn gây ấn tượng nữa.

Trở lại với chuyện ngỗng Canada thường cặp đôi đến mãn đời. Tôi thỉnh thoảng thấy một con ngỗng lẻ bạn trôi trên dòng sông, tiếng kêu oang oác rất cô đơn. Đi một chút lại thấy một con ngỗng khác, lần này không ở trên sông mà ở trên kênh (con kênh Delaware và Raritan chảy song song với con sông, có khúc tên là Millstone, còn khúc khác thì nhập vào sông Raritan) cũng kêu oang oác vì lẻ bạn. Tôi tự hỏi sao con này không nhập bọn với con kia. Hỏi rồi tự trả lời, có lẽ cả hai con đều là chim trống hay đều là chim mái.

Sẵn đây mời các bạn nghe bài hát To Be By Your Side do Nick Cave hát. Đây là bài hát trích trong phim Winged Migration, hình như Nick Cave là tác giả. Bài hát nói về một con chim ở nơi xa, bay đường trường nhiều ngày đêm để về một điểm hẹn, ở lại qua đêm với con chim bạn, hôm sau lại lên đường. Không biết con chim trong bài là loại chim gì nhưng có lẽ là một loại chim thiên di, cứ đến mùa xuân thì tìm đường trở về nơi nó được sinh ra đời.

2 thoughts on “Chuyện mấy con ngỗng Canada”

  1. Em thấy ngỗng dáng bay không đẹp như hạc. Em nhớ chị có đăng hình hạc bay thanh tao, uyển chuyển y như múa. Bài hát dễ thương. Gặp gỡ. chia tay. Nhẹ nhàng. Đúng là những cánh chim…với bầu trời tự do, cao rộng. Chị có đặc biệt thích loài chim nào không?

    Liked by 1 person

  2. Cám ơn Hạnh. Mình không đặc biệt yêu thích hay ghét chim nào cả. Thấy con nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Nếu có cơ hội mình muốn xem mấy con sếu đầu đỏ ở Hokkaido của Nhật. Vì chúng đẹp lắm, đẹp kiểu thần tiên. Đến mùa tình ái, bọn chúng có món khiêu vũ độc đáo lắm. Chị xem trong phim của Art Wolfe và Winged Migration của Jacques Perrin thú vị lắm.

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s