Mùa xuân sang có hoa anh đào

Hôm trước tôi lẩn thẩn tự hỏi, giá như không có lịch, không ai nói cho biết lúc nào là Lập Xuân, làm sao mình biết là mùa xuân về. Ở nơi tôi ở có bốn mùa rõ rệt, được miêu tả gần giống như bài thơ Hán Việt.

Xuân du phương thảo địa.  
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi

Nói thì như vậy. Nhưng lúc trời bắt đầu chuyển mùa cũng khó phân biệt. Người sống gần thiên nhiên, có thể nhìn thấy sự thay đổi của thời tiết. Trước nhất là băng giá bắt đầu tan, lúc này đường đi trong rừng rất nhiều bùn. Mưa to mùa hạ và mùa thu không gây bùn trên đường đi, nhưng tuyết và băng giá tan tạo thành những đoạn đường bùn lầy khá dài, vì nước đọng và không thể rút xuống đất, vì bên trong lòng đất, băng giá vẫn còn. Một số băng giá trồi lên mặt đất vì thể tích dãn nở ra.

Tiếp theo là loài tree frogs bắt đầu hòa tấu thành bản nhạc inh ỏi ở các ao trước kia bị đóng băng, nay ao hồ đã có nước. Loại tree frogs này rất nhỏ nhưng có thể chịu được lạnh giỏi hơn nhiều loài khác.

Sau đó là hoa nở. Bên mình có câu hát: “Mùa xuân sang có hoa anh đào. Màu hoa tôi trót yêu từ lâu. Lòng bâng khuâng nhớ ai năm nào, hẹn hò nhau dưới hoa anh đào mình nói chuyện ngày sau.” Ngày xưa tôi không hề biết hoa anh đào ra làm sao, có màu gì, vì có lẽ phải lên tận Đà Lạt mới nhìn thấy màu hoa. Ở đây, New Jersey, cũng có hoa anh đào, rất nhiều loại, chủ yếu là trắng và hồng. Màu hồng thì có loại đậm và nhạt.

Hôm qua ông Tám chở tôi đi chích ngừa Covid-19 mũi thứ hai. Dọc đường thấy hoa nở trắng hai bên đường đi. Ra bên ngoài hơi xa thành phố, có những thửa rừng, cây mọc chi chít, và hoa nở cũng chi chít trên cành. Nhìn từ xa, thấy rừng hoa trắng, đồi hoa trắng, vườn hoa trắng, góc phố, lề đường hoa trắng. Tên hoa theo tiếng Việt là hoa anh đào, người Mỹ gọi là cây cherry. Loại cherry này khác với cherry blossoms, bắt nguồn từ Nhật. Loại anh đào địa phương này mọc khắp nơi, lên nhanh và rất mạnh. Vỏ cây màu xám, bóng hơn các loại vỏ cây khác, nhìn dễ phân biệt, hoa màu trắng, nhụy hồng. Nghe nói loại cây cherry này gỗ chắc, đem chụm làm củi cháy đầm và lâu tàn. Trước nhà và sau nhà tôi, trong rừng cũng có vài cây, nở hoa trắng rất thơm. Trái của nó, giống như loại trái cherry bán trong chợ, tuy nhiên rất nhỏ. Chim rất thích ăn loại trái này. Tôi chưa ăn lần nào nên không biết mùi vị ra làm sao. Trái tuốt trên cao, khó hái. Mùa hè chúng rụng trên sân, càng lúc càng thấy ít đi, có lẽ vì cây già cỗi, hoặc có khi mưa ít, trái gió trở trời.

Hoa của cây cherry mọc hoang, đang mùa hoa nở ở New Jersey

Loại hoa anh đào mọc hoang này trông khá giống với Taihaku, loại anh đào địa phương của Nhật Bản, mà ông Collingwood Ingram đã mất nhiều công sức để gây dựng lại sau khi chúng gần như tuyệt chủng. Taihaku mọc riêng lẻ từng cái. Mỗi búp chừng hai cái hoa, có cuống hoa riêng. Tôi nói khá giống vì thật tình không biết nhiều về hoa anh đào. Tôi so tấm ảnh hoa tôi chụp, với ảnh hoa ông Ingram vẽ, đăng trong quyển “The Sakura Obsession” của tác giả Nako Abe (trang 77 thấy khá giống).

Collingwood Ingram là người Anh, sinh năm 1880 và sống lâu đến 100 tuổi. Ông được đặt cho biệt danh là “Cherry” vì công cuộc cứu vãn cây anh đào trở thành một say mê, ám ảnh (obsession) suốt đời của ông. Sang Nhật chơi năm 1902, rồi 1907, ông phải lòng cây anh đào sakura. Ông mang về Anh cả trăm cây và làm thành một khu vườn anh đào. Năm 1926, trở lại Nhật, ông đau lòng nhận ra anh đào không còn nhiều loại như trước. Người ta cấy (clone) một loại hoa mới, và các loại hoa trước kia dần dần mai một. Đặc biệt, loại Taihaku ông gọi là “Great White Cherry” hoàn toàn tuyệt giống. Ở quê nhà, vườn hoa anh đào của ông vẫn sung mãn. Ông cắt nhánh, cắm vào củ khoai tây, gây giống Taihaku, và gửi trở lại Nhật Bản bằng Trans-Siberian Express. Từ đó cho đến vài thập niên sau, ông trở nên nhà thực vật học (không chuyên nghiệp) gửi mẩu hoa anh đào do ông trồng đi khắp thế giới, trong đó có Auckland, New Zealand cho đến Washington D.C.

Trong khi cả thế giới, bây giờ cũng như thập niên hai mươi, say mê loại hoa đào cánh kép Kanzan, được người Nhật tạo giống, Ingram lại không ưa. Kanzan cánh kép, nở thành từng chùm, sung mãn, lúc lỉu, có bao nhiêu sinh lực đều tỏa ra hết trong chùm hoa. Ông chê trách nó “It flaunts its finery with nauseating frequency.” Và “The eye quickly becomes tired of the agressive beauty of these cherries.” Rằng loại hoa này phô trương quá, nở nhiều đến chóng mặt. Nhãn quan người ta dễ trở nên mệt mỏi với vẻ đẹp hung hăng của loại hoa này. Kanzan có nhiều trên mạng. Vài năm trước tôi có chụp ảnh Kanzan ở vườn bách thảo Brooklyn, nếu tìm thấy tôi sẽ cho lên.

Đây có lẽ là loại Kanzan

Hoa anh đào đẹp. Nhìn ở góc vườn, trước nhà, bên phố đều đẹp. Nhưng đẹp nhất, ý kiến chủ quan của tôi, là ta phải đến một nơi có kiến trúc thật nguy nga, vĩ đại, hay một cảnh thiên nhiên rộng lớn như thành phố Washington D. C. có hàng đào ven bờ sông Potomac, chung quanh điện Lincoln, các viện bảo tàng, mỗi viện bảo tàng chiếm nguyên một block đường, những cội hoa anh đào thật cao hoa dày đặc người đứng dưới gốc không nhìn thấy nắng, hoa rụng thành lớp thảm màu trắng, hồng ngã sang tím nhạt vì héo, thì sẽ thấy tâm hồn rúng động. Thiệt mà.

Chỉ độ một tuần thôi là hoa rụng hết. Chả trách các ông nhà thơ Nhật làm thơ haiku khi các cánh hoa đào rơi bay vào trong sà lách và súp của các ông. Chả trách người ta ví sự phù du của hoa giống như cuộc đời của geisha và samurai. Càng không trách nhà thơ mơ ước được chết dưới cội đào.

Let me die
Underneath the blossoms
In the spring
Around the day 
Of the full moon

Saigyō, 1118-1190

Xin cho tôi chết
Bên dưới tán hoa
Vào mùa xuân
Trong ngày 
Trăng rằm

Nguyễn thị Hải Hà dịch 


Bài thơ này trích trong "The Sakura Obsession" của Naoko Abe, trang mở đầu.
Hoa trắng bên cầu. Đây không phải là hoa anh đào, mà là magnolia trắng, hương thơm ngan ngát.

13 thoughts on “Mùa xuân sang có hoa anh đào”

  1. Sakura và bài thơ của Hạnh hôm qua làm suy nghĩ đến một quãng thời gian darkness at noon muốn quên đi nhưng mỗi mùa đào lại chập chờn trở lại. Sakura giữa những ký ức u buồn ám ảnh suốt cả đời.

  2. Em cảm ơn chị Mai đã đọc thơ.
    Hoa đào mọc thành chùm to quả thật mất đi vẻ thanh tao, mong manh, quyến rũ.

    1. Không bị gì cả Anh kim ạ. Chị chuẩn bị tinh thần để xem cơ thể có phản ứng gì không, nhưng chỉ thấy bình thường như mọi ngày, ê ẩm chỗ mũi kim chích một chút thôi. Mong Anh kim và tất cả mọi người VN đều sớm được chích ngừa. Như vậy thì hy vọng mọi sinh hoạt trở lại bình thường.

      1. VN thì còn chờ lâu chị à. Hôm nay vẫn còn người bị… Nghe chị nói vậy em cũng đỡ sợ vì cứ nghĩ chích ngừa xong liệu có bị gì không?

      1. Hoa mềm, cánh hoa rít rít em nghĩ chắc do mật ở nhụy hoa. Sờ tay vào hoa thấy tim mình mềm theo… Thấy yêu tháng hoa nở nhiều hơn là ngắm bằng mắt!

  3. cô chích mũi thứ hai vậy là khỏe đó cô, bữa qua con cũng chích mũi 2 xong về bẹp dí sáng giờ không cử động gì nhiều được.

Leave a comment