Mùa ngỗng ấp trứng

New Jersey đang có những ngày đẹp nhất trong năm. Bạn hãy tin tôi khi tôi nói rằng cảnh bên ngoài đẹp hơn những bức ảnh tôi chụp bởi vì tôi không đủ tài thu vào tấm ảnh ánh nắng xiên xiên, và mắt người luôn luôn tài ba hơn mắt của máy ảnh biết cách nhận vào chỗ này và lọc ra chỗ khác, nhìn thấy độ sâu khác nhau trong khi mắt ảnh chỉ thấy một mặt phẳng lì.

Mùa này có gì? Hoa dogwood trắng nở nhiều. Sau nhà tôi cũng có vài cây dogwood mọc hoang. Hoa nhỏ hơn bình thường, nhìn xa như những cái chung uống rượu bé tí. Eastern redbud cũng nở chi chít kín cả cây, lúc mới ra hoa màu tím sậm, xong tím nhạt, rồi hồng nhạt. Chưa nở trắng đâu, phải chờ lúc gần tàn. Mỗi nụ hoa bé bé như hạt đậu màu tím nhạt sang hồng nhạt. Redbug thì tôi cũng có chừng 5 hay 6 cây, tự mọc, mùa này nhìn chung quanh, nhà mình và nhà hàng xóm hoa redbug nở tím rịm e ấp phía sau các cây khác, hay sau chái nhà, trông rất xinh xắn.

Người Mỹ say mê hoa anh đào (Nhật) nên xem thường hoa địa phương. Dogwood và eastern redbug có thể tự lớn vì hợp nắng gió không cần phải chăm sóc nhiều. Anh đào rũ coi vậy chứ không dễ trồng. Nhà bà chị chồng mua hai cây đem về trồng lần lượt chết cả hai. Cứ đem trồng dogwood và eastern redbug gần nhau, và thật nhiều, mỗi lần đến mùa hoa nở cũng ấn tượng lắm. Mỗi hoa có nét đẹp riêng. Dogwood hồng cho người xem cảm giác thong thả rộng rãi, như thể loài hoa cho nhau khoảng cách cá nhân, để không cảm thấy bị lấn áp, chen chúc, đến không thể cựa quậy như hoa anh đào kép. Chả trách ông Collingwood đã dùng chữ vulgar để chỉ trích hoa Kanzan.

Eastern redbud
Dogwood còn gọi là hanamizuki (tiếng Nhật) nghĩa là cây đáp lễ
Cherry

Mùa này cũng là mùa ngỗng Canada ấp trứng. Dọc bờ kênh Delaware and Raritan Canal, từ Canal Park đến Landing dài khoảng 5 mile(s) (8km) tôi đếm có khoảng 5 con ngỗng đang ấp trứng. Loài ngỗng này rất hay. Chúng thường hay đi một cặp nếu không đi nguyên bầy. Trong hai con có một con “nói” nhiều hơn, không phải nói rủ rỉ rù rì, mà là kiểu la mắng, cổ vươn ra nằm song song với mặt đất, mồm tía lia không ngừng. Con kia làm thinh, đang ăn thì cứ ăn, đang đi thì cứ đi, dường như nó đã bị điếc từ lâu. Loài ngỗng này tôi không đoán được con nào là trống con nào là mái. Có khi thấy một con có cổ mập hơn cổ con kia, tôi đoán bừa, con cổ mập là con mái, vì nó ăn nhiều, dự trữ để đẻ trứng. Trong hai con có một con dữ hơn, nếu người đến gần nó sẽ đe dọa, tấn công, kêu khè khè. Nếu một con ngỗng khác đến gần nó sẽ nghênh chiến. Tôi đoán đó là ngỗng trống. Loài ngỗng Canada này trống mái đều có màu như nhau.

Khi ngỗng mái ấp trứng, ngỗng trống luôn luôn ở gần đó. Mỗi khi thấy một con ngỗng ngồi đứng có vẻ đơn lẻ, tôi tìm chung quanh, không gần lắm chừng mười hay hai mươi mét, trên bờ kênh bên kia, chỗ loài người không thể đến gần, thế nào cũng có con ngỗng mái đang ấp trứng. Tôi nhớ đọc đâu đó là ngỗng trống thỉnh thoảng cũng ấp trứng để ngỗng mái đi ăn. Nhìn chúng, tôi khâm phục tạo hóa xếp đặt, loài vật cũng biết cách giữ gìn nòi giống, bảo vệ gia đình.

Mỗi con ngỗng đẻ chừng 3 hay 5 trứng. Hễ đẻ ở đâu thì nhận chỗ đó làm quê hương. Đi kiếm ăn ở chỗ xa lạ nhưng đến mùa là bay về chỗ sinh ra để sinh con. Trong phim Fly Away Home, người ta có thể vì muốn gây ấn tượng mạnh với độc giả nên để cô bé tìm thấy trứng ngỗng bị bỏ rơi (vì mẹ ngỗng sợ cây ngã đè bay đi, hay đã bị chết) đem về ấp nở ra độ 15 con. Phải ba hay năm cái ổ ngỗng mới có nhiều trứng như thế. Cô đem ấp ngỗng nở thành con, về sau thuê người, thuê máy bay dạy đàn ngỗng bay để đi tìm thức ăn, hằng năm đàn ngỗng trở về quê thăm “má” của chúng.

Hình như tôi đã kể rồi, già nên hay quên nói chuyện gì cứ nói hoài, lập đi lập lại câu chuyện cũ.

Người Ai Cập thời cổ xưa nuôi ngỗng để ăn thịt và cũng để tế thần.  Đặc biệt là thờ thần Geb, chúa tể của trần gian và âm cung.  Ông là cha của Isis.  Gan ngỗng là món ăn ngon, delicacy. Dân Tây nuôi ngỗng vỗ thật béo chỉ để thu hoạch gan ngỗng làm món ăn ngon cho đời thưởng thức. Thời chưa có bút, ống lông ngỗng được chuốt nhọn làm bút lông.  Ống lông ngỗng được luyện cho cứng rắn bằng cách nhúng vào tro nóng hay nước sôi.  Lông ngỗng, lớp lông mao mềm bên trong lớp lông vũ cứng còn gọi là down, được dùng để dồn vào gối, mền, nệm hay áo ấm. Mền down là loại mền đắt tiền.

Thời La Mã cổ xưa, ngỗng được dùng làm quà tế nữ thần Juno, vợ của Jupiter. Juno được xem là vị thần bảo vệ thủ phủ La Mã.  Năm 390 trước Công Nguyên, La Mã bị Gauls xâm lấn.  Dân trong thành đã bỏ chạy trước, chỉ còn một nhóm nhỏ ở lại giữ thành.  Quân Gauls bao vây thành và một đêm kia lẻn vào thành. Đoàn quân khéo léo, nhẹ nhàng nên quân lính và đàn chó trong thành không phát giác được.  Tuy vậy, đàn ngỗng nghe tiếng động kêu quang quác, rồi khè khè (tiếng kêu khi chúng tấn công), và quạt cánh thật mạnh, đánh thức Marcuas Manlius trưởng đoàn quân trong thành.  Ông ta hất đẩy quân giặc (đang trèo vào thành) xuống vực thẳm.  Thành phố cuối cùng được giải thoát.  Hơn 450 năm sau, Pliny (nhà văn chuyên viết huyền thoại) cho biết vị thủ lãnh của thành phố đã ra lệnh mọi người phải cho đàn ngỗng, lễ tế Juno, luôn luôn được cho ăn đầy đủ.

Ngỗng đang ấp trứng dưới chân cầu bên trong cái bánh xe răng cưa khổng lồ, một bộ phận trong bộ máy quay cầu, nay không còn dùng nữa. Chỗ này gần khu chung cư, nhiều người tò mò đến xem nhưng may mắn là không ai phá hoại tổ, lấy trứng.
Một cặp ngỗng. Ngỗng trống luôn ở gần để bảo vệ gia đình lúc vợ đang ấp trứng

5 thoughts on “Mùa ngỗng ấp trứng”

  1. Hoa mà Hà gọi là cherry ở hình thứ ba là Crabapple đó Hà.
    Mùa hoa đang nở đẹp khắp nơi làm rộn rã, nhiều khi hoảng hốt quýnh lên sợ không đủ thời gian để thưởng thức hết. Mấy tuần qua, Mai ra ngoài suốt ngày chỉ về nhà khi trời tối, như chim sổ lồng sau một năm bị giam trong nhà.

    By the way, món gan ngỗng (foie gras) bị cấm ở một số quốc gia vì sự tàn nhẫn của con người khi họ force ngỗng ăn để lấy gan. Họ dùng ống dẫn xuống cổ ngỗng vài lần mỗi ngày, bơm mấy pound ngũ cốc và mỡ vào dạ dày làm bụng ngỗng phình to, trong một quá trình được gọi là “gavage” (ép ăn), gan nỡ ra 10 lần hơn bình thường để bán rất ác tâm. 

    Liked by 2 people

    1. Cám ơn Mai. Trước giờ Hà cứ tưởng đó là loại cherry. Trước nhà có một cây, mùa hè trái rụng xuống sân giống y chang trái cherry nhưng nhỏ hơn nhiều. Chim thích ăn trái này lắm.

      Còn gan ngỗng Hà cũng không ăn. Có người thân gửi cho mấy hộp gan ngỗng nhưng Hà không biết ăn, nên mang biếu người thân biết ăn 🙂 Loài người vì khẩu vị mà làm khổ súc vật quá.

      Liked by 2 people

    2. Nghe Mai nói mấy tuần nay suốt ngày đi ra ngoài, Hà mừng. Mừng vì Mai có dịp chơi thong thả, và vì biết sẽ được ngắm nhiều ảnh đẹp. Chờ đó nhen.

      Liked by 1 person

  2. năm ngoái nhờ đọc cô con mới để ý và biết hoa redbud, thấy mấy nhà hàng xóm có trồng. còn hoa dogwood con lúc nào cũng cảm giác cánh hoa như giấy vậy.
    người Mỹ say mê anh đào thì ngược lại dogwood aka hanamizuki cũng rất được người Nhật yêu thích đó cô. chắc cô cũng từng nghe khi xưa sau khi Nhật tặng anh đào cho Mỹ thì Mỹ tặng lại dogwood, nên ngta còn gọi là cây đáp lễ. có một bài hát nổi tiếng tên hanamizuki, được viết để tưởng nhớ những người không may trong vụ 9.11 nữa.

    Liked by 3 people

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s