Để người ta tưởng mình còn trẻ

Trích đoạn trong Tương quan giữa mặt nạ và mặt thật. Bài này đã lên trang Gió O. Bài khá dài. Ở đây tôi chỉ đăng phần mở đầu và một phần nhỏ lược thuật và dịch từ The Mask của Guy de Maupassant.

Tác giả:  Nguyễn thị Hải Hà

Nếu không có COVID-19 có lẽ tôi không bao giờ đeo khẩu trang ra nơi công cộng.  Khẩu trang tiếng Anh là mask.  Tuy vậy, chữ mask còn được dùng để chỉ mặt nạ.  Khẩu trang được dùng để che miệng và mũi, trong thời dịch bệnh Covid, được dùng để bảo vệ cơ thể chống bệnh xâm nhập.  Mặt nạ có khi che hết khuôn mặt, như mặt nạ Guy Fawkes, có khi chỉ che ở vùng đôi mắt, như mặt nạ Zorro.  Mặt nạ Zorro còn có tên là Domino.

Lịch sử của mặt nạ

Mặt nạ xuất hiện từ bao giờ không ai biết rõ, có lẽ một thời gian ngắn sau khi có con người.  Mặt nạ xưa nhất được tìm thấy làm bằng đá, khoảng 7000 năm trước Công Nguyên, được cất giữ ở viện bảo tàng “Bible et Terre Sainte” (Paris), và Israel (Jerusalem).  Tuy vậy, có thể mặt nạ xuất hiện từ thời xưa hơn nữa, khoảng 30 ngàn cho đến 40 ngàn năm, nhưng vì vật dụng thô sơ, làm bằng đất đá, hay gỗ, nên không tồn tại.

Cách dùng phổ thông của mặt nạ

Thời cổ, mặt nạ được dùng trong các lễ nghi tôn giáo.  Mặt nạ còn được dùng để bảo vệ người đi săn, chơi thể thao, hoặc đấu gươm.  Trong những buổi lễ hội của Hy Lạp thời xưa, thí dụ như lễ BacchanaliaDyonius, người tham dự lễ hội được khuyến khích mang mặt nạ hóa trang.  Để tất cả mọi người được vui chơi thỏa thích, không phân biệt đẳng cấp, không lo sợ bị bắt phạt vì say rượu (và có những hành vi không đúng với giai cấp hay tục lệ) người dự tiệc được khuyến khích hay cho phép mang mặt nạ.  Từ năm 1268, ở lễ hội Carnival of Venice, tất cả mọi người ở đằng sau cái mặt nạ đều được xem là bình đẳng. 

Có rất nhiều cách dùng mặt nạ.  Trong phạm vi bài sưu tầm và tổng hợp này, tôi xin chỉ kể lại vài cách dùng mặt nạ trong truyện và phim ảnh.

Đeo Mặt Nạ để biến thành người khác

Không những để che dấu mặt thật, mặt nạ có thể biến người đeo mặt nạ thành người khác, một người trẻ tuổi, đẹp trai, khiêu vũ điêu luyện mà người ta mơ ước.  Đó là trường hợp nhân vật không có tên, trong truyện ngắn The Mask của Guy de Maupassant[1].

Trong một buổi khiêu vũ hóa trang ở Elysee-Montmartre, giữa rừng người trẻ đẹp sang trọng, “có một người bộ tướng gầy gò, ăn mặc đỏm dáng, đeo cái mặt nạ sơn bóng loáng có bộ ria mép vàng, và bộ tóc giả dợn sóng.  Anh ta trông giống như một pho tượng bằng sáp trong Viện Bảo Tàng Grevin, hay giống như một bức tranh trào lộng vẽ một chàng trai duyên dáng trong tập ảnh thời trang.  Anh ta khiêu vũ một cách gắng gượng, sôi nổi nhưng rất vụng về nên trông khá buồn cười.  Anh ta có vẻ như đã lụt nghề khi cố bắt chước những bước khiêu vũ tân kỳ của những người bên cạnh: dường như anh ta bị chứng bệnh thấp khớp, chậm chạp như con chó Dane đang nô đùa với chó greyhound.  Những lời khen tặng giả vờ đầy chế nhạo lại càng làm anh ta hăng chí.  Trong lúc phấn khởi quá đáng anh ta múa may quay cuồng tíu tít lên, rồi vì quá trớn nên bất thình lình nhào đầu vào hàng người đang xem khiêu vũ.  Họ vẹt ra tránh đường cho anh ta, rồi tụm lại bao chung quanh thân hình bất động của người khiêu vũ đang nằm úp mặt xuống đất.”[2]

Người ta gọi bác sĩ, chữa anh ta tạm thời, và đưa anh ta về nhà.  Anh ta ở trong một khu nhà tồi tàn, tầng thứ tư của một chung cư.  Một bà cụ tóc bạc ra mở cửa.  Mặc dù bác sĩ lo ngại rằng anh ta vẫn đang mê man, nhưng bà cụ, có vẻ quá quen với chuyện xảy ra, bảo chồng bà chẳng hề gì đâu, chẳng qua ông ấy uống quá chén và bỏ bữa ăn tối để có thể khiêu vũ nhanh nhẹn hơn.  Vị bác sĩ ngạc nhiên hỏi thêm.

“Tại sao đã ngần ấy tuổi ông ấy lại khiêu vũ cuồng loạn như thế?”

Bà cụ nhún vai, và đỏ mặt vì cơn giận đang từ từ trồi lên.  Bà kêu:

“Tại sao à?  Bởi vì ông ấy muốn người ta nghĩ là ông ấy vẫn còn trẻ đằng sau cái mặt nạ; để đám đàn bà con gái vẫn nghĩ rằng ông ta là một gã trai sung sức và thì thầm những lời trăng hoa vào tai ông ta; để ông ta ve vuốt làn da nhơ nhớp đầy nước hoa và son phấn của họ.  Ồ, đó là một chuyện đổi chác tuyệt vời! Thật đáng buồn cho tôi trong suốt bốn mươi năm cuối đời này!”

Tuy giận ông chồng ham vui, bà vẫn rất yêu chồng.  Bà lau mặt và chải tóc cho chồng.  Mặt nạ tháo ra để lộ mái tóc trắng của ông.  Bà bào chữa cho ông, “giá mà quí vị nhìn thấy ông ấy hồi ông ấy hai mươi lăm tuổi.” Bà cụ quen với ông cụ trong một buổi khiêu vũ.  Mặc dù bản tính thích theo đuổi giai nhân của chồng làm bà rất đau lòng, bà không bao giờ than phiền.  Mỗi lần ông chinh phục được một người đẹp ông lại về nhà khoe với vợ như một con công khoe mấy cọng lông đuôi đẹp, cho đến lúc ông trở nên già nua, đàn bà không còn chú ý đến ông nữa.  Ông bỏ cả công ăn việc làm, thay đổi nghề, chọn những nghề có thể giúp ông tiếp xúc với phụ nữ (như nghề làm mũ cho phụ nữ) để được phụ nữ chú ý, cho đến khi ông khám phá rằng ông có thể đeo mặt nạ, che dấu vẻ già nua và tham dự các buổi khiêu vũ hóa trang.

“Giờ thì quí vị đã thấy việc ông ấy làm.  Cái thói quen này đã bám cứng ông ấy.  Ông phải trẻ trung; phải khiêu vũ với các bà các cô, những người thơm phưng phức mùi nước hoa và son phấn.  Tội nghiệp ông chồng già của tôi.”


[1] De Maupassant, Guy.  The Mask.  The Necklace and Other Stories, pp. 214-20. ©2004 Ann Arbor Media Group, LLC, Border Classics, MI

[2] Những chữ in nghiêng là của Nguyễn thị Hải Hà dịch từ nguyên tác.

6 thoughts on “Để người ta tưởng mình còn trẻ”

  1. Hồi nhỏ em có đeo mặt nạ bằng một loại giấy cứng hình khỉ, cọp, v v…Hai bên mặt nạ có sợi thun để đeo vô hai tai. Xong rồi lấy khăn tắm choàng lên người làm thành áo choàng. Tay cầm cây kiếm nhựa đánh nhau loạn xạ với anh, em trong nhà. Chơi giỡn, đánh giỡn một hồi có khi trúng đau, quạu, thành uýnh thiệt luôn…:)))
    Chị Hà có kỷ niệm gì về mặt nạ không?

    Liked by 1 person

  2. Trong giao tiếp đại đa số chúng ta mang những mạt nạ vô hình – thay đổi từ ngữ cho thích hợp, cử chỉ, .. nhiều khi nói dối nữa… Son phấn cũng là một loại mặt nạ. Còn mặt nạ …”thật” thì tôi đã fabriquer rất nhiều cho các con và cháu tôi cho các Hội Hóa trang ở trường của chúng.

    Liked by 1 person

  3. Con nghĩ, đời sống này, ai cũng ít nhất 1 lần khoác lên mình 1 chiếc mặt nạ mà mình không mong muốn. Mặt nạ ở cơ quan/cty với đồng nghiệp, sếp, nhân viên; mặt nạ khi ra ngoài đường với người xa lạ (thậm chí xa lạ); mặt nạ với cả gia đình (khi phải sống quá gồng). Chắc có lẽ khi nằm xuống mới tháo được nó ra, cô à.

    Liked by 1 person

    1. Cô đồng ý với cháu. Nói như ông Murakami thì nếu chúng ta không mang mặt nạ thì sẽ không sống được trong thế giới đảo điên này. Người ta mang mặt nạ nhiều khi chỉ để tự bảo vệ bản thân.

      Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s