Màu xanh lục

Mùa này, New Jersey đúng với cái tên của nó, Garden State. Đi đâu cũng thấy màu xanh lá cây mát mắt.

Dọc đường trail, hoa dại màu vàng, tím, trắng mọc khắp nơi.

Dame’s Rocket

Hoa buttercup vàng, lúc trước lấm tấm trên cỏ xanh, bây giờ mọc thật cao. Tuy mảnh khảnh mà vẫn đầy vẻ cứng cỏi.

Buttercup vàng mọc xen trong cỏ

Cái sân này mấy tháng trước đầy tuyết. Ngỗng Canada đậu đầy trên sân, ngủ đứng một chân, giờ xanh ngắt một màu.

Tôi đạp xe trên con đường, hai bên là cỏ non xanh biếc. Đầu lởn vởn mấy câu thơ.

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Kiều)

Mùa này thì không còn hoa lê. Nhưng hoa trắng của dogwood và Crabapple vẫn còn. Và hoa trắng của black locust thì vừa mới nở.

Hoa của cây black locust

Màu cỏ xanh rất tươi, ít khi người ta nhìn màu cỏ mà buồn như người thiếu phụ trong “Chinh phụ ngâm khúc”

Nước trong chảy lòng phiền khôn rửa
Cỏ xanh thơm dạ nhớ chẳng khuây
Nhủ rồi tay lại cầm tay
Bước đi một bước day day lại dừng

Còn một đoạn khác nữa

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Hai bên đường cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền

Thanh thanh hữu lưu thủy
Bất tẩy thiếp tâm sầu.
Thanh thanh hữu phương thảo
Bất vong thiếp tâm ưu
(Xuất chinh – Chinh Phụ Ngâm Khúc)

Tôi viết qua trí nhớ nên có thể khác với bản in hay bản trên mạng mà bạn thấy. Có thể tôi sai, xin đừng chấp.

Tôi thích màu xanh lá cây hay màu xanh lục. Màu cỏ non, hay màu xanh mint (bạc hà) nhạt rất thu hút. Tuy vậy không phải ai cũng thích màu xanh lá cây. Những người trình diễn trên sân khấu, thường kỵ với màu xanh lá cây, vì dị đoan cũng có, mà cũng vì màu xanh lá cây thường làm người ta có màu nhợt nhạt, kém đẹp. Người chụp ảnh cũng tránh ánh sáng có màu xanh lá cây nhất là khi chụp ảnh người.

Người Mỹ dùng chữ green thumb, ngón tay cái màu xanh, để chỉ những người có tay trồng cây, trồng gì cũng sống, cũng ra hoa, ra quả. Họ cũng dùng màu xanh lá cây để chỉ sự đố kỵ, ganh tị, ghen ghét. “Green with envy.” Người mình dùng chữ màu xanh để chỉ vẻ mặt của người sợ hãi, “sợ xanh mặt” tuy không nói rõ là màu xanh nào nhưng tôi đoán những người có làn da xanh tái, tái mét, là màu xanh lá cây. Bạn có đồng ý không? Màu xanh lá cây, được người Mỹ dùng để chỉ những người non trẻ, và thiếu kinh nghiệm.

Có một loại rượu mà nhà văn Hemingway thường nhắc đến, và ở một số phim cao bồi Viễn Tây, người ta thường nhắc đến loại rượu này. Tôi nhớ mang máng trong The Magnificient Seven và The Ballad of Lefty Brown, mấy anh cao bồi vào quán gọi rượu này chứ không gọi whiskey. Rượu absinth. Đây là một loại rượu có màu xanh lá cây. Màu xanh này toát ra từ thảo mộc, đặc biệt là cây wormwood, nguyên liệu chính được ủ lên men nấu thành rượu. Người uống rượu này thường bị ảo tượng, và nhiều người bị chết do đó nó bị cấm một thời gian rất lâu. Sau khi bị cấm (1907), người ta nghiên cứu và khám phá ảo tượng là do say rượu, có nghĩa là uống rượu nào mà say bí tỉ thì cũng sẽ bị ảo tượng chứ không riêng gì absinth. Còn người ta bị chết là do ngộ độc, nhưng không phải wormwort hay các loại thảo mộc được ngâm chung và pha chế. Giới làm rượu, có lẽ làm lậu, để có thể lời nhiều hơn, nên thay vì dùng thảo mộc đã dùng muối đồng (copper salt) để tạo ra màu xanh. Về sau, năm 1980, rượu absinth tái xuất hiện, dĩ nhiên không dùng muối đồng.

Rượu absinth được giới văn nghệ sĩ Tây phương xưng tụng là nàng tiên xanh, the green muse. Baudelaire wrote “Where instead of blood flows the green waters of Lethe. The green waters of forgetfulness, with their lethargy-inducing effect, could only be absinth.” Chỗ đáng lẽ là máu chảy thì lại là dòng sông xanh Lethe. Dòng nước xanh của lãng quên, có thể gây mệt mỏi bạc nhược, chỉ có thể là rượu absinth.

Tên tuổi của giới văn nghệ sĩ yêu chuộng nàng tiên xanh khá đông, trong đó có Mark Twain, Ernest Hemingway, Paul Gaugin, còn nhiều nữa, nhưng tôi xin ngừng ở cái tên của một nhà họa sĩ tài hoa bạc phận, Vincent van Gogh.

Chúng ta bây giờ ai cũng biết để có màu xanh lá cây, người ta hòa màu xanh lơ (blue) với màu vàng. Nhưng tôi đọc đâu đó, mà bây giờ ngồi gõ lại không nhớ ra trong quyển nào của ai. Ông van Gogh không hòa màu xanh lơ với màu vàng để ra màu xanh lá cây. Người ta không biết ông làm thế nào để có màu xanh lá cây. Ông cũng là một trong số ít người, nếu không nói là duy nhất, đã xem màu đỏ là màu đối nghịch với màu xanh lá cây. Ông dùng màu đỏ đi kèm với màu xanh lá cây trong bức tranh The Night Café (1988) để diễn tả “the terrible human passions” (một thứ đam mê xấu xa của con người) có lẽ là sự ghen tị hay đố kỵ.



8 thoughts on “Màu xanh lục”

  1. Khoảng 25 năm trước chị trồng hoa trồng rau lên tốt lắm. Tại vì khi trồng chị nghiên cứu đất, biết cách trồng, nên cây hoa và rau lên mạnh lắm. Sau chị lười không trồng nữa.

    Liked by 2 people

  2. Hồi xưa em không thích màu xanh lục lắm, nhưng 2 năm gần đây em lại đặc biệt thích chị ạ. Cảm giác mặc một cái váy xanh, hay khoác một cái áo len xanh lục, tự dưng thấy nhẹ nhàng, có sức sống hơn hẳn…

    Ảnh chị chụp rất đẹp, lên tay nhiều lắm.

    Liked by 1 person

  3. Chị nói tới loại rượu có màu xanh lá cây, em nhớ tới trong bộ phim The BFG của Walt Disney sản xuất hồi 2016 cũng có mô tả về một loại nước uống có màu xanh lá cây. Ông lão ở xứ sở khổng lồ tạo ra loại nước uống “cực khoái” đó. Uống vào sẽ làm cho người uống “xì hơi” ra mạnh đến nỗi người sẽ bị bắn tuốt lên cao, y như tên lửa vậy. Rồi hơi tan từ từ làm cho người từ từ hạ đáp lại xuống ghế. Có cảnh ông lão mời cả Nữ hoàng Anh và các nhân vật trong hoàng gia Anh uống, rồi từ Nữ hoàng đến đội ngự lâm quân, và cả mấy con chó cưng nữa cũng được thưởng thức. Uống vừa xong cả người và vật bay tuốt luốt, cảnh trông rất khôi hài nhưng không hề thô. Người lớn cũng thích coi bộ phim này chứ không riêng tụi trẻ con. Có thể nguồn gốc của thứ nước xanh đó xuất nguồn từ loại rượu xanh như chị viết chăng, mà nhà sản xuất phim Walt Disney đã tạo ra trong câu chuyện có loại nước uống xanh xanh thật vui đó. Em chỉ phỏng đoán vậy chứ không có cơ sở gì. 😊😊

    Liked by 1 person

Leave a Reply to Thuha N.V Cancel reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s