Vào hè

Pond-lilly

Mùa hè rồi đó. Liên tiếp hai ba hôm, nhiệt độ lên đến tám mươi mấy độ F. Bữa nay 88 độ F, khoảng 31 độ C.

Mùa nào hoa nấy. Chung quanh nhà tôi mấy cây black locust nở đầy hoa, rụng xuống trắng cả sân. Dọc đường trail, đã thấy hoa pond-lilly nở vàng. Đoạn đường trail có đường Backwell Mill Road cắt ngang có rất nhiều tử đằng nở tím ngát từng chùm đong đưa từ trên ngọn cây cao đến gần sát mặt đất. Đi một đỗi lại thấy ngan ngát hương hoa, khó phân biệt đó là hương của black locust hay wild rose hay honeysuckle. Ngay cả đeo khẩu trang vẫn ngửi thấy mùi hương. Mặt nước kênh có nơi đầy xác hoa, trắng của black locust, tím nhạt của tử đằng. Thỉnh thoảng tôi cũng chạnh lòng, mượn câu thơ của Nguyễn Du tự hỏi. “Hoa trôi man mác biết là về đâu.”

Cuộc sống của tôi vẫn bình thường, có vẻ như ngày nào cũng như ngày ấy. Tuy vậy, chú ý một chút có rất nhiều thay đổi chung quanh. Vẫn đạp xe dọc bờ kênh, năm nay tôi thấy ít hạc xám (great blue heron) hơn năm ngoái. Đám cormorants hồi đầu xuân thấy một vài con, bây giờ chẳng thấy con nào. Năm nay ít mưa, chả bù với năm 2019 mưa liên tiếp cả tuần, người thân ở VN sang chơi phải nằm nhà cả ba ngày không đi đâu được vì mưa. Mực nước sông xuống thật thấp, bờ cạn, thấy đá ở dưới sông. Có lẽ vì nước cạn nên ít cá và vì ít cá nên chim không về để săn cá chăng? Chúng tôi đạp xe đến Kingston Lock, đứng tần ngần một chút rồi về. Lúc trước, dọc theo cái đập nào là hải âu, cormorant, heron, và ngỗng Canada đậu đầy kín. Năm nay chỉ có vài (chính xác là hai con) con ngỗng đứng chơ vơ.

Mấy đàn ngỗng con, mới một hai tuần trước, cứ đi một đỗi chừng một dặm là thấy một đàn, tuần này bọn chúng biến đâu mất hết. Có một đàn ngỗng hình như nở muộn có sáu ngỗng con. Có hai đàn, chỉ có một ngỗng con. Chẳng biết vì ngỗng mẹ sinh ra ít, hay ngỗng con rơi vào tay (hay mồm) kẻ ác. Dọc đường đi thỉnh thoảng tôi thấy lông chim rơi đầy trên mặt đất. Cứ thấy túm lông xám là tôi nghi đó là lông của con chim mỏ màu cam (gốc gác ở Australia) rất đẹp có ai đem thả vào rừng; con chim tôi gặp vào lúc đầu xuân chắc các bạn vẫn còn nhớ chứ? Có lẽ người nuôi nghĩ rằng trao trả tự do cho con chim, nhưng mà nếu nó được nuôi trong lồng từ nhỏ, thả vào rừng thì sớm muộn gì cũng là mồi cho kẻ khác, nếu không cũng chết vì đói chứ làm gì mà biết tìm thức ăn. Lâu rồi, nhưng tôi quên kể bạn nghe. Có lần tôi gặp ba cái vỏ trứng ngỗng nằm ngay trên vệ đường; tôi không khỏi tự hỏi, chỗ này không phải ổ ngỗng, tại sao lại có trứng, và tại sao chỉ là vỏ rỗng không? Vỏ còn nguyên chỉ bị đục lổ, mà lổ không đủ lớn để ngỗng con thoát ra. Có con gì, hay người ta lấy trứng, đục lổ để ăn chăng?

Không phải chỉ ở những nơi có chiến tranh mới có chết chóc. Trên đường trail, tôi cũng thấy chết chóc xảy ra với loài thú. Hôm gần đây thấy con hạc xám bắt được con cá khá to, nuốt vào còn thấy hình dáng con cá nằm cạnh cổ. Có khi thấy con gì đã ăn mất con cóc, chỉ còn lại cái đầu và hai chân trước. Con cóc khá to, chỉ nhìn cái đầu cũng đoán được con cóc phải to bằng bàn tay người đàn ông. Trong thiên nhiên, vì sự sống còn, nên con lớn nuốt con bé là chuyện xảy ra thường xuyên. Tuy vậy, con người lắm khi vô tình làm tổn hại đến thú vật và môi trường. Có lần nghe tiếng chim kêu quang quác và tiếng đập cánh tuyệt vọng, tôi ngó lên trên cây thấy một con chim bị vướng dây câu, treo ngược đầu lủng lẳng, cố bay nhưng không được. Rất tội nghiệp. Tuy vậy lúc trở về đi ngang chỗ ấy thì không thấy chim nữa. Có lẽ có người nào đó đi ngang đã dùng dao kéo cắt bỏ sợi dây câu nên chim thoát đi.

Đang đạp xe nghe tiếng à uồm inh tai, ngó xuống thì thấy cóc này.

Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi (Lê Thánh Tông – Vịnh Con Cóc)

Và một bài haiku của Basho

The old pond-
a frog jumps in,
sound of water.

4 thoughts on “Vào hè”

  1. Hoa như ngọn đèn vàng giữa hồ, sáng rực.
    Một chiếc lá gập lại, là do lúc chị chụp thình lình có gió. Hay nó vốn đã vậy?

    Liked by 1 person

    1. Tại không có gì vui hơn nên thấy thiên nhiên thú vị, cô cũng thích cái náo nhiệt của phồn hoa đô hội như New York city, hay San Francisco, nhưng vì dịch nên đành vui với cái có sẵn.

      Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s