Xem phim The Inland Sea

Nếu bạn quen thuộc với phim Nhật, ắt là bạn nghe tên Donald Richie, một học giả nổi tiếng về nhiều thứ của Nhật Bản; thí dụ như viết review phim, nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của Ozu, truyện và huyền thoại về Zen… . Ông có rất nhiều tác phẩm, nhiều thể loại, kể cả du hành ký và ông cũng từng làm phim.  Một tác phẩm kết hợp hai thể loại ông yêu thích đó là cuốn phim “The Inland Sea” do chính ông viết lời diễn giải và giọng đọc cũng là của ông.  Tôi đã không ngờ ông có giọng đọc khá thu hút.  Giọng thuyết minh cho phim về một vùng đất xa lạ thì có nhiều người nổi tiếng hay.  David Attenborough nói giọng Anh, rõ ràng và khá dịu dàng.  Bạn nào xem những cuốn phim du hành châu Âu chắc là biết giọng của Rich Steves (giọng ông này khá sắc nhọn tôi thích giọng trầm hơn).  Chủ quan, tôi cho là giọng của ông Richie hay hơn giọng của cả hai người nói trên. Richie, có vẻ như được luyện giọng, dịu dàng êm ả chẳng thua gì các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng thỉnh thoảng góp giọng cho các phim tài liệu, như Robert Redford, và Merryl Streep.

The Inland Sea của Donald Richie là Seto Inland Sea.  Cuốn phim này do đạo diễn Lucille Carra thực hiện.  Phim làm đã lâu, từ năm 1991.  Quyển sách của Richie còn lâu hơn nữa, 1971.  Cũ người mới ta, tôi mới xem hôm qua.  Theo Richie, đoạn biển hẹp này có chiều dài từ Little Rock (Arkansas) đến Dallas (Texas).  Vùng biển này rất nổi tiếng trong văn chương Nhật Bản.  Đây là nơi xảy ra The Tale of Genji, nơi xảy ra trận chiến khốc liệt của hai giòng dõi Heiki và Genji.  The Genpei War.  Đoạn biển này khá êm, với người đi biển, nó như một con sông rộng lớn và dài, hơn là một đoạn đường biển hẹp.  Tác giả du hành, trở đi trở lại đoạn biển này nhiều lần. Thoạt tiên ông có ý định tìm người Nhật, những người nguồn gốc, chứ không phải những người đã bị thay đổi vì văn minh và văn hóa.  Ông cho rằng, người thuần gốc của Nhật phải là người ven biển, sống và lớn lên ở biển, sinh nhai bằng nghề có liên quan đến biển.

Tác giả cho tôi gặp nhiều người.  Tôi gặp trong phim một cậu thanh niên làm nghề nuôi rong biển.  Cậu này rất trẻ, có vẻ như chưa đến 30.  Cậu thích nghề này vì cậu toàn quyền làm chủ, muốn làm lúc nào thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ.  Cậu không phải bẩm báo với những ông chủ như khi làm việc trong các công ty lớn đông người.  

Tôi gặp một thầy tu Phật giáo lúc còn trẻ thích xem phim Mỹ.  Ông xem cả chục phim có Audrey Hepburn.  Thích những bản nhạc do Frank Sinatra hát. 

Tôi gặp một người chuyên viết thư pháp, không cần phải kiếm sống bằng nghề này.  Nhà viết thư pháp bảo rằng ban đầu ông chỉ chép lại, bắt chước thôi.  Dần dần nét bút nhập vào tư tưởng rồi chạy ra bàn tay và ngón tay.  Viết thư pháp, có vẻ gì đó giống giống như viết văn.

“Bạn có thể nhờ luyện tập mà cách viết trở nên hoàn hảo, nhưng nhiều người có tài năng bẩm sinh.  Cũng giống như ca hát vậy, lấy thí dụ.  Nhiều người có thể rèn luyện suốt đời mà vẫn không thể cất giọng cho ra hồn.  Người khác thì sinh ra đã như thế – bạn gọi đó là gì?  Thiên tài!”

Đây là cuốn phim tài liệu về du hành.  Điểm thu hút của nó là chất văn chương biểu lộ qua sự suy nghĩ và hồi tưởng của tác giả.  Ông có nhiều đoạn văn rất thú vị.  Mở đầu phim và kết thúc phim là mấy câu sau đây

I hear they are building a bridge.
To the island of Tsu.
Alas…
To what now
Shall I compare myself?

Tôi nghe nói người ta xây cây cầu
Bắc qua đảo Tsu
Trời hỡi…
Tôi biết lấy gì
để so sánh với tôi đây.

Đây là một bài thơ cổ không thấy để tên tác giả. Ông này nói gì lạ vậy?  Ông so sánh mình với hòn đảo Tsu?  Cô độc?  Hoang dã?  Tác giả là một người xứ lạ sống trên nước Nhật.  Ông có lẽ cố ý không hòa nhập, sống tách rời để quan sát và suy nghĩ.

“Có khi, người ta trở nên cô đơn.  Thường thường, tôi phân biệt tình trạng một mình và sự cô đơn – đây là sự phân biệt người Nhật khuyến khích và thực hiện.  Hôm nay, tôi chào đón sự cô đơn.  Trong những lúc như thế này, người ta cảm thấy rõ rệt, mình là một người lạ, người ngoại quốc, sống trên Nhật Bản.  Tôi có thể nói chuyện với nhiều người, để xác định là mình vẫn còn đang sống.  Tuy nhiên, tôi giữ im lặng, không đáp lại những ánh nhìn soi mói, vì không muốn bộc lộ cảm nghĩ của tôi.  Tôi muốn được buồn bã, không hạnh phúc, và dĩ nhiên, tôi được buồn bã như ý muốn.  Có một điều, nếu có một điều Nhật Bản có thể dạy cho bạn, đó là không nên tin cậy vào tình cảm.  Tình cảm, nói cho cùng, cũng giống như ý nghĩ.  Bạn có thể thay cảm xúc dễ dàng như bạn đổi ý.”

Có một đoạn phim, nếu ngưng phim lại thì nó giống như một bức ảnh chụp một hòn đảo, phía sau là cả vài chục hòn đảo khác trong hoàng hôn đỏ sậm.  Richie bảo rằng với con mắt của người Tây phương, phong cảnh này có vẻ như không có thật. Giống như ảnh bưu thiếp vậy.  Ông tự hỏi nếu nhà văn Byron nhìn thấy cảnh này ông ta sẽ nghĩ gì.  Vốn quen thuộc với núi non hiểm trở và hồ trên núi, chắc ông Byron sẽ chẳng buồn ngắm nó.  Bạn hoặc là yêu Nhật Bản tới chết, hoặc là ghét nó cũng tới chết luôn.  Nếu giống như Lafcadio Hearn bạn sẽ ôm chầm “nó”, ghì chặt “nó” vào lòng.  Còn nếu giống như Bernard Shaw, xứ sở này như xát muối vào vết thương trên người, khiến bạn giận đến độ quên cả phép lịch sự, từ chối cởi giày khi bước lên những tấm nệm tatami.  Richie tưởng tượng đến cả Henry Fielding và Jane Austen, hai nhà văn này sẽ phản ứng như thế nào?  Ông cho là cả hai sẽ chê bai.  Fielding sẽ vạch ra, giữa tràng cười ha hả, sự lệch lạc và sai trái.  Austen sẽ có những nhận xét, rất tình cảm, đầy yêu mến nhưng không kém phần mỉa mai.  Có rất nhiều ngăn cách, lệch lạc, hay sai trái, giữa sự muốn làm và những điều được thực hiện.

“Họ biết rằng bề ngoài là nơi ẩn náu của sự thật.  Họ có thể nhìn xuyên qua phong cảnh đẹp.”

Theo chân Ritchie, tôi đi khắp nơi.  Ông bị trễ chuyến tàu thủy, đi chuyến khác, lại nhầm tàu nên đến một đảo nuôi người bị bệnh phong (cùi). Oshima National Leprosarium.  Đi đâu ông cũng nghe thấy tiếng nhạc, ngoài việc yêu thích âm nhạc, tiếng nhạc cũng là cách dẫn dắt người mù, vì bệnh phong tàn phá đôi mắt họ, đến đúng nơi họ muốn.

Hết cuốn phim, tôi muốn đọc quyển sách.  Đã đến xem Nhật Bản một lần, tôi vẫn còn muốn trở lại.  Cuốn phim “The Inland Sea” đánh thức ước mơ đi đến một chân trời khác, quen thuộc với nhiều người nhưng vẫn còn xa lạ, cái xa lạ đầy quyến rũ, trong ý thích của tôi.

A journey is always something of a flight. You go to reach out but you also go to escape.

Du hành luôn là một cái gì đó giống như chạy trốn.  Bạn đi để vươn ra tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhưng bạn cũng đi để lẩn tránh một điều gì đó trong thế giới của bạn.

Không có ảnh. Bạn có thể xem ảnh ở Wikipedia, hay vài đoạn phim ngắn giới thiệu trên youtube.

4 thoughts on “Xem phim The Inland Sea”

  1. Hà điểm phim này hay quá.
    Mai nghĩ phim đẹp hơn sách, sách có vài chi tiết trong đó về tác giả, lối suy nghĩ của ông làm mình cau mày.
    Mai cũng mong một ngày nào được thấy hoàng hôn trên Seto.

    Liked by 1 person

    1. Cám ơn Mai. Hà tính mua kindle book, hồi sáng mới đọc sơ sơ trên amazon. Mai đọc quyển này rồi à? Ông này có vẻ quạu cọ nhưng Hà thấy lời thoại của phim đọc thấm quá và cũng gợi tò mò. Có lẽ phim không cho phép ông nói lung tung nên không làm Hà thấy khó chịu.

      Liked by 1 person

      1. Mai đọc đã lâu trước khi xem phim. Ngoài sự ngưỡng mộ cách ông diễn tả Seto làm mình mơ mộng đến vùng đất đó, thì cũng có những chi tiết khi ông lộ những ước muốn thầm kín không được đúng đắn của ông.

        Liked by 1 person

        1. Trong phim có một đoạn nói đến chuyện sex nhưng nhẹ nhàng thoáng qua thôi. Trong sách có một chỗ ông nói đến chuyện định cưa một bà chủ quán rượu. Có lẽ đây là một trong vài điểm đen của quyển sách.

          Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s