Đi du lịch một mình

Một người bạn hỏi tôi, tại sao phụ nữ đi du lịch một mình vào chốn nguy hiểm như rừng sâu núi thẳm. Câu hỏi rất hay, tôi có thể trả lời câu hỏi này, nhưng câu trả lời của tôi sẽ đơn giản, nông cạn, vì tôi không biết ý nghĩ của các phụ nữ khác. Tôi lại không phải là người đi du lịch nhiều nơi. Những chỗ tôi đi chỉ vài ngày, hay vài tuần, con số đếm chưa hết một bàn tay. Tôi viết lại câu hỏi này, ở đây, để tìm hiểu thêm.

Những người chuyên viết về du lịch, du hành, họ phân biệt hai loại: tourist và traveler. Tourist là người du ngoạn, xem cảnh đẹp, những trải nghiệm ngắn ngày như ăn thức ăn địa phương, ở khách sạn đẹp và nổi tiếng, v.v… Traveler thì tôi thật tình không biết dịch là gì, giải thích thế nào. Tôi thấy traveler cũng (gần) giống như tourist nhưng trải nghiệm sâu sắc hơn, họ quan tâm đến đời sống, văn hóa, mỹ thuật. Họ ở lâu hơn, không quá chú trọng đến địa điểm đến, mà chú trọng về trải nghiệm, về đoạn đường họ đang đi và sắp đến. Chỗ này thì bạn tha cho tôi, tôi chỉ hiểu đại khái, và chưa có dịp nghiên cứu sâu sắc nên ấm ớ ở đây. Traveler, tạm gọi là người du hành, bao giờ bạn đọc cao kiến hơn chỉ dạy thì tôi sẽ sửa sau, họ đi để tìm kiếm và thỏa mãn một nhu cầu gì đó trong nội tâm.

Đàn ông đi du lịch một mình thì nhiều, chẳng mấy ai thắc mắc. Gần đây có nhà du hành Paul Salopek, đi bộ vòng quanh thế giới, chuyến đi bắt đầu từ năm 2013 dự định kéo dài 7 năm. Giờ đã giữa năm 2020 không còn mấy người chăm chú theo dõi xem ông đã đi đến đâu. John Steinbeck, lái xe RV (loại xe to như cái nhà) băng ngang nước Mỹ với con chó Charley, viết thành cuốn sách. Sau này người ta kiểm chứng thấy ông có thêm vào những đoạn tưởng tượng chứ không hoàn toàn là sự thật. Thí dụ như ông không gặp Gorbachev như ông viết, vì thời điểm đó Gorbachev không đến Mỹ. Ông không hoàn toàn ngủ trên xe mà ở khách sạn có bà vợ ông thỉnh thoảng gặp ông.

Còn những người phụ nữ, vượt rừng, hay vượt sa mạc một mình, họ tìm kiếm gì? Để trả lời câu hỏi này, bạn sẽ phải đọc sách của những người phụ nữ đã đi và viết thành sách. Wild là một. Tracks là hai. Còn nhiều nữa nhưng từ từ lâu dài tôi sẽ đọc, ghi chép, và viết thêm. Ở Việt Nam, trong vòng các tác giả tôi đọc có Nguyễn Thị Bình An đi một mình ở miền Nam, một vài nơi ở miền Bắc và miền Trung, và một số nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Lào, Kampuchia, và hình như cả Mã Lai. Tôi không nhớ chắc chắn nên nếu có sai thì các bạn sửa giúp. Qua các bài du hành ký của An (còn gọi là An Việt Nam) tôi chưa nhận ra cô muốn tìm kiếm gì trong nội tâm. Bạn có thể nhận ra đa số những người du hành đều có những điểm chung, tìm hiểu về vùng đất họ đến, chụp ảnh, viết bài về địa điểm, và kể chuyện chuyến đi của họ. Tôi đi không nhiều, cốt ý đi chơi chỗ lạ, để thay đổi cuộc sống hằng ngày, và hy vọng được nhìn thấy những điều thú vị. Tôi luôn mong ước tìm thấy trong chuyến đi một câu chuyện gì đó, để khi về nhà có thể kể lại. Nhưng tôi không đi một mình. Không lặn lội trong rừng một mình. Dù không đến nỗi như nhiều du khách khác, đi để lấy số nhiều, đến một thành phố, chụp một tấm ảnh (hay thu một đoạn phim để chứng minh là có đến nơi này), rồi hấp tấp chạy đi nơi khác chụp thêm một hay vài chục tấm ảnh nữa, về nhà ngồi đếm xem mình đi được bao nhiêu chỗ, bao nhiêu quốc gia; tôi là tourist hơn là traveler.

Ngành travel writing của người Mỹ rất phong phú. Để trả lời câu hỏi phụ nữ khi du lịch một mình, họ tìm gì, tôi đọc sách du hành. Mới vừa đọc xong quyển The Best Travel Writing 2006 True Stories From Around The World của ban biên tập James O’Reilly, Lary Habegger, và Sean O’Reilly. Hebert Gold viết phần giới thiệu. Tôi ghi cặn kẽ ở đây để về sau nếu cần sẽ đọc lại.

Ngay truyện đầu tiên, như thể để trả lời câu hỏi của tôi, Judy Copeland trong bài “Music of the Storm” đã đặt câu hỏi. “Do you know what you are looking for?” Bạn có biết bạn tìm kiếm điều gì không? Copeland (khi làm chuyến đi này khoảng 40 tuổi nhưng kết thúc bài viết về chuyến đi 15 năm sau) cũng không biết rõ ràng lắm điều cô muốn tìm. Có vẻ như cô chạy trốn trước khi tìm kiếm. Cô biết những điều cô không muốn, nhưng không điều cô muốn tìm thì không cụ thể, ít ra là với người đọc. Cô tham gia đoàn thủy thủ của một chiếc thuyền buồm Indonesia nghe đồn dùng để chở hải tặc. Indonesia nổi tiếng có nhiều hòn đảo rất nhiều hải tặc. Người ta dọa là cô sẽ bị hiếp bị giết, nhưng cô vẫn đi, người ta càng cố thuyết phục cô đừng đi, cô càng cương quyết muốn đi. Người ta bảo rằng họ sẽ chẳng nhận phụ nữ, nhưng rất nhiều đoàn thủy thủ kêu gọi cô nhập bọn với họ.

Chiếc thuyền buồm (loại to schooner) gặp bão. Cô ói mửa, sợ đến “vãi đái” nước mắt đầm đìa trên mặt. Một người thủy thủ biết nói tiếng Anh đã săn sóc cô, cho cô uống trà nóng, đưa khăn cho cô lau, trong bóng tối. Khi cơn bão bắt đầu, cô nghe thoáng trong đầu tiếng nhạc, như những câu dân ca cô nghe lâu rồi và đã quên, hay những tiếng ngâm nga của người thời Trung Cổ. Mỗi nốt nhạc nghe phân biệt rõ ràng và rất thanh khiết.

“It makes no sense, I know, to say I went inside a note that night, or to say the note held an ocean within it, an ocean bigger than the one battering our ship. But from the moment my thoughts froze, I could neither speak nor move, much less form a rational idea. I felt only the one note, felt it pierce me with a delight that verge on pain, pulling me under, dragging me down to the bottom of a sea where it seemed very cold, yet the heat scared me. My ears rang, yet I heard nothing but silence. And I dwelled in that note until morning.”

“Nghe thật vô lý, tôi biết, khi nói rằng tôi nhập vào nốt nhạc trong đêm ấy. Hoặc nói rằng nốt nhạc ấy bao gồm cả đại dương, một đại dương to lớn hơn cái biển cả đang vùi dập chiếc thuyền tôi đi. Nhưng kể từ giây phút ấy, ý nghĩ của tôi đông cứng lại, tôi không thể mở miệng cũng không thể nhúc nhích, lại càng khó mà nghĩ một điều gì hợp lý. Tôi chỉ cảm nhận được một nốt nhạc, có cảm tưởng như nó xuyên thủng tôi với một lạc thú gần như là niềm đau, kéo tôi xuống, nhận chìm tôi dưới đáy biển sâu thẳm dường như rất lạnh, tuy vậy hơi nóng của nó làm tôi kinh hoàng. Lỗ tai tôi lùng bùng, nhưng tôi chẳng nghe thấy gì ngoài âm thanh của thinh lặng. Và tôi ở trong nốt nhạc ấy cho đến sáng hôm sau.”

Copeland kết thúc bài viết nói rằng, du hành với cô cũng như hơi thở vậy. Khi lớn tuổi, du hành không còn là sự ham muốn như cơn đói cơn khát, mà là một nghệ thuật đòi hỏi sự thực hành kỹ cương nghiêm túc. “Bây giờ, tôi cố thích ứng với bất cứ điều gì xảy ra trong chuyến đi, gối lên sóng mà bơi, mà nhớ rằng có âm nhạc trong tất cả mọi thứ chung quanh ta.” Tôi, người đọc, kết luận, cô đi tìm một nơi chốn mà chỗ ấy có thể đánh thức tiếng nhạc trong lòng cô. Một nơi mà nó làm cô vui thích đến độ trái tim cô nghe tiếng hát, hay tự nó hát lên, phát ra tiếng nhạc làm vui lòng cô.

Trường hợp của Copeland cũng hơi lạ. Cô đi một mình, nhưng là phụ nữ duy nhất trên chiếc thuyền buồm với mấy chục người đàn ông. Không. Cô không bị hiếp hay cắt cổ giữa đám người bị đánh đồng với hải tặc Indonesia. Trái lại cô được săn sóc tận tình. Tôi bỗng nhớ đến một câu hát của Hoàng Thi Thơ, tiếc là Copeland không biết câu hát này rất thích hợp trong trường hợp của cô. “Thì hỏi sao thế giới đông người ta chỉ thấy riêng ta.”

14 thoughts on “Đi du lịch một mình”

  1. “… du hành với cô cũng như hơi thở vậy… là một nghệ thuật đòi hỏi sự thực hành kỹ cương nghiêm túc. “Bây giờ, tôi cố thích ứng với bất cứ điều gì xảy ra trong chuyến đi, gối lên sóng mà bơi, mà nhớ rằng có âm nhạc trong tất cả mọi thứ chung quanh ta.” Tôi, người đọc, kết luận, cô đi tìm một nơi chốn mà chỗ ấy có thể đánh thức tiếng nhạc trong lòng cô. Một nơi mà nó làm cô vui thích đến độ trái tim cô nghe tiếng hát, hay tự nó hát lên, phát ra tiếng nhạc làm vui lòng cô.”

    Đoạn này nói giùm Mai một phần nhỏ những gì Mai muốn nói.
    Cám ơn Hà bài viết rất hay.

    Liked by 1 person

    1. Cám ơn Mai. Bao giờ những nung nấu trong lòng Mai đủ chín, Hà mong đọc được những gì Mai muốn nói, về những chuyến đi, đi để làm gì, tìm kiếm gì, và tìm thấy gì. Hà cũng mong đọc được vì sao Mai thương Van Gogh, vì sao Mai hay vừa đọc vừa khóc, vừa viết vừa khóc. Hà nghĩ sẽ hay lắm.

      Liked by 1 person

  2. Cháu thích đoạn cô phân tích khác biệt giữa tourist và traveler cũng như chuyến đi của Copeland. Đôi khi người ta đi vì tìm kiếm một điều gì đó, đôi khi là trốn chạy, nhưng sau mỗi chuyến đi cháu tin là người ta sẽ nhận ra một điều gì đó mà họ chưa từng.

    Liked by 1 person

    1. Cô rất đồng ý với cháu. Những tác giả cô đọc, sau mỗi chuyến đi, họ đều nhận ra một điểm nào đó, một điều gì đó, và phần lớn họ gói ghém vào tác phẩm.

      Liked by 1 person

  3. Đôi khi người ta đi một mình chỉ vì không có ai đi cùng cô ạ 😀 Ví dụ như cháu, nếu cháu thích một địa điểm X nào đó, muốn đi vào khoảng thời gian Y, mà thời gian đó bạn của cháu không sắp xếp để đi chung được, hoặc địa điểm đó họ đã đến rồi, họ không thích… thì cháu cũng sẽ đi một mình.
    Thật ra đi một mình thì không phụ thuộc và không phải thương lượng với bạn đồng hành là đi đâu, ăn gì, mua gì, ở đâu trong bao lâu… đến một nơi xa lạ xung quanh lại không một ai biết mình là ai, nên sẽ cảm thấy hoàn toàn tự do. Cháu nghĩ lần đầu đi một mình có thể người ta chưa nghĩ sẽ tìm kiếm gì nhiều ngoài sự yêu thích với điểm đến, tuy nhiên, những lần tiếp theo thì có thể họ muốn tìm sự tự do, hoặc muốn tìm kiếm các mặt khác của chính mình.

    Liked by 2 people

    1. Cô đồng ý với cháu, tất cả những điểm cháu nêu ra. Cháu làm những chuyến đi, dù có lúc không ai đi cùng, để làm gì? Cháu tìm một đề tài để viết? Chắc chắn là cháu tìm ra nhiều khía cạnh, sự thật trong tâm hồn chẳng hạn. Đó là những điều thú vị cô mong được đọc. Đi một mình, người ta có dịp để suy nghĩ không bị người bên cạnh làm gián đoạn ý nghĩ, đó cũng là một điểm đặc biệt. Suy nghĩ như thế người ta hiểu rõ bản thân mình hơn.

      Like

      1. Dạ. Trước mỗi chuyến đi thì chỉ mong tìm kiếm những cái đặc sắc của nơi mình đến thôi chứ không chủ động tìm kiếm gì khác ở bản thân mình hay ở ý nghĩa của chuyến đi cả. Nhưng sau chuyến đi thì cũng tìm ra nhiều cô ạ.
        Như người ta thường nghĩ thì đi một mình rất nguy hiểm, nhất là với phụ nữ. Tuy nhiên khi cháu đi một mình thì thậm chí thấy người ta còn đối xử tốt với mình hơn là khi đi chơi với nhóm bạn. Vì chắc người ta nghĩ “khổ thân con bé, chắc buồn quá hay có chuyện gì mới đi một mình”, nên thương mình hơn, có nhiều cái nhỏ nhỏ mình muốn mua, hoặc có những dịch vụ người ta còn không lấy tiền mình nữa. Cháu đã được rất nhiều người tặng/cho/giúp khi đi một mình, cảm thấy cuộc đời thật đẹp.
        Ngoài ra thì vì cháu ít (lười) nói, nếu cháu đi với bạn thì khi gặp bất cứ người lạ nào hỏi chuyện cháu đều để cho bạn trả lời, cháu chỉ nghe thôi, còn đi một mình thì những người tiếp xúc hỏi chuyện cháu đều (buộc phải) trả lời lại và như thế cháu sẽ tiếp xúc với nhiều người hơn.
        Đi một mình cũng khiến người khác dễ muốn tiếp cận mình hơn (cả các du khách khác và cả những người địa phương), và nếu cả hai/tất cả mọi người cùng là những người đi một mình gặp nhau thì sẽ dễ nói chuyện và dễ chia sẻ với nhau hơn. Có những chuyện không muốn kể với người thân quen xung quanh nhưng lại có thể tự nhiên mà kể với người lạ, vì cả mình và người ta đều không biết đối phương là ai, đổi lại thì cũng dễ được nghe những câu chuyện của (nhiều) người khác hơn.
        Nếu nói để tìm kiếm điều gì, thì chắc với cháu sẽ là để tìm kiếm xem thế giới mà mình nhìn thấy có những hình thù nào, những người, những câu chuyện và cảm xúc như thế nào.

        Liked by 2 people

        1. Cô cũng thấy nhiều khi dễ nói chuyện với người lạ nhất là có những điều mình không thể nói với người quen. Cháu rất tinh ý và sâu sắc khi nhận ra con gái đi một mình thường được chăm sóc nhiều hơn.

          Like

      2. À, cháu nghĩ về bài “Music of the Storm” – theo như đoạn trích ở trên – là cô ấy đi tìm “cơn bão giới hạn” của bản thân mình, và may mắn cho tác giả là cô ấy đã tìm thấy cơn bão đó nên mới có thể nghe thấy tiếng nhạc. Và cháu cũng nghĩ là những người khác cũng đi tìm “một cơn bão nào đó của họ”, chỉ là họ chưa tìm thấy, nên chưa nghe thấy tiếng nhạc, và cũng chưa định hình được cơn bão. Chỉ khi gặp, trải qua thì mới nhận ra được.

        Liked by 2 people

  4. Trước đây, HBO chanel có chiếu Wild Movie 2014. Con tình cờ xem được á cô. Lúc đầu con coi chỉ vì có nữ minh tinh Reese Witherspoon. Mà càng xem càng cuốn hút, bộ phim diễn đạt nội tâm nhân vật tốt quá. Màu phim phảng phất nổi cô đơn, con nghĩ vậy.

    Liked by 1 person

  5. Em cũng vài lần đi du lịch 1 mình. 1 lần đi trail ở Taiwan giữa trời mưa phùn và sương mù, cảm giác rất ư là phê và lo sợ khi thỉnh thoảng gặp vài cánh đàn ông xuống núi. Rồi có lần lạc giữa đồi ở Dak Nong, cảm giác rất phê …
    Nhưng phải có những trải nghiệm “lost and found” để thấy rằng thế giới này không đến mức quá nguy hiểm như mình tưởng tượng

    Liked by 1 person

    1. Em nói phải. “Thế giới này không đến mức quá nguy hiểm như mình tưởng tượng.” Cô mới vừa xem một phim tài liệu về John Muir Trail. Trong phim có một cô gái Nhật đi một mình trên đường trail này. Cô được những người gặp trên đường quí mến lắm. Thật tình chị cũng thường mơ ước có lần nào đó, trước khi già đi không nổi nữa, được đi du lịch một mình.

      Like

Leave a Reply to Táo Jo Cancel reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s