Không được đi đâu tôi du hành bằng phim. Mượn cuốn phim “Mile Mile and a Half” ở thư viện về. Phim nói về John Muir Trail. À mà bạn đừng hiểu lầm tôi đi một mình ở đường trail nổi tiếng này nha. Người đi là một cô gái Nhật, tên là Kayuzo. Tôi đề cập đến cô để tiếp nối bài “Đi du lịch một mình” tôi viết hôm trước. Cái tựa đề “Mile Mile and a Half” được giải thích như thế này. Khi đi xa, lạc lối, hỏi đường thì người ta thường trả lời, đi tiếp đi, không xa lắm đâu, chừng một dặm hay dặm rưỡi thôi.
John Muir Trail, JMT, là con đường xuyên rừng núi có chiều dài 213.7 mile (cứ 1 mile tương đương 1.6 km, bạn cứ thế mà nhân lên). Bắt đầu từ thung lũng Yosemite Valley, một trong những công viên cấp quốc gia, national parks, nổi tiếng của Hoa Kỳ, JMT chạy xuyên qua King Canyon, Sequoia cho đến Mount Whitney, toàn là những địa điểm hoang dã lừng danh. Khoảng 160 miles của JMT trùng lập với Pacific Crest Trail, một đường trail khác, dài hơn và nổi tiếng không kém, có lẽ càng được nhiều người biết hơn sau khi phim Wild ra mắt công chúng. Tổng cộng chiều dài con đường lên dốc những đỉnh núi của JMT là 47000 ft. (tương đương với 14 km).
Nhóm làm phim tài liệu JMT bao gồm 6 người, trong đó có một phụ nữ. Ở đầu phim, họ có nói lý do vì sao họ làm chuyến du hành xuyên rừng này. Người phụ nữ duy nhất trong nhóm làm phim, Jen Serena, là still photographer (chụp ảnh phong cảnh). Chị có đứa con gái để ở nhà, vì thế chị rất nhớ con. Chị nói, “Tôi muốn làm một cái gì đó cho riêng tôi, vì thế mà có chuyến đi (gian khổ) này. Tôi đi cho tôi, vì tôi, để chứng tỏ là tôi có thể làm được chuyện ấy.” À, nhưng mà chị không đi một mình. Chồng của chị cũng ở trong nhóm làm phim. Quay phim. Đạo diễn. Viết kịch bản cho phim. Chuyến đi này cũng trùng với sinh nhật của chị. Không nói ra nhưng có thể là chị tặng cho chị món quà sinh nhật chăng? Trưởng nhóm bảo rằng anh có ý muốn làm cuốn phim tài liệu về con đường xuyên rừng núi nổi tiếng này từ lâu. Họ bắt đầu cuộc hành trình có lẽ vào tháng Năm, ở những nơi có nắng tuyết bắt đầu tan tạo thành những con thác, con suối thật hùng vĩ. Trên đỉnh cao tuyết vẫn còn rất dày. Họ ngồi trượt tuyết xuống núi như trẻ con thật vui vẻ và ngoạn mục.
Vì là nhóm làm phim tài liệu và nhiếp ảnh gia nên dọc đường họ quay phim chụp ảnh rất nhiều. Đi lên đến đỉnh núi rồi họ làm gì? Họ đi xuống. Nhưng trước khi xuống núi, mỗi người phải làm một bài thơ. Haiku chứ chẳng giỡn đâu.
“He hiked it north bound
We went the opposite way.
Souls crossing today.”
Bài thơ của Ric Serena, nhà làm phim.
Họ bắt đầu đi là 6 người nhưng một người đi được một ngày thì bỏ cuộc vì không đủ sức. Cuộc hành trình kéo dài một tháng. Về sau có nhiều người nhập bọn. Và những người nhập bọn này làm cho phim phong phú hơn. Trong số người đến sau có hai nhạc sĩ (Paul and Bernie). Họ đi để tìm cảm hứng sáng tác. Một người sử dụng cây đàn ukulele. Người kia chơi xylophone. Hai nhạc cụ nhỏ xíu giống như hai món đồ chơi. Họ hát vài bài do họ sáng tác. Tiếng đàn vui, réo rắt, nhịp nhàng. Âm điệu (melody) ngọt ngào. Tuy nhiên, lời bài hát (lyric) lại mang một tâm trạng thật là buồn bã. Lời của một người chìm dưới đáy biển.
Bottom of the sea is where I’m gonna be. ‘Cause everytime I surface, I sink. It’s a little dark and a little too cold. And my lungs are full of water, I think… . I might open my eyes underwater ’cause that’s where the salt blends in with the sea. That’s where I’m gonna be.
Sau đó có hai anh em họa sĩ tham gia. Người anh 23 tuổi. Người em gái 16, 17 hay 18 tuổi, tôi quên. Đoạn đường cuối cùng có thêm 5 người, trong đó có Kayuzo.
Kayuzo đi một mình trọn con đường JMT. Và có lẽ vì cô đi một mình, thân gái dặm trường, nên cô được tất cả mọi người chú ý. Cô là ngôi sao trong đoạn cuối của cuốn phim. Cô biết tiếng Anh nhưng không nhiều. Cô nói trong phim bằng tiếng Nhật có phụ đề tiếng Anh.
“Tôi nhận ra tôi đã khá kiệt sức. Và tôi còn nhiều thì giờ lắm nên chẳng có gì phải vội vã. Càng quan trọng hơn, là khi chấm dứt đoạn đường xuyên rừng núi John Muir Trail tôi không muốn uống ly bia (để tự thưởng) một mình… . Người ta thường bảo rằng đường lên đỉnh Mount Whitney là mục đích tối hậu của JMT. Vì thế từ những ngày cắm trại trước đây cho đến chặng đường lên tới đỉnh, tôi nghĩ về những khó khăn tôi đã đương đầu, và vì có rất nhiều người đã giúp tôi, nên tôi rất cảm kích. Thú thật, nước mắt tôi chảy không ngừng trong những bước tôi đi. Tôi cũng nhận ra rằng có rất nhiều người trên đoạn đường này có cảm xúc giống tôi. Những người thật đáng mến phục. Đó là kinh nghiệm quí giá nhất để lại trong tôi.”
Không biết Kazuyo có viết lại những gian khổ cô đã gặp trên đường JMT. Tuy nhiên, qua chuyến đi đến đích an toàn của cô, chúng ta có thể kết luận rằng phụ nữ đi du lịch một mình không đến nỗi đáng sợ cho lắm. Và như một cô bạn trẻ của tôi đã nói. Đi một mình cô được chăm sóc ưu ái hơn bình thường. Bình thường ở đây có nghĩa là đi du lịch chung với ai đó. Cô gái Nhật đã không nói lý do vì sao cô lại đi một mình ở đường JMT của Mỹ trong khi ở Nhật cũng có rất nhiều đường trail đẹp, nổi tiếng, và an toàn. Phải chăng, ở mỗi người phụ nữ đi một mình, đều có phần nào muốn chinh phục một điều gì đó. Có khi là để khắc phục tính hay lo sợ, hay bản chất nhút nhát của họ?
“Làm chuyến đi một mình thành công như thế, người ta nhận thấy rằng người ta có thể làm bất cứ điều gì họ thật sự muốn làm. Cho dù đó là thay đổi công việc, dọn nhà đi chỗ khác, ly dị chồng, hay bất cứ điều gì, nếu người ta muốn tự điều động cuộc đời mình; và phương pháp thực hành, hay diễn tiến của sự việc, sẽ là phần thưởng cho người ta.” Ai nói vậy? Robyn Davidson tác giả quyển Tracks tôi mới chấm dứt hôm qua hay hôm kia.
Không có ảnh John Muir Trail. Đi du lịch bằng phim mà làm gì có ảnh tự chụp. Tôi thay thế bằng tấm ảnh tôi ở trên núi cao nhìn xuống. Một nơi nào đó trên đường đi đến Lake Tahoe. Hồi mới bắt đầu chụp ảnh, để máy tự động, tấm nào cũng cháy ánh sáng. Bạn xem đỡ vậy thôi. Cuốn phim mở đầu và kết thúc bằng một bài hát của Opus Orange “Nothing But Time.” Có lẽ những người du hành đường dài là những người rất là may mắn. “We’ve got nothing but time.” Họ không có tài sản gì chỉ có dư thời gian. Mà bạn cũng biết. Thì giờ là tiền bạc. Về hưu như tôi người ta gọi là tỉ phú thời gian. Thời gian thì có đó nhưng thời dịch bệnh nên không đi đâu được.

Cám ơn chị đã chịu khó ngồi viết xuống những câu chuyện. Chị chọn chủ đề thật nhẹ nhàng và cách kể chuyện rất chân thành. Tôi đã xem bộ phim Paterson với diễn viên Adam Driver. Tôi rất thích cách dẫn chuyện trong phim này. Đọc những câu chuyện của chị, tôi có sự liên tưởng ít nhiều. Chúc chị an lành trong mùa dịch này!
LikeLiked by 1 person
Cám ơn bạn (hay anh/chị).
LikeLike