Tôi thường hay có những câu tự hỏi. Tại sao người già thích đi du lịch. Khoan đã, đừng vội vàng phản đối nha, các cô bạn trẻ của tôi. Tôi biết. Người trẻ đi du lịch rất nhiều. Đi xa, đi những chỗ khó đi khó đến, những chỗ nguy hiểm, đòi hỏi thể lực tốt. Nhưng số người già đi du lịch cũng rất nhiều. Tại sao? Có nhiều câu trả lời. Tại vì họ có thời gian (về hưu rồi) có sức khỏe, và có tiền (dành dụm suốt đời). Càng đi họ càng muốn đi. Có người bảo rằng, người trẻ đi để tìm kiếm chính họ, còn người già đi để đánh mất họ. Khi không còn phải quan tâm đến nhan sắc, cố gắng gây ấn tượng với ai đó trong xã hội, không ai quan tâm đến họ vì họ giàu hay nghèo, thí dụ thế, đi du lịch là một cách để tự xóa cái tôi của mình đi. Đi du lịch cũng là một cách đổi mới chính mình bằng có thêm hiểu biết. Đi du lịch là một cách để học hỏi về văn hóa, hòa nhập vào vẻ đẹp của thiên nhiên. Hoặc, nói như người Mỹ, “because I can.” Tôi rất thích câu trả lời tự tin đến ngang ngược này. Tôi làm điều gì đó, nói khơi khơi, chỉ vì tôi thích, có cơ hội, có điều kiện hay là khả năng. Cần gì phải có lý do.
Một câu tự hỏi khác, tại sao người ta thích đi du lịch một mình? Hỏi thì tự tìm câu trả lời. Bạn sẽ ngạc nhiên giống tôi, là người ta đi du lịch một mình rất nhiều, vì tôi có rất nhiều sách vở nói về du lịch một mình trong tay. Hôm nay, tôi chỉ giới hạn vào hai trường hợp. Tracks, quyển sách của Robyn Davidson, tác giả Úc, vượt sa mạc từ Glen Helen, gần như chính giữa châu Úc đến bờ biển Hamlin Pool. Có nhiều con số, nhưng tác giả quyển Tracks nói con đường tác giả đi dài 1,700 miles. Và Wild, của Cheryl Strayed người Mỹ, đi Pacific Crest Trail, bắt đầu ở Mojave gần Los Angeles đến cầu Bridge of the Gods nơi giáp ranh của tiểu bang Oregon và Washington. Tôi không nhớ rõ chiều dài chặng đường tác giả đi, chỉ nhớ là hơn 1,100 miles. Pacific Crest Trail còn dài hơn nữa, đoạn đường ở Mexico và Canada, Sheryl không đi.
Đính chính một chút, cả Robyn Davidson và Sheryl Strayed đều đi bộ, đi một mình đúng với nghĩa đi một mình hầu hết chặng đường (à, Robyn có con chó rất khôn ngoan tên Diggity), nhưng chủ yếu họ hiking hơn là thưởng ngoạn cảnh đẹp như du khách.
Mẹ của Robyn tự tử chết lúc Robyn 11 tuổi. Cô có em nhưng tứ tán khắp nơi. Bố tàn nhẫn hay đánh đập. Mẹ của Sheryl chết vì bệnh cancer, lúc Sheryl chưa học xong đại học. Bố ruột của Sheryl nghiện rượu bê tha. Bố dượng của Sheryl nhỏ tuổi hơn mẹ của Sheryl rất nhiều, nên giống như anh của đám con riêng của vợ hơn là bố. Mẹ Sheryl qua đời, ít lâu sau bố dượng mang người vợ mới về. Sheryl và mấy đứa em tản lạc khắp nơi.
Cả hai tác giả, sau khi mẹ mất, đều thất lạc phương hướng, cuộc đời trôi giạt. Robyn làm hết nghề này đến nghề khác, không nghề nào vững vàng, có thể giúp cô có cuộc sống hài lòng. Sheryl rơi vào sự thác loạn của dục vọng và ma túy. Cả hai chọn hiking đường dài vào chốn hoang dã, trước nhất là để được cô độc (to be alone), có nghĩa là tránh xa loài người. Tại sao lại cần cô độc? Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể viết thành một bài luận dài dăm ba trang, và mỗi người sẽ có cách trả lời khác nhau. Nhưng chúng ta có thể đoán một cách đơn giản, nhiều khi tách rời xã hội, xa lánh mọi người, là cơ hội để chúng ta dưỡng thương, để tự chữa lành những nội thương tâm lý, hoặc là, để có cơ hội suy nghĩ, để được nghe chính sự suy nghĩ của chúng ta.
Tuy vậy, phụ nữ làm một cuộc hành trình đơn độc vào nơi nguy hiểm, luôn là câu hỏi đầu tiên nên cả hai đều giải thích qua tác phẩm.
Robyn viết, “cảm thấy chán ngán với những điều lập lại trong đời mình, những cố gắng nửa vời, những kết quả dang dở, hết việc làm này đến việc làm khác, hết học cái này đến học cái khác; tôi chán cái tự mình chiêu đãi những mặc cảm tự ti, tự cho mình hèn kém, một thứ bệnh tật của thế hệ chúng tôi, phái nữ của tôi, và giai cấp của tôi.”
“Tôi quyết định làm một điều mà ngay lúc ấy tôi không thể giải thích suôn sẻ. Tôi chọn lựa điều muốn làm chỉ thuần là bản năng, rồi sau đó mới tìm ra ý nghĩa cho nó. Cuộc hành trình này không bao giờ, trong ý nghĩ tôi, là một cuộc phiêu lưu để chứng mình một điều gì đó. Tôi thấy điều khó khăn nhất là sự quyết định hành động, mọi sự sau đó chỉ cần cố gắng kiên trì. Sự sợ hãi chỉ là con cọp giấy mà thôi. Người ta có thể làm bất cứ điều gì người ta thật sự muốn làm, như thay đổi việc làm, dọn nhà đến ở nơi khác, ly dị người hôn phối, hay bất cứ điều gì người ta cần phải hành động để thay đổi và tự lèo lái cuộc đời mình. Phương pháp thực hiện và diễn tiến đưa đến kết quả, tự chúng đã là phần thưởng.” Trang 38 của Tracks. Nguyễn thị Hải Hà dịch thoát ý.
Sheryl gặp Albert ở một trạm dừng chân trên Pacific Crest Trail. Albert, 52 tuổi, là người có kinh nghiệm hiking đường dài. Ông giúp Sheryl loại bỏ hành lý không cần thiết cho nhẹ bớt đi, và lúc chọn lựa đồ, ông hỏi cô vì sao làm chuyến đi này. Sheryl viết,
“Cháu muốn thổ lộ với bác – tại sao cháu quyết định hiking PCT? Cháu ly dị chồng. Cháu có gia đình, mới đây cháu ly dị, và khoảng bốn năm trước mẹ cháu chết – Mẹ cháu chỉ mới 45 tuổi, bất ngờ bị ung thư, rồi chết. Thời kỳ này cháu bị khủng hoảng trầm trọng và cháu trở nên sai lầm, đi chệch hướng. Vì vây . . . ” Ông nhìn tôi, mắt mở to hơn. “Cháu nghĩ đến nơi hoang vắng này sẽ giúp cháu tìm thấy trọng tâm của đời mình. Tôi xoa hai tay như vò nát một cái gì đó, vô hình, không tìm ra lời để nói, hơi ngạc nhiên khi thấy lời nói nghiêng ngã tuôn chạy ra khỏi mồm. Wild, trang 115. Nguyễn thị Hải Hà dịch thoát ý.
Những đoạn văn trích từ quyển Tracks và Wild cho độc giả thấy lý do vì sao họ làm một chuyến đi bộ đường dài một mình vào nơi hoang dã cô tịch. Đó là những điều họ nói ra. Người đọc có thể nhận ra những lý do khác họ không nói, không muốn nói, hay không thể nói.
Cả Tracks và Wild đều được làm thành phim. Tôi xem phim Wild với cô con gái út. Phim có nhiều cảnh trần truồng, khá thô tục khiến tôi cảm thấy ngượng khi đi xem với con. Tracks ít sex, kín đáo hơn. Cảnh trong phim Wild rừng núi hồ ở Mỹ màu sắc hơn. Tracks vì diễn viên đi qua sa mạc Úc, đường dài toàn màu đất đỏ. Người Úc dùng chữ tracks, người Mỹ dùng chữ trail. Tracks của Robyn Davidson là đường mòn, không được đánh dấu kỹ càng, có nơi mất dấu, nên khó đi hơn. Pacific Crest Trail mới thành lập, vẫn được tiếp tục bổ sung, sửa chữa, trang bị. Đây là một trong những con đường xuyên rừng núi khá đông người đi. Qua hai quyển sách, đường Pacific Crest Trail, có lẽ an toàn hơn và dễ đi hơn.
Trong Wild, Sheryl cũng gặp ít nhất là một phụ nữ đi một mình trên PCT. Lý do? Người ấy nói, muốn tìm một cái gì đó ở nội tâm của mình. Cả hai phim đều cho thấy, phụ nữ khi cô độc vượt ngàn dặm đường, họ thường được chú ý, giúp đỡ hơn là đàn ông.
Xem phim, khán giả có thể tưởng lầm là cả hai cô gái, Robyn và Sheryl, bốc đồng, khờ khạo hay điên rồ, hoặc muốn được chú ý tìm cách để nổi tiếng khi làm một chuyến đường dài tự đày đọa mình như thế. Tôi không nghĩ thế.
Tôi thấy cả hai đều có khuynh hướng viết văn, tìm một chủ đề lạ và hấp dẫn, đủ làm cho mình say mê để viết, và độc giả sẽ thích. Cả hai đều chuẩn bị cuộc hành trình khá kỹ lưỡng. Robyn đã bỏ ra cả năm trời đi học cách huấn luyện lạc đà, dùng lạc đà để chuyên chở hành lý của nàng. Tại sao lại là lạc đà, vì con đường Robyn đi xuyên qua sa mạc, không dành cho xe ô tô, không có chỗ đổ xăng. Muốn đổ xăng phải đi ra khỏi đường mòn. Cả hai đều có bạn bè, người thân, giúp chuyển đồ tiếp tế đến những trạm tiếp vận. Chuyến đi được chuẩn bị kỹ càng do đó đỡ nguy hiểm hơn, tuy vậy vẫn có những bất trắc không lường trước được.
À, Robyn trong Tracks có súng để tự bảo vệ. Cô nàng bắn chết vài con lạc đà đực đang thời kỳ kiếm vợ, có thể xông vào bất cứ thứ gì nó gặp, mà đoàn lạc đà của Robyn thì con dẫn đầu lại là lạc đà cái, nên rất nguy hiểm. Robyn có con chó rất khôn ngoan. Khi con chó chết tôi khóc rưng rức theo tác giả. Đoạn văn Sheryl tả đang ngủ cô có cảm tưởng như hàng ngàn bàn tay li ti chạy nhảy trên thân người của cô cũng làm tôi cảm thấy rờn rợn. Trong phim có chiếu thoáng qua cảnh những con tree frogs leo lên trên mền ngủ của Sheryl nhưng nhanh quá không đủ làm người xem cảm thấy cảm giác lạnh lẽo rờn rợn của những bàn tay cóc trên da người. Trong Wild cũng có cảnh bắn ngựa nhưng chỉ là hồi tưởng của Sheryl.
Cả hai cuốn sách đều hấp dẫn, người đọc sẽ gặp nhiều ý nghĩ đáng suy ngẫm. Robyn Davidson viết Tracks khi đang tuổi ba mươi. Khi bắt đầu chuyến đi bà chưa nổi tiếng nhưng cũng quen biết nhiều người trong giới viết văn. Bà được Rick Smolan nhiếp ảnh gia của National Geographic Magazine giới thiệu nên được đặc san này đài thọ chuyến đi. Số tiền nhỏ, tượng trưng thôi, chừng 4 ngàn đô la, nhưng cũng giúp Robyn khá nhiều. (Hình như số tiền National Geographic Magazine dành cho chuyến vượt sa mạc của Robyn lớn hơn nhiều chứ không phải chỉ 4 ngàn, nhưng Rick Smolan được toàn quyền quyết định chi tiêu và ông ấy chỉ bỏ ra 4 ngàn để giúp Robyn tổ chức chuyến đi. Số tiền còn lại ông dùng để làm gì? Tôi đoán, để đài thọ những chuyến đi chụp ảnh khác). Khi Robyn viết quyển Tracks bà ở chung nhà với Doris Lessing (vâng, đúng là nhà văn được giải Nobel). Và có một thời gian bà sống chung với Salman Rushdie (lại thêm một nhà văn nổi tiếng trên thế giới). Sheryl đã từng giữ một cột báo chuyên giải đáp tâm tình tư vấn và xuất bản những bài báo này trong quyển “Tiny Beautiful Things: Advice on Love and Life from Dear Sugar Torch.”
Chuyến đi đường dài đã thay đổi cuộc đời của mỗi tác giả theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhất là trong Wild, từ thác loạn tình cảm Sheryl đã tự tiết chế, người đọc nhận ra được sự phân vân giữa cái cám dỗ và dừng lại của người viết. Rất thú vị. Tracks xuất bản năm 1980. Wild, xuất bản năm 2012. Những chi tiết đồng dạng giữa hai quyển sách làm tôi không tránh khỏi cái ý nghĩ tác giả của Wild chịu sự ảnh hưởng của Tracks.
Điểm đặc biệt, rất quan trọng của quyển Tracks tôi để cuối bài mới nói đến. Robyn Davidson miêu tả cuộc sống của thổ dân Aborigines rất chi tiết. Người Aborigines bị chiếm đất, ngày càng bị đẩy vào những vùng đất khô cằn không thể canh tác, không được tiếp cận học vấn dễ dàng, vì thế đời sống của họ ngày càng nghèo khó kiệt quệ. Chính phủ Úc đã cắt giảm ngân phí tài trợ thổ dân khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn, bệnh tật không có nơi chữa trị. Nền văn hóa của họ ngày càng bị xóa mờ. Không chỉ là một cuộc phiêu lưu tìm kiếm bản thân, Robyn Davidson đã thực hiện một chức năng nghiêm chỉnh của nhà văn, là nói lên tiếng nói của những người bị bóp nghẹt. Bà Davidson đã biểu lộ rất nhiều thiện cảm với người thổ dân Úc. Họ đã giúp đỡ bà rất nhiều trong chuyến đi. Vì bà phải đi ngang vùng đất cấm, vùng đất thờ phượng tổ tiên của người Aborigines nên cần phải có một trưởng lão đi với bà. Eddie, vị trưởng lão tuy không biết nhiều tiếng Anh nhưng trở nên một người bạn rất thân của Robyn, đã dắt Robyn đi bộ 200 miles qua vùng cấm địa. Thỉnh thoảng ông được cưỡi lạc đà nhưng hình như không thích lắm.
Xin nói thêm là quyển sách của Robyn xuất bản năm 80, do đó tình trạng của người Aborigines đến nay chắc hẳn là đã được chính phủ Úc tài trợ khá hơn xưa rất nhiều.
dạo này cô hay viết về đi bộ đường dài quá, cô có ý định đi 1 chuyến giống mấy nữ nhân vật này không ạ? Đi và viết lại. Cháu nhớ trong phim hay sách không rõ, cô Cheryl mang theo cả cái cưa, rồi bao cao su… tá lả hầm bà lằng
LikeLiked by 2 people
Cả trong sách và trong phim đều có các chi tiết này, nhất là chi tiết bao cao su rất thú vị. Tại vì cô đọc theo chủ đề, và có rất nhiều sách về chủ đề travel writing nên có vẻ như cô cứ nói hoài về một chủ đề. Không, cô không có ý định đi một mình, có nghĩ đến nó và thấy hay hay. Cô đi du lịch bằng sách và phim ảnh trước đã.
LikeLiked by 2 people