
Trước khi vào công viên, bạn sẽ được phát cho một bản đồ đơn giản như thế này. Bạn có thể nhận được bản đồ này ở khách sạn bạn ở, hay một trong những tiệm bán hàng cho du khách bên ngoài công viên. Các con số màu đỏ là do tôi thêm vào. Số 1 là nơi tôi ở trọ, West Yellowstone. Như đã nói, hệ thống đường giao thông trong công viên có hình số 8. Số 4 là điểm phía Bắc của công viên. Mammoth Hot Springs nằm ở chỗ này. Qua khỏi chỗ số 4, là đến Gardiner, một thị trấn nằm ngoài công viên. Ở địa điểm phía Bắc có cái cổng Roosevelt Arc. Tôi muốn đến chỗ này, chẳng để làm gì ngoài chụp tấm ảnh kỷ niệm. Ông Tám đồng ý, nhưng khi đến Mammoth Hot Springs, đứng ở Albright Visitor Center ngắm chung quanh, tôi thấy rùng mình, đổi ý không muốn đến Gardiner nữa. Đường đi chung quanh đèo hiểm trở quá, làm tôi ngán. Chỉ có một tấm ảnh mà phải lái xe đường đèo, 5 miles đi thì phải có 5 miles về. Sợ quá nên thôi. Phải nói, lái xe từ West Yellowstone đến Norris Geysers đi ngang thác Gibbon đường đi ngoằn ngèo sát cạnh đèo lên đồi xuống dốc tôi đã ớn rồi, nhưng chẳng thấm gì so với đi ngang mấy đỉnh núi như Bunsen Peak, Sepulcher, và Mount Evert để đến Mammoth Hot Springs.

Đến nơi nào tôi cũng thích vào xem những trung tâm cung cấp tin tức phổ thông cho du khách. Albright Visitor Center rất đẹp, hiện đại, sang trọng. Một trong những tiện nghi cho du khách là được dùng phòng vệ sinh sạch sẽ. Nghĩ cũng buồn cười. Chúng ta thích thăm viếng những nơi còn hoang dã, chưa bị du khách tàn phá, nhưng lại thèm nhớ được dùng phòng vệ sinh hiện đại. Ai nói gì thì nói chứ tôi vẫn không quen được cái thú “nhất quận công, nhì đi đồng.”

Mammoth Hot Springs là một hệ thống suối nước nóng chảy trên địa bàn khá phẳng (so với mấy ngọn núi chớm chở chung quanh) có nhiều chất đá vôi. Người ta làm con đường boardwalk bằng gỗ hay plastic để du khách có thể đi vòng quanh địa bàn này để ngắm hệ thống suối nước nóng. Chất vôi từ nước suối nóng đọng lại tạo thành những hình thù lạ mắt. Nếu để ý chi tiết, vì thích chụp ảnh, bạn sẽ thấy những hồ nước nóng này khác nhau ở hình dáng và màu sắc. Với người vội vã hoặc dễ chán, họ sẽ thấy cái nào cũng giống nhau. Đi hết địa bàn chiều dài cũng phải vài cây số, và lên cao đến đỉnh của suối nước nóng (upper terrace) cũng vài trăm feet. Không phải chỗ nào xe lăn cũng đến được. Bạn cần có sức khỏe khá tốt để có thể đến đỉnh cao nhất của địa bàn này.


Mammoth Hot Springs hay Norris Geysers luôn gieo cho tôi cảm tưởng là nước rất độc, nhiều chất vôi, nhiều kim loại, sinh vật bình thường khó sống ở những chỗ này. Do đó, tôi khá ngạc nhiên khi thấy có vài con chim tắm mê mải ở vũng nước này. Không biết tắm xong, uống nước xong nó có bị ngộ độc lăn quay ra ở một nơi nào khác hay không. Tôi lại nghĩ, chỗ này hay thật, nhưng VN cũng có những chỗ tương tự hay không kém chút nào, còn có phần hơn nữa. Nếu ở đây chất vôi trong nước phun ra đọng thành núi, thì ở VN chất vôi được nước mang đi, đục khoét thành những hang động sâu thẳm, hoặc tích tụ thành những thạch nhũ hình thù lạ mắt tôi nhìn thấy ở trong hang Chùa Hương, Kẻ Gỗ, v.v…
Ở Mammoth Hot Springs, sau khi lên đến đỉnh, trên đường đi xuống chúng tôi gặp rất nhiều người Việt Nam. Người mình vui lắm, đi đâu cũng nói chuyện lớn tiếng nên nghe tiếng Việt lồng lộng. Ông Tám trò chuyện, biết là nhóm này đi rất đông, mười tám người, đi làm mấy xe. Vào Yellowstone bạn không có phương tiện giao thông công cộng phải tự lái xe đi vì nơi nào cũng xa. Không xa đến độ đi không tới, nhưng xa đủ để phải lái xe. Có người đi xe đạp, nhưng thú thật, tôi nể phục những người này ghê gớm, đạp xe đường núi chắc phải là vận động viên thứ thiệt.
Buổi trưa, tìm chỗ ăn trưa, chúng tôi gặp một người phụ nữ Á châu. Bà rất tử tế thấy chúng tôi ngó quanh tìm bàn, bà ngoắc chúng tôi, chỉ đến ngồi cạnh vì bà ăn xong sắp đi. Tôi nhìn bảng tên thấy là tên là Kelly Kim.
“Ông bà gốc gác quốc gia nào?” Bà hỏi.
“Việt Nam.” Tôi vui vẻ trả lời.
“Còn bà là người Korea?”
“Nam Hàn.” Bà nhấn mạnh.
Một điểm tôi chú ý, là những người từng sống ở các quốc gia bị chia làm hai mảnh, một bên theo chế độ Cộng Sản, một bên không, thí dụ như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, mỗi khi tự giới thiệu họ đều nhấn mạnh là họ ở phần đất không Cộng Sản. Rồi để rõ ràng hơn, bà nói bằng tiếng Anh đứt quãng, vấp váp, bà ở San Francisco đã nhiều năm. Tôi cũng nói chúng tôi ở New Jersey. Nhóm người Mỹ bàn bên cạnh đang trò chuyện rôm rả, nhưng từ khi chúng tôi và bà Kelly nói chuyện họ bỗng im bặt. Có lẽ họ cũng tò mò hóng chuyện cái đám Á châu ngồi bên cạnh. Hoặc là tôi vì trò chuyện nên không nghe tiếng họ nói nữa chăng.

Lúc bắt đầu lên đồi, từ Lower Terrace đi lần lên Upper Terrace, một người đàn ông đang đẩy xe chở một đứa bé, hỏi đường một phụ nữ người da trắng đang đi xuống. “Bà có nhìn thấy Hymen Terrace bên trên ấy không?” Bà ấy ngẩn người một hồi rồi nói không. Tôi nghĩ nếu có chắc bà cũng không nhớ, vì mỗi cái hồ nước nóng dù nhỏ cũng được đặt cho một cái tên, làm sao nhớ cho hết. Tôi lại nghĩ chữ Hyman viết với chữ a chứ không phải chữ e.

Liberty Cap là một cột đá rất to, to đủ để thấy hai con caribou nằm dưới chân cột đá nhỏ như hai món đồ chơi. Cái cột đá này trông giống như linga của người Chàm xưa. Xuống dưới chân Lower Terrace, tôi đi vòng vòng cốt ý đi tìm Mammoth Chapel. Không gặp cái nhà nguyện nhưng lại thấy bảng chỉ đi hiking đến Beaver Pond, đường đi chỉ có 0.5 miles. Thật ra con đường dài 5 miles nhưng có ai đó đã viết số 0 và dấu chấm trước con số 5. Tôi và ông Tám muốn thử, nhưng thấy con đường này dính vào một cái trail khác dài hơn nên thôi. Tôi cẩn thận, sợ mình lạc vào cái trail dài hơn lại không biết lối ra, trời thì đã bắt đầu vào chiều.
Trở ra chúng tôi gặp Hymen Terrace. Tôi không nhớ nhưng ông Tám thì nhớ cái anh chàng đã hỏi đường lúc nãy. Tôi biết, nhưng sợ mình hiểu sai nên hỏi. Hymen là gì? Màng trinh. Tại sao người ta lại đặt tên của một cái hồ nước có chất vôi như vậy? Nghe không được thanh tao cho lắm. Mãi cho đến khi tôi nhìn thấy cái ngọn của Liberty Cap như xuyên qua Hymen Terrace tôi mới lẩn thẩn nghĩ rằng, à thì ra thế. Nhưng không biết mình ngộ ra như thế có đúng không. Hay chỉ tại vì mình có đầu óc không sạch sẽ?
Hôm qua Tống Mai có nhắc đến Roaring Mountain. Trên đường đi đến Mammoth Hot Springs tôi có đi ngang Roaring Mountain, một dãy núi đá vôi bốc khói trắng chói chang trong nắng.

Vừa đọc ký sự như chân chim nhảy của Hà vừa mỉm cười : )
LikeLiked by 2 people
“vừa mỉm cười”
LikeLiked by 1 person
Có nụ cười mỉm của Mai là huy hoàng rồi 🙂
LikeLiked by 1 person