Mùa xuân thứ nhì trong năm

Henry David Thoreau bắt đầu bài tản văn ‘Autumnal Tints’ (Sắc Màu của Thu) đã bảo: “Người châu Âu khi đến Hoa Kỳ thường ngạc nhiên vì màu sắc rực rỡ của mùa lá thu của chúng ta.”[1]  Và. “Rất nhiều người, suốt đời sống trong thành phố, không có cơ hội về miền đồng quê để ngắm nhìn màu hoa, thật ra, nói cho đúng, màu chín tới, chín muồi của cây ăn trái.”[2]  Không phải ông muốn nói đến màu trái cây chín đâu.  Ông ví von màu lá vàng lá đỏ của mùa thu giống như sự chín muồi của những chiếc lá; giống như màu trái cây, thí dụ như trái táo, trái đào, khi chưa chín có màu xanh lục, bắt đầu chín thì ửng hồng, và khi chín muồi thì táo biến thành màu đỏ, đào biến thành màu vàng.  Trên má (trái) đào ửng đỏ như xoa phấn.  Ông đặc biệt dùng chữ ripe nghĩa là chín muồi để chỉ màu lá thu.

Bài này viết để giới thiệu với các bạn một vài loại cây, lá của mấy loại cây này đổi màu vào mùa thu ở New Jersey trên đường tôi đi bộ thường là dọc theo đường mòn bên cạnh kênh Delaware và Raritan, hay là Watchung Reservation.  Biến thành màu đỏ trước nhất là loại một dây leo, người ta gọi nó bằng nhiều tên, tthí dụ Virginia creeper.  Còn tôi thì chỉ nhớ chữ creeper.  Lá mọc tụm lại thành chùm, mỗi chùm năm lá.  Dây leo mềm mại, mảnh khảnh, rất duyên dáng. Creeper xuất hiện ở hàng rào, hay quấn tròn gốc cây, hay leo lên dây điện giăng ngang đường, thòng xuống như những nốt nhạc đỏ trên nền trời xanh.  Có khi creeper leo lên cây có nhánh sà xuống mặt nước kênh, không chỉ một sợi mà một bó thật dày.  Mỗi chiếc lá giống như một cánh hoa.  Dây leo có trái màu đen lớn hơn hạt tiêu chút xíu.  Loại này có chất độc, có thể làm da bị ngứa.  Tôi thường nghĩ creeper như một cô gái đẹp hay bị chọc ghẹo quấy nhiễu, chất độc là để tự bảo vệ mình.

Lá Virginia creeper, mọc trên cây trụ đánh số mile ở gần Amwell Road
Creeper ảnh chụp từ năm 2020

Dogwood, hay sơn thù du, không đỏ ngay lập tức.  Nó bắt đầu bằng màu tím, chuyển sang hồng, rồi đỏ, rồi đỏ sậm.  Cửa sổ sau lưng nơi tôi ngồi viết, ngó sang nhà bà Robyn.  Trong sân nhà bà có hai cây dogwood.  Loại cây này mùa xuân có hoa trắng, lá non mọc thành từng đôi, nhìn xa giống như những cánh bướm màu xanh.  Cuối mùa hè trái của nó, giống như một chùm berry cỡ đầu ngón tay cái màu cam ngã sang màu hồng.  Năm ngoái cây dogwood gần cửa sổ có màu tím, rồi đỏ.  Năm nay chỉ có màu cam, hồng đậm, và nâu.  Vài cây dogwood trong rừng bên cạnh dòng kênh Delaware và Raritan có màu đỏ rực.  Loại cây này tôi có thể nhận diện dễ dàng vì lá nó thuôn dài, và đặc biệt nơi lúc đầu là những trái giống chùm berry mùa thu lại là cái nụ, hay hạt, lớn hơn hạt tiêu, ở cuống lá cong lên.  Ở những nơi được tắm nhiều nắng dogwood đỏ rực lên.  Người Mỹ có nhiều chữ để chỉ màu đỏ.  Cả creeper lẫn dogwood đều có màu đỏ giống như màu crimson. 

dogwood nhà hàng xóm chụp năm nay 2021
cùng cây dogwood chụp năm ngoái

Cây phong, hay maple, có rất nhiều loại. Chỉ riêng phong Nhật Bản cũng có cả chục loại.  Tôi cũng không nói đến cây phong được trích lấy mật để làm syrup.  Ở vùng tôi ở, với cái nhìn của một người chỉ có thể phân loại cây phong, maple, bằng màu sắc thì phong có hai loại, màu vàng và đỏ.  Loại phong vàng đơn giản chỉ từ màu xanh biến thành màu vàng, vàng nhạt cho đến vàng sậm, thêm chút màu nâu ở rìa lá hay cuống lá, có khi một chút viền đỏ. 

Lá phong vàng
Lá phong đỏ

Loại phong đỏ thì có nhiều chuyện để nói hơn.  Như một người phụ nữ tính tình thay đổi bất thường, cây phong đỏ biến đổi màu sắc tùy theo thời tiết.  Ngay trong sân sau nhà tôi có cây phong, mỗi chiếc lá có màu nửa xanh, nửa đỏ.  Dùng chữ nửa cho dễ hình dung, thật ra những vệt đỏ trên lá không đều nhau, có góc cạnh như hình tam giác chứ không phải là những đốm tròn, ban đầu nhỏ li ti rồi từ từ lan rộng ra.  Quan sát một thời gian, tôi nghiệm ra rằng vì nhiều cây cao che khuất cây phong.  Những tia sáng lọt qua được những cành lá trên cao hơn, rọi xuống cây phong.  Chỗ có nắng lá biến thành màu đỏ.  Chỗ lá màu xanh mang góc cạnh của chiếc lá bên trên.  Lá phong thường có  hình giống như vương miện dễ bị nhầm với lá của cây sycamore.  Tuy vậy lá sycamore không có màu đỏ.

Đang chuyển từ màu xanh sang màu đỏ

Lá phong có khi đỏ lốm đốm trên nền lá xanh khiến tôi nghĩ đến cuốn phim hoạt họa Merlin tôi xem với hai đứa con khi chúng chừng bốn năm tuổi.  Trong phim có bà phù thủy bị Merlin hóa phép biến thành con khủng long bị bệnh sởi.  Da con khủng long màu xanh lá cây bị sởi lốm đốm y hệt như màu lá phong khi cuộc đổi màu chưa hoàn tất. 

Chùm lá sồi trước nhà

Cây sồi, oak, thì khá rắc rối.  Trong sân nhà tôi có ít nhất là bốn cây sồi, rất cao và rất to.  Mấy cây sồi này ít khi có màu lá đẹp. Năm nào ban ngày nắng nhiều, buổi tối xuống chừng năm mươi độ F., kéo dài một hai tuần thì lá mới đỏ.  Và khi đỏ thì nó rực rỡ, nếu nhìn phía sau có nắng rọi qua.  Đang lạnh mà trời ấm lên chừng 70 hay 80 độ F. thì lá sẽ nâu xỉn lại.  Hết đẹp.  Henry David Thoreau có nhắc đến cây sồi tía (scarlet oak) nhưng không ảnh nên tôi không biết loại sồi này ra làm sao.  Trong rừng có mấy cây sồi lá đổi thành màu đỏ thắm, như màu carmine, đỏ tươi như màu crimson, và đỏ thẫm, sậm lại như màu huyết dụ, và ở lưng chừng đâu đó có màu đỏ tía gọi là scarlet.  Tôi quan sát mấy cây sồi.  Lá của chúng có chỗ lõm vào giống như chữ C.  Cũng kiểu lá ấy, vỏ cây cũng giống, nhưng cây sồi ở sau nhà tôi, cạnh nhà để xe chỉ đỏ được vài chiếc. Phần nhiều lá có màu cam đục, rồi trở nên nâu.  Có lẽ tại thiếu nắng chăng?  Không phải cây sồi nào cũng đỏ.  Có cây màu cam, màu cà rốt.  Nếu có vàng nó cũng không có màu vàng sáng như màu cây elm. 

Nhắc đến cây elm, tôi chợt nhận ra mình chưa có tấm ảnh nào chụp cây elm.  Lá của cây này mùa thu không rụng.  Nó dính lại trên cây màu vàng rồi từ từ nhạt đi, lá có vẻ như mỏng đi.  Mãi đến mùa xuân, khi lá mới mọc lên đẩy lá vàng ra khỏi cây dĩ nhiên là xuống đất.

Tôi biết mình đang ở giữa mùa thu, khi ba cây sồi ở đầu đường có hai cây đổi màu.  Ba cây đứng sát nhau như ba người sắp hàng.  Cây đầu tiên màu đỏ.  Cây kế nó màu cam.  Cây đứng sau cùng sẽ có màu vàng nhưng bây giờ thì chưa.

Ngay từ hồi tháng Bảy, người ta rủ nhau viết bài mùa thu.  Tháng Bảy đang giữa mùa hè, tôi không thể hình dung ra mùa thu như thế nào.  Phải có những ngày lạnh, chùng xuống với gió heo may, trời giăng đầy mây xám, người mình bỗng dưng cảm thấy buồn buồn, và tiếng ngỗng bay oang oác phía trời xa, mới chợt nghĩ đến một câu hát.  Tháng Tám mùa thu lá thu vàng chưa nhỉ?  Tháng Mười Một, nơi đây là cả một trời màu sắc.  Mưa liên tiếp hai ba ngày, hôm sau nắng hửng lên.  Núp sau những gốc cây màu nâu sậm là những cụm lá màu rực rỡ.  Mùa thu là mùa xuân thứ nhì trong năm, khi những chiếc lá biến thành những cánh hoa đầy màu sắc.  Thật ra, mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng của nó.  William Boone đã viết.

There is no season such delight can bring,
As summer, autumn, winter, and the spring
Không có mùa nào không mang niềm vui
Dù mùa hạ, thu, đông, hay mùa xuân.

Viết xong ngày 3 tháng Mười Một 2021


[1][2]Henry David Thoreau, Autumnal Tints, trích trong Autumn A Spiritual Biography of the Season do Gary Schmidt và Susan M. Felch biên soạn. 2004, Vermont. p.186

8 thoughts on “Mùa xuân thứ nhì trong năm”

    1. Cám ơn Mây Bắc Mỹ. Thật ra bài này không phải sưu tầm. Ảnh do tôi tự chụp. Bài tôi tự viết, chỉ dịch một vài câu văn và thơ của hai tác giả nổi tiếng.

      Like

  1. Hà chụp đủ loại lá, nhưng thiếu lá bàng, thế là phải về Hà Nội tìm lá bàng rồi.

    Mỗi lần thấy lá thu Mai lại nhớ đến câu truyện hai đứa bé nhặt lá bàng đem về để sưởi ấm hay bán kiếm tiền của Nhất Linh:

    “Ở phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy ra. Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa bé, trạc mười tuổi; đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má; áo nó rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con bé, ở sau gốc cây bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em — tôi đoán là hai chị em — chạy lăng quăng đuổi những lá bàng gió thổi lăn trên đường.

    Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.

    — Mau lên chị ơi, nhặt cả hai tay chị ạ.
    — Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên. Thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Thằng nỡm, mày chẳng nghe tao bao giờ… Thằng nỡm.

    Đứa bé không để ý đến lời chị nó, vừa nhặt vừa reo.

    — Gió lên… lạy giời gió nữa lên.

    Chúng vẫn nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt; nhiều khi vì màu áo lẫn với màu đường, tôi không nom rõ người, chỉ thấy hai cái bóng đen lăng quăng. Chúng chạy vụt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đường chạy về một phía bỗng nhiên đứng dừng: một đám lá rơi lỏa tỏa trên người chúng khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào.

    — Lạnh quá.
    — Chạy mau lên cho ấm… thằng nỡm.

    Thấy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm, tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé là thằng Nỡm chăng. Tôi tự nhiên cũng thấy vui với chúng và mặc dầu trời rét tôi cũng mong mỏi gió thổi thật mạnh. Mỗi lần cơn gió tới làm rụng lá, là mỗi lần tôi hồi hộp và sung sướng một cách thành thực.

    Nhưng chỉ có gió một lúc rồi tạnh hẳn. Thỉnh thoảng còn thưa thớt một hai chiếc lá rơi. Lá trên đường chúng nhặt đã hết.

    — Em được tám bó.
    — Tao được năm bó. Tại mày tranh lấy hết của tao, thằng ranh con.

    Tôi lại mỉm cười vui vẻ vì thằng nỡm đã đổi ra thằng ranh con.

    Rồi chúng lại về ngồi chỗ cũ, mỗi đứa một gốc bàng, cho “khuất gió”, khuất những cơn gió làm cho chúng rét run mà chúng vẫn mong nổi lên.

    — Gió lên… lạy giời gió lên.

    Trời sáng rõ lúc nào tôi không để ý. Ánh nắng lấp lánh trên những lá bàng như sơn son. Tôi nhìn xuống đường. Hai đứa bé còn đứng đó. đương buộc mấy gánh lá bàng nhặt được đêm qua. Chúng vui vẻ, nhưng tôi không thể dựa theo nét mặt chúng mà đoán được chừng ấy lá là nhiều hay ít.

    Một người đi qua nhìn gánh lá bàng nói:

    — Lá bàng này sưởi ấm lắm đấy.”

    Liked by 3 people

    1. Cám ơn Mai cho đọc lại đoạn văn này, thấy vẫn còn thích “Thằng nỡm.” Lá bàng to quá nhỉ? Trong rừng mình cũng gặp nhiều loại lá rất to, cỡ cái quạt cầm tay. Mỗi lần nhìn lá, không biết tên, vẫn nghĩ đến lá bàng.

      Liked by 2 people

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s