Qua nét vẽ của Hokusai – Nguyễn thị Hải Hà
Đây là bài đầu tiên trong loạt bài viết “thời dịch bệnh nằm nhà xem tranh của Hokusai.”

Katsushika Hokusai (1760-1849) nổi danh trên thế giới với bức tranh “The Great Wave of Kanagawa.” Bức tranh vẽ đợt sóng khổng lồ trên bản gỗ khắc có màu xanh đậm Prussian blue, được chú ý nhiều đặc biệt trong loạt tranh “Ba Mươi Sáu Góc Nhìn Phú Sĩ Sơn”.
Danh họa Hokusai suốt đời say mê hình ảnh núi Phú Sĩ. Nghe kể rằng, đam mê này được biết đến từ một giai thoại như sau. Thuở nhỏ chừng năm hay sáu tuổi, ông thường ngồi chơi trước nhà và nhìn thấy núi Phú Sĩ từ xa. Hokusai bắt đầu vẽ hình dáng ngọn núi trên mặt đất cứ vẽ rồi xóa đi liên tiếp nhiều năm. Mẹ Hokusai hứa sẽ dẫn cậu bé đi hành hương ở núi Phú Sĩ nhưng tiếc thay chưa kịp thực hiện lời hứa thì bà đã qua đời. Hokusai có rất nhiều bút danh. Cứ mỗi lần ông mở một loạt tranh theo chủ đề là ông đặt cho mình bút danh khác. Hokusai có nghĩa là “Phòng vẽ tranh Bắc Đẩu.” Về già Hokusai, bảo rằng núi Phú Sĩ đã nhập vào ông. Ông là biểu hiện sự trường thọ của núi Phú Sĩ. Ông vẽ nhiều chủ đề, nhiều thể loại. Càng lớn tuổi ông càng vẽ nhiều; tranh của ông càng linh động và sâu sắc. Về thiên nhiên ông vẽ thác, sông, núi, biển. Về kiến trúc ông vẽ cầu, lâu đài, và các chòi lá. Về người ông vẽ võ sĩ samurai, nghệ nhân geisha với những chiếc kimono lộng lẫy, thi sĩ, dân chài, tiều phu, nông dân, đủ hạng người từ giàu sang đến nghèo khó. Về tâm linh ông vẽ Tổ sư Bồ Đề Lạt Ma, Phật, ma, và Nichiren.
Wikipedia tiếng Việt dịch Nichiren là Nhật Liên nhưng chữ Hokusai để nguyên không dịch.
Hokusai suốt đời thờ ngài Nhật Liên (1222-1282), người thành lập một chi nhánh của Phật Giáo Nhật Bản. (Tôi không biết dùng danh hiệu gì trước tên Nhật Liên. Hòa thượng hay Giáo chủ nên để trống) Iijiam Kyoshin (1841 – 1901), người viết tiểu sử Hokusai, kể rằng, nhà danh họa đã làm rất nhiều chuyến hành hương đến những ngôi chùa nổi tiếng thờ ngài Nhật Liên ở ngoại ô Edo và người ta thường nhìn thấy Hokusai đi trên những khu phố gần chùa, không chú ý đến ngoại cảnh vì đặt hết tâm trí vào cuốn kinh Diệu Pháp Liên Hoa ông vừa đi vừa đọc.[1] Ngài Nhật Liên chủ trương tụng niệm kinh Diệu Pháp Liên Hoa hằng ngày có thể đưa đến Giác Ngộ và tin rằng niềm tin vào tôn giáo có thể thay đổi xã hội mang đến hòa bình cho nhân thế. Ngài cũng có quan niệm cực đoan là phải xóa bỏ tất cả mọi tôn giáo khác chỉ giữ lại Phật giáo mà thôi. Quan điểm của ngài Nhật Liên gây nhiều tranh luận sóng gió vào thời ấy.
Trong gian nhà nhỏ bé Hokusai sống chung với cô con gái thứ ba (tên là Eiji và họa danh là Ōi), có một cái kệ nhỏ để thờ Nhật Liên. Về sau học trò của ông, Tsuyuki Kōshō, tả lại gian phòng bằng một bức tranh có tựa đề “Hokusai and Eijo in their lodgings.” Hokusai vẽ nhiều bức họa Nhật Liên, trong đó có bức “chân dung Hòa thượng Nhật Liên,” “Hòa thượng Nhật Liên và con rồng bảy đầu,” và “Hòa thượng vẽ kinh trên sóng.” Những bức họa này cho thấy phần nào khía cạnh tâm linh của danh họa Hokusai.
Dưới đây là bức phác họa Hòa thượng Nhật Liên bị lưu đày sang đảo Sado, trong lúc ngồi thuyền vượt eo biển Nhật Bản thì gặp cơn bão lớn. Trên bức họa này có những lời ghi chú, Hokusai dặn dò các họa sinh, thí dụ như dùng màu vàng ochre cho chiếc thuyền. Bức tranh mô tả Hòa thượng Nhật Liên làm dịu cơn bão lớn bằng cách dùng cọ vẽ những câu kinh lên mặt nước. Tranh khắc lên gỗ dựa vào các nét khắc cạn hay sâu. Mực đỏ, thường được Hokusai dùng làm màu nền để phân biệt với nét đậm chính được dùng màu đen hay màu xanh Prussian. Trong bức họa này, màu đỏ được Hokusai dùng để miêu tả câu kinh trong Diệu Pháp Liên Hoa Hòa thượng Nhật Liên đã vẽ lên mặt sóng. Đợt sóng không còn dâng cao đe dọa nhận chìm chiếc thuyền nữa mà biến thành những vòng tròn bao quanh.


Trong bức họa này, bên tay phải Hokusai lúc ấy đã ngoài tám mươi, từ đầu mùa thu cho đến cuối mùa xuân, suốt ngày nằm dưới tấm chăn để ăn, ngủ, và vẽ. Bên tay trái là Ōi, ngồi cầm cái tẩu dài nhìn ông bố. Sau lưng Ōi là bàn thờ Nhật Liên. Sau khi bị một cơn stroke, Hokusai không còn vẽ được như ý nữa. Ōi đã giúp ông bố rất nhiều. Có rất nhiều bức họa của Hokusai về sau người ta nhận ra là nét vẽ của Ōi. Tuy cô bắt chước nét vẽ của Hokusai rất tài tình, khó phân biệt rõ ràng ai vẽ, nhưng người ta bảo rằng, Ōi vẽ ngón tay phụ nữ rất dài và chỉ vẽ phân nửa những cái móng tay. Các nữ nghệ nhân geisha mặc kimono thường được Ōi vẽ lộ ra bàn chân. Một cách biểu hiện nét sexy nhưng cực kỳ thanh nhã.
*Cả ba bức họa, Chân dung Hokusai, Monk Nichiren writing on waves, và Hokusai and Eijo in their lodgings trích trong “Hokusai Beyond the Great Wave” do Timothy Clark biên soạn.
Nguyễn thị Hải Hà viết xong ngày 26 tháng Mười 2021
[1] Angus Locker, Hokusai’s Thought. Hokusai Beyond The Great Wave edited by Timothy Clark.
hay quá cô, con chờ đọc nữa. trong mấy truyện ngôn tình con đọc họ có nói hồi xưa nếu thấy chân phụ nữ ngoại trừ phu quân ra thì không ai được xem.
LikeLiked by 1 person
Cô không biết vụ lộ bàn chân chỉ dành cho phu quân, nhưng với người Nhật, chỗ trũng của áo đằng sau cổ là chỗ biểu lộ sexiness, cũng giống như khoảng da thịt bên trên đầu gối vậy.
LikeLiked by 3 people