Láng giềng

Sáng hôm kia (Dec. 11, 2021) cho mèo ăn, tôi thấy có con nai đang lặng lẽ ăn rau cải, vỏ trái cây, ông Tám để ngoài hàng rào với hy vọng là nai hay con thú nào đó sẽ ăn. Mấy con mèo hoang cũng rất khôn ngoan. Chỉ gần gõ vào miệng chén leng keng là chúng sẽ đến ăn, nếu đói.

Cách đây vài hôm, tôi đang đọc cái gì đó, thì điện thoại reo. Ngạc nhiên thấy đó là bà Robyn, nhà bên cạnh. Bà bảo tôi nhìn ra cửa sổ, có con cáo đang ở trên deck nhà tôi. Con cáo này đến khá thường xuyên. Có hôm tôi gặp nó nằm khoanh ở gốc cây sồi gần cái shed, đang liếm láp chân, có lẽ mới vừa ăn thức ăn mèo xong. Chập sau nó đứng dậy lững thững đi, cái dáng đi hơi gượng gạo cà giật chứ không uyển chuyển như mèo và chó. Cái đuôi của nó cũng dày hơn, xum xuê hơn chứ không như năm trước, đuôi trụi lủi một đoạn dài cả gang tay. Khúc đuôi chỗ lông bị trụi lủi đã thu ngắn lại, chỉ còn cỡ chừng 2 hay 3 cm.

Bà Robyn nói, “tôi gọi chị để báo chị biết kẻo chị giật mình khi đi ra sân lại thấy con cáo đứng đó. À, mà chị có để thức ăn mèo ở đó không? Mấy con mèo làm tôi phát sùng lên. Hình như chúng nấp dưới cái hồ tắm của tôi vì tôi thấy có lỗ cho thú vật chui vào.” Hồ tắm của bà lộ thiên và xây bên trên mặt đất nên thế nào cũng có chỗ trống phía dưới hồ. Tôi biện hộ cho mấy con mèo hoang, có thể lỗ đó là của ground hog, marmot, hay opossum. Dù không muốn nhưng tôi cũng ngập ngừng thú nhận là tôi có để thức ăn cho mấy con mèo hoang. Bà Robyn rất ghét nai, hễ bà thấy nai là bà ném đồ cho chúng sợ bỏ chạy. Bà ghét mèo vì hai con mèo hoang có khi đánh nhau gào thét um sùm. Bà đặc biệt ghét chó. Con trai và con dâu không thể dọn vào ở chung, dù bà ở một mình, và lúc ấy phải thay xương chậu, chỉ vì gia đình con trai có nuôi con chó. Bà nhất quyết, con và dâu và cháu muốn ở thì ở còn chó thì nhất định là không. Chắc là bà không vui khi biết tôi để thức ăn cho mèo, càng không vui hơn khi tôi để thức ăn cho nai. Bà còn nhắc tôi nhớ chụp ảnh con cáo. Tuy vậy vì tôi đang dùng điện thoại nên không chụp ảnh được, và con cáo chạy đi trong nháy mắt.

Có lần bà mời tôi vào nhà, cho tôi xem các phòng trong nhà bà. Bà xếp đặt ngăn nắp, trang trí thật trang nhã, như một căn phòng của khách sạn hạng sang, còn hơn cả khách sạn vì có nhiều ánh sáng tràn vào cửa sổ. Dĩ nhiên là bà không mở B&B vì không muốn có kẻ lạ vào nhà. Chồng bà qua đời cách đây vài năm (hình như năm 17 hay 18 tôi không còn nhớ). Từ khi chồng qua đời, bà thuê người cắt cỏ nhưng cho dù trời lạnh bà vẫn lui cui thu dọn, trồng hoa, nhổ cỏ rất chăm chỉ. Dường như bà làm việc để không có thì giờ nghĩ đến sự cô đơn quạnh hiu của bà. Mỗi lần nhìn thấy bà quanh quẩn trong sân, tôi lại nghĩ đến hai câu ca dao.

Lạnh lùng thay láng giềng ơi,
Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều.

Láng giềng quan trọng lắm chứ. Tình thân, hay tình yêu, nhiều khi bắt đầu chỉ vì ở gần nhau. Ông bà mình đã chẳng nói, bà con xa không bằng láng giềng gần, đó sao. Đến đây thì tôi lại nhớ mấy câu thơ như “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi. Cách nhau chỉ giậu mồng tơi xanh rờn.” Và “Cô láng giềng ơi. Không biết cô còn nhớ đến tôi.” Và “Láng giềng đã đỏ đèn đâu. Chờ em nhai giập miếng trầu em sang.” Do ở gần nhà nên họ có cơ hội để yêu nhau. Nói thì nói vậy chứ gần quá thì cũng xảy ra nhiều chuyện mích lòng. Báo đăng hôm qua có một anh người Việt 35 tuổi bị bắt vì tình nghi giết người cha 65 tuổi. Còn hàng xóm cãi nhau người ta cũng xách súng bắn chết người. Ngày trước khi ông Steve còn sống, chúng tôi còn biết chuyện đầu trên xóm dưới. Trước ông là cảnh sát cho công ty xe lửa, chỗ tôi làm việc nhưng ông làm ở trạm nào đâu đó tôi không biết. Ông bị ngã, chấn thương xương sống nên về hưu sớm. Lúc chúng tôi mới dọn về thấy ông có con chó nhỏ hay dẫn đi trên đường trước nhà. Sau ông đem chó tặng cho hàng xóm. Lúc ấy tôi không biết là vợ ông không thích nuôi chó. Ông “đi tuần” trong xóm, thỉnh thoảng gặp ông Tám kể nghe tin tức láng giềng. Cũng chính ông Steve đã báo cho chúng tôi biết, lâu lắm rồi từ lúc chúng tôi mới dọn về ở căn nhà này, cũng đã hơn hai mươi năm, một nhà hàng xóm khác có đứa con bị chết trong trận cháy ở đại học của tiểu bang. Chuyện xảy ra cũng vào khoảng cuối năm, sắp đến Giáng Sinh.

Đâu như hồi tháng trước, bà Robyn gặp ông Tám đang cắt cỏ, báo tin một người hàng xóm khác, đã bán nhà dọn đi chỗ khác, qua đời vì bệnh ung thư. Ông Lennie, nhỏ tuổi hơn tôi và bà Robyn. Ông rất thân với nhà bà Robyn. Khi bà vắng nhà, bà giao chìa khóa cho ông. Ở đây, đèn nhà ai nấy sáng. Ít ai qua lại với ai. Ông cụ Jack, nhà xéo xéo nhà tôi, bà vợ qua đời mà mãi mấy năm sau chúng tôi mới biết, sau khi ngừng xe trò chuyện với ông cụ lúc ông đang cắt cỏ dọn dẹp ngoài sân. Thời gian, khi nhìn lại, thấy thời gian qua rất nhanh. Khi Lennie dọn đi, gia đình mới dọn vào, đó là một cặp vợ chồng trẻ, chồng làm cảnh sát. Cô vợ lúc ấy còn mang thai. Vậy mà bây giờ đã có hai đứa con, chừng bảy hay tám tuổi chạy nhảy vui đùa trong sân. Con chó nhỏ xíu của họ, mùa đông đầu tiên, mặc dù được mặc áo ấm nó vẫn run lẩy bẩy. Bây giờ đã quen với cái lạnh, chạy giỡn, sủa inh ỏi trông rất vui.

Ngồi kể chuyện láng giềng, bởi vì bỗng dưng tôi nhớ một bài haiku, có lẽ của Basho. Không nhớ chính xác từng câu, chỉ nhớ đại ý. Mùa đông năm nay (hay cuối thu) trời lạnh nghĩ đến người láng giềng, không biết người ấy ra làm sao, như thế nào. Ở đây, trời lạnh càng ít gặp nhau ở ngoài sân, bẵng một thời gian mình mới chợt nhận ra, người láng giềng đã ra người thiên cổ.

5 thoughts on “Láng giềng”

  1. Mai thấy vùng East trên kia hay quá, vẫn còn giữ được cái gần gũi của láng giềng.
    Dưới này Virginia, Mai thấy mình không biết ất giáp gì về láng giềng của mình, mới thấy cái khép kín của đời sống ở đây.

    Liked by 1 person

    1. Một phần có lẽ Mai ở chỗ mỗi nhà đều biệt lập, cách xa nhau nhiều, nhà này sang nhà kia có cái driveway khá dài, nhà này không nhìn thấy nhà kia. Chỗ này nhà này nhìn thấy nhà kia, thường gặp nhau mỗi khi quét lá hay dọn tuyết. Chứ thường thường thì cũng ít gặp nhau. Dọn lên này ở đi để hai đứa mình có thể gặp nhau, đi chụp ảnh, haha, nói giỡn thôi nha.

      Liked by 1 person

  2. Cô Hà kể chuyện của những người sống cạnh nhà cô làm tôi đọc một hơi tới hết mới thở tiếp. Nhưng vẫn còn sống cô ạ (!).
    Chúc cô và ông Tám luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s