Tôi viết uống nước chữa bệnh là để người đọc tò mò, ghé mắt đọc. Rồi tôi nghĩ phải viết nguyên câu, uống nước để chữa bệnh táo bón, kẻo các bạn gần xa nghĩ rằng tôi thiếu hiểu biết khoa học, tin vào những bác sĩ quack rồi tuyên truyền nhảm. Bài này viết để cho các bạn già của tôi đọc với tôi. Các bạn trẻ nếu lỡ đọc thì xin tha lỗi vì bà Tám viết bài không được thanh tao.
Ngày xưa còn trẻ, đi học, mấy ông bà thầy giáo Mỹ hay khuyến khích học sinh thắc mắc, đặt câu hỏi. Bảo rằng đừng sợ bị cho là ngu dốt, bởi những câu hỏi của mình. Hễ bạn không biết về điều gì đó, tất nhiên là có người cũng không biết. Có người không biết cũng không dám hỏi, vì sợ lòi ra cái điều mình không biết. Tôi viết ra những điều tôi biết và không biết về chuyện uống nước chữa bệnh táo bón. Hy vọng nếu tôi nói đúng các bạn già biết mà tránh. Còn nếu tôi sai thì đừng nghe.
Khi bạn đến một tuổi nào đó không nhớ chắc, hình như 55 hay 60, đi khám định kỳ hằng năm bác sĩ thử máu kiểm soát độ đường, độ mỡ, huyết áp, và các khoáng chất trong máu. Phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ Á châu, trong đó có Việt Nam, nhỏ xương (có nghĩa là nhỏ con, vóc dáng thấp bé) xương mỏng, họ dễ bị vỡ xương chậu khi bị ngã. Và người già thường hay ngã, vì các bắp thịt chân yếu đi, và mất thăng bằng (vì não cũng yếu đi?). Vỡ xương chậu nếu không chết thì cũng bị nằm liệt giường, rất khổ. Phụ nữ ở Mỹ được đo độ dày độ nặng của xương bằng máy đo bone density. Qua kết quả đo này, nếu có dấu hiệu bị xương mỏng đi, nhẹ hơn, chiều cao của người thấp hơn, nhưng không quá trầm trọng người bệnh sẽ được chữa trị bằng cách uống calcium. Người mình thường gọi calcium là thuốc bổ xương, hồi nhỏ tôi nghe gọi như thế.
Calcium có nhiều trong sữa, trong các loại rau xanh. Tôi bị dị ứng với sữa (lactose intolerance) mà tôi không biết, vì tôi không có những triệu chứng, chẳng hạn như tiêu chảy. Tôi chỉ bị đầy hơi, và tiếp theo là chảy mũi, có đàm rãi trong miệng. Nước mũi chảy xuống cổ sinh ra ho. Tôi nghĩ là tôi bị dị ứng với rêu mốc, bụi trong nhà, thật sự là tôi cũng bị dị ứng với những thứ này. Để cầm triệu chứng chảy mũi và ho, tôi uống anti-histamine. Loại thuốc này làm ngăn nước mũi, nước mắt. Vì táo bón, tôi ăn sữa chua, yogurt hay da-ua. Chất sữa chua làm tôi thấy xót bao tử, ợ chua. Men sữa làm tôi đầy hơi. Tôi dùng kẹo ngậm trừ chất acid trong bao tử, trong kẹo này cũng có calcium. Thấy sữa làm mình khó chịu tôi chuyển qua uống thuốc viên calcium. Hoàn toàn theo đúng toa bác sĩ.
Lúc sau này, những nghiên cứu mới cho thấy người Mỹ nói chung thiếu vitamin D, nhất là những người ở vùng lạnh thiếu nắng. Người Á châu, Việt Nam như tôi, vốn sinh ra ở xứ nóng, nhiều mặt trời, bây giờ ở xứ lạnh càng thiếu vitamin D trầm trọng hơn. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi, bây giờ người ta mới phát giác ra là thiếu vitamin D trầm trọng như thế, tại sao mình vẫn sống được, vẫn hoạt động bình thường mấy chục năm mà không chết. Có thật sự là mình cần vitamin đến như thế không? Vitamin D giúp tồn trữ calcium tốt hơn.
Và, tôi nghiệm ra, đoán ra, suy luận ra, từ lúc tôi tăng cường calcium cho cơ thể, tôi bị bệnh táo bón. Calcium, anti-histamine, thuốc giảm acid trong bao tử, trà, cà phê, rượu vang, chocolate, những thứ tôi dùng đều khiến cho tôi bị táo bón. Bạn nào hay uống nước đậu rang cũng nên cẩn thận vì có nhiều chất sắt và có thể thải nước trong cơ thể, cũng có thể gây ra bón. Ban đầu không trầm trọng lắm nhưng đủ khiến tôi chú ý. Và càng lúc càng trở nên trầm trọng hơn, khiến tôi phát hoảng. Sáu năm trước tôi đã có colonoscopy (nội soi ruột già) vì đã bắt đầu có triệu chứng táo bón. Bây giờ tôi làm hẹn nội soi lần nữa, dù bác sĩ bảo là mười năm sau mới làm nội soi lần thứ nhì. Nhưng, tôi nghĩ phải có cái gì đó trong ruột chặn đường lưu thông nên tôi mới bị bón. Thú thật tôi không ưa chuyện nội soi ruột già, vì trước đó phải nhịn ăn và uống thuốc xổ cả 30 tiếng đồng hồ. Mà các loại thuốc này tuy không đắng không hôi nhưng rất khó nuốt.
Tôi cũng nghiệm ra là tôi bị táo bón một phần vì uống calcium mà không uống đủ nước. Tôi uống nước cũng bình thường như từ trước đến giờ. Tôi không thấy khát nước nên nghĩ là cơ thể mình đủ nước. Hỏi google uống bao nhiêu nước thì đủ, có nhiều câu trả lời là cỡ chừng 3 chai nước 16 oz, có nghĩa là 1.5 lít.
Để chữa bệnh táo bón, tôi tạm ngưng calcium, uống sữa lactaid (dành cho người dị ứng với sữa thường), tạm ngưng vitamin D. Và bắt đầu uống nước để chữa bệnh. Tôi bắt đầu kiểm soát số lượng nước tôi uống, ít nhất phải là 1.5 lít. Bác sĩ bảo mỗi ngày một viên Dulcolax (nhuận trường), và uống thêm fiber. Sau một tuần, bệnh giảm đi. Liên tiếp mấy năm nay tôi xoay tròn trong chu kỳ, calcium, vitamin D, sữa chua, thuốc trị ợ chua, trị gas, táo bón, trị táo bón, trở lại chu kỳ. Vì vậy nên uống thêm nước, và nên chia số lượng nước ra để uống suốt ngày. Buổi sáng thức dậy một ly nước ấm, trước tôi uống một ly 8oz. Giờ tôi uống ly to hơn một chút. Tám ly 8 oz. tương đương một lít rưỡi nước. Nếu bạn tập thể dục đổ mồ hôi thì nên uống thêm nước.
Hôm qua đi soi ruột, bác sĩ bảo tốt, mười năm sau mới nội soi lần nữa. Tôi một phen hoảng hồn, sợ bị ung thư. Tôi có người bạn, bị bón, đến nghẽn ruột, phải đi bệnh viện cấp cứu, và phải mổ. Bạn đừng cười tôi hoảng hốt linh tinh. Cứ tưởng tượng nhà mình bị nghẹt cống thì sẽ thấy khủng khiếp đến chừng nào.
Hà phải ăn trái cây nhiều mỗi ngày, ăn nhiều rau nữa. Nếu có rau Bồ Công Anh (Dandelion) thì nên ăn mỗi ngày, bảo đảm với Hà là sẽ không bị táo bón. Nếu có trong vườn thì ra hái vào rồi luột cho mềm để dễ ăn, nước luột rau nên giử lại để uống đừng bỏ đi nhé Hà. Thảo nhờ ăn rau bồ công anh nên không bị táo bón. Chúc Hà khỏe và vui nhiều.
Love from DTQT.
LikeLike
Luộc cho mềm ăn ngon, hơi đắng một chút nhưng Thảo thích vị đắng này. Trong vườn có nhiều nên Thảo không phải mua, ở siêu thị thỉnh thoảng cũng có bán nhưng đắc lắm.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Dã Thảo.
LikeLiked by 1 person