Lời người dịch. Hằng năm tôi thường chọn một truyện về Giáng sinh để dịch. Tôi để ý truyện này vì nhận ra nhân vật trong truyện không chỉ bị chiếm đoạt con búp bê, cô bị mất cả lòng tin vào những người chung quanh. Cô mang nỗi căm ghét suốt đời và nó khiến cô trở thành một người khó tính, thậm chí hơi khắc nghiệt. Có lẽ những mất mát đầu đời người ta nên xem nó như một cuộc thua lỗ và bỏ qua để có thể sống vui với những ngày còn lại – Nguyễn thị Hải Hà
Link từ Gió O. Con Búp Bê
Mỗi mùa lễ Giáng Sinh tôi đều nhận được một con búp bê, quà của một người hầu như không quen biết. Cô ấy là bạn của mẹ tôi. Mặc dù cô ấy và mẹ tôi rất ít gặp nhau, chỉ một đôi lần tình cờ gặp nhau ở đám tang của ai đó, cô ấy vẫn giữ thói quen tặng búp bê cho tôi. Búp bê thường đến vào một buổi chiều trong tuần trước lễ Giáng sinh, và nó làm tăng thêm niềm vui của những ngày đầy bận rộn và náo nhiệt. Chúng tôi làm món thịt nhồi khoai tây, bánh nướng nhân thịt, bánh trifle cứ mỗi lớp trái cây phủ kem là một lớp bánh giống như bánh bông lan. Chúng tôi treo chung quanh cửa sổ lá đông thanh (holly) có kèm dây kim tuyến, và có cảm tưởng là những may mắn bất ngờ sẽ rơi xuống chúng tôi.
Mỗi năm, con búp bê mỗi xinh đẹp hơn, quyến rủ hơn, quần áo lộng lẫy hơn. Không phải chỉ có búp bê nam mà còn có búp bê nữ nữa. Có năm, búp bê là một anh kỵ mã mặc quần áo màu đỏ thắm và màu vàng hoa nghệ tươi. Có năm, là chú bé đánh trống người Hà Lan mặc áo nhung màu đỏ rượu vang. Có năm, búp bê mặc váy xòe dài phủ gót chân, có thể nhắm mắt và mở mắt, một “cô gái” có vẻ đẹp mong manh dễ vỡ khiến tôi e ngại mỗi khi chị tôi hay em tôi cầm búp bê lên chơi và cố lúc lắc làm cho mắt búp bê nhấp nháy. Mắt của búp bê giống như hạt cườm và những đóa hoa màu xanh nho nhỏ, một bên có màu sắc thu hút hồn, còn bên kia làm bằng thủy tinh bóng nhẵn. Búp bê được đặt tên là Rosalind.
Chị và em tôi, dĩ nhiên, rất ganh tị nên cứ lải nhải than phiền, thật là bất công quá khi tôi được quà búp bê, còn các cô ấy chỉ được mấy đôi tất bằng nỉ dạ màu sắc rất đơn điệu, may ra bên trong có vài món đồ thực dụng như bút chì, sách cóp pi, vài viên kẹo caramel hay miếng kẹo licorice hình cái ống điếu. Mỗi búp bê đều được đặt cho một cái tên, có được một chỗ để cư ngụ, ở góc nhà hay chỗ nào đó có khi là ở trong cái hộp đựng bánh bích quy. Mỗi búp bê đều có một vài câu đối thoại dành cho nó, những câu văn đầy âu yếm, hoặc có khi là những lời răn dạy nghiêm khắc. Búp bê được dành cho một khoản thời gian đặc biệt để hưởng không khí trong lành – thí dụ như được mang ra bày gần cửa sổ, hoặc để phơi trên bãi cỏ (chơi rồi quên đi). Tôi không yêu thích đặc biệt búp bê nào cả cho đến khi tôi nhận được búp bê thứ bảy. Với tôi, đây là hiện thân của một công chúa bằng xương bằng thịt. Búp bê này cũng có thể nhắm mắt mở mắt, nhưng đặc biệt là cô nàng này khá to lớn, mặc áo màu xanh nhạt, có áo khoác bên ngoài, mũ cũng xanh nhạt, và mang đôi giày trẻ em màu trắng. Các chị của tôi cũng khoái cô búp bê này chẳng kém gì tôi. Cô có vẻ thu hút rất huyền bí. Chúng tôi đồng ý với nhau là cô rất giống người thật, nếu được khuyến khích dạy dỗ cô nàng có thể nói chuyện được đấy. Mái tóc vàng óng của cô mềm như tơ, cổ tay nhỏ nhắn của cô có thể vung vẩy, đôi mi đen mượt và ánh nhìn say đắm của cô khiến chúng tôi nghĩ rằng không những cô là một búp bê sinh động mà còn có linh hồn và nhận biết sự hiện diện của chúng tôi. Những cuộc trò chuyện của chúng tôi với cô thường rất gay cấn và chúng tôi luôn lỡ mồm thố lộ những chuyện làm chúng tôi có thể bị trách mắng.
Trong trường có một bà giáo không ưa tôi mà tôi chẳng hiểu tại sao. Tôi thích bài học, luôn luôn nộp bài đầu tiên, luôn luôn đến lớp sớm, nhóm lò sưởi cho lớp học, cào tro, luôn luôn chuẩn bị sẵn một thúng củi và cỏ khô để nhóm lửa trước khi bà giáo đến. Thật ra, chính sự cố gắng làm cô bé học trò ngoan ngoãn của tôi lại làm cho bà giáo phật ý và cô luôn châm biếm tôi về cái tính “tốt lắm ngoan lắm” này. Bà giáo trêu ghẹo tôi từ cái áo lạnh, sợi dây giày, đến cái kẹp tóc. Để các bạn tôi có dịp cười, cô gọi tôi là “nó” như thể tôi là một món đồ dùng. Bà giáo nói, “Vớ của nó có lỗ,” hay là “Nó không có một cái áo khoác coi cho được mắt,” hay là “Quyển sách của nó có vết lem.” Tôi tin chắc là bà giáo ghét tôi. Nếu trong một buổi kiểm tra bài, tôi được điểm cao nhất – và tôi thường xuyên được như thế – bà giáo sẽ đọc điểm của tất cả các bạn trong lớp trước, và điểm của tôi sau chót. Bà nói “chúng ta đều biết ai là kẻ học gạo chăm chỉ nhất” như thể tôi là đứa học trò kém nhất lớp vậy. Nếu trong buổi học nấu ăn tôi làm bánh bột chiên và mời bà một miếng bà sẽ nhăn mặt như thể tôi mời bà ớt hiểm hay khổ qua vậy. Có lần bà bảo một đứa học trò to nhất lớp đưa cho tôi viên thuốc xổ mà bảo rằng đó là kẹo trái cây rồi chế nhạo tôi khi tôi cứ phải ra vào phòng vệ sinh suốt ngày. Thật là một cực hình cho tôi. Nếu thầy giám thị khen tôi bà sẽ bảo rằng tôi tuy rất thông minh, nhưng không nhạy bén trong việc ứng xử với đời sống. Mà cũng thật là ngược ngạo vì bà đối xử với chị và em của tôi rất tử tế. Thỉnh thoảng bà cũng gửi lời thăm hỏi mẹ tôi có khỏe không, hay bảo lúc nào bà sẽ gửi cho mẹ tôi một ít mứt ở nhà làm, có khi là một ổ bánh. Tôi thường cầu nguyện với ơn trên là đến một lúc nào đó bà giáo sẽ tự vấn lương tâm và nhận ra là bà đã cư xử rất tệ bạc với tôi mà sửa chữa lại.
Rồi có một ngày, lời cầu nguyện của tôi dường như được đáp ứng. Đó là một ngày tháng Mười Một, đám con gái chúng tôi đã để dành đủ tiền để mua đồ mừng lễ Giáng Sinh. Chúng tôi biết chợ bán gà Tây sắp mở cửa, sau đó là tiệm bán thịt heo muối, và kẹo bánh sẽ trưng bày đầy ở các cửa hàng bán thực phẩm và tạp hóa. Bà giáo nói vì chúng tôi học các bài giáo lý rất giỏi, bà sẽ mang tượng Chúa Hài Đồng ra để trình diễn ở buổi kịch trong trường. Chúng tôi sẽ phải làm cái nôi, chất rơm mới vào nôi, và trưng bày các tượng khác. Có bạn nói nếu cô búp bê của tôi được diễn, nó có thể sẽ là đức Mẹ Đồng Trinh đẹp nhất. Một vài bạn đã theo tôi về nhà và được nhìn cô búp bê cất trong cái hộp viền bạc. Ngày hôm sau tôi mang cô búp bê vào trường. Mọi học sinh trong lớp đều vươn cổ nhìn khi bà giáo mở nắp hộp sơn mài màu đen để mang cô búp bê ra.
“Trông cũng tạm được,” bà giáo nói và bảo một học sinh khác đem cất cô búp bê vào tủ chứa dụng cụ nấu ăn, bảo rằng khi nào cần hãy mang ra. Tôi có chút ngậm ngùi khi phải chia tay búp bê, nhưng rất vinh hạnh là búp bê sẽ được tham dự vào vở kịch của trường, và sẽ được chú ý nhiều nhất. Tôi may cho búp bê một chiếc áo choàng mềm mại màu xanh với tấm mạng mỏng phủ lên trên, và cái kẹp cài áo lấp lánh như kim cương. Nàng như một nàng tiên của ánh trăng, rạng ngời, ngay cả trong những ngày đen tối ẩm ướt. Cái tủ chứa dụng cụ nấu ăn thật là nơi trú ngụ không xứng đáng với nàng. Nhưng tôi biết phải làm sao đây?
Vở kịch bị trải qua một tình huống khá xui xẻo. Người anh họ của bà giáo, tên Milo, đã say rượu và làm những trò lố lăng. Hắn ta gọi các nữ sinh đến gần đống lửa trại, giả vờ trò chuyện để sờ mó bắp chân, và cù phía sau đầu gối của các cô. Hắn gọi tôi đến và hỏi tôi có thích hắn không. Hai cậu con trai của bà giáo cũng đến xem kịch, nhưng một người bỏ về nửa chừng. Người ở lại là người rất kỳ cục, thường cười um sùm khi không có lý do gì phải cười, và mặc dù anh ta đã hơn hai mươi tuổi anh vẫn gọi bà giáo là “má mi.” Anh ta có mái tóc đỏ chạch, và cái nhìn chăm bẳm. Hầu hết suốt vở kịch, các diễn viên bé tí đều lỡ quên lời đối thoại, ngơ ngơ ngác ngác không biết phải làm gì. Người nhắc tuồng thì nhắc trễ khiến người nói sau hiểu lầm nên nói lời đối thoại dành cho người nói trước. Người nhắc tuồng đứng ở sau tấm màn trên khán đài nhưng nói to đến độ người ở ngoài đường cũng nghe. Vở kịch là một thất bại thật thảm hại. Chỉ có nàng búp bê của tôi là một nhân vật sáng chói và tất cả mọi người đều khen ngợi nàng.
Sau vở kịch có buổi tiệc đãi bánh và nước trà. Bà giáo của tôi trò chuyện với các bà mẹ đến xem kịch. Mẹ tôi không đến được vì mẹ tôi có bệnh nhát, bà sợ đám đông; ngay cả lễ nhà thờ ngày Chủ Nhật Mẹ cũng lánh mặt, thế nhưng Mẹ vẫn tin là Chúa sẽ giúp Mẹ thoát khỏi bị chóng mặt và ngộp thở. Sau khi mọi người ra về và chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ, tôi đến gặp bà giáo. Thật ngạc nhiên vì bà tặng cho tôi một nụ cười rất thành thật. Bà cám ơn tôi đã cho cô búp bê tham dự vở kịch, và không thể nào chối cãi được là búp bê đã cứu vãn vở kịch. Nhưng, khi tôi cầm lấy búp bê thì bà giáo lấy cây thước quất mạnh vào tay tôi và bật cười ha hả.
“Đừng có tưởng là tôi sẽ cho em mang nó về. Tôi phải lòng cô ấy rồi… con bọ bé bỏng của tôi,” bà giáo nói và gõ nhẹ vào má của búp bê. Về nhà, tôi lồng lộn lên vì tức giận. Mẹ tôi nói có lẽ bà giáo nói đùa thôi và sẽ mang trả lại trong một hay hai ngày sắp tới. Bố tôi nói nếu bà giáo không trả, bà ấy phải đối đáp với bố tôi, nếu không trả sẽ có chuyện rầy rà cho bà ấy lắm đấy. Ngày trôi qua, lễ Giáng sinh đến rồi đi, chẳng những bà không trả mà còn mang cô búp bê về nhà chưng trong tủ kính bên cạnh bộ đồ pha trà và các đồ trang trí. Mỗi lần đi ngang cửa sổ nhà bà giáo, tôi đều nhìn vào. Tôi không thể nhìn thấy búp bê vì tủ kính được đặt trong góc khuất, nhưng tôi biết búp bê ở đâu vì cô người làm của bà giáo tên Lizzie nói cho tôi biết. Tôi dựa trán vào cửa sổ, gọi búp bê, nói rằng tôi rất nhớ nàng và đang lập mưu để giải cứu nàng.
Tất cả mọi người đều cho rằng đó là một hành động sai trái và xấu xa, nhưng không ai dám bảo gì với bà giáo, bởi vì thật ra không ai muốn đối phó với bà. Ai cũng sợ bà giáo cả. Bà có miệng lưỡi rất sắc sảo dữ dằn, và mọi người chung quanh tôi đều rất dị đoan. Họ cho rằng bà giáo có thể mang đến bộ não cho học trò, đó là sự hiểu biết và trí thông minh, vậy thì bà giáo cũng có thể lấy đi, như lấy cái kềm, gắp đi bộ não của học sinh, rồi giữ trong những lọ nước muối như mấy bộ não trong phòng thí nghiệm vậy. Không ai dám nói năng gì và lâu ngày tôi cũng đâm ra chấp nhận, chuyện nó là như thế. Có lần tôi lấy hết can đảm đòi bà giáo trả búp bê lại cho tôi, bà chỉ nói tôi là một cô bé không biết kính trọng người lớn. Từ đó tôi không nhìn vào cửa sổ nhà bà giáo nữa. Tôi băng qua đường khi đi ngang chỗ ấy. Tôi cũng không trò chuyện với Lizzie nữa để tránh không phải tình cờ nghe chị ấy nói chuyện về cô búp bê vì điều này có thể làm tôi điên tiết lên.
Có một lần, tôi bị sai mang đến nhà bà giáo một gói thịt heo và thấy bà cùng với cậu con trai kỳ quặc đang ngồi bên lò sưởi. Cả hai đều kéo tất xuống để sưởi ấm. Mồ hôi loang loáng hình chữ Z trên da họ. Bà giáo hỏi tôi có muốn vào nhà để ngắm búp bê không, nhưng tôi từ chối. Lúc ấy tôi đang chuẩn bị đi học xa và tôi biết là sẽ không bao giờ quan tâm về bà giáo nữa. Tôi sẽ quên bà giáo, quên cô búp bê, và hầu hết những chuyện đã xảy ra. Hay ít ra, tôi có thể nghĩ đến nó mà không còn thấy khó chịu.
Năm tháng trôi qua. Tất cả mọi sự vật và mọi người đều thay đổi. Những người quen biết, dù vắng mặt, cũng dần dần biến thành người mới, vì thế mỗi người đối với chúng ta là tổng hợp của nhiều người khác nhau. Hậu quả cũng giống như mở một cái hộp, bên trong là một cái hộp khác và sự thật cất trong hộp hoàn toàn bị dấu kín.
Bà giáo chết một cách chậm chạp và đau đớn, ngày càng héo gầy, mỏng như sợi chỉ, vì bệnh ung thư. Bà cố gắng chống chọi với cái chết, bảo rằng bà chưa đến số chết. Tôi nghe kể về số tiền bà giáo để lại và những lời trăn trối của bà nhưng trong lòng tôi không thấy chút cảm động nào cả. Tôi không còn cảm thấy giận dữ và cũng không có chút thất vọng nào. Tôi không còn quan tâm đến bà giáo nữa. Tôi chạy trốn những người trong cuộc. Tôi đã rời bỏ quê cũ. Hiện nay tôi sống trong thành phố. Tôi là một người có nếp sống đô thị văn minh. Nhiều người đến nhà tôi, đủ thứ giai cấp, họ đến để ca hát nhảy múa, để thi thố lời lẽ. Họ sáng chế ra đủ thứ loại nhà hát tư nhân để chúng tôi có thể diễn kịch chung với nhau. Tôi cũng đóng góp một phần trong các vở kịch ấy. Nhiệm vụ của tôi là mở cửa chào đón họ, làm cho họ bớt căng thẳng, mua chuộc họ bằng thức ăn và nước uống, rồi âm thầm chán họ, lặng lẽ xa cách họ. Cũng giống như họ, tôi mỉm cười, rồi lảng ra xa. Cũng như họ tôi hút thuốc, uống rượu, để gợi lên một sự thích thú, hoặc là một sự rong chơi vui vẻ trong ảo tưởng. Đây không phải là những điều tôi vun trồng. Chúng nó tự phát triển, như một cái hạt mầm hít thở trong bóng tối. Vì thế, tôi xa cách những người đang ở gần tôi, và tôi cũng xa cách những người tôi bỏ lại sau lưng. Ban đêm tôi hưởng thụ sự xa cách này. Buổi sáng, tôi sờ cái bàn, hay tách trà để biết chắc rằng đó là cái bàn hay tách trà, và tôi trò chuyện với cái bàn hay tách trà. Tôi tưới nước những đóa hoa, và tôi trò chuyện với những đóa hoa, và cây trong rừng, và khói đốt gỗ. Những người bạn mới của tôi rất hiền hòa, nhưng cũng giống như tôi, tất cả đều cố ý che dấu ý nghĩ thật. Ít người dám công nhận là chúng ta được hình thành từ những nỗi ám ảnh, đã và đang rượt đuổi chúng ta. Có lẽ điều đó làm chúng ta lúng túng và hổ thẹn.
Tôi trở về chốn cũ. Bổn phận thúc đẩy tôi quay lại chốn cũ để thăm viếng thân nhân, và tôi thi hành bổn phận như mọi người mong muốn. Tôi phải gọi điện thoại cho con trai của bà giáo. Anh ta là người có nhiệm vụ chôn cất người dì của tôi. Tôi đến để trả tiền chôn cất. Vợ anh ta, một người tôi biết đầu óc không mấy bình thường, mở cửa cho tôi vào nhà giữa tràng cười rổn rảng. Chị ta nói chị ta luôn luôn nghĩ rằng tôi có mái tóc đen tuyền. Chị ta chạy trên hành lang, vừa chạy vừa gọi tên chồng. Anh ta tên là Denis. Anh ta bắt tay tôi một cách nghiêm trang, hỏi tôi muốn đặt vòng hoa như thế nào, vòng hoa hình trái tim, hay hình tròn, hay hình thập tự giá. Tôi bảo tùy ý anh ta lựa chọn. Và đằng kia, trong cái tủ chật ních những đồ bát đĩa sứ, có cô búp bê bị chiếm đoạt của tôi. Nếu búp bê có thể già đi, thì chắc chắn cô búp bê của tôi đã bị già đi rất nhiều. Xám xịt và bị đóng mốc, cái áo đầm và tấm áo choàng ngày xưa giờ giống như cái khăn liệm, và tôi nghĩ, nếu tôi cầm búp bê lên, có lẽ cô ấy sẽ tan rã.
“Ôi chà, mẹ tôi yêu con búp bê này lắm,” anh ta nói như có ý ngầm bảo là bà ấy cũng yêu tôi nữa đấy. Nếu anh nói thẳng ra điều này, chắc chắn tôi sẽ cãi lại. Tôi đã già hơn xưa, vì thế tôi biết tỏng rằng bà ấy chiếm đoạt cô búp bê vì tính tình kỳ quái lẫn điên rồ, vì lòng tham lam và ghen tị. Bởi vì bà hành động như vậy nên trời khiến tôi được sống một cuộc đời rất xa nơi họ ở, tôi được đi nhiều nơi mà bà giáo chẳng bao giờ có cơ hội đến dù chỉ một lần. Cảm nhận được sự lạnh lùng của tôi, anh ta khoác lác rằng anh ta chẳng hề cho con của anh ta chơi búp bê, như thể anh ngụ ý rằng cô búp bê là một món đồ được tôn thờ, một kho tàng quí báu. Anh mang ra chai rượu brandy, nheo mắt như mời tôi, nghĩ là tôi sẽ nhận lời. Tôi từ chối.
Sau đó, tôi có cảm giác như ngã bệnh. Tôi cảm thấy buồn nôn vì trước kia đã yêu mến cô búp bê nhiều quá, vì đã để cho họ đối xử không phải với tôi, và vì bây giờ lại trở nên lạnh lùng, không còn quan tâm bất cứ người nào nữa cả. Tôi rời khỏi nhà anh ta một cách đột ngột làm anh ta khó hiểu. Rồi anh làm một chuyện không được tán thành, là anh ta đã hôn tôi. Có lẽ anh ta đoán rằng, đối với tôi, đó là một điều tôi mong đợi. Cái hôn ấy được dùng để bày tỏ lòng thương tiếc, chia buồn với cái chết của dì tôi. Mặt anh ta có cái mùi chua của cái khăn bẩn anh ta đã lau mặt trước khi anh ta ra đón tôi. Cái hôn như bị nhân cách hóa thành một người vụng về. Tôi thấy tội nghiệp cho anh ta, nhưng tôi không thể ở lại, tôi không thể cùng với anh ta hoài niệm quá khứ, và tôi cũng không thể giả vờ mình là người đàn bà dễ dàng chấp nhận cái hôn của người lạ mà anh ta đã lầm tưởng.
Tôi đi loanh quanh, những nơi ngày xưa tôi đã từng đi qua; sáng trưa và chiều tối, có điều gì đó đã biến tôi thành một người cau có và khốn khổ mà tôi không biết là cái gì. Không phải là cái chết của dì tôi mà là cái cảm giác ray rứt của người nghĩ rằng mình chưa hề được sống. Tôi chỉ biết rằng trong quá khứ của tôi, tất cả những vì sao trên trời kia đều độc nhất và tuyệt vời, đến bây giờ chúng vẫn vậy. Những ngôi sao này như một cây cầu, một sự mời mọc dẫn tôi đến cửa thiên đàng, một ngày nào đó tôi sẽ chạm đến và hòa nhập vào cái vinh quang của những vì sao này. Tôi sẽ quên đi cuộc đời hiện nay độc ác và ngu xuẩn, cái cuộc đời mà người ta không còn nhớ đến việc chia sẻ và dâng tặng.
Ngày mai. . . tôi thầm nghĩ; ngày mai tôi sẽ rời khỏi chỗ này, và nhận ra rằng tôi chưa hề đánh mất cái mong ước trốn đi, hay là niềm hy vọng, một thói quen rất bền bĩ của tôi.
New Jersey. Nguyễn thị Hải Hà dịch xong ngày 27 tháng 11 năm 2021
