Osage orange

Cũng là nhật ký đọc số 5.

Đêm qua, người ta thông báo đóng cửa, hay mở cửa trễ các cơ quan hành chánh, trường học, và công ty, vì có tuyết. Sáng nay thức giấc trời đục, mặt đất ướt mưa nhưng chưa có tuyết. Chừng 8 giờ sáng, nhìn ra sân thấy lấm tấm tuyết. Tôi mở cửa ra sân sau mang thức ăn cho mèo hoang thì thấy Mun đã đến, lông lốm đốm tuyết trắng. Thấy tôi Mun kêu lên um sùm, chắc phàn nàn cho ăn trễ. Vừa kêu vừa bỏ chạy, nhưng biết có thức ăn và tôi thì vô hại nên quay trở lại. Bọn mèo hoang có lẽ biết trời tuyết, thường ăn để dự trữ cho những ngày không đi tìm thức ăn được.

Trên đường đi bộ, ở nhiều nơi, tôi gặp một loại trái lạ, màu xanh lá cây non, có lẫn màu trắng, hay vàng rất nhạt, tùy theo cách nhận biết màu sắc của mỗi người. Tôi chưa hề cầm nó lên để biết nó nặng cỡ nào, da của nó có vẻ sần sùi vì có nhiều múi to hơn hạt nếp một chút, nhưng nếu chỉ sờ một múi nhỏ trên da thì mỗi múi có thể trơn láng. Một bức tranh (hay tấm ảnh) minh họa quí giá hơn ngàn chữ. Tôi có nhiều ảnh của trái này nhưng lười lục tìm ảnh cũ nên chỉ tìm được tấm này thôi. À, tôi dùng chữ múi, vì tôi không biết dùng chữ gì khác. Tôi đoán mỗi trái độ nửa kí là cùng.

Osage orange, monkey brain, hay hedge apple

Bên trong, ruột của nó khiến tôi liên tưởng đến trái bình bát, có khi so sánh nó với trái sa kê, nhưng nó không giống hẳn ruột trái bình bát, càng không giống với trái sa kê. Ruột nó hơi giống ruột bình bát, nhưng bình bát ruột hơi hồng, còn cam osage ruột trắng. Mỗi tép của ruột bình bát và ruột cam osage đều có hạt, nhưng tép của cam osage thì lép hơn. Nếu bạn tra wikipedia tiếng Anh sẽ thấy trái này. Wikipedia tiếng Việt cũng có nhưng rất ít chi tiết, và không có tên tiếng Việt. Gọi nó là osage orange vì có lẽ nó giống trái cam. Cam osage. Trái này cỡ chừng nắm tay người lớn, chắc cỡ người Mỹ, lớn hơn nắm tay tôi cỡ cái đầu của con khỉ, vì nó có nhiều lobe (không biết tiếng Việt chỉ những chỗ phồng ra) giống như lobe của bộ não nên gọi nó là óc khỉ, monkey brain. Cây của nó có nhiều nhánh gai, người ta trồng sát vào nhau để làm hàng rào. Trái của nó lớn hơn trái táo một chút, người ta gọi là táo hàng rào hàng giậu, hedge apple.

Tôi gặp trái này ở Duke Farms, Colonial Park, và dọc theo bờ kênh Delaware và Raritan Canal. Lúc đứng nhìn trái này ở Duke Farms, một người phụ nữ đi ngang nói cho tôi biết tên trái này. Monkey brain và osage orange. Cả hai tên đều dễ nhớ. Chữ osage làm tôi nghĩ đến cuốn phim August: Osage County do Meryl Streep đóng. Ở Mỹ có vài ba địa danh có cùng cái tên Osage County. Địa danh trong phim nói trên thuộc tiểu bang Oklahoma.

Trái này dù mang tên táo cam nhưng không ai ăn cả. Ngày xưa có lẽ người ta để cho ngựa đến gần hàng rào, phân chia ranh giới đất nhà và đất hàng xóm, ăn trái rụng. Vậy mà cũng có chỗ bán trái này. Người ta mua nó về để trang trí, vì màu xanh tươi mát của nó. Cam osage xuất hiện cả trong chương trình của Martha Stewart, một người nổi tiếng trên truyền hình, có cả show riêng của bà chuyên về nấu ăn, và trang trí nội thất. Tôi biết điều này qua quyển sách “The Book of Difficult Fruits” của Kate Lebo. Tò mò về trái cam osage, tôi thử tìm trong thư viện địa phương, thì bắt gặp quyển sách này.

Ở Wikipedia có bài khá đầy đủ, thỏa mãn óc tò mò của tôi, nhưng tôi muốn biết quyển sách nói về các loại trái cây nào khác ngoài trái cam osage. Quyển sách sắp tên các loại trái cây lạ, trái mọc hoang trong rừng, trái ít người ăn, khó ăn, hoặc không thể ăn được theo thứ tự mẫu tự abc. Và tôi gặp trái sầu riêng durian.

Những gì tác giả Lebo viết về trái sầu riêng thì chẳng có gì lạ với tôi. Đa số người ngoại quốc (và không ít người Việt hay gốc Việt) không thể thưởng thức trái sầu riêng vì mùi của nó. Người ta chê là hôi thúi. Những người ăn được thì lại rất thích mùi sầu riêng, bảo rằng thơm. Tôi ăn được, thích mùi, nhưng không thích đến độ bỏ ra mười đô la để mua nửa kí sầu riêng. Vị nó ngọt, thịt nó nhão, có hậu beo béo. Lebo cố so sánh nó với đủ thứ mùi như cheese mốc, kể cả hành, tỏi, không thấy nói đến cá ươn hay thịt ươn. Thật ra khó mà diễn tả mùi hương dù thơm hay hôi thối nếu người ta chưa từng trải qua, ngửi thấy mùi này. Mỗi mùi hương mỗi khác. Có những mùi tưởng như giống nhau, nhưng với người tinh tế họ vẫn nhận ra sự khác biệt của mùi hoa bưởi, hoa chanh, hoa cam.

Điều làm tôi thấy lạ lùng là bộ phận khứu giác của loài người lại có những cấu trúc đặc biệt, khiến cùng một mùi mà người thấy thơm, người thấy hôi thối. Hoặc là khi nó đậm đặc thì người ta bỏ chạy, nhưng khi pha loãng thì người ta bôi xịt thoa lên người. À tôi đang nghĩ đến mùi của con civet, chất tinh túy của nó người ta pha vào nước hoa Chanel 5 nếu tôi nhớ không lầm. Nếu tôi có lầm là lầm cái tên của nước hoa, chứ tôi chắc chắn là người ta có dùng chất dầu của con civet để làm nước hoa.

Trở lại với quyển sách Những loại trái cây lạ thường của Lebo, bà cho biết gỗ của cây cam osage rất cứng, có thể làm củi đốt, nhưng nhiều tàn. Gỗ của nó có thể được cắt lát mỏng và làm thành frisbee, một loại đĩa mỏng người ta ném và bắt để làm trò chơi. Lục trên internet thấy loại gỗ này có vân rất đẹp, người ta làm thành những món đồ trang trí rất tinh xảo như đĩa và bát để chưng trái cây, hoặc những hình điêu khắc khác.

Còn những loại trái khác nữa elderberry, gooseberry, có cả trái của bồ công anh. Lebo cũng chịu khó nếm, ăn sầu riêng. Bà (hay cô) cũng ăn thử chè, làm kem sầu riêng có kèm theo công thức. Tôi chỉ đọc kỹ phần cam osage và sầu riêng. Những loại trái cây khác thì để đó, lần khác sẽ đọc tiếp.

7 thoughts on “Osage orange”

  1. Elderberry con nghe bảo là trái có chất chống lão hoá đó cô. Anh con có trồng, nhưng trái chưa chín mà ăn thì có vị chát rất khó chịu, đợi nó chín đen cũng lâu. Chỉ nhai lấy nước và bỏ xác. Nhà con trồng cả blueberry, strawberry, raspberry và blackberry, lũ chim không tha loại nào nhưng tụi nó chẳng hề đụng đến elderberry. 😂

    1. Elderberry mọc hoang khá nhiều ở New Jersey. Cô nghe nói hoa của nó nhúng bột chiên ăn dòn. Quyển sách cô đọc thì nói người ta dùng mùi của nó để cho vào thức ăn, nước hoa, nhiều thứ khác. Người Indians tin là nó có vị thuốc. Wikipedia nói là trái của nó nếu nấu chín ăn không độc nhưng tất cả cây lá trái vỏ đều có chất độc không nên ăn sống. Ngay cả lấy lá làm trà cũng có chất độc cyanogenic glycosides, có thể gây đau bụng ói mửa. Năm 1983 25 người ở Monterey California uống nước ép của trái elderberry bị ngộ độc phải vào bệnh viện. Cây lá của nó độc hơn nước ép của trái.

      1. Thế là con nhầm loại cây rồi. Con vừa nhắn hỏi anh con thì bảo là loại khác, nhìn hơi giống thôi, trái và lá nhìn khá giống nhưng không phải là elderberry. Dù sao cũng cảm ơn thông tin của cô ạ, để đi trong rừng không ăn trái dại lung tung. 😂 Bình thường con đi rừng thấy raspberry và blueberry là con hay hái ăn lắm.

  2. nhà con có cây Elderberry này năm ngoái hái hoa phơi khô làm trà uống ngon lắm ạ. Rút kinh nghiệm sang năm hái thiệt nhiều vào.

  3. Quả này thú vị quá cô, con chưa thấy bao giờ!
    Sầu riêng thì con miêu tả với người nước ngoài rằng vị của nó giống bơ + mật ong + rác :)))))) Tuy là một người rất thích sầu riêng nhưng có khi từ xa ngửi thấy mùi con vẫn phải suy nghĩ xem có phải mình đang đi đến gần đống rác nào không. Đến thật gần rồi thì không còn thấy hôi nữa mà chỉ thấy thèm 😀

    1. Ở VN có loại mít tố nữ, thịt của nó mềm nhão, mùi của nó nặng chắc cũng cỡ sầu riêng. Ngày cô còn ở VN, lâu lắm rồi, có lần giữa trưa cô ngửi thấy mùi vỏ mít tố nữ, trời ơi, nó nồng nặc đến phát ngộp luôn.

Leave a comment