Nhật ký đọc 7

Susan Sontag “On Photography.”

Có thể nói đây là một bài luận dài.  Rất dài.  Mở đầu bà viết, ban đầu chỉ có ý định viết một bài tiểu luận, nhưng càng viết càng mở ra những điều muốn viết.  Bà bảo rằng chụp ảnh là mối đam mê của bà.  Điều kỳ lạ là toàn quyển sách hơn 200 trang về nhiếp ảnh, không có một tấm ảnh nào cả. Hoàn toàn không.  Tôi nghe tên bà.  Biết bà qua đời.  Nghe nhắc tên quyển sách về nhiếp ảnh này đã lâu.  Mãi đến bây giờ, sau mấy năm xách máy chụp ảnh, chụp đại, cứ giơ máy lên chụp, trăm tấm hư mới có một tấm coi được, tôi mới đọc quyển này.  Tôi không biết tôi tìm gì trong quyển sách, tôi đọc cũng như tôi chụp ảnh, cứ dấn thân mà đọc.  Bao giờ tôi cũng đọc mục lục trước, coi có tiểu đề nào hấp dẫn thì đọc trước.

Đây là một quyển sách bà Sontag đã ghi lại những ý nghĩ của bà về nhiếp ảnh; nguyên nhân, hậu quả, sự thể hiện của người chụp ảnh.  Bà hoàn toàn không nói gì đến kỹ thuật.  Điều này ngầm hiểu là mỗi người chụp ảnh đều phải biết cách dùng máy.

Có rất nhiều câu văn rất hay.  Tôi ghi lại chỉ một phần rất nhỏ.

“Sưu tập hình ảnh là sưu tập cả thế giới.” Tr. 3

“Chịu đựng là một chuyện, sống với những hình ảnh của sự chịu đựng lại là một chuyện khác.  Điều này không nhất thiết sẽ giúp cho lương tâm mình vững chắc hơn và làm tăng khả năng cảm thông với nhân loại.  Trái lại nó có thể hủy hoại cả hai, lương tâm và cảm thông.”  Tr. 20

Đoạn này làm tôi nghĩ đến tấm ảnh đoạt giải Pulitzer về một đứa bé bị đói lâu ngày sắp chết, có con kên kên gần đó đang chờ đứa bé chết đi để ăn thịt.  Người chụp được tấm ảnh biểu hiện giây phút này, được giải thưởng.  Về sau ông tự tử chết.  Không hẳn là tấm ảnh này đưa đến quyết định tự tử, mà là hậu chấn thương của những ngày săn tin chiến trường nhìn thấy đầy rẫy những thống khổ nhân loại và ghi lại những thống khổ này qua những tấm ảnh.

“Bộ môn nhiếp ảnh ngầm bảo rằng chúng ta hiểu biết về thế giới nếu chúng ta chấp nhận những gì chúng ta nhìn thấy trong những tấm ảnh mà máy ảnh ghi lại.  Nhưng điều này đi ngược lại sự hiểu biết, bởi vì sự hiểu biết bắt đầu từ việc không chấp nhận cái bề ngoài của thế giới mà chúng ta nhìn thấy.  Tất cả những cơ hội có thể giúp chúng ta hiểu biết bắt nguồn từ cái khả năng nói không.  Tóm lại, người ta không bao giờ hiểu biết tường tận một điều gì nếu chỉ nhìn từ một tấm ảnh.”  Tr. 23

Đoạn này làm tôi nhớ đến bức ảnh chụp tướng Loan đang bắn vào đầu một người Việt Cộng nằm vùng đã giết cả gia đình một người bạn của tướng Loan.  Bức ảnh đã làm tướng Loan thân bại danh liệt và gây ảnh hưởng xấu về hình ảnh của giới lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa.

Có nhiều đoạn rất hay nhưng tôi lười dịch nên tóm tắt ở đây.  Bà nói là không ai khám phá ra sự xấu xí trong hình ảnh.  Người ta khám phá ra vẻ đẹp.  Ngay cả bức tranh ghi lại sự xấu xí cũng là cái đẹp.  Tôi nghĩ đến những bức ảnh của những bà cụ ông cụ ở miền núi, răng rụng, da nhăn nheo vì nắng gió, đó là cái đẹp của những gì mà người ta thường cho là xấu xí.  

Người ta nghĩ người chụp ảnh chỉ là người ghi chép lại, một người cóp pi, chứ không phải là người sáng tạo, một nhà thơ.  Nhưng khi người ta nhận ra rằng cùng một sự vật, mỗi người chụp ảnh sẽ đưa ra cái nhìn khác nhau, những ghi nhận khác nhau.  Điều này chứng tỏ một tấm ảnh là cái nhìn của một cá nhân, không chỉ là ghi chép mà còn là sự đánh giá, và sáng tạo.

Cuối quyển sách bà Sontag còn sưu tập rất nhiều câu nói của các tác giả khác về nhiếp ảnh.  Tôi thấy có một đoạn của Paul Strand rất hợp với tôi.

“Ảnh của bạn chụp là sự ghi nhận cuộc sống của bạn, cho bất cứ người nào thật sự nhìn thấy.  Bạn có thể nhìn và bị ảnh hưởng bởi cách nhìn của người khác.  Bạn có thể sử dụng những cách nhìn này để tìm kiếm chính bản thân, nhưng cuối cùng rồi bạn cũng phải giải thoát bạn ra khỏi họ.”  Tr. 183

Và câu này.

“If I could tell the story in words, I wouldn’t need to lug a camera.”  Lewis Hines.  p. 185

“Nếu tôi có thể kể một câu chuyện chỉ cần dùng chữ nghĩa, tôi đã chẳng cần phải mang lòng thòng một cái máy chụp ảnh.”

Tôi dịch tàm tạm, dịch thoát để tôi hiểu, không theo đúng tiêu chuẩn tín đạt nhã đâu nha.  Bạn đừng chấp.  Nếu muốn chắc chắn, hãy tìm đọc nguyên bản. Và sau đây là những ghi nhận về cuộc sống của tôi.

Không biết có đúng tên hay không thấy trên mạng có người nói nó là chim bufflehead. Buổi sáng đi bộ dọc bờ sông thấy có con nửa chim nửa vịt, (có mỏ giống mỏ vịt nhưng biết bay) này.
Không mấy khi gặp hạc vờn nhau, tiếc là chỉ chụp được như thế thôi.
Chỉ trong vài giây suýt va vào nhau, mỗi con bay về một hướng khác nhau
Bên kia sông có cái tổ ó bạc đầu.

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s