Những mẩu chuyện liên quan đến Hổ

Tác giả – Nguyễn thị Hải Hà

Nhắc đến hổ là tôi nghĩ đến ngày bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ.  Bài thơ nói lên tâm sự của chúa tể rừng xanh, nhớ tiếc những tháng ngày tự do trong rừng thẳm và giờ đây “ngậm một mối căm hờn trong cũi sắt.”

Giữa cọp và sư tử con nào mạnh hơn?  Con nào thật sự là chúa tể sơn lâm?  Giới săn bắn và giới nuôi dạy mãnh thú vẫn còn đang dằng co, bất phân thắng bại, con thú nào sẽ giữ ngôi vị chúa tể sơn lâm.  Nhìn chung, người ta đồng ý ở những điểm như sau.  Hổ thường sống và đi săn một mình.  Sư tử sống và săn theo bầy đàn.  Tùy con, sư tử đực có con lười biếng hầu như chẳng săn gì cả.  Hổ cũng có thể sống kiểu gia đình, nhưng hiếm.

Có bao nhiêu loại hổ?  Có chừng 9 loại.  Nhưng nổi tiếng đẹp, bị lùng kiếm để săn bắt lột da thì có hai loại nổi trội.  Hổ Bengal và hổ Siberia.  Nhưng trước khi kể chuyện về hai loại hổ này, tôi xin phép tóm tắt một câu chuyện khác, có tựa đề Giai Nhân hay Mãnh Hổ.  Truyện này của Frank Stockton (1834-1902)[1]

Ngày xưa có một vị vua trị dân rất nghiêm khắc, đến độ khắc nghiệt.  Nhà vua cho xây một quảng trường giống như trường giác đấu.  Đây là nơi những người tội lỗi bị trừng phạt, và những người có hạnh kiểm tốt được khen thưởng.  Khi xử một vụ án, cánh cửa căn phòng ở ngay bên dưới chỗ vua ngồi sẽ mở ra, và từ cửa này bị cáo được dẫn ra giữa đấu trường.  Đối diện, bên kia quảng trường, có hai căn phòng kích thước và màu sắc cũng tương tự căn phòng bị cáo vừa bước ra.  Kẻ bị cáo sẽ bước tới phía trước, và, mở một trong hai cánh cửa.  Nếu bị cáo là người vô tội, sau cánh cửa sẽ có một giai nhân mỹ miều bước ra; nhưng anh ta bắt buộc phải cưới làm mỹ nhân này làm vợ.  Nếu là kẻ có tội, thì đằng sau cửa sẽ có một mãnh hổ được thả ra, và đến đây, có lẽ bạn đoán được số mạng của kẻ có tội. 

Nhà vua có một công chúa ông rất yêu thương, và công chúa cũng có tính nghiêm khắc giống hệt như vua cha vậy.  Trong triều có một vị tướng trẻ rất dũng mãnh, rất đẹp trai, và vô cùng hào hoa phong nhã. Cũng như bao nhiêu câu chuyện tình yêu lãng mạn thời vua chúa, vị dũng tướng và công chúa thầm yêu nhau.  Khi nhà vua biết được tình yêu này, nhà vua nổi giận cực độ.  Ngài đặt công chúa ở ngôi vị cao nhất trong tình cảm của ông.  Một kẻ thấp hèn như tên tướng trẻ kia sao lại dám phạm thượng, yêu con gái của ngài.  Kẻ mang tội phải bị trừng phạt.  Vua cho mang vào triều con hổ dữ dằn nhất vương quốc, và tìm chọn khắp dân gian một thiếu nữ nhan sắc đứng hạng nhì trên thế gian.  Hạng nhì vì chỉ có công chúa xứng đáng ngôi hạng nhất.  Giai nhân và mãnh hổ được giam trong hai căn phòng đối diện với căn phòng dưới chỗ đức vua ngồi trong đấu trường.

Công chúa từ khi người yêu bị bắt giam, biết ý định của vua cha, nàng không ngừng tìm cách cứu người yêu.  Nàng biết cánh cửa nào sẽ dẫn đến mãnh hổ, và cánh cửa nào đưa đến giai nhân.  Nàng e ngại, nhan sắc nàng kém thua mỹ nhân trong đôi mắt của chàng dũng tướng.  Có lần nàng bắt gặp ánh mắt người yêu say đắm ngắm giai nhân kia.

Khán giả reo hò khi chàng dũng tướng được mang ra đấu trường.  Cao lớn, uy nghi, tóc bồng bềnh sáng trong ánh nắng, nàng muốn chàng thuộc về nàng biết bao nhiêu.  Cánh tay ấy đã từng ôm lấy vòng eo nhỏ nhắn của nàng. Đôi môi ấy đã từng thầm thì bên tai nàng.  Ánh mắt hai người nhìn nhau vẫn nồng nàn, âu yếm như thuở ban đầu. Chàng biết là nàng vẫn yêu chàng.  Nàng mơ hồ đưa tay phải ra hiệu.  Chàng dũng tướng mạnh dạn bước tới, đặt tay lên nắm cửa.

Theo độc giả, khi cánh cửa mở ra dũng tướng sẽ gặp giai nhân hay mãnh hổ?  Để trả lời câu hỏi này, độc giả phải nhìn sâu vào tâm lý của mình.

Bên trên là bức tranh Tiger in Snow (Hổ Trong Tuyết) của Hokusai.  Đây là bức tranh cuộn để treo, vẽ bằng mực và màu trên lụa, năm 1849.  Theo Wikipedia, bức tranh này được nhà đấu giá Christie bán 772,500 USD năm 1998.  Con hổ, ở tư thế chuyển động rất dũng mãnh nhưng cũng rất uyển chuyển mềm mại. Mặt hổ hướng lên trời, hiền hòa, hóm hỉnh, mồm có vẻ như mỉm cười.  Bốn chân đầy vấu nhọn được vẽ có chiều sâu 3D.  Đuôi như rắn.  Lông trên thân hình giống như vảy rồng.  Hổ tung mình trong trời đầy tuyết.  Chung quanh là những chùm lá trúc bị tuyết phủ, lá trúc giống như móng vuốt hổ.  Hokusai qua đời năm 1849, đây là một trong những bức tranh ông vẽ lúc cuối đời.  Một nhà phê bình, Narazaki Muneshige, đã nói rằng: “Trong khi cơ thể ông (Hokusai) tàn tạ, xương cốt mỏi mệt vì tuổi già, tâm hồn ông vẫn còn khí thế như một mãnh hổ đang chồm tới.”  Hokusai luôn luôn có ý muốn sống lâu hơn chút nữa.  Ông tin là nếu ông sống đến 100 tuổi thì ông sẽ thật sự là một họa sĩ.  Tiếc thay ông qua đời lúc suýt soát chín mươi.

Khi dự định viết một bài tản văn về những con hổ trong văn học và nghệ thuật, tôi nghĩ ngay đến con hổ Richard Parker.  Có lẽ vì cuộc hành trình của chàng trai trẻ người Canada gốc Ấn Độ tên Pi Patel, trong quyển truyện the Life of Pi (Cuộc đời của Pi) tác giả là Yann Martel, khiến tôi nhớ đến cuộc hành trình vượt biển của tôi.  Chuyến đi của tôi rất ngắn, chỉ là con số lẻ trong số 227 ngày lênh đênh của Pi từ khu vực Phi Luật Tân đến bờ biển Mexico, nhưng chuyến đi của tôi cũng giống chuyến đi của Pi ở một vài điểm, thí dụ như, gặp tàu lớn mà không được vớt, phải câu cá ăn để đỡ đói, hứng nước mưa để uống, và thấy vô số rác trôi từ trong đất liền ra biển.  Nhưng xin bạn đọc tha lỗi, tôi không muốn kể chuyện vượt biên, mà muốn kể chuyện con hổ trong chuyến đi biển của Pi.

Pi thích thú vật từ khi còn nhỏ, đặc biệt là hổ.  Ông bố của Pi, muốn dạy cho con một bài học về hổ, đã bắt các con phải chứng kiến cảnh một con hổ giết thịt con dê. Người ta bỏ đói con hổ liên tiếp mấy ngày nên nó vồ con dê ăn ngấu nghiến.  Cảnh máu me khiến cậu bé nhớ đời.  Cuộc hành trình bằng đường biển, cùng đi trên chuyến tàu Tsimtsum có gia đình Pi và một đoàn thú vật.  Chẳng may tàu bị đắm.  Bố mẹ Pi chết. Pi may mắn leo lên được chiếc thuyền cấp cứu.  Cùng lên chiếc thuyền cấp cứu này có con hổ Richard Parker, con ngựa vằn, con khỉ lông đỏ, và con linh cẩu (hyena).  Richard Parker ăn thịt tất cả các con thú, chỉ còn lại Pi.  Richard, có lẽ, một phần vì là thú được nuôi trong đoàn xiệc nên quen thuộc và ít hung hãn với loài người.  Tuy vậy, bản chất của mãnh hổ rất hung tợn.  Nó có thể giết các loài thú khác không hẳn vì đói cần phải ăn, mà giết chỉ vì bản tính thiên nhiên của nó.

Cả hai cùng sống trên chiếc thuyền chỉ cách nhau tấm vải tarpaulin. Richard Parker bớt tìm cách giết Pi,  khi Pi thuần hóa nó bằng cách phát cho nó cá và nước.  Khó mà tưởng tượng được nỗi sợ hãi của người lênh đênh trên biển bên cạnh tử thần đến mấy trăm ngày, thêm vào đó là sóng, gió, và thiếu thốn thức ăn nước uống; thế mà Pi vẫn còn tỉnh táo để có thể viết đoạn văn sau đây.

“Có nhiều loại biển.  Biển gầm rống như cọp.  Biển thủ thỉ bên tai như một người bạn kể anh nghe những điều bí mật.  Biển phát ra tiếng rủng rỉnh như những đồng xu trong túi. Biển sấm động như tuyết lở.  Biển kêu rột rẹt như giấy nhám cọ vào gỗ.  Biển có âm thanh như người đang ụa mửa.  Biển im lìm như đã chết.

Và ở giữa hai thái cực, trời và biển, tất cả là gió.

Và chỉ toàn là đêm và toàn là trăng.

Kẻ trôi giạt trên biển, cuối cùng hắn cũng là tâm điểm của vòng tròn.  Tuy thế, sự vật nhiều khi thay đổi – biển có thể biến từ trạng thái đang thầm thì đến nổi giận, bầu trời có thể biến từ màu xanh tươi mát, sang màu trắng lóa mắt, đến màu đen thăm thẳm – nhưng hình dạng của bầu trời và biển cả thì không bao giờ thay đổi.  Tầm nhìn của bạn luôn luôn là một đường bán kính.  Chu vi thì luôn luôn rộng lớn.  Thật ra con số những vòng tròn bao quanh bạn cứ tăng lên.  Là một người bị trôi giạt trên biển cũng giống như là bị bắt giam vào những vòng tròn khốn khổ của điệu múa ballet[2].  Bạn đang là tâm điểm của một vòng tròn, trong khi ở phía trên đầu của bạn có hai vòng tròn đối xứng đang xoay ngược chiều với nhau.  Mặt trời làm bạn bực bội như một đám đông rất ồn ào và luôn lấn chiếm khiến bạn phải bụm tai, hay bịt mắt, hoặc phải chạy trốn.  Mặt trăng khiến bạn cảm thấy ray rứt, bằng cách lặng lẽ nhắc nhở rằng bạn rất cô đơn; bạn mở thật to đôi mắt để chạy trốn cô đơn.  Khi bạn nhìn lên trời cao, đôi khi bạn tự hỏi, ở tâm điểm của một cơn bão năng lượng mặt trời, ở ngay chính giữa của Biển Tĩnh Lặng, không biết có một người nào đó cũng đang nhìn lên trời, cũng bị giam hãm giữa những hình dạng của bầu trời và biển cả, cũng đang cố gắng chống chọi với nỗi sợ hãi, cơn giận dữ, điên cuồng, tuyệt vọng và nhàm chán giống như bạn không.” (pp. 215-6)

Bố của Pi nhiều lần dạy con rằng: “Thú vật chỉ là thú vật.” Có nghĩa là dù Pi có thương yêu, khắn khít với con hổ Richard Parker đến bao nhiêu thì nó cũng sẽ không đền đáp tình yêu của Pi. Con hổ sống với bản năng sinh tồn của nó.  Trong khi Pi xem con hổ như một người bạn đồng hành, giúp anh qua cơn tuyệt vọng mỗi khi cô đơn quá độ, thì con hổ chỉ xem Pi như một nguồn cung cấp thức ăn nước uống cho nó. Khi đến đất liền, con hổ phóng qua khỏi đầu của Pi rồi bỏ chạy luôn.  Pi chỉ mong Richard Parker quay lại nhìn anh để chào từ giã, nhưng nó chẳng bao giờ, dù chỉ một lần.  Pi nói lời giã từ.

“Tôi chúc bạn những điều tốt đẹp nhất.  Hãy cẩn thận với loài Người.  Hắn ta không phải là bạn của bạn đâu.  Nhưng tôi hy vọng bạn sẽ nghĩ đến tôi như một người bạn.  Tôi sẽ không bao giờ quên bạn đâu, chắc chắn là như vậy.  Ồ có tiếng gì nghe cọt kẹt vậy?  À thì ra thuyền của chúng ta đã đụng cát.  Thôi chia tay nhé, Richard Parker.  Cầu xin Thượng Đế ban ơn cho bạn.”[3] (p. 286)

Hổ Tây Bá Lợi Á (Siberian tiger) sống ở miền Viễn Đông của nước Nga, miền Bắc của Trung quốc, và Bắc Hàn.  Giống hổ này dần dần trở nên hiếm hoi.  Năm 2015 ước tính chỉ hơn 500 con hổ trên cả một lãnh thổ rộng lớn của các nước nói trên.  Người ta sợ hổ vì nó to lớn và hung dữ, có thể giết người.  Nhưng người ta cũng yêu mến vẻ đẹp của nó, khi thì dũng mãnh uy nghi, lúc lại uyển chuyển duyên dáng.  Rất nhiều nhà giàu có, thích săn thú vừa to lớn vừa hung dữ, bỏ ra rất nhiều tiền của đi săn hổ, để có được bộ da thú trải trên nền phòng khách, hay xác hổ nhồi bông để khoe thành tích săn bắn.  Có người bỏ ra thời gian mấy năm trời đi truy lùng tông tích hổ Siberia, cũng là đi săn nhưng chỉ săn ảnh và quay phim. 

Ngày 10 tháng Mười chương trình PBS Nature thứ 31 mở đầu với bộ phim “Hành Trình Tìm Kiếm Hổ Siberia”[4]  Chris Morgan, nhà sinh vật học, đã nhiều năm theo đuổi tìm kiếm các loại thú to, săn mồi, như hổ báo sư tử ở những vùng hoang vu hẻo lánh có thời tiết khắc nghiệt.  Morgan mơ ước tìm thấy và quay phim loài hổ Siberian đang sống trong thiên nhiên.  Cuộc tìm kiếm này đưa đến cuộc gặp gỡ Soo-yong Park, người đầu tiên quay phim hổ Siberian sống tự do nơi hoang dã.  Khác với những nhà quay phim giàu có ở các nước tân tiến hiện đại, có máy thu hình tự động gắn rải rác khắp nơi trong rừng, máy của ông Park là loại máy thô sơ.  Để có được những thước phim mang hình ảnh đẹp và sống động, Sooyong Park đã bỏ công rình rập, ăn ngủ trong rừng của nước Nga, tuyết phủ đầy. Cuộc săn ảnh hổ này kéo dài hơn ba năm, nhưng có những lúc ông rình hổ ròng rã năm sáu tháng liên tiếp.  Đổi lại ông có hằng ngàn giờ phim về hổ Siberia.  Ông quen thuộc với những con hổ này đến độ ông có thể chỉ nhìn màu lông và dấu vết riêng mà nhận ra chúng.  Ông đặt cho chúng những cái tên thật thơ mộng và mang tính chất huyền thoại.  Thí dụ như Snow White, Sky White, và Moon White.  Có hai con hổ con khác, một đực một cái, ông đặt tên là Hansel and Gretel.  Ông cất một căn chòi, thật ra đó là một cái hang cạn, rất thô sơ, bên trên được che phủ bằng những cây gỗ tròn.  Hang nằm trên một triền đồi, phần lớn được che kín trong lòng đất, chỉ chừa miệng hang làm lối ra vào nhỏ hẹp.  Muốn vào chòi ông phải bò và cho hai chân vào trước vì bên trong khá hẹp khó xoay trở.  Có khi ông ở trên một chạc ba, cách mặt đất chừng mười lăm mét.  Ông phải khéo léo lẩn tránh cả hổ và những người đi săn hổ, vì họ làm điều phạm pháp lại có vũ khí nên rất nguy hiểm.  Có khi ông phải ở lì trong chòi suốt sáu, bảy tháng trời rình hổ. Thức ăn là cơm nắm, muối, và đậu.  Cứ vài ba tháng ông có một cộng sự viên đến tiếp tế thức ăn và mang chất uế thải của ông ra khỏi nơi ông ở.  Nhiều lần quá đỗi cô đơn, ông muốn bỏ cuộc quay về.  Khi người cộng sự đến, cả hai không dám nhìn tận mắt nhau, bởi vì cả hai đều sợ mình sẽ bật khóc, và yếu đuối đến bỏ cuộc.  Lời khuyên của ông với những người muốn quay phim về các loại thú hiếm là “Đừng nghĩ đến chuyện quay phim, đừng nghĩ đến hổ.  Hãy im lặng, lắng nghe tiếng thiên nhiên, biến mình thành một phần của thiên nhiên.  Tránh đừng để có mùi.  Biến mình thành một phần tử của thiên nhiên.”  Có lần ông đang ở trong hang, mấy mẹ con hổ được ông đặt cho cái họ White đang chơi đùa trên nóc hang.  Hổ to lớn nên rất nặng.  Một con hổ đực có thể nặng đến 300 kí lô.  Một phần góc hang bị sập và một chân hổ bị thọc sâu vào trong hang.  Con hổ rút chân ra, và cả bọn kéo nhau đi.  Có lẽ loài hổ Siberia cũng quen mùi của ông nên chúng để ông sống sót.

Người mình sợ hổ, tìm giết nhưng cũng thờ hổ.  Có nhiều câu tục ngữ ca dao về hổ.  Thí dụ như: “hổ dữ không nỡ ăn thịt con.”  Để chỉ trường hợp tiến thoái lưỡng nan không có cách giải quyết tốt đẹp, người Mỹ dùng từ “treading the tiger’s tail” câu này cũng tương tự như “lỡ leo lưng cọp.” Kẻ làm quan chức lớn nhưng không thật sự có uy quyền, bị người khác khinh lờn, người ta gọi là cọp giấy.  Gây hấn với người quyền cao tước trọng người ta gọi là “nhổ râu hùm.” (Thật ra, tôi chỉ thường nghe nói vuốt râu hùm, tôi mạo muội thay chữ vuốt bằng chữ nhổ cho nó có vẻ gay cấn hơn). 

Nhân nhắc câu nhổ râu hùm, tôi xin hầu một câu chuyện Linzi nhổ râu hùm tương truyền do thiền sư Sengai Gibon kể lại.  Có lần tôi được xem hai bức tranh thiền treo song song bên cạnh nhau.  Một bức vẽ Mazu miệng há rộng để hét, bức kia vẽ Linji với nắm đấm.  Ghi chú của hai bức tranh hơi khó hiểu.  “Một tiếng katsu, 3 ngày.”  Và “Nắm đấm vào mặt sư phụ.”

Linji và Mazu

Linji and Mazu.

Câu chuyện nắm đấm của Linji

Linji đi thăm vị ẩn sư Daiyu. Khi trở về Huangbo, sư phụ của Linji, hỏi: “Daiyu có nói gì không?” Linji kể lại những gì Daiyu đã nói.  Huangbo nói: “Lão Daiyu lắm lời, lần sau gặp lão ta sẽ đấm lão một phát.” Linji nói, “Sao phải chờ lần sau? Có ngay đây nè.” Linji vừa nói xong, liền giơ nắm tay đấm vào mặt sư phụ. Huangbo hét lên: “Gã điên này, dám nhổ râu hùm.  Hãy mang hắn ra phòng luyện võ cho ta.”

Thật tình tôi chẳng hiểu mấy câu chuyện của Thiền sư.  Chỉ biết những câu chuyện Thiền nghe không phải để hiểu mà để Thiền sinh xem những giai thoại này như một công án Thiền.  Nhắc lại ở đây vì nhớ câu chuyện khôi hài có cụm từ “nhổ râu hùm.”

Còn nói về sự bí hiểm của lòng người, chúng ta có mấy câu ca dao như sau:

Họa hổ họa bì nan họa cốt.
Tri nhân tri diện bất tri tâm
Ở xa không biết anh lầm
Bây giờ rõ mặt anh tầm nơi xa.


[1] Trích trong 21 Essential American Short Stories, edited by Leslie M. Pockell.  New York.  Thomas Dunne Books.  2011

[2] Xin lỗi độc giả, nguyên tác là harrowing ballet of circles.  Tôi không hiểu rõ nghĩa của từ này nên đoán bừa, hết vòng tròn này đến vòng tròn khác

[3] Những chữ in nghiêng về Pi và Richard Parker là trích đoạn trong quyển Life of Pi của Yann Martel.  Nguyễn thị Hải Hà dịch.

[4] Siberian Tiger Quest, DVD, PBS Thirteen, 2012

6 thoughts on “Những mẩu chuyện liên quan đến Hổ”

    1. Cám ơn Mai. Chúc Mai năm mới được dồi dào sức khỏe, vui vẻ, trẻ trung, và sớm được đi chơi trong nước ngoài nước.
      Giải đáp về số phận chàng dũng tướng của Mai cho thấy Mai là người chung tình dù có chết cũng chịu.

  1. mồng một được đọc toàn mẩu chuyện hay, cám ơn cô nhìu.
    con chúc cô và người thân mạnh khỏe, vui vẻ. con chúc cô năm nay chụp được nhiều tấm hình ưng ý.

    1. Gặp Sóc hôm nay cô mừng. Cám ơn lời khen của Sóc. Cô chúc cháu sang năm mới nếu có mơ ước gì thì được toại nguyện. Chúc cháu mỗi ngày đều có niềm vui. Giữ sức khỏe nhé. Mong cháu sớm được về thăm gia đình.

Leave a comment