Mẹ Hổ, Vợ Hổ, và Bà Chúa Hổ

Tản mạn – Nguyễn thị Hải Hà

Tranh Hổ Trên Tuyết của Hokusai. Ảnh của Wikipedia.

Bài này đã đăng ở Gió O. Khi đăng rồi tôi đọc lại và muốn thay chữ Phu Nhân thành Bà Chúa. Tôi đã lỡ đóng khung ý nghĩ chữ Lady dịch là Phu Nhân. Tuy vậy trong bài này, tôi nghĩ dịch chữ Lady thành Bà Chúa nghe “ngầu” hơn. Xin lỗi chủ biên Gió O nhé.

Trong vở kịch King Lear của Shakespeare, vua Lear có ba người con gái: Goneril, Regan, và Cordelia.  Tuổi già, muốn giảm bớt áp lực công việc triều chính, vua Lear tuyên bố sẽ chia ruộng đất cho các con.  Người nào yêu cha nhiều nhất sẽ được đất đai nhiều nhất.   Goneril và Regan được chia đất rất nhiều vì hai công chúa đều nói yêu cha rất đậm đà.  Cordelia từ chối không nói yêu cha nhiều đến mức nào.  Nàng bảo rằng tình yêu không thể diễn tả bằng lời.  Bị bắt buộc mãi nàng bảo sẽ dành phân nửa tình yêu cho cha, phân nửa còn lại sẽ dành cho người chồng.  Vua Lear nổi giận đem phần đất của Cordelia chia cho hai người chị.  Về sau, hai cô chị đều phản bội và âm mưu giết vua Lear.  Hành động độc ác của Goneril khiến Albany, chồng của Goneril, phải lên tiếng: “Mi là loài hổ cái chứ không phải là con gái của cha mi.”

Hổ to lớn, khỏe mạnh, có móng vuốt bén nhọn lại là loài ăn thịt do đó rất đáng sợ đối với loài người.  Cái gì hung ác dữ dằn người ta gán cho con hổ.  Phụ nữ Việt Nam rất sợ bị chê là dữ.  Đàn bà dữ bị gọi là hổ cái.  Văn chương Việt Nam chỉ ca tụng mẹ hiền, không có bà mẹ nào dữ cả.  Mẹ Việt luôn được ví von với những hình ảnh như dòng suối hiền ngọt ngào, như chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau, vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu.  Khi con cái không nên người, bà mẹ phải chịu lỗi. Con hư tại mẹ cháu hư tại bà.  Người Mỹ có vẻ như không sợ mang tiếng mẹ dữ, nếu sự dữ dằn này giúp họ nuôi con nên người.  Có người dám tự nhận là mẹ hổ.

Năm 2011 Amy Chua cho ra đời một quyển sách nói về cách dạy con cứng rắn của người mẹ Mỹ gốc Hoa. Quyển sách có tựa đề là Battle Hymn of the Tiger Mother, tạm dịch là Bài Ca Chiến Trận của Mẹ Hổ. Danh từ “mẹ hổ” nhanh chóng lan truyền từ truyền thông đến học đường và vào những cuộc trò chuyện trong gia đình. Hai đứa con của tôi, 21 và 18 tuổi lúc bấy giờ, tôi biết chắc chắn là chưa đọc quyển sách này (nhưng tôi thì đã đọc), trong một buổi sáng giúp tôi dọn tuyết lấp đầy lối đi vào nhà, đã nói chuyện với nhau cốt ý cho tôi nghe được. Cả hai đều phản đối cách dạy con của tác giả quyển sách. Con tôi, có lẽ, gián tiếp ngăn mẹ đừng biến thành mẹ hổ.

Quyển sách nằm trong danh sách bán chạy rất nhiều ngày, gây tranh cãi dữ dội vì tác giả tuyên bố rằng cách dạy con của cha mẹ Đông phương có kết quả tốt đẹp hơn cha mẹ Tây phương.  Tác giả đưa ra kết luận này sau khi phỏng vấn gần 50 người mẹ gốc châu Á và kể chuyện nuôi dạy con của chính tác giả đưa hai cô con gái ra làm thí dụ.

Amy Chua là luật sư, giáo sư, học giả, kiêm nhà văn.  Bà có hai con gái.  Cách giáo huấn nghiêm khắc của bà áp dụng thành công với cô chị, nhưng gặp sự phản kháng dữ dội của cô em.  Ngay ở bìa quyển sách bà có cho in một đoạn văn ngắn: “Đây là câu chuyện giữa bà mẹ và hai cô con gái.  Lẽ ra câu chuyện này sẽ thuyết phục người đọc là cha mẹ Đông phương nuôi dạy con thành công hơn cha mẹ Tây phương.  Nhưng trái lại, đây là một cuộc tranh chấp đắng cay của hai nền văn hóa và cái vinh quang của bên thắng cuộc lại rất phù du.”

Tôi đọc quyển sách đã lâu, chỉ còn một số chi tiết còn đọng lại trong trí nhớ.  Bà mẹ cho cô con gái lớn học piano.  Cô chị yêu đàn và đàn rất giỏi.  Cô gái và cả bà mẹ được nhiều người khen ngợi.  Được trớn, bà mẹ bắt cô em học violin.  Amy Chua cũng biết đàn piano khá giỏi.  Bà biết học violin khó hơn học piano nhưng bà tin cô em thông minh hơn cô chị.  Bà mẹ không bao giờ đánh đòn con, chỉ tước đi những quyền lợi cá nhân như đi chơi hay ngủ ở nhà bạn.  Những xung đột hằng ngày càng lúc càng trở nên nghiêm trọng.  Có lúc cô gái hét lên, “tất cả những cái gọi là thành công, mà mẹ muốn cho con thật ra chỉ là sự vinh quang tốt đẹp mẹ tìm cho mẹ, không phải cho con.”  Thậm chí, trong một cuộc du lịch, ở giữa một thành phố của nước Nga, cô gái đã hét vào mặt bà mẹ là “I hate you.”  Tôi thấy khó dịch câu nói đơn giản này, vì người Mỹ không dùng chữ phân biệt ngôi thứ.  Nói theo tiếng Việt câu này có nghĩa là tôi ghét bà hay con ghét mẹ.  Nếu dùng tôi ghét bà thì có vẻ nặng nề quá.  Câu kia lại không đủ chứa sự giận dữ của đứa con.

Một thắng một thua, như vậy xác suất thành công trong cách dạy con của Amy Chua là năm mươi phần trăm.  Thật ra, sau những cuộc gay cấn, mẹ con làm hòa với nhau.  Cả hai cô con gái của mẹ hổ đều thành công trong cuộc sống.  Mẹ hổ đã không uổng danh mẹ hổ.

Xuất bản cùng năm với quyển sách Mẹ Hổ là cuốn Vợ Hổ – The Tiger’s Wife của Téa Obreht.  Vợ Hổ là một người phụ nữ hiền lành, bé bỏng như trẻ con, vừa câm vừa điếc.  Nhân vật không có tên, tác giả chỉ dùng chữ Vợ Hổ để chỉ nhân vật.  Luka, chồng của Vợ Hổ là một tên đồ tể, có chút ít học vấn, biết đánh đàn, yêu âm nhạc, nhưng lại rất vũ phu.  Anh này tồi tệ hơn nhân vật đồ tể trong truyện ngắn Bài Thơ Trên Xương Cụt của Chinh Ba[1] nhưng để dịp khác sẽ bàn, cho khỏi lạc đề. 

Quyển sách Vợ Hổ có thể chia làm hai phần.  Một phần nói về Vợ Hổ.  Phần kia nói về một người nhân vật rất kỳ lạ, một người bị cố ý giết rất nhiều lần nhưng không bao giờ chết.  Người kể chuyện là Natalia.  Cô gái kể lại về mối liên hệ của mình và ông ngoại.  Ông ngoại của Natalia là bác sĩ trong bối cảnh chiến tranh của một quốc gia thuộc vùng Balkan.  Natalia về sau cũng theo chân ông ngoại trở thành bác sĩ.  Ông ngoại là người kể lại với Natalia về Vợ Hổ và người bất tử.  Vì năm nay là năm Dần, cầm tinh con Hổ, nên tôi chỉ lược thuật mạch truyện Vợ Hổ, dù mạch truyện người bất tử có phần ly kỳ hấp dẫn hơn.

Ông ngoại, Dr. Leandro, đưa Natalia đến sở thú thường xuyên.  Cả hai đều yêu thú vật, đặc biệt, ông Leandro rất yêu mến con hổ ông đã gặp từ thời thơ ấu.  Năm Leandro được chín tuổi, bom dội tàn phá thành phố, cậu bé phải di tản về nông thôn trong vùng núi Galina.  Con hổ trong sở thú, bị bom dội phá hủy chuồng, xổng ra chạy lạc về Galina.

Leandro ở với bà ngoại, Mother Vera.  Láng giềng của Leandro là Luka và người vợ, một cô gái 16 tuổi vừa câm vừa điếc.  Cô gái này không có tên.  Vì chuyện con hổ đi lạc xảy ra có ảnh hưởng đến cô gái, người ta gọi cô gái này là Vợ Hổ.

Luka không chủ ý cưới cô gái tật nguyền. Anh ta yêu Amana, con của một nhà buôn lụa Hồi giáo, giàu có ở trong vùng và là chị của cô gái. Trước ngày cưới của Luka với Amana, cô nàng bỏ trốn đi theo người y sĩ chữa bệnh cho cô. Ông bố của Amana túng thế đem cô em thế chỗ cho cô chị.  Luka mang vợ về nhà của bố để sống, nhưng bố của Luka có dã tâm muốn hãm hiếp cô con dâu.  Luka dọn ra riêng và mang cô gái theo.  Hắn mở cửa hàng bán thịt.  Mỗi lần lên cơn tàn bạo, không cần lý do gì cả, hắn đánh cô gái đến thập tử nhất sinh.  Cô được một người apothecary, ông lang vườn, bán dược phẩm trong làng, chữa cho sống lại.  Ông lang vườn là người theo Hồi giáo nhưng khôn khéo giữ kín tông tích.  Ông nhờ biết chữa bệnh nên có chút uy tín với dân trong làng.  Ông đe dọa Luka nếu cứ đánh đập cô vợ tật nguyền ông sẽ nói với dân làng đuổi Luka ra khỏi làng.

Khi con hổ đi lạc về Galina, dân làng tưởng con hổ là quái vật vì họ quê mùa đến độ chưa hề biết hình dáng con hổ.  Cậu bé Leandro nghe những người nông dân trong làng tả hình dáng con quái vật bắt thú họ nuôi trong nông trại, thì đoán biết con quái vật này là con hổ.  Leandro được ông lang vườn tặng cho quyển sách The Jungle Book trong đó có con hổ Shere Khan.

Cậu bé Leandro, về sau khi trở thành ông ngoại của Natalia, đã kể cho cháu nghe rằng, có một cô gái yêu thương hổ đến độ có thể biến thành hổ.  Vì lòng yêu thương cô gái dành cho con hổ, ngay cả có thể chết vì hổ cô cũng không màng, người dân vùng Galina cho rằng cô là Vợ Hổ.  Họ đồn con hổ đến với cô gái, trút bỏ lớp da để biến thành người ái ân với Vợ Hổ.  Hoặc cô gái đội lớp da hổ, biến thành hổ để làm vợ của nó.

Từ khi biết có hổ ở trên núi, hằng đêm vào làng tìm thức ăn, người ta lập bẫy để bắt hổ.  Chú bé Leandro ban đêm đi múc nước giếng mang về cho bà dùng thấy nhà xông khói ướp thịt trong trại của Luka có ánh lửa.  Chú bé vào nhà xông khói thì gặp con hổ ở trong đó.  Vợ Hổ cho hổ ăn thịt lợn và không có vẻ gì sợ hãi hổ.  Luka khám phá cô vợ đã mang thịt lên núi để nuôi hổ.  Vợ Hổ cũng lén gỡ bỏ tất cả những miếng mồi người ta dùng để nhử hổ.  Luka lại thêm một lần nữa đánh cô vợ đến gần chết.  Sau đó hắn cột cô gái ở trong nhà xông khói với dụng ý để hổ ăn thịt cô gái vì anh ta nghĩ là con hổ sẽ trở lại để tìm thức ăn.  Không hiểu tại sao cô gái không chết còn Luka thì bỗng dưng biến mất.  Người ta chỉ thấy vài mảnh thịt còn sót lại và cái áo khoác của Luka dính đầy máu trên núi.  Dân trong làng suy đoán anh ta bị hổ giết hoặc là vợ giết.  Vợ Hổ lại có mang, có thể là con của Luka trước ngày hắn ta biến mất, nhưng dân trong làng cứ xầm xì đó là con của Hổ.  Khi nàng sinh đứa con thì cả hai mẹ con bị ông lang vườn giết chết bằng thuốc độc.  Là người đọc, tôi đoán, vì Vợ Hổ là người Hồi giáo, lại bị dân làng nghi ngờ là vợ con hổ, bị nghi ngờ dùng hổ giết chồng. Apothecary cũng là người Hồi giáo, ý muốn giúp cô gái, chết nhẹ nhàng hơn bằng thuốc độc. Và cũng hy vọng giấu kín được tông tích Hồi giáo do đó sẽ bảo toàn mạng sống của ông ta.

Ông lang vườn bị lính Đức xử tử vì đã giết Vợ Hổ.  Leandro và Mother Vera rời bỏ làng.  Về sau Leandro trở thành bác sĩ, và là ông ngoại của tác giả.  Tác giả không nói tại sao ông lang vườn lại đầu độc hai mẹ con của cô gái tật nguyền.  Không biết ai chôn cất Vợ Hổ, không ai biết mộ của Vợ Hổ ở đâu.  Và cũng không ai tìm thấy con hổ.

p. 265 – 267 Trích đoạn quyển The Tiger’s Wife của Téa Obreht

Ở đấy, nơi hàng cây chạy nghiêng nghiêng xuống triền dốc rồi ôm vòng quanh ngọn núi, Vợ Hổ, vẫn đang mang hình dáng con người, tóc phủ vai, lom khom quỳ gối với hai cánh tay ôm đầy thịt lợn.  Chẳng thấy bóng dáng con hổ ở đâu cả, nhưng ở mảnh đất trống, khoảng năm đến bảy mét phía sau lưng chị ấy có một bóng người.  Cảm giác nhẹ nhõm của ông tôi[2] khi tìm được cô gái trở thành nỗi bất an chỉ vì bóng người này – hắn biến dạng, từ hình người biến thành bóng đen, rồi trở lại hình người – đó là gã thợ săn, Gấu Dariša, to khổng lồ và đứng thẳng lên, hắn sấn bước trên mặt tuyết với khẩu súng trên tay.

Ông tôi muốn hét lên để báo nguy, nhưng ông tôi bị vấp, ngã sấp mặt xuống tuyết.  Ông nín thở, chống tay đẩy mình ra khỏi tuyết.  Vợ Hổ không nghe thấy gì cả.  Chị ấy đang quì gối bên một khoảng trống, đào xới cái gì đó.  Gấu Dariša phóng tới đè lên người chị.  Ông tôi thấy gã túm lấy chị ấy, kéo chị ấy đứng dậy.  Chị ấy vùng vẫy như một con thú mắc bẫy; Dariša nắm chặt vai chị ấy, chị cúi gập người về phía trước cố chạy thoát, cánh tay còn lại vùng vẫy cố quơ quào móc mắt và túm tóc hắn ta.  Cổ họng chị thoát ra tiếng gầm gừ, khàn như tiếng ho.  Ông tôi có thể nghe tiếng răng của chị va vào nhau lập cập, rất mạnh và cứng rắn.

Bụng chị ấy rất to nên chị rất vụng về. Dariša ngã chúi về phía trước, đẩy chị chìm vào tuyết.  Chị ngã và bị tuyết che mất.  Ông tôi không thể nhìn thấy chị trong bóng tối, nhưng ông vẫn tiếp tục chạy về hướng chị.  Dariša quì gối lên.  Ông tôi đưa cánh tay về phía trước, hét to lên – một tiếng hú dài bất tận đầy sợ hãi, thù ghét, và tuyệt vọng – rồi phóng tới, nhào lên vai Dariša, và ngoạm mạnh vào lỗ tai của hắn.

Dariša không phản ứng nhanh chóng như người ta tưởng, có lẽ, bởi vì, trong phút chốc, gã tưởng kẻ đang cưỡi trên lưng gã là con hổ.  Rồi nhận ra kẻ ở trên lưng và đang cắn lỗ tai gã là một thằng bé gã vòng tay ra phía sau, ông tôi cố đeo cứng lưng gã, nhưng gã chộp được ông tôi và ném ông tôi xuống mặt đất.  Ông tôi lịm người đi.  Bên trên, rừng cây cao tít tắp, ngọn cây nhọn biến vào trong bóng tối.  Âm thanh chung quanh đầu ông lịm tắt trong tuyết.  Gương mặt hắn giận dữ, cổ hắn bị đẫm máu biến thành màu đen sậm, và gã Gấu Dariša, gieo cả sức nặng thân thể của hắn – kể cả đầu gối và cùi chõ – lên ngực của ông tôi.  Trước khi gã biết chuyện gì xảy đến, bàn tay của ông tôi mò trên tuyết rồi vớ phải cái gì đó lạnh lẽo và cứng rắn.  Ông giơ nó lên, chỉa thẳng vào mũi Dariša.  Có tiếng nổ khô khan.  Bất thình lình máu phun vọt ra. Dariša ngã chúi về phía trước đè lên ông tôi rồi bất động.

Ông tôi không đứng lên.  Ông nằm đấy, cảm thấy những sợi lông thú khô cứng trên cái áo khoác của Dariša rơi vào mồm, và nghe nhịp tim đập thình thịch, không biết là của mình hay của Dariša.  Rồi bàn tay nâu sậm rin rít vì dính máu của Vợ Hổ kéo lật xác Dariša sang một bên và kéo ông tôi đứng dậy.  Chị ấy trắng bệch như màu tro, làn da bên dưới mắt của chị trở nên căng cứng và xám ngắt vì sợ hãi.  Chị xoay gương mặt gã hết hướng này sang hướng khác, một việc làm vô ích, vì càng lúc mặt gã càng thụt sâu vào bên trong cái áo khoác.

Ông tôi lại tiếp tục chạy.  Vợ Hổ chạy bên cạnh ông, nắm chặt tay ông như thể chị ấy sợ bị ngã.  Chị ấy thở gấp, hổn hển, những âm thanh nhỏ bé bị nghẹn trong cổ chị ấy.  Ông tôi hy vọng chị ấy có thể gọi con hổ đến, nhưng ông tôi không biết làm cách gì, và làm thế nào.  Ông tôi cũng không biết là ông đang nắm tay chị ấy hay là chị ấy nắm tay ông.  Ông tôi chỉ biết chắc chắn là ông có thể chạy nhanh hơn, nhưng khi thấy Vợ Hổ một tay ôm cái bụng nặng nề, với đôi chân không giày của chị, ông chạy chậm lại và ông tôi nắm những ngón tay của chị ấy thật chặt.[3]

Vì biết hổ có thể ăn thịt người, nên hầu hết ai cũng sợ hổ.  Tuy nhiên cũng có người vì thích vẻ đẹp của hổ mà đâm ra yêu hổ.  Ông bác sĩ Leandro và Vợ Hổ trong quyển tiểu thuyết này, và Pi Patel, nhân vật trong quyển The Life of Pi, là những người yêu hổ hơn mức độ bình thường.  Không phải chỉ có nhân vật trong tiểu thuyết yêu hổ, mà sự thật, đời thường cũng có người yêu hổ, nuôi hổ để ngắm như thể hổ chỉ là con mèo to lớn.

Năm 1999 ở Jackson, New Jersey có một con hổ đi lạc vào khu vực dân cư.  Tiếng đồn, con hổ thuộc về bà Joan Byron-Marasek một người ở trong vùng.  Dù bà ấy nhất quyết bảo rằng con hổ không phải của bà nhưng vẫn bị điều tra và từ đó người ta biết bà nuôi bất hợp pháp 24 con hổ Bengal.  Joan Byron-Marasek được mệnh danh là Tiger Lady, Bà Chúa Hổ. Tháng Mười năm 2002 chồng của bà bị hổ cắn phải vào bệnh viện.  Tòa ra lệnh 24 con hổ phải được đưa đến trại nuôi hổ gần San Antonio, Texas.

Thế nào cũng có một vài bà mẹ hiền Việt Nam đôi lần ao ước có thể quất đứa con ngỗ nghịch một vài roi, nhất quyết không cho con mình ngủ ở nhà bạn, để tóc dài hay cắt tóc ngắn.  Cũng có những trường hợp dạy con cứng rắn quá khiến đứa trẻ trở nên nổi loạn.  Tôi không tin là người Á Đông dạy con thành công hơn các bà mẹ Tây phương, hay ngược lại.  Tốt nhất là tùy trường hợp tùy tính tình mà đối xử cứng rắn hay mềm mại.  Nói thì nói vậy, chứ dạy con thật chẳng dễ dàng, ai cũng có lần vấp váp, nhất là khi chúng ta đều thiếu kiên nhẫn hay thì giờ vì phải bươn chải lo toan cuộc sống.  Dù mệnh danh là mẹ hổ, tác giả Amy Chua cũng khuyên các bà mẹ là đừng tự trách mình nếu kết quả dạy con không được như ý.  Hãy cứ mạnh dạn nuôi dạy con theo khả năng hiểu biết và điều kiện mình có. 

Xin gửi câu chuyện Mẹ Hổ, Vợ Hổ, và Bà Chúa Hổ làm quà Tết cho bạn đọc.  Chúc bạn đọc được vạn sự như ý trong năm Nhâm Dần.

New Jersey 4 tháng Giêng 2022


[1] Đây là một truyện ngắn rất hay in trong tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ tháng 4 năm 1965.  Sưu tập và in lại trong Văn Miền Nam của Thư Quán Bản Thảo.

[2] ‘Ông’ của Natalia, người kể chuyện, lúc này chỉ là cậu bé chín tuổi.

[3] Nguyễn Thị Hải Hà dịch.

2 thoughts on “Mẹ Hổ, Vợ Hổ, và Bà Chúa Hổ”

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s