Vài loại chim

Chim bald head eagle (ó bạc đầu) đang nằm ổ

Đi đường trail Delaware and Raritan tôi thường đến chỗ này để thăm con ó bạc đầu đang nằm ấp trứng. Ó bạc đầu đẻ trứng khá sớm khoảng giữa hay cuối tháng 1 đã có vài con ó mái đẻ trứng và bắt đầu ấp. Tôi biết nhờ xem webcam của Duke Farms. Con ó trong ảnh không phải là con ó trong video của Duke Farms. Bạn nào tò mò muốn xem live stream ó bạc đầu ấp trứng thì link ở đây.

https://www.youtube.com/user/dukefarmsfdn/live

Thường thường, người yêu mến bảo vệ ó bạc đầu, không phổ biến chỗ ó làm tổ, sợ có người đến bắt chim con đem về nuôi hay bán. Tổ ó bạc đầu này ở bên kia sông Millstone, có lẽ không dễ gì đến gần. Khoảng hơn 2 miles từ Canal Park đi về hướng Weston Causeway, chỗ có dây cáp điện bắt từ đường trail sang bờ bên kia sông, có mấy cây sycamore trắng lóa mắt, chịu khó nhìn sẽ thấy tổ ó trên cây. Có lần tôi thấy con ó bạc đầu đậu trên vành tổ, còn bây giờ chỉ thấy cái đầu trắng. Mang ảnh về phóng lớn ra thì thấy được thêm cái mỏ màu vàng. Vài ba lần tôi gặp một phụ nữ mang máy chụp ảnh có gắn ống kính chụp xa đứng ngắm con ó. Ngó chiều dài ống kính tôi đoán nó ít nhất phải là 500 – 1500 mm. Chúng tôi trò chuyện dăm ba câu. Bà này chắc cũng cỡ 60, son tô đỏ choét. Bà có vẻ như giúp cơ quan nào đó của tiểu bang tình nguyện đi quan sát ghi chép tin tức về ó bạc đầu, loại chim quý có nguy cơ tuyệt chủng và là biểu tượng quốc gia Mỹ. Tuy vậy tôi cũng tự hỏi không biết bà ta có thuộc nhóm gian tà đi rình bắt chim con hay không.

Từ Canal Park đi về hướng Newsbrunwick độ 3 miles, bên kia sông cũng có một tổ ó bạc đầu, tuy nhiên lần đi bộ sau cùng ngang qua chỗ cái tổ đó không thấy có chim ấp và cũng không thấy con ó trống đậu trên ngọn cây cao canh gác. À, mà chỗ con ó đang ấp trứng tôi viết đoạn trên cũng không thấy ó trống đứng canh. Còn sớm quá chăng? Lúc nãy tôi mới thấy trong video của Duke Farms, ó trống thay thế ó mái ấp trứng. Ó mái xòe cánh, bay đi có lẽ tìm thức ăn.

Wood duck hay mandarin duck?

Ở trên ngọn cây cao thì ó bạc đầu ấp trứng. Cũng gần đó, có cống thoát nước mưa chảy mạnh, nơi đây tập hợp nhiều loại chim và vịt. Wood duck, nhìn giống như những con vịt bằng gỗ được sơn màu sắc sặc sỡ, rất nhỏ bé. Nhỏ hơn cả vịt mallard đầu xanh. Xa quá, ống kính 300mm không có chạc ba chân mắt già không mang kính, tôi chỉ chụp được thế này thôi. Bạn đọc tha lỗi.

Common merganser trong nắng sớm
Mallard duck, hai trống hai mái bất chợt cất cánh bay. Con trống có đầu màu xanh teal biêng biếc.

Sông Millstone có vẻ như là chỗ ở tốt cho mallard. Hạc xám luôn có mặt suốt mùa đông, ngày nào đi bộ tôi cũng nhìn thấy vài ba con. Vắng mặt từ hồi trời bắt đầu lạnh là chim cốc (cormorant), tôi bắt đầu thấy nhơ nhớ cái dáng đứng xòe cánh hứng mặt trời của tụi nó.

Có vẻ như loài người không mấy khen ngợi loài vịt. Tướng đi không đẹp thì cho là tướng đi vịt bầu. Bác sĩ dở thì gọi là quack, tiếng vịt kêu. Xuất hiện trong thơ văn Việt thì tiếng chim kêu buồn bã. Chiều chiều chim vịt kêu chiều. Bâng khuâng nhớ mẹ chín chìu ruột đau. Chín chìu hay chín chiều vậy các bạn? Chín chiều là chiều nào với chiều nào? Còn chín chìu thì có nghĩa không? Nếu có thì nghĩa của nó là gì? Khổ thật. Gần 70 mà tiếng Việt vẫn chưa thông.

Người Nhật có vẻ như làm thơ về vịt nhiều hơn

The sea darkens;
The voices of the wild ducks
Are faintly white.
Basho
Bản dịch ra tiếng Anh của R. H. Blyth trong quyển Haiku Winter.

Mặt nước biển đen sẩm
Tiếng kêu của chim vịt hoang dã
Mơ hồ trong màu sương
Nguyễn Thị Hải Hà dịch

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s